Nhiều quốc gia sợ doanh nghiệp bị thâu tóm hậu COVID-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các quốc gia trên khắp thế giới dựng rào cản để ngăn chặn các nỗ lực thâu tóm của doanh nghiệp ngoại, đặc biệt từ Trung Quốc, giữa lúc các tài sản quan trọng bị mất giá vì đại dịch COVID-19.
 
Xưởng sản xuất của Boeing tại Everett, Washington, Mỹ - Ảnh: REUTERS
Từ Mỹ, Ấn Độ cho đến Úc, các chính phủ liên tiếp đưa ra các cảnh báo về việc ngăn các ngành công nghiệp trọng yếu vào tay đối thủ. Doanh nghiệp nước ngoài có thể lợi dụng lúc giá cổ phiếu của một số công ty lớn mất giá trị vì dịch bệnh để thực hiện thâu tóm.
Đại dịch COVID-19 đã kích hoạt cơn khủng hoảng kinh tế trên tầm thế giới, điều chưa từng xảy ra kể từ cuộc Đại suy thoái năm 1929 trước đây. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái, trong khi Liên Hiệp Quốc ước tính thế giới sẽ mất 2.000 tỉ USD thu nhập.
Cùng lúc đó, hàng ngàn tỉ USD cũng bị thổi bay khỏi giá trị các công ty. Chỉ riêng tại Mỹ, chỉ số Dow Jones Industrial Average đã giảm 18% kể từ cuối tháng 2.
Cổ phiếu của Boeing và Airbus, hai nhà sản xuất máy bay lớn của Mỹ và châu Âu, đã mất gần 60% giá trị thị trường mỗi hãng kể từ giữa tháng 12, trong khi giá cổ phiếu của tập đoàn dầu ENI của Ý và BHP, công ty khai mỏ lớn nhất của Úc, đã giảm 40% kể từ tháng 2.
Chỉ trong vòng vài tuần qua, các nước đã đặt ra nhiều biện pháp phòng hộ mới. Một số chính phủ củng cố khâu xét duyệt đầu tư nước ngoài, hay thậm chí cân nhắc việc nắm giữ cổ phần ở một số doanh nghiệp chiến lược.
Bà Margrethe Vestager của Cao ủy về cạnh tranh của Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 4 từng cho biết các quốc gia trong khối đang cân nhắc việc mua cổ phiếu của một số công ty, nhằm ngăn chặn nguy cơ thâu tóm từ Trung Quốc.
 
Bà Margrethe Vestager, Cao ủy về cạnh tranh của Liên minh châu Âu (EU) - Ảnh: South China Morning Post
Cẩn trọng với đầu tư ngoại
Ông Rod Hunter, luật sư chuyên về đầu tư nước ngoài của hãng luật Baker McKenzie (Mỹ), cho rằng "các chính phủ không muốn người ngoài lợi dụng sự biến động của thị trường".
"Đại dịch để lại ảnh hưởng lâu dài bằng cách phơi bày các khu vực dễ tổn thương của nền kinh tế, dù đó là việc phụ thuộc vào Trung Quốc về nguồn dược liệu hay là phụ thuộc vào thiết bị y tế của châu Âu.
Sự cảnh giác về các điểm yếu này sẽ ảnh hưởng đến cách chính phủ xem xét đầu tư nước ngoài đến từ tất cả các nơi, nhưng đặc biệt là Trung Quốc", ông Hunter cho biết.
Theo South China Morning Post, các nhà làm luật châu Âu gần đây tranh cãi về tầm quan trọng của việc xây dựng năng lực sản xuất nội địa đối với một số mặt hàng trọng yếu, khi chuỗi cung ứng gãy đổ trong thời đại dịch.
Hôm 25-3, Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra quy định mới về đầu tư nước ngoài, nhằm giúp các quốc gia thành viên bảo vệ tài sản, nhất là trong các lĩnh vực nghiên cứu y tế và y khoa, công nghệ sinh học, cũng như cơ sở hạ tầng.
Quy định này cũng yêu cầu các nước thiếu nguồn đầu tư như Hi Lạp và Bỉ đề ra cơ chế xét duyệt.
"Các tài sản chiến lược là thứ thiết yếu đối với an ninh của châu Âu, đồng thời là một phần cốt lõi của kinh tế khối, vì thế có thể quyết định tốc độ hồi phục (sau COVID-19)", EC viết.
Dù có nền kinh tế phụ thuộc phần lớn vào thương mại với Trung Quốc, Úc vẫn quyết định đi theo cách làm này. Canberra đã yêu cầu tất cả các thương vụ thâu tóm từ nước ngoài phải được xét duyệt. Quy định mới của Úc cũng mở rộng quá trình xem xét từ 30 ngày lên khoảng 6 tháng.
Ấn Độ hôm 17-4 cũng thay đổi luật đầu tư nước ngoài bao gồm bất cứ quốc gia nào chia sẻ chung đường biên giới với quốc gia này. Viện Brookings nhận xét động thái này "rõ ràng nhắm đến Trung Quốc".
NGUYÊN HẠNH (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.