Những điểm đáng chú ý trong tháng cuối cùng trước Ngày Bầu cử của nước Mỹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chỉ còn một tháng nữa là đến Ngày Bầu cử - chấm dứt một cuộc đua vào Nhà Trắng đầy biến động, với một ứng viên hai lần bị ám sát “hụt” và sự trỗi dậy của nữ ứng viên tranh cử da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa ở bang Wisconsin ngày 17/7/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa ở bang Wisconsin ngày 17/7/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Hiện cả hai ứng viên đều đang tất bật tới các bang chiến địa nhằm thuyết phục cử tri dành lá phiếu cho mình trong khi công tác chuẩn bị cho Ngày Bầu cử tại các bang cũng đã được triển khai.

Quá trình bỏ phiếu sớm và bỏ phiếu qua thư đã diễn ra ở nhiều nơi trên đất nước, mặc dù việc bỏ phiếu sớm dự kiến sẽ không đạt đến mức độ như trong cuộc bầu cử năm 2020 – thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19. Về phần mình, cựu Tổng thống Donald Trump vẫn tỏ ra hoài nghi về việc bỏ phiếu qua thư, nhưng đảng Cộng hòa đang áp dụng thông lệ này ở các tiểu bang quan trọng trong năm nay để theo kịp lợi thế của đảng Dân chủ.

Bên cạnh đó, chiến lược vận động của ông Trump cũng có khác biệt trong năm nay. Thay vì gõ cửa từng nhà ở các tiểu bang quan trọng, các đồng minh của ông Trump đang sử dụng nguồn tài trợ từ tỷ phú công nghệ Elon Musk để làm một số hoạt động không theo truyền thống.

Theo đài CNN, chiến lược lần này của đội ngũ ông Trump là nhắm mục tiêu vào những cử tri không bỏ phiếu thường xuyên, hướng dẫn những người ủng hộ cách giám sát các điểm bỏ phiếu và tấn công các tiểu bang bằng các vụ kiện liên quan đến bỏ phiếu. Chiến dịch tranh cử của ứng viên đảng Cộng hoà thừa nhận rằng đây là một canh bạc, nhưng họ khẳng định canh bạc này được xây dựng dựa trên dữ liệu mà họ đã thu thập trong gần một thập kỷ và thử nghiệm cẩn trọng trong sáu tháng qua.

Tiếng nói của người nổi tiếng

Trong tháng cuối quyết định, những nhân vật nổi bật trong giới chính trị như cựu Tổng thống Barack Obama sẽ tham gia vận động để thu hút cử tri cho Phó Tổng thống Kamala Harris. Theo một bài viết trên CNN, ông Obama lên kế hoạch cho một cuộc vận động kéo dài 27 ngày cho bà Harris. Ông sẽ xuất hiện tại các sự kiện và cho mượn tên của mình trong các email và tài liệu gây quỹ.

Trong khi đó, một số đảng viên Cộng hòa bất mãn với ông Trump như cựu nghị sĩ Liz Cheney cũng sẽ vận động cho bà Harris và cố gắng thu hút những cử tri ôn hòa, độc lập và thậm chí cả những người cử tri Cộng hòa muốn thay đổi.

Đối với ông Trump, cựu Tổng thống Mỹ sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ người đàn ông giàu nhất thế giới, Elon Musk. Trong một sự kiện gặp người ủng hộ tại bang Pennsylvania – nơi ông Trump suýt bị ám sát hồi tháng 7, tỷ phú Musk đã xuất hiện trên sân khấu và kêu gọi cử tri đi bỏ phiếu.

Tuy nhiên, sẽ có ít nhân vật có tiếng nói trong đảng Cộng hoà mà ông Trump có thể nhờ cậy. Trong khi cựu Tổng thống đảng Cộng hòa George W. Bush không phải là một người ủng hộ mạnh mẽ thì phó tổng thống Dick Cheney đã tuyên bố bỏ phiếu cho bà Harris.

Cơn bão Helene ảnh hưởng đến việc bỏ phiếu như thế nào?

Một nhà hàng bị phá hủy sau khi bão Helene quét qua Asheville, bang North Carolina, Mỹ ngày 1/10/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Một nhà hàng bị phá hủy sau khi bão Helene quét qua Asheville, bang North Carolina, Mỹ ngày 1/10/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Bắc Carolina và Georgia đều là hai tiểu bang bầu cử quan trọng nằm trong khu vực thảm họa do bão Helene gây ra.

Các nhân viên cứu hộ vẫn đang cố gắng tìm kiếm những người mất tích, đặc biệt là ở các vùng nông thôn của Bắc Carolina – nơi đang bị biệt lập và bị cắt đứt viện trợ. Trong bối cảnh thảm hoạ diễn ra, các bên chiến dịch tranh cử sẽ phải xem xét liệu những người thiệt mạng, mất nhà cửa và đường sá hư hỏng có ảnh hưởng đến việc cử tri đi bỏ phiếu hay không.

Tình hình thế giới có tổn hại sức hút của bà Harris?

Đảng Dân chủ đang cố gắng vượt qua sự chia rẽ trong nội bộ đảng về tình hình ở Trung Đông. Trong khi những người theo chủ nghĩa tiến bộ muốn Mỹ làm nhiều hơn cho người dân Palestine thì nữ ứng viên Harris đã cố gắng rất nhiều để cân bằng giữa việc ủng hộ Israel với việc công nhận cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza.

Hiện tại, cuộc xung đột giữa Israel với Hezbollah đã lan sang Liban và thậm chí còn “manh nha” các đợt hoả lực từ phía Iran.

Không rõ cuộc chiến tranh khu vực đang gia tăng ở Trung Đông sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Mỹ, nhưng một sự chia rẽ âm ỉ trong đảng Dân chủ có thể sẽ trở thành vấn đề đối với đảng này, đặc biệt là ở tiểu bang quan trọng Michigan.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu trong cuộc vận động tranh cử ở Savannah GA ngày 29/8/2024. Ảnh: AA/TTXVN
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu trong cuộc vận động tranh cử ở Savannah GA ngày 29/8/2024. Ảnh: AA/TTXVN

Các cuộc chiến pháp lý nhằm vào ông Trump

Rõ ràng sẽ không có phiên tòa xét xử liên bang nào về các hành động can thiệp cuộc bầu cử năm 2020 dành cho ông Trump vào thời điểm trước Ngày bầu cử. Nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ không có diễn biến nào trong vụ kiện bị trì hoãn nhiều lần này.

Mới đây, hồ sơ vụ án do cố vấn đặc biệt Jack Smith thực hiện đã được Thẩm phán Tanya Chutkan công bố công khai. Trong báo cáo này xuất hiện nhiều chi tiết mới, được cho là có khả năng khiến cử tri thay đổi suy nghĩ về việc bỏ phiếu cho ai.

Chuyện gì xảy ra sau Ngày Bầu cử

Việc kiểm phiếu qua thư và khả năng kiểm phiếu lại ở các tiểu bang quan trọng có nghĩa là nước Mỹ vẫn có thể sẽ không biết ai thắng cử ngay sau khi các cuộc thăm dò kết thúc vào ngày 5/11.

Bất kể điều gì xảy ra với cuộc bầu cử năm 2024, ông Trump được cho là khó có thể chấp nhận kết quả nếu bà Harris thắng cử. Các đồng minh của ông đang chuẩn bị cho một cuộc chiến pháp lý sau Ngày bầu cử để tranh chấp phiếu bầu và có khả năng là chứng nhận kết quả bầu cử, phải hoàn tất trước ngày 11/12 để các cử tri tập trung tại các thủ phủ tiểu bang và chính thức bỏ phiếu đại cử tri vào ngày 17/12.

Phiếu đại cử tri sẽ được kiểm tại Quốc hội, dưới sự chủ trì của Phó Tổng thống Harris vào ngày 6/1/2025. Tổng thống mới sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2025.

Theo Bảo Hà/Báo Tin tức

Có thể bạn quan tâm

Tổng thống Hàn Quốc lâm vào đường cùng

Tổng thống Hàn Quốc lâm vào đường cùng

(GLO)- Trong bối cảnh sức ép gia tăng sau nỗ lực ban bố thiết quân luật bất thành trong tuần này, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ngày 6/12 cam kết lắng nghe và xem xét kỹ lưỡng những lo ngại của lãnh đạo đảng Quyền lực quốc dân (PPP) cầm quyền.

Người dân nhận thực phẩm cứu trợ tại Deir al-Balah, Dải Gaza ngày 23-11. Ảnh: THX/TTXVN

Israel bị cáo buộc “tiến hành diệt chủng” đối với người Palestine tại Dải Gaza

(GLO)- Ngày 5-12, Hãng tin AFP cho biết, Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc Israel “tiến hành diệt chủng” đối với người Palestine tại Gaza kể từ khi chiến sự xảy ra. Tuy nhiên, Israel đã nhiều lần kiên quyết bác bỏ các cáo buộc diệt chủng, đồng thời cáo buộc Hamas lợi dụng người Palestine làm lá chắn sống.