Nhà văn trẻ cần chinh phục những đề tài lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các cây bút trẻ được kỳ vọng sẽ mang lại cho nền văn học sức sống sáng tạo mới thông qua những tác phẩm có sự tìm tòi, đổi mới về nội dung và hình thức. Thời gian gần đây, đã xuất hiện một lực lượng cây bút trẻ trong cả nước sớm trưởng thành, tạo dấu ấn nghề nghiệp và khát khao chinh phục những đề tài lớn về Tổ quốc, quê hương, người lính… trong tâm thế tự tin, hiện đại.

Một số tác phẩm của các nhà văn trẻ xuất bản trong thời gian gần đây.
Một số tác phẩm của các nhà văn trẻ xuất bản trong thời gian gần đây.


“Vì sao chúng ta viết” là khẩu hiệu của Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 do Hội Nhà văn Việt Nam dự kiến tổ chức vào thời điểm thích hợp tại TP Ðà Nẵng. Trong khi có những người viết chỉ coi văn chương như cuộc “dạo chơi” thì đời sống văn học hiện nay cũng đã xuất hiện nhiều cây bút trẻ chững chạc, sớm tạo được dấu ấn nghề nghiệp. Điều đó thể hiện ý thức, trách nhiệm của người cầm bút với chính tác phẩm của mình và xã hội.

Có thể điểm danh những cây bút trẻ thế hệ 8x, 9x tạo được dấu ấn nghề nghiệp, như: Lý Hữu Lương, Đinh Phương, Kiều Chinh, Nguyễn Thị Kim Nhung, Nhật Phi, Phạm Thu Hà, Đức Anh (Hà Nội); Phan Đức Lộc (Điện Biên); Vũ Thị Huyền Trang (Phú Thọ); Lê Vũ Trường Giang, Phạm Phú Uyên Châu (Huế); Trần Đức Tín, Nguyễn Đình Minh Khuê, Trần Ngọc Mai (TP Hồ Chí Minh); Lê Quang Trạng, Hoàng Thị Trúc Ly, Vĩnh Thông (An Giang)…

Trong số những tác giả này, nhiều cây bút đang công tác trong lực lượng công an, quân đội. Trung úy công an Phan Đức Lộc hiện công tác tại thị trấn Tuần Giáo (Điện Biên) là một cây bút trẻ thuộc thế hệ 9x, sở hữu hơn mười giải thưởng văn học: Giải nhất truyện ngắn cuộc thi Sáng tác văn học trẻ (2018), Giải nhì cuộc thi truyện ngắn 2018-2020 Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm,… Anh cũng xuất bản hàng chục đầu sách, đa dạng về thể loại: truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết.

Đại úy công an Trần Ngọc Mai, cán bộ Phòng Quản lý nghiên cứu khoa học, Trường đại học An ninh nhân dân (TP Hồ Chí Minh) cũng là gương mặt thơ đang được chú ý. Năm 2021, anh đoạt Giải nhì cuộc thi thơ lục bát chủ đề “Quê hương và tình yêu” do NXB Trẻ phối hợp tập san Áo Trắng tổ chức, Giải ba cuộc thi “Nhân nghĩa đất phương Nam” do Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh tổ chức. Lực lượng người viết trẻ trong quân đội cũng xuất hiện nhiều gương mặt sáng giá, như: Lý Hữu Lương, Đinh Phương, Nguyễn Thị Kim Nhung…

Điểm nổi bật trong sáng tác của những người viết trẻ là ngoài thể nghiệm, đổi mới về nội dung, hình thức tác phẩm, họ biết hướng sự quan tâm vào những đề tài lớn. Thể loại trường ca vốn được coi là khó chinh phục, đòi hỏi người viết phải có vốn sống, tư tưởng, nền tảng văn học… cũng đã có sự nhập cuộc sôi nổi của nhiều tác giả thế hệ 8x. Họ cho ra đời những tác phẩm về đề tài chiến tranh, người lính, thời kỳ hậu chiến như: “Bình nguyên đỏ” (Lý Hữu Lương), “Từ phía sương buông” (Nguyễn Thị Kim Nhung)…

Tác giả Lý Hữu Lương (sinh năm 1988) là một người lính dân tộc Dao đã tái hiện cuộc chiến đấu của những người lính tình nguyện Việt Nam đoàn kết cùng bộ đội Pa-thét Lào trong cuộc chiến chống quân xâm lược. Tinh thần chiến đấu quả cảm, hy sinh anh dũng và biết bao người lính vĩnh viễn nằm lại Cánh đồng Chum nước bạn chạm vào lòng người đọc niềm day dứt khôn nguôi.

Mảng lý luận phê bình từng có nhiều khoảng trống, thiếu vắng sự đóng góp của lực lượng trẻ thì nay đã xuất hiện các cây bút tiềm năng, như: Kiều Chinh, Nguyễn Hiền Trang, Nguyễn Đình Minh Khuê, Trần Thị Như Quỳnh… Điểm danh lực lượng sáng tác trẻ, không thể không nhắc đến những tác giả là người dân tộc thiểu số đã chinh phục bạn đọc với những tác phẩm bản sắc: Phùng Thị Hương Ly, Triệu Hoàng Giang (Bắc Kạn); Vàng A Giang (Lào Cai); Lâu Văn Mua (Thanh Hóa); Ksor H’Yuên (Gia Lai); H’xíu H’mok (Đắk Lắk); Kiều Maily (Ninh Thuận); Pơloong Plênh (Quảng Nam)…

Bên cạnh những điểm sáng đã bật lên, vẫn tồn tại thực trạng đáng lưu ý, đó là: Lượng tác phẩm xuất bản nhiều nhưng chất lượng chưa tương xứng; đề tài còn nhỏ lẻ, vụn vặt; chưa thể hiện rõ trách nhiệm công dân của người cầm bút…

Trao đổi về vấn đề này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: Hiện tượng này chưa đến mức trở thành cảnh báo, song cũng đã có những dấu hiệu. Khi cầm bút, nếu chỉ hướng đến câu chuyện cá nhân thì là việc khác, nhưng một khi đã mang tác phẩm đó ra đời sống thì trong đó phải có ý thức, sứ mệnh rõ ràng, lớn lao. Văn chương trong nước hay thế giới, bản chất không thay đổi, chỉ thay đổi về hình thức. Một tác phẩm hay, cần hướng con người đến những điều tốt đẹp nhất, khai mở và kêu gọi lòng vị tha, mở ra chủ nghĩa nhân ái nhân văn vô tận với cảm hứng lớn về sự sẻ chia và dâng hiến.

Trong nhiệm kỳ mới, ngoài giải thưởng cho người viết trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam xác định tầm quan trọng trong việc bổ sung đội ngũ; phát hiện, tôn vinh, bảo vệ giá trị tác phẩm văn chương; định hướng, khuyến khích thái độ, trách nhiệm của người viết trẻ với những đề tài, cảm hứng mới mẻ, lớn lao. Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Hội sẽ tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn, các chuyến đi thực tế, hội thảo, tọa đàm… với chủ thể chính là người viết trẻ. Trong tương lai gần, Hội dự kiến tạo ra những diễn đàn như: tạp chí, chuyên đề, sách... chuyên đăng tải sáng tác của các cây bút trẻ và chính họ cũng góp phần quản lý, đổi mới bằng năng lực, tâm huyết của mình.

Bài và ảnh: MAI LỮ
(Dẫn nguồn NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Phát huy sức mạnh văn hóa

Phát huy sức mạnh văn hóa

Khi các giá trị văn hóa, di sản và nghệ thuật tạo ra lợi nhuận nó không chỉ tự “nuôi sống” mình mà còn góp phần tạo thêm những nguồn lực mới, tác động tích cực đến các lĩnh vực khác của ngành công nghiệp văn hóa.

Dùng mặt nạ kỹ thuật số để phục hồi tranh. (Ảnh: Franetic)

Công nghệ đột phá phục chế tranh cổ chỉ trong vài giờ

(GLO)-Với những bức tranh có niên đại hàng thế kỷ, bị hỏng nặng, việc phục chế gặp nhiều rủi ro và tiêu tốn thời gian. Một bước đột phá về công nghệ vừa được các nhà khoa học thử nghiệm thành công, đã giải quyết được khó khăn này, đó là phương pháp mặt nạ kỹ thuật số.

Đừng để giấc mơ Tây Nguyên ngủ yên trên đỉnh đồi

(GLO)- Người Tây Nguyên làm du lịch không chỉ bằng khu nghỉ dưỡng, mà còn bằng lòng hiếu khách và nghệ thuật kể chuyện. Vậy nên, đừng để giấc mơ Tây Nguyên ngủ yên trên đỉnh đồi mà hãy đánh thức nó bằng chính giọng nói của rừng, bằng bàn tay của bà con và bằng tình yêu với buôn làng của mình.

Ý nghĩa các biểu tượng trong lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui

Ý nghĩa các biểu tượng trong lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui là hiện tượng văn hóa xã hội đặc sắc của cộng đồng người Jrai ở Plei Ơi, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai. Nghi lễ này tập hợp nhiều biểu tượng văn hóa độc đáo giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thế giới tâm linh của cư dân bản địa.

Qua xứ trầm hương: Di sản văn hóa từ miền duyên hải Khánh Hòa - Bài 1: Di sản văn hóa từ miền duyên hải

Qua xứ trầm hương: Di sản văn hóa từ miền duyên hải Khánh Hòa - Bài 1: Di sản văn hóa từ miền duyên hải

“Khánh Hòa là xứ trầm hương/Non cao biển rộng người thương đi về” - những câu thơ của nhà nghiên cứu Quách Tấn trong biên khảo Xứ trầm hương vừa là sự khẳng định danh xưng của một miền đất, vừa như lời mời gọi lữ khách bốn phương tìm về với thủ phủ của trầm hương Việt Nam.

Tây Nguyên: Nhịp sống mới dưới những nếp nhà xưa

Tây Nguyên: Nhịp sống mới dưới những nếp nhà xưa

Nhắc đến đại ngàn Tây Nguyên, có lẽ biểu tượng văn hóa “sừng sững” chính là những mái nhà rông, nhà dài truyền thống của đồng bào các dân tộc. Trong những biến chuyển của thời đại, không gian che chở các hộ gia đình và lan tỏa văn hóa cộng đồng ấy khó tránh khỏi những hư hao, nghiêng ngả.

Đa dạng lễ cúng cầu mưa của người Jrai

Đa dạng lễ cúng cầu mưa của người Jrai

(GLO)- Tuy có sự phát triển của hệ thống thủy lợi song lễ cúng cầu mưa vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống cư dân vùng thung lũng Cheo Reo. Sự đa dạng trong nghi thức cúng của mỗi cộng đồng dân cư đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

null