Những chiến binh K 'lạ đời': Dù bệnh, cũng phải... đẹp !

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Thay cho hình ảnh ủ rũ đau buồn quen thuộc, có những bệnh nhân ung thư mạnh dạn tô điểm cuộc sống và dung mạo của mình bằng những sắc màu tươi tắn, lạc quan.
 


 Nhiều bạn trẻ tự nguyện hiến tóc cho bệnh nhân ung thư - Ảnh: Như Lịch
Nhiều bạn trẻ tự nguyện hiến tóc cho bệnh nhân ung thư - Ảnh: Như Lịch


Bền bỉ suốt bảy năm nay kể từ khi ra đời, Mạng lưới ung thư vú Việt Nam (BCNV) luôn lấy màu hồng làm ý nghĩa chủ đạo trong các hoạt động, với phương châm Tô lại sắc hồng cuộc sống. Đại diện mạng lưới này giải thích: “Màu hồng thể hiện cái đẹp, tươi vui. Chúng tôi luôn gợi nhắc những bệnh nhân ung thư đang mất tự tin, hay bị tổn thương, mất mát một phần cơ thể trong quá trình điều trị: Dù xảy ra chuyện gì, cũng đừng bao giờ quên rằng bạn có quyền làm cho mình trở nên đẹp hơn. Nhiều chương trình chúng tôi làm nhằm nâng cao chất lượng sống cho những bệnh nhân ung thư, hỗ trợ họ có ý thức mình đẹp, tự tin sống…”.

 

Các bệnh nhân ung thư - những đại sứ trẻ của chiến dịch “Sớm bảo vệ, tự tin sống” do Mạng lưới ung thư vú VN tổ chức - Ảnh: BCNV
Các bệnh nhân ung thư - những đại sứ trẻ của chiến dịch “Sớm bảo vệ, tự tin sống” do Mạng lưới ung thư vú VN tổ chức - Ảnh: BCNV



Thư viện tóc cho bệnh nhân ung thư

Một bà cụ ở Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) bị ung thư dạ dày. Bà cụ vốn rất “cưng” mái tóc dài chấm gót của mình. Bà hiếm khi cắt tóc, lâu lâu chỉ tỉa chút ngọn bị chẻ. Trong khi hóa trị, tóc của bà rụng dần. Bà lặng lẽ nhặt từng cọng tóc bỏ vào bao ni lông và ôm cái bọc suốt ngày. Với bà, việc mất đi mái tóc dài yêu quý dường như lớn hơn cả nỗi đau thể xác... Chị Nguyễn Thủy Tiên, đồng sáng lập và điều hành BCNV, cho biết người bạn của chị đã day dứt kể về mái tóc mẹ anh ấy như vậy sau khi bà cụ qua đời. Bản thân chị Tiên cũng trải qua “nỗi đau ung thư” vì mất đi người chị ruột thân yêu. Đó là chị Nguyễn Khánh Thương (còn có tên là Thương Sobey - sáng lập Mạng lưới ung thư vú Việt Nam) đã chiến đấu với căn bệnh ung thư vú giai đoạn 4 và qua đời ở tuổi 33.

 

Mỗi năm có khoảng 165.000 ca mắc mới ung thư

Theo thống kê năm 2018 của Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế, mỗi năm Việt Nam có hơn 300.000 người đang phải chung sống với căn bệnh ung thư, khoảng 165.000 ca mắc mới và 115.000 bệnh nhân tử vong do ung thư. 5 loại ung thư có tỷ lệ mắc nhiều nhất tại Việt Nam gồm: ung thư gan, ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư vú, ung thư đại tràng.


Chị Tiên hồi tưởng: “Ngày trước vào thăm chị mình nằm viện, tôi thấy các bệnh nhân ung thư lúc nào cũng buộc khăn, đội mũ, dùng tóc giả vì họ xấu hổ, rất sợ người khác biết họ không có tóc. Tóc là niềm tự hào, kiêu hãnh của người phụ nữ nên nhu cầu có được mái tóc giả đảm bảo tính thẩm mỹ cho bệnh nhân ung thư là rất cấp thiết, rất con người”.

Những điều trên càng thôi thúc chị Tiên cùng BCNV thực hiện dự án Thư viện tóc cho bệnh nhân ung thư bị mất tóc trong thời gian hóa trị. Từ năm 2015 đến nay, mạng lưới đã đón nhận hơn 3.000 người hiến tóc. Nhờ đó, đã có gần 500 bộ tóc thành phẩm được đưa vào 5 thư viện tóc tại các bệnh viện: Ung bướu Hà Nội, Ung bướu Đà Nẵng, Ung bướu Nghệ An, Chợ Rẫy và Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.

Theo chị Tiên, mục tiêu của mạng lưới là xây dựng được 40 thư viện tại 40 bệnh viện có cơ sở điều trị ung bướu trên cả nước. Thư viện phục vụ tất cả các nhóm ung thư chứ không riêng ung thư vú. Và không chỉ phụ nữ, cả bệnh nhân nam giới và bệnh nhi có nhu cầu sử dụng tóc đều được cho mượn miễn phí.

“Có những bệnh nhân lúc tìm đến thư viện tóc, họ đội mũ sùm sụp hoặc đang buộc khăn. Nhưng khi họ bỏ khăn bỏ mũ và được đội mái tóc, lập tức họ tự tin hẳn, bước đi rất hiên ngang và mỉm cười hạnh phúc”, chị Tiên tâm tình.


 

Tình nguyện viên và một số bệnh nhân ung thư tham gia các hoạt động “hồng” do Mạng lưới ung thư vú Việt Nam tổ chức - Ảnh: Như Lịch
Tình nguyện viên và một số bệnh nhân ung thư tham gia các hoạt động “hồng” do Mạng lưới ung thư vú Việt Nam tổ chức - Ảnh: Như Lịch


Sớm bảo vệ, tự tin sống

Vừa qua, BCNV phối hợp một số đơn vị tổ chức chiến dịch “Sớm bảo vệ, tự tin sống”, góp phần nâng cao nhận thức sớm phòng ngừa ung thư.


 


Nhảy zumba, yoga, làm đẹp cho bệnh nhân ung thư

Song song với các thư viện tóc, BCNV còn tổ chức các hoạt động nâng cao tinh thần, sức khỏe (nhảy zumba, thiền, yoga), hướng dẫn làm đẹp cho bệnh nhân ung thư… Người điều hành mạng lưới này nhấn mạnh: “Rất nhiều người mặc định bệnh nhân ung thư gắn với cái đầu trọc, tiều tụy, đau khổ, tội nghiệp. Quan điểm của tôi là mình muốn giúp đỡ người khác thì phải làm cho cuộc đời của họ đẹp đẽ và tươi vui lên. Từ việc tâm thức của họ thay đổi, cuộc đời của họ mới thay đổi. Thực tế, có nhiều bệnh nhân ung thư sống đẹp, truyền cảm hứng và làm những việc ý nghĩa cho cộng đồng. Hình ảnh của họ thức tỉnh những người khỏe mạnh - những người luôn cho rằng mình không bao giờ mắc ung thư”.


Theo BCNV, thống kê của Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (thuộc Tổ chức Y tế thế giới - WHO) cho thấy: Năm 2018, ước tính tỷ lệ tử vong do ung thư trong nhóm tuổi 15 - 29 tại nước ta cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Khẳng định tỷ lệ ung thư ở Việt Nam có chiều hướng ngày càng trẻ hóa, bác sĩ Trần Như Hưng Việt, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực mạch máu - Bướu cổ, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, nhận xét: “Gần đây, tôi thấy đa số bệnh nhân nhập viện còn rất trẻ. Có những bệnh nhân ung thư ở tuổi 15, 20, 25”. Để phòng ngừa và phát hiện sớm bệnh ung thư, bác sĩ Việt lưu ý phải tầm soát sức khỏe định kỳ. Ngoài định kỳ, nếu thấy có gì bất thường cần đi kiểm tra ngay (một trong những dấu hiệu bất thường là sụt cân không lý do).

Ung thư không loại trừ bất cứ ai, kể cả... bác sĩ. Vào “một ngày xấu trời”, bác sĩ Nguyễn Thanh Minh (nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định) phát hiện một khối u trên xương đòn bên trái của mình. Khối u này không đỏ không đau, cũng không có triệu chứng gì. Bốn tháng sau đi xét nghiệm, kết quả chẩn đoán ông bị ung thư vòm họng. Bác sĩ Minh bộc bạch: “Tôi bị ung thư giai đoạn 2B, tức là khá trễ. Lạc quan và hy vọng là điều quan trọng đối với bệnh nhân ung thư. Nhưng chính hy vọng này làm người ta thường khám trễ và điều trị trễ”.

Bác sĩ Minh được chỉ định 6 tuần xạ trị nhưng xạ trị qua tuần thứ hai, ông muốn bỏ do không thể chịu nổi tác dụng phụ.

Theo bác sĩ Minh, dù trẻ hay già thì không ai biết lúc nào mình sẽ bị ung thư, vì vậy, hãy tận dụng cuộc sống từng ngày, tìm niềm vui của mình bằng cách sẻ chia với người khác.

Là những bệnh nhân ung thư ở độ tuổi 20, Bảo Ngọc (ung thư hạch, quê Đồng Tháp) và Ngọc Diễm (ung thư vú, quê Đồng Nai) nhìn nhận trước đây mình luôn sống trong căng thẳng, quay cuồng với công việc, không chăm sóc bản thân. Các cô gái này nhắn nhủ: Chúng ta đừng ỷ y sức khỏe của mình và cần có lối sống lành mạnh, tinh thần lạc quan để góp phần giảm nguy cơ ung thư. Cạnh đó, sớm chuẩn bị tài chính để có thể giúp ta chủ động đương đầu những bất trắc trong cuộc sống.

Theo NHƯ LỊCH (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 5: Những thợ bạc danh tiếng

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 5: Những thợ bạc danh tiếng

Nhà văn Sơn Nam từng hóm hỉnh: "Là nhà văn thì phải chấp nhận nghèo, nếu viết văn để làm giàu thì ở Sài Gòn, dân Chợ Lớn làm hết rồi, không tới mình đâu". Tất nhiên, "ông già Nam bộ" chỉ nói đùa nhưng chuyện dân Chợ Lớn làm đủ mọi ngành nghề và đều ăn nên làm ra là có thật. Trong đó có nghề thợ bạc.

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

(GLO)- Mỗi chiều, nhìn đàn cò trắng bay về ngang dòng sông Ba mênh mang sóng nước, ông Nguyễn Văn Để (86 tuổi) lại bâng khuâng nhớ về quê nhà. Tròn 40 năm rời quê hương Thái Bình vào vùng đất Krông Pa định cư, nỗi nhớ nguồn cội vẫn dâng đầy trong ông khi bắt gặp hình ảnh thân thuộc như vậy.

Đời chìm nước nổi…

Đời chìm nước nổi…

Thời điểm này, khu vực biên giới Tây Nam đang đỉnh lũ. Mùa nước nổi năm nay lượng nước sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm trước. Mùa nước nổi là lúc người dân vùng biên thức thâu đêm giăng lưới, thả câu tận hưởng lộc trời.

Người mở cánh cửa hy vọng cho bệnh nhi ung thư

Người mở cánh cửa hy vọng cho bệnh nhi ung thư

Trong suốt câu chuyện, bác sĩ Bùi Ngọc Lan luôn nhắc, để có được những thành tựu trong việc chữa trị cho bệnh nhi ung thư là nhờ có teamwork (nhóm làm việc) mạnh, với nhiều bác sĩ giỏi từ các chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh, ung thư, ngoại khoa, di truyền, giải phẫu bệnh...