Nhà tập thể thời bao cấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời bao cấp, hầu như cơ quan nào cũng có nhà tập thể dành cho cán bộ, công nhân, viên chức.

Loại hình nhà ở này rất đa dạng: hoặc được Nhà nước cấp tiền để xây, hoặc là những khu công sở, nhà vắng chủ thuộc quyền sở hữu nhà nước. Những ai từng một thời ở nhà tập thể hẳn đã trải bao chuyện vui, buồn về cái thời “một đi không trở lại” chưa xa.

Tôi vẫn nhớ căn phòng tập thể đầu tiên trong cuộc đời viên chức của mình: Nó rộng mỗi chiều chừng 3 m, chỉ vừa đặt 2 chiếc giường cá nhân cho 2 người; để 2 chiếc xe đạp và chiếc bàn nhỏ là hết chỗ.

Lúc đầu, tôi cứ thấy bứt rứt khó chịu nhưng dần rồi cũng quen; lại thấy mình còn sướng hơn nhiều người. Như anh bạn tôi, 2 vợ chồng với 2 đứa con mà cũng chỉ được căn phòng nhỉnh hơn một chút. Nhà cửa lúc nào cũng bừa bộn, nhếch nhác vì gầm giường cũng chẳng còn chỗ nào để nhét vật dụng vào được nữa.

Khu nhà tập thể từ thời bao cấp (ảnh minh họa)

Khu nhà tập thể từ thời bao cấp (ảnh minh họa)

Ở tập thể, cái khổ của sự chật chội đã đành. Nhưng có một nỗi khổ khác cũng không kém là gần như chẳng bao giờ có một thế giới cho sự yên tĩnh. Đủ mọi âm thanh của cuộc sống đời thường ngày ngày ập vào tai: tiếng trẻ khóc, tiếng xoong nồi, bát đĩa va chạm; vợ chồng chì chiết nhau, mắng mỏ con cái, thậm chí là cả những tiếng cựa mình…

Tất cả cứ mồn một qua bức vách không có la phông hoặc ngăn sơ sài bằng cót ép. Khổ nhất là trong khu tập thể có ai đó không mấy ý tứ, mọi thứ cứ tung hê lên như thế giới này chỉ có riêng họ.

Tôi nhớ một người láng giềng như thế của mình. Anh bấy giờ cũng đã luống tuổi mới xin được vào cơ quan nhưng vợ thì chưa có việc làm. Cuộc sống khó khăn khiến gần như tuần nào, vợ chồng anh cũng có chuyện cãi nhau. Mà cái lý do phần lớn chẳng có gì là to tát nhưng đã xảy ra chuyện là thế nào nồi niêu, chén bát cũng lần lượt bay ra sân.

Mọi người lúc đầu vào can ngăn, Công đoàn còn đưa ra kiểm điểm, nhưng rồi mọi chuyện vẫn đâu vào đấy. Khi anh chuyển công tác, nhìn gia tài nghèo nàn của 2 vợ chồng, mọi người mới hiểu và thương nhưng cũng… thở phào vì trút được nỗi khổ từ đấy.

Nhà tập thể, đương nhiên từ điện, nước đến nhà tắm, nhà vệ sinh phải dùng chung. Sự nhiêu khê vì phải nhường nhịn, chờ đợi nhau cũng là một nỗi khổ khó quên. Chỉ cần một người thiếu ý thức gây nên “sự cố” là hàng chục con người phải chịu hậu quả. Khổ nỗi, làm sao tránh khỏi “sự cố” khi mọi thứ đều “quá tải”. Vậy là, sự xung đột đôi khi không kìm nén được đã xảy ra để rồi mỗi lần họp cơ quan lại lôi nhau ra kiểm điểm.

Ở tập thể, nói thì là vậy nhưng không phải tất cả đều là sự nhiêu khê, phiền hà. Điện, nước được dùng “vô tư” vì đã có cơ quan bao cấp. Và “vui” là sự diễn tả ngắn gọn mà người ta vẫn nói về cuộc sống trong các khu tập thể. Sáng sáng, khi tiếng loa phóng thanh vang lên cũng là nhịp điệu một ngày mới của khu tập thể bắt đầu: tiếng chân chạy thể dục, tiếng đũa bát va nhau lách cách, tiếng những bà mẹ dỗ dành con dậy tới trường…

Trưa về, lại một nhịp điệu nhưng là thời điểm mà mọi thứ âm thanh rộn rã nhất trong ngày: tiếng bổ củi, tiếng sàng sảy gạo, tiếng trục quay nước rít lên hối hả. Và, đây cũng là khoảng thời gian mà người ta thường chia sẻ cho nhau những tin tức “tả pí lù” thu lượm được.

Tuy nhiên, “thời sự” nhất vẫn là những thứ gắn với cơm-áo-gạo-tiền: Này là cửa hàng lương thực X hôm nay bán gạo ngon; quầy hàng thương nghiệp Y bán vải ngoài tem phiếu; cửa hàng chất đốt Z bán củi giá cao…

Không ai giấu ai điều gì, tất cả mọi sự riêng tư đều cùng nhau chia sẻ. Chẳng những đời sống tinh thần mà cả vật chất. Cùng một cuộc sống khó khăn nhưng ai cũng sẵn sàng sẻ chia cho nhau từ lon gạo, chút nước mắm, bột ngọt cuối cùng khi hụt bữa. Tình nhân ái trong khu tập thể dẫu sao vẫn lớn hơn những khúc mắc nhỏ nhoi. Có phải thế mà cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn “hoài niệm” rằng cái thời khó khăn mà sao tình người lại sáng trong, vô tư đến vậy.

Cho đến quãng năm 2000, cuộc sống tập thể mới thực sự chấm dứt khi chế độ bao cấp lùi vào quá khứ. Các khu tập thể hoặc được hóa giá cho những người đang ở hoặc giải tỏa để xây dựng các công trình mới. Như một sự tất yếu, cuộc sống tập thể với bao cung bậc vui, buồn cũng dần trôi về ký ức.

Có thể bạn quan tâm

Chị Trần Diễm Trinh trong một buổi học vẽ để cân bằng cảm xúc

Cảnh giác với hội chứng trầm cảm cười

(GLO)- Với “lá chắn cảm xúc” dựng nên từ sự vui vẻ, tích cực tham gia các hoạt động tập thể, thậm chí hoàn thành tốt công việc, một số người đã khiến không ít người xung quanh bất ngờ khi biết họ rơi vào rối loạn trầm cảm kéo dài trước đó.

Con trăn gấm trong Công viên Diên Hồng (TP. Pleiku) đã được đưa về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh để chăm sóc trước khi thả về môi trường tự nhiên. Ảnh: N.D

Chung tay bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm

(GLO)- Thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân đã tự nguyện giao nộp nhiều cá thể động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm để các cơ quan chuyên môn chăm sóc trước khi thả về môi trường tự nhiên. Đây là hành động chung tay bảo vệ động vật hoang dã, góp phần bảo tồn loài gắn với đa dạng sinh học.

Sẵn sàng ứng phó với hạn hán, cháy rừng

Sẵn sàng ứng phó với hạn hán, cháy rừng

(GLO)- Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, mùa khô 2024-2025, nắng nóng kéo dài gây nên các hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến sản xuất và nguy cơ cao xảy ra cháy rừng. Liên quan đến vấn đề này, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT.

Đứng về phía người nghèo

Đứng về phía người nghèo

(GLO)- Trong nhiều nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi phải hoàn thành trong năm 2025, Trung ương tập trung tháo gỡ kịp thời điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc phát sinh và phát động các phong trào thi đua. 

Pleiku khẩn trương xóa nhà tạm, nhà dột nát

Pleiku khẩn trương xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Cùng với cả nước, TP. Pleiku đã và đang huy động nhiều nguồn lực tập trung triển khai thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên địa bàn với tinh thần khẩn trương, phấn đấu hoàn thành trước ngày 30-4-2025.

Mang Yang phát huy vai trò đội ngũ hòa giải viên cơ sở

Mang Yang phát huy vai trò đội ngũ hòa giải viên cơ sở

(GLO)- Bằng uy tín, kinh nghiệm và sự hiểu biết của mình, đội ngũ hòa giải viên ở huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) đã kịp thời giải quyết nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong dân, góp phần giữ gìn sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng và bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.