Những cuộc tình đẹp ở làng 'Ba quốc tịch'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đó là làng Đăk Me, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, nơi sinh sống của tộc người B’râu.
Không chỉ nổi tiếng với địa danh Ngã ba Đông Dương, nơi một tiếng trẻ cười 3 nước đều nghe, mà còn có những câu chuyện tình yêu rất thú vị. Đó là hàng chục cặp vợ chồng giữa người Việt với “nửa kia” là người Lào hoặc Campuchia. Để đến được với nhau, họ đã vượt qua không ít khó khăn. 
5 lần "vượt biên" cầu hôn
Chúng tôi đến nhà trưởng làng Đăk Me Thao Lợi khi những ngôi nhà nhỏ đã sáng ánh đèn. Gặp chúng tôi, ông Thao Lợi mừng rỡ, nói: “Hôm nay lại vui rồi”. Sau khi chào hỏi, chúng tôi vào thẳng vấn đề. Nghe xong, Thao Lợi bảo: “Mấy cặp vợ chồng Lào - Việt, Campuchia - Việt trong trong làng nhiều mà. Chuyện tình yêu của tụi nó cũng thú vị lắm. Nhưng phải đi luôn, mấy cặp vợ chồng trẻ này đàn gà chưa ngủ chúng nó đã tắt đèn rồi”. Vừa nói vừa cười, xong ông xỏ dép, dẫn chúng tôi đi.
 
Trưởng làng Thao Lợi đang trò chuyện với phóng viên
Chủ nhân của ngôi nhà nhỏ đầu tiên Thao Lợi dẫn chúng tôi đến là Dara Bamon, 37 tuổi, chàng trai Campuchia và vợ Việt tên Nàng Mỹ Anh, 23 tuổi (từ Nàng của người B’râu để chỉ nữ giới, còn nam giới là chữ Thao, tương tự 2 từ “Thị” và “Văn” của người Kinh). Sau vài phút là quen, biết mục đích chuyến viếng thăm của khách, Dara Bamon hào hứng khoe: “Mình 5 lần từ nhà sang Việt Nam cầu hôn, vợ mới đồng ý đấy”. Nói xong, anh quay sang nhìn vợ, cả 2 cười khúc khích.
Bamon cho kể, anh làm việc trong Khu bảo tồn thiên nhiên huyện Ta Veaeng. Do có họ hàng với trưởng làng Thao Lợi nên thình thoảng anh lại sang thăm. Trong một lần như thế, anh tình cơ gặp Nàng Mỹ Anh. “Lần đầu nhìn thấy ánh mắt vợ, mình thích ngay. Về cứ nghĩ đến vợ. Mình nhớ lắm nhưng không biết làm sao. Nỗi nhớ mỗi ngày càng nhiều hơn, mình nhờ bác Thao Lợi làm cầu nối, đánh tiếng để xem Mỹ Anh có ưng cái bụng không. Lần đầu không được, mình quay trở lại Bờ Y. Mất nửa năm trời, mình đi xe máy qua biên giới để ngỏ lời cầu hôn với Mỹ Anh thì vợ mới đồng ý đấy”, Bamon nhớ lại.
Còn Nàng Mỹ Anh kể, trong một tháng đầu, cứ vào ngày thứ Bảy, khi được nghỉ làm là Bamon lại cưỡi xe máy chạy sang thăm mình. “Mỗi lần gặp là chồng lại bảo muốn lấy mình, nhưng mình không đồng ý vì lấy chồng bên đó xa quá. Lần thứ 5, Bamon đến lúc mình đi làm rẫy. Chiều tối mới về đến nhà, thấy Bamon đứng trước cửa, người xe dính đầy bùn đất. Vừa nhìn thấy mình, Bamon chạy lại, cầm chặt tay mình rồi nói: “Anh nhớ em lắm. Em lấy anh làm chồng đi, lúc đó mình mới thấy thương. Chồng “lỳ” lắm đó”, Nàng Mỹ Anh cười, kể lại.
 
Cặp vợ Việt Nàng Mỹ Anh và chồng Campuchia Dara Bamon cùng cô con gái
Cuối cùng, tình yêu chân thành của chàng trai Campuchia cũng đã khiến trái tim cô gái Việt phải “mềm”. Vào một đêm trăng sáng, Nàng Mỹ Anh gọi điện thoại cho Bamon, ngập ngừng kêu anh chuẩn bị lễ vật sang hỏi cưới khiến anh nhảy cẫng lên vì hạnh phúc. Một năm sau, ngôi nhà nhỏ tràn ngập tiếng cười khi bé đầu lòng Nàng Dara chào đời.
Mặc dù, ngôi nhà nhỏ vợ chồng Bamon ngoài bộ bàn ghế, chiếc giường cũ và vài vật dụng sinh hoạt trong nhà bếp ra, không có tài sản gì đáng giá, nhưng trong ánh mắt họ, đang lấp lánh niềm hạnh phúc.  
Tỏ tình xuyên biên giới
Ngôi nhà thứ hai Thao Lợi dẫn chúng tôi đến là của chàng rể Lào tên Ching Pheng và cô vợ Việt là Y Nham. Ching Pheng khá điển trai với mái tóc hơi xoăn bồng bềnh và nụ cười hiền, tâm sự: “Mình rất hạnh phúc khi có vợ hiền, chăm chỉ và thương chồng. Mỗi lần về Lào mình đều khoe với bạn bè mọi người, bạn mình thích lắm”.
 
Chú rể Lào Ching Pheng và vợ Y Nham
Nói về mối lương duyên với cô gái Việt, Ching Pheng hồ hởi kể, cách đây 3 năm, trong một lần Y Nham sang rừng Atapeu của nước bạn hái thuốc cùng em gái, bị 1 con gấu rừng tấn công. Y Nham hoảng hồn vừa bỏ chạy vừa hét vang rừng. Lúc đó anh đang hái củi gần đó, nghe tiếng kêu cứu, anh vội vàng lao đến. “Mình cầm cây rựa chặt củi to, vừa che chắn cho cô gái đang xanh mặt, vừa dứ dứ về phía con gấu. Nó thấy vậy gầm gừ 1 vài tiếng rồi quay đầu lẩn vào rừng. Mình đưa Y Nham về nhà chữa trị mấy vết thương nhỏ, nghỉ ngơi lấy lại bình tĩnh rồi đưa cô về tận nhà bên Việt Nam. Mục đích là để biết nhà, sau này còn sang nữa”, Chinh Pheng kể xong, nhìn vợ cười.
Sau lần đó, cả hai người giữ liên lạc, thường xuyên gặp nhau ở khu vực cửa khẩu Bờ Y. “Hồi đó, sau khi gặp vài lần, tụi mình thích nhau rồi, dù chưa tỏ tình, nhưng ai cũng muốn gặp người kia. Nhiều hôm trời mưa, mình vẫn vượt 40 cây số đường rừng sang cửa khẩu gặp cô ấy”, Ching Pheng kể. Tình cảm lớn dần, rồi một ngày Ching Pheng hẹn gặp Y Nham ở cửa khẩu, họ đứng 2 giữa ranh giới 2 nước, chàng trai tỏ tình, cô gái e thẹn đỏ mặt rồi nhận lời. Sau đó không lâu, họ thành vợ chồng. 
Cũng giống Ching Pheng, trong một lần chở hàng sang nhập cho siêu thị Bờ Y, chàng trai Lào tên Xeng Hon thấy một cô gái nằm bất tỉnh bên vệ đường vắng. Do cô gái đã ngất xỉu, không thể ngồi sau xe, nên sau vài phút suy nghĩ, anh quyết định để xe lại và cõng cô gái chạy đến trạm y tế cửa khẩu nhờ các chiến sĩ biên phòng cứu chữa. Cô gái ấy là Nàng Tuyn, ở làng Đăk Me, sau này là vợ Xeng Hon. “Bữa đó mình đi hái thuốc, bị cảm mưa rồi bất tỉnh không biết gì hết, tỉnh dậy thì thấy một anh người Lào biết nói tiếng Việt. Ban đầu mình hốt hoảng nhưng sau khi các anh bộ cửa khẩu nói đó là người tốt đã cứu mình, nên mình tin. Sau lần đó, mình về cứ thấy cái bụng nhớ nhớ nên thỉnh thoảng lại lên cửa khẩu, chỉ để nhìn thấy Hon”, Nàng Tuyn kể.
 
Đường lên Ngã Đông Dương
Tình cảm nảy nở nhưng do không biết dùng điện thoại di động và bất đồng chữ viết nên mỗi lần nhớ nhau là Hon và Tuyn hẹn gặp nhau trực tiếp ngay cửa khẩu. Có lần, cả tuần không thấy Hon chở hàng sang, Tuyn cứ tưởng Hon đã thay lòng đổi dạ, không muốn gặp mình nữa, nên buồn lắm. “Một lần, đang thẫn thờ chỗ tụi mình hay gặp nhau thì một anh bộ đội chạy ra bảo Hon gọi điện thoại sang nhờ nhắn cho Tuyn nói Hon ốm nặng lắm, không sang được, khi nào khoẻ Hon sẽ sang. Nghe vậy, mình khóc hết nước mắt, chỉ muốn sang tận nơi chăm sóc, nhưng không biết nhà”, Nàng Tuyn xúc động kể.
Sau lần đó, cả 2 cùng nhờ các anh bộ đội dạy học tiếng của nhau, rồi khi bập bẹ được những câu cần nói, Tuyn đã chủ động nói: “Em muốn lấy anh làm chồng” với Hon. Lúc này, chàng trai mới thú thật rằng, anh đã yêu Tuyn từ lâu, nhưng…ngại không dám ngỏ. “Tình yêu của bọn mình hay lắm, ban đầu, chưa hiểu hết tiếng nhau, nên mỗi khi gặp nhau, cử chỉ đầu tiên của Tuyn là chỉ vào ngực trái mình, ý nói rất nhớ. Dù không nói được nhiều bằng lời, nhưng nhìn ánh mắt, cử chỉ của nhau, biết là yêu nhau nhiều lắm”, Hon Xeng nói.
“Làng Đăk Me nói riêng, các địa phương dọc biên giới Việt Nam và nước bạn Campuchia, Lào, nói chung, có rất nhiều cặp vợ chồng 2 quốc tịch. Ở các nơi khác thì không biết sao, chứ ở đây, họ lấy nhau và sống rất hạnh phúc, dù cuộc sống còn rất khó khăn. Nhiều người trong số họ đã được công nhận quốc tịch Việt Nam. Hiện nay, khó khăn nhất là nhiều cô dâu, chú rể người Lào và Campuchia sang Việt Nam lấy vợ lấy chồng nhưng không có đủ giấy tờ tuỳ thân, ảnh hưởng không nhỏ đến con cái họ”, Phó Chủ tịch UBND xã Bờ Y Tống Văn Đồng.

Phúc Lập (Nông Nghiệp Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.