Những dòng sông tự kể: Một huyền thoại chết dần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dòng sông Ba cất giấu nơi vùng đất Gia Lai bao bí ẩn từ dấu vết gần triệu năm của loài người đến nguồn nước mát quanh năm phục vụ đời sống cư dân dọc con sông. Nhưng nay, dòng sông huyền thoại ấy đang chết dần.
Nguồn thủy sản bị tận diệt
Sông Ba chảy qua lãnh thổ Gia Lai giống như chàng trai Xê Đăng, Ba Na lực lưỡng và kiêu hãnh vượt đồi núi để ban tặng nguồn nước làm dịu mát vùng đất nóng nhất của vùng này. Nếu không có dòng sông Ba cây cối hay con người ở các huyện Kông Chro, Đắk Pơ, Kbang, thị xã An Khê, Ia Pa, Ayun Pa phải sống như ở sa mạc.
 
Đoạn sông Ba uốn lượn quanh đèo Tô Na với núi non trùng điệp
Đoạn sông Ba uốn lượn quanh đèo Tô Na với núi non trùng điệp
Dưới chân đèo Tô Na, sông Ba uốn lượn chứa vô số các loại thủy sản là nguồn đặc sản cho người dân nơi đây. Nhưng từ khi xuất hiện thuỷ điện chặn ở xã Ia Rsươm (Krông Pa) nguồn thuỷ sản không còn trù phú, cá chình, lăng, phá… dần ít đi. Người dân sống bằng nghề chài lưới dọc khúc sông này chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Vợ chồng ông Huỳnh Văn Tấn (46 tuổi, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa) đã gắn bó hơn 7 năm với việc mưu sinh trên dòng sông Ba. Người đàn ông nước da đen nhẻm, đầu trần giữa tiết trời nắng gắt đang chuẩn bị đi đánh cá. Ông Tấn chia sẻ: “Cá chốt thích dòng nước ở ngã ba sông, nơi có hai dòng nước hội tụ. Loài cá này rất khó bắt nên chỉ ai thả lưới lâu năm hiểu được tập tính nó mới bắt được”. Người đàn ông này không biết bơi, mỗi ngày vẫn chòng chành trên sông, bởi ông còn phải nuôi 3 đứa con nên bất chấp nguy hiểm mưu sinh.
Một cuộc săn cá chốt ông Tấn sẽ thả khoảng 20 tay lưới (mỗi tay lưới dài 30m) chia làm hai lần vào hửng sáng và cuối chiều. Ông Tấn cho biết, lưới bắt cá chốt có mắt nhỏ, không nên thả lưới giữa sông mà thả chỗ ven bờ có hẻm đá sẽ có nhiều cá chốt. Cả ngày vất vả trên thuyền nhưng mớ cá chốt hôm nay ông Tấn mang về nhà chỉ một mớ nhỏ. Cá chốt nhìn giống cá trê và cá lăng nhưng giống cá này nhỏ hơn nhiều, con to nhất chỉ tầm 3 lạng.
“Hồi mới tới vùng này, chèo thuyền dọc sông Ba, tôi thấy nhiều cá ngửa bụng, nổi trắng cả một góc sông, xót lắm. Tìm hiểu mới biết là do người ta sử dụng xung điện để bắt cá. Tôi không thể làm như họ, thấy ai bắt cá như vậy tôi nhắc ngay, không được sẽ báo chính quyền”, ông Tấn cho biết.
Sông Ba đã… chết
Nhà thơ Văn Công Hùng, người dành cả cuộc đời để tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên chia sẻ với tôi rằng, các con sông ở Tây Nguyên vô cùng thú vị, mỗi nơi có văn hoá, câu chuyện khác nhau. Như trên sông Ba người Tây Nguyên quần tụ tạo nên một nền văn hóa vô cùng đặc biệt khi “lai” giữa văn hoá nương rẫy với sông nước.
Nói về sông Ba, nhà thơ nhận định sông Ba đang bị hủy diệt bởi chính con người. Nhà thơ lấy ví dụ: Các huyện thị nơi hạ nguồn sông Ba (thị xã Ayun Pa và huyện Krông Pa) có địa danh gắn với sông Ba như: Bến Mộng, thung lũng Hồng, chân trời Tím khung cảnh thơ mộng, đẹp hoang dã và đơn sơ. Cảnh ấy giờ chỉ còn trong dĩ vãng.
Nhà thơ chỉ rõ: “Thủy điện An Khê Ka Nác ngăn sông nắn dòng rót nước sang sông khác. Gần chục công trình thủy điện từ An Khê đến Phú Yên đã xẻ nát con sông này, biến sông Ba thành dòng sông thủy điện”.
Theo nhà thơ, oái oăm của thủy điện này là nó không trả lại nước cho sông Ba mà làm một con sông nhân tạo để đổ nước về sông Côn, Bình Định, “báo hại” toàn bộ hạ lưu sông Ba từ thị xã An Khê đến Krông Pa thành con sông chết. Nếu đoạn qua thị xã An Khê sông trơ đáy khiến hàng vạn người trong khu vực khốn khổ, không chỉ vì không có nước, mà còn bị ô nhiễm trầm trọng, thì đoạn phía dưới, Ayun Pa và Krông Pa có hiện tượng nước đổi thành màu xanh và bốc mùi hôi thối.
Nhà thơ chia sẻ, bản thân đã đi nhiều nơi nhưng chưa thấy ở đâu có khí hậu lạ như ở Krông Pa. Nóng thì đã đành nhưng nó cứ hầm như một cái “nồi rang”. Và sông Ba trở thành cứu tinh cho vùng đất này. Kể thế để thấy sông Ba quan trọng thế nào với huyện Krông Pa nói riêng, hạ du nói chung, nhưng giờ nó đã bị bức tử.
Cội nguồn loài người trên sông Ba
 
Các di tích được tìm thấy đã được lợp mái bảo vệ cẩn thận
Các di tích được tìm thấy đã được lợp mái bảo vệ cẩn thận
Những bí ẩn sâu thẳm trong lòng đất dần lộ diện qua những cuộc khai quật, hé mở một cách chân thực, sinh động về cuộc sống của tổ tiên chúng ta.
Giữa năm 2014 trong một chuyến điều tra khảo sát, thăm dò, đến phường An Bình (thị xã An Khê), PGS.TS Nguyễn Khắc Sử (nguyên Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Khảo cổ học Việt Nam) thấy người dân xúc đất bằng máy ủi, ông đã đến tận nơi đang đào đất thấy những công cụ cổ xưa của loài người. Chỉ vài tháng sau, các di tích được thẩm định và đưa vào chương trình hợp tác quốc tế Nghiên cứu quá khứ xa xưa của Việt Nam giữa Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Khảo cổ- Dân tộc học Novosibirsk, Viện Hàn lâm khoa học Công hòa Liên bang Nga.
Di tích Gò Đá ở phường An Bình lộ ra bên bờ phải và cách sông Ba tầm 1,5 km. Trong các lớp khai quật đã tìm thấy 58 hiện vật đá như mũi nhọn, nạo, hòn ghè... Còn các di tích Rộc Tưng ở xã Xuân An (thị xã An Khê) được phân bố trên các gò lượn sóng, xung quanh là các bồn địa khe suối ven bờ sông Ba.
PGS.TS Nguyễn Khắc Sử chia sẻ, những nghiên cứu khoa học về Rộc Tưng-Gò Đá không chỉ là nguồn tư liệu phong phú nghiên cứu lịch sử hình thành văn hóa nhân loại mà còn là những tư liệu quý khẳng định và bảo vệ chủ quyền dân tộc. Đây chính là tuyên bố chủ quyền hoàn toàn thuyết phục dựa trên khoa học, lịch sử, khảo cổ học được thế giới công nhận.
Theo PGS.TS Tống Trung Tín- Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, những phát hiện khảo cổ học ở thung lũng An Khê đã bổ sung vào bản đồ sơ kỳ Đá cũ của thế giới và con đường hình thành văn hóa đầu tiên của nhân loại, được Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga bổ sung vào nội dung của tập 3 Lịch sử thế giới. Theo PGS.TS Tống Trung Tín, với giá trị mang tầm quốc tế, di tích Rộc Tưng-Gò Đá cần được nâng cấp ngay lập tức để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Theo PGS.TS Tống Trung Tín đánh giá, những phát hiện khảo cổ ở khu vực này có nét gần với kỹ nghệ châu Âu, nói lên tính thế giới, đặc biệt là tính tiến bộ của người tiền sử khu vực Tây Nguyên. Nếu có chương trình ký kết với Viện Hàn lâm Khoa học Nga để tiếp tục nghiên cứu về Rộc Tưng-Gò Đá đó phải là nghiên cứu chuyên sâu để làm sáng tỏ những giá trị mang tính quốc tế mà các nhà khoa học từng công bố. Nếu đề nghị di sản thế giới, ngay từ bây giờ cần tính đến phương án khoanh vùng, bảo vệ ở tầm cao hơn.

(Còn nữa)
Theo Lê Tiền (TPO)

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.