Những dòng sông tự kể: Hấp hối

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tận dụng dòng sông Kỳ Cùng chảy quanh xứ Lạng có độ dốc cao, nhiều ghềnh đá, nhiều nhà đầu tư tìm đến làm thủy điện. Trong 4 thủy điện đã tiến hành xây dựng công trình thì đa số rơi vào cảnh phập phù, “chết yểu”, chậm tiến độ kéo theo hệ lụy môi trường bị ảnh hưởng, dân tình bức xúc.
Bóp nghẹt dòng chảy
Nhà máy thủy điện Khánh Khê xây dựng trên sông Kỳ Cùng, thuộc địa bàn 2 xã Bình Trung (huyện Cao Lộc) và Khánh Khê (huyện Văn Quan), do Công ty cổ phần thủy điện Thác Xăng làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công năm 2009, nhưng do thiếu vốn, công trình phải ngừng thi công từ năm 2013. Đến năm 2018, dự án này mới được tái khởi động.
Cuối năm 2020, nhà máy bắt đầu tích nước để vận hành. Và hệ lụy đã xảy ra, dòng nước bị kìm hãm khiến hạ lưu sông Kỳ Cùng cạn trơ đáy, ảnh hưởng đến việc tưới tiêu, sinh hoạt của người dân các xã: Khánh Khê, Điềm He (huyện Văn Quan), Bình Trung (huyện Cao Lộc).

Dòng sông Kỳ Cùng trơ đáy mỗi khi thủy điện Khánh Khê tích nước. Ảnh: Duy Chiến
Dòng sông Kỳ Cùng trơ đáy mỗi khi thủy điện Khánh Khê tích nước. Ảnh: Duy Chiến
Ông Lý, người dân xã Khánh Khê chỉ cho chúng tôi thấy dòng sông Kỳ Cùng “chảy dặt dẹo” qua nhà rồi nói: Ngày xưa, Kỳ Cùng rộng lớn lắm. Nước quanh năm đầy ắp. Trẻ em từ mỏm đồi, cành cây ven suối nhảy ùm xuống, mãi mới thấy ngoi lên khỏi mặt nước. Từ khi có nhà máy thủy điện xuất hiện, nước ít dần.
“Tháng trước nước cạn trơ đáy, có lúc nước không chảy. Từ nhỏ đến giờ tôi chưa bao giờ thấy sông cạn kiệt như vậy. Thủy điện có tích nước, thì cũng phải xả để người dân tưới tiêu, sinh hoạt chứ trữ từ thượng nguồn khiến hạ du cạn kiệt thế biết lấy đâu nguồn nước để phục vụ sản xuất trong khi cuộc sống của chúng tôi chỉ trông chờ vào ruộng vườn. Nguồn thủy sản, con tôm, cua, ốc, cá gần như không thể sống nổi”, ông Lý bức xúc nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, tại giấy phép khai thác, sử dụng nguồn nước do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp cho nhà máy thủy điện Khánh Khê có quy định: Việc khai thác, sử dụng nguồn nước phải đảm bảo duy trì lưu lượng xả thường xuyên, liên tục, sau đập Khánh Khê không nhỏ hơn 3,1m3/s; Bảo đảm nguồn nước cung cấp cho công trình trạm bơm cấp nước sinh hoạt, nông nghiệp thuộc các xã: Bình Trung (Cao Lộc), Khánh Khê, Điềm He (Văn Quan), Nhạc Kỳ (Văn Lãng) và nhu cầu sử dụng nước của nhân dân địa phương.
Trao đổi vấn đề này với chính quyền địa phương, đại diện lãnh đạo xã Khánh Khê cho biết, những phản ánh của người dân là chính xác. UBND xã cũng đã tiếp nhận nhiều kiến nghị của người dân liên quan đến nguồn nước tưới tiêu sau khi thủy điện đi vào vận hành và đề nghị phía Công ty cổ phần thủy điện Khánh Khê phải đảm bảo duy trì dòng chảy tối thiểu, liên tục nhằm phục vụ sản xuất, sinh hoạt của bà con. Tuy nhiên, phía công ty không thực hiện đề nghị này khiến người dân địa phương lo lắng khi mùa vụ đến.
Liên quan đến thủy điện Khánh Khê, tháng 4/2022, ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn đã tiến hành kiểm tra và cũng phát hiện các vi phạm tại nhà máy này. Việc nhà máy thực hiện duy trì dòng chảy tối thiểu bằng việc xả nước qua 2 van xả đáy D=300mm lắp đặt trong nhà máy là không phù hợp với quy trình vận hành hồ chứa thủy điện đã được UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt (theo quy định trong quy trình vận hành hồ chứa thủy điện Khánh Khê thì việc vận hành duy trì dòng chảy tối thiểu ở khu vực hạ du hồ chứa được thực hiện thông qua cửa van đập tràn).
Ông Lý cho biết, đây không phải lần đầu tiên nhà máy thủy điện Khánh Khê không chấp hành quy định về dòng chảy tối thiểu mà hiện tượng này xảy ra liên tục, diễn ra nhiều năm qua.
“Ngày khởi công dự án, chủ đầu tư hứa với người dân, có thủy điện Khánh Khê nhiều hộ dân mất đất sẽ được tuyển làm công nhân, nước tưới sẽ lấy từ thân đập ra công suất cao hơn kênh mương cũ. Vị trí xây dựng thủy điện Khánh Khê, trước kia là hệ thống kênh mương dài hơn một ki-lô-mét, 2 trạm bơm được nhà nước đầu tư phục vụ tưới tiêu hơn 30 héc ta ruộng hai vụ lúa, hơn 50% số hộ dân trong xã được hưởng lợi từ kênh mương này. Nhưng dự án thủy điện Khánh Khê xây dựng đã phá hết hệ thống trạm bơm, đường dẫn nước tưới tiêu của cả xã. Hậu quả người dân ở đây phải gánh chịu hết sức nặng nề, hơn 200 hộ dân bị thiếu nước sản xuất, ruộng phải bỏ canh tác, vì phải trông vào nước trời”, ông Lý trình bày.
Linh thiêng Kỳ Cùng
Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, sông Kỳ Cùng chảy qua địa phận tỉnh Lạng Sơn minh chứng cho sự kiên cường bất khuất của quân và dân ta. Nhất là cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, con sông đã ghi dấu ấn đậm nét.
Tản bộ trên cây cầu Khánh Khê khá rộng rãi, vững chãi nối giữa hai huyện Văn Quan và Cao Lộc, ở giữa là con sông Kỳ Cùng, Đại tá Nguyễn Văn Khuỳnh, nguyên Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Lạng Sơn dõi mắt về phía xa xăm, xúc động cho biết: Cách cầu Khánh Khê mới này chừng 500 mét, ngày xưa có cây cầu Khánh Khê cũ, là chiến tích oai hùng 12 ngày đêm của năm 1979, cán bộ chiến sỹ Sư đoàn 337 anh hùng đã đánh bật 18 đợt tấn công của quân xâm lược với ý đồ của địch là vượt sông Kỳ Cùng, vu hồi về điểm cao Sài Hồ- Đồng Mỏ hòng bao vây, cô lập thị xã Lạng Sơn.

Các cựu chiến binh tưởng niệm đồng đội đã ngã xuống sông Kỳ Cùng, bảo vệ cầu Khánh Khê năm 1979. Ảnh: Duy Chiến
Các cựu chiến binh tưởng niệm đồng đội đã ngã xuống sông Kỳ Cùng, bảo vệ cầu Khánh Khê năm 1979. Ảnh: Duy Chiến
Chính vì vậy, quân xâm lược huy động hàng quân đoàn với hàng trăm pháo các loại cùng dân binh với thế “biển người” đánh chiếm các điểm cao của ta. Cuộc chiến đấu giằng co, quyết liệt giữa một bên là bộ đội ta quyết giữ cầu Khánh Khê và quân địch quyết vượt cầu kéo dài suốt nhiều ngày. Với tuyến phòng thủ này, ta đã tiêu diệt chừng 2.000 tên địch, triệt phá 8 xe tăng, đánh bật kẻ xâm lược ngược trở lại bên kia sông Kỳ Cùng.
Theo Đại tá Khuỳnh, từ khi xây dựng công trình thủy điện Khánh Khê, và lũ lụt hàng năm cây cầu cũ ghi chiến công của sư đoàn 337 bị hư hỏng, chìm trong dòng nước, bây giờ chỉ trong ký ức, hoài niệm.
Văn phòng UBND tỉnh Lạng Sơn đã có văn bản số 1693/VP-KT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu yêu cầu ngành chức năng của tỉnh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành quy trình vận hành hồ chứa thủy điện Khánh Khê, kịp thời xử lý những vi phạm nếu có.
Chúng tôi cùng các cựu chiến binh Sư đoàn 337 trở lại thăm chiến trường xưa mà không khỏi bồi hồi, xúc động. Những người lính tóc bạc tìm chỗ nước sâu nơi con sông Kỳ Cùng chảy qua cầu Khánh Khê để thả những nhành hoa thơm cho đồng đội đã ngã xuống. Họ vục những giọt nước đỏ quạch phù sa lên mặt như tự tưới mát tâm hồn mình.
Ánh chiều tà buông xuống phía đồi Pác Péc tím sẫm. Mây bay vần vũ soi bóng xuống lòng sông Kỳ Cùng le lói. Đại tá Nguyễn Văn Khuỳnh thoáng chốc thả ánh nhìn về các công trình thủy điện trong con nước khi vơi, khi đầy. Tôi nghe người lính già này thở dài, trăn trở…
Xứ Lạng, cuối tháng 8 năm 2022
(Còn nữa)
Theo Nguyễn Duy Chiến (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.