Nhà nổi ở Trường Sa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Nhiều ngư dân câu mực ở Quảng Ngãi, Quảng Nam kể lại, năm 1998 đã đi bạn trên tàu câu mực ở thành phố Đà Nẵng. Từ năm 2000 đến nay, nghề câu mực ở Đà Nẵng giảm dần nên ngư dân về quê đóng tàu và bắt đầu những chuyến đi dài ngày ròng rã và tàu cập vào hoặc đi qua hầu hết các đảo Sơn Ca, An Bang, Nam Yết, Trường Sa Lớn, Gạc Ma,…

“Nghề” bám giữ đảo

Từ những ngày đầu năm, đi về làng chài xã Bình Chánh, tỉnh Quảng Ngãi và xã Bình Minh, Tam Giang, tỉnh Quảng Nam đều bắt gặp cảnh các gia đình ngư dân giống như bà con nông dân nhộn nhịp vào mùa. Nhiều nhà ngả sạp tre ra để đan phên phơi mực. Thúng câu mực được trét thêm phân bò tươi, sau đó sơn phết một lớp dầu rái mới để chống thấm nước.

Vụ việc tàu cá QNa 95005 TS của ngư dân Trần Văn Mạnh ra bám giữ đảo Trường Sa làm nghề câu mực ở vùng biển giáp ranh và bị hải quân Malaysia bắt giữ trên vùng biển Việt Nam không phải là trường hợp đơn lẻ. Gần thời điểm trên còn có tàu ngư dân ở tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng bị bắt giữ trái phép. Gia đình các ngư dân cho đến nay vẫn tiếp tục mong chính quyền quan tâm, xem xét, hỗ trợ về pháp lý để ngư dân có thể trở lại cuộc sống bình thường.

Ông Trần Văn Minh, 75 tuổi ngồi nhắc chuyện từ trước Tết tới giờ, sau Tết là đi hết ra Trường Sa, ở xóm chỉ còn lại đàn bà, con nít với các ông bà già. Rồi ông ôn lại cuộc đời câu mực, bám đảo Trường Sa của mình.

Thời trước, nghề câu mực ở Trường Sa chủ yếu thịnh hành ở thành phố Đà Nẵng. Hồi đó đi tàu không lớn lắm, nên mỗi tàu chỉ chở theo chừng 15-20 chiếc thúng câu và thời gian đi chỉ hơn 1 tháng là vô bờ. Gánh nặng của con tàu nhỏ không phải chỉ chở theo ngư dân lên tới 20 người, 20 chiếc thúng, mà bên cạnh đó còn là mấy trăm can đựng nước ngọt.

Nhà nổi ở Trường Sa ảnh 1

Tàu câu mực như những ngôi nhà nổi giữa Trường Sa. Ảnh: Văn Chương

Mỗi khi tàu mẹ thả cả đàn thúng đi câu trong đêm, nỗi lo lắng như trùm lên cả tàu. Bởi làm gì có bộ đàm như bây giờ, để mỗi khi thúng bị lạc hay gặp sự cố sẽ kịp cứu nhau. Thời ấy, ngư dân xuống thúng với chiếc đèn măng sông để câu mực gần như phó mặc sinh mạng cho may rủi. Cứ vào tháng 7 trở đi, vùng biển Trường Sa hay xuất hiện các đợt giông lốc và gió tây nam. Buổi sáng khi các thúng trở về đầy đủ với tàu mẹ, ai nấy mới thở phào.

Cuộc đời bám đảo Trường Sa của gia đình ông Minh trải qua bao phen gian nan. Ông vài lần thoát chết, người con trai là Trần Văn Nhân bị mất tích ở Trường Sa vào năm 2001, không tìm thấy xác. Tiếp đến là đại nạn con trai Trần Văn Mạnh cùng chiếc tàu QNa 95005 TS bị hải quân Malaysia bắt giữ vào ngày 25/4/2021 trong khi chiếc tàu này đang đánh bắt ở vùng biển giáp ranh thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Gia đình của ông hiện có 3 người con trai theo tàu câu mực ra đảo Trường Sa, mỗi năm ở đảo hơn 9 tháng, đó là Trần Văn Mạnh, Trần Văn Việt và Trần Văn Sửu. Ông Minh ngồi nhớ lại chuyện các đảo Gạc Ma, Chữ Thập ở Trường Sa dọc theo những hải trình giông gió.

Mỗi nhà 50 người

Từ năm 2000, nghề câu mực ở Đà Nẵng giảm dần, sau đó phát triển ở hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. So với thời điểm 25 năm về trước, những chiếc tàu câu mực được ngư dân ví như nhà nổi ở Trường Sa đã được nâng cấp theo đúng nghĩa là nhà. Ngư dân Trần Văn Nhung ngồi trên giàn phơi mực của chiếc tàu neo ở cửa biển Kỳ Hà, tỉnh Quảng Nam, cho biết, “cái ô này là nơi sinh hoạt của em, còn bên kia là của anh Sáu, cứ mỗi người một không gian riêng”.

Nhà nổi ở Trường Sa ảnh 2

Ngư dân giữa Trường Sa. Ảnh: Văn Chương

So với trước đây, tàu câu mực chở từ 25 thúng nay đã lên tới hơn 40-50 chiếc thúng. Mỗi bữa cơm ở vùng biển Trường Sa, ngư dân có khi chia thành 2-3 mâm ăn luân phiên. Bên cạnh việc đóng mới tàu và nâng chiều dài thân vỏ từ 19 đến 20 mét lên tới 25-27 mét, cùng đó là các tàu hiện nay đều lắp đặt máy xử lý nước mặn thành nước ngọt và đủ cung cấp cho ngư dân trên tàu. Đã qua rồi cảnh con tàu câu mực ra Trường Sa và sau lưng cõng theo những chùm can, còn quanh boong tàu sắp đầy phuy chứa nước ngọt.

Ước mơ có được “cây đàm” (bộ đàm) của ngư dân 25 năm về trước bây giờ đã thành hiện thực. Mỗi chiếc thúng đều có lắp đặt riêng một chiếc máy Icom Galaxy 3 band để giữ liên lạc với tàu mẹ. Còn trước đây ngư dân quấn giấy trắng ở bóng đèn măng xông, khi gặp nguy hiểm thì giơ màu trắng hướng về phía tàu mẹ. Nhưng thuyền trưởng làm sao có thể thấy rõ được màu sắc khi biển đang nổi cơn giông gió tanh bành, còn thúng thì tản mát trôi dạt khắp nơi.

Các ngư dân đi câu mực dưới thúng còn khoe tự sắm thêm phao phát tín hiệu định vị AIS Bestone, hoặc thiết bị định vị cá nhân Resqlink để giữ kết nối với thuyền trưởng qua sóng AIS. Nỗi lo bị lốc xoáy thổi trôi thúng, tàu mẹ thông báo rộng rãi cho các tàu đánh cá khác và đi tìm khắp Trường Sa đã trở thành quá khứ.

Anh Bùi Đức Nhật, quê ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn chia sẻ “cuộc đua” về nhà nổi ở Trường Sa. Anh cho biết, năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, nhiều chủ tàu có tiềm năng tài chính đã vay tiền và đóng mới tàu có chiều dài 25-27 mét. Tàu càng lớn đi càng an toàn, ngư dân càng có chỗ ngủ nghỉ tốt hơn trên tàu. Vậy là đội tàu có chiều dài 21 mét, trong đó có tàu của anh, dù mới đóng nhưng đã trở nên “lạc hậu”.

Nghề câu mực trôi dần từ thủ phủ nghề biển ở Đà Nẵng về Quảng Nam và Quảng Ngãi, sau đó trụ lại, phát triển gần 25 năm rồi. Ông Nguyễn Hữu Ngọt, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Chánh (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, tổng kết năm 2022, mỗi ngư dân câu mực có thu nhập từ 170 đến 250 triệu đồng, là con số mơ ước của nhiều bạn tàu khắp nơi.

Thời trước, nhiều anh đi biển vô bờ ham vui, ăn chơi thỏa thích cho tới khi định về thăm vợ thì túi trống rỗng. Còn giờ đây, mỗi phiên biển kéo dài lên tới 3 tháng mới trở về. Giữa các phiên biển, tàu ngư dân thường cập vào các đảo nổi ở quần đảo Trường Sa. Gần đảo có sóng điện thoại nên các cô vợ ở nhà không còn phải dặn dò.

Từ đảo Trường Sa gọi về nhà, các ngư dân với nước da đen láng thường kể về những hòn đảo mà họ đã đi qua, nhắc chuyện tàu áp vô gần đảo Chữ Thập, Gạc Ma thì tàu Trung Quốc kè kè chạy ra, xịt khói đen thui như mực.

(Còn nữa)

Link bài gốc: https://tienphong.vn/nha-noi-o-truong-sa-post1517254.tpo

Có thể bạn quan tâm

Trà măng, đừng đánh mất!

Trà măng, đừng đánh mất!

Tác giả Lục Vũ từ thế kỷ 8 có miêu tả loại trà quý nhất là trà măng trong tác phẩm Trà Kinh. Trong số 34/63 tỉnh thành Việt Nam sở hữu cây trà, đến nay Lai Châu và Hà Giang phát hiện trà măng - một niềm tự hào của ngành trà Việt.
Trần Thị Bích Ngọc: Sâu đậm tình yêu văn hóa Bahnar

Trần Thị Bích Ngọc: Sâu đậm tình yêu văn hóa Bahnar

(GLO)- Chiều muộn, lại bận một số việc nhà nhưng thấy chị Trần Thị Bích Ngọc-công chức Văn hóa-Xã hội xã Kông Lơng Khơng (huyện Kbang) ghé thăm, già Đinh Bi vui lắm. Già đã quá quen với cái dáng bé nhỏ thân thuộc của chị, với những lần đến nhà hỏi han, động viên. Vừa chăm chú đan gùi, già vừa gật đầu khi nghe lời nhắn nhủ: “Chú nhớ trong năm nay ráng truyền dạy thành công nghề đan lát cho 1 người trẻ trong làng chú nhé!”.
Dòng máu anh hùng: Con gái của sĩ quan công binh

Dòng máu anh hùng: Con gái của sĩ quan công binh

Trong số 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh ngày 14.3.1988 ở Gạc Ma - Trường Sa, có 26 bộ đội của Lữ đoàn 83 công binh hải quân và trong số ấy, có 2 sĩ quan khi hy sinh đã có vợ con ở quê nhà. Đó là thượng úy Nguyễn Minh Tâm (trợ lý thi công) và Trần Văn Phòng (đại đội phó).
Đưa trâu rời xứ 'thần rừng'

Đưa trâu rời xứ 'thần rừng'

Nuôi trâu trong chuồng là chuyện thường tình của nông dân khắp các vùng quê Việt Nam, thế nhưng với đồng bào dân tộc thiểu số K’Ho huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), đó lại là điều quá đỗi mới mẻ. Tập quán giao trâu cho “thần rừng” cai quản từng ăn sâu trong tiềm thức của tộc người này, nay bắt đầu có sự thay đổi.
Những “bông hồng thép”

Những “bông hồng thép”

Tại Lữ đoàn Đặc công 126, Quân chủng Hải quân, có những người phụ nữ dù công việc chính hàng ngày là nhân viên văn thư, nấu ăn, hay quân y thì họ vẫn thường xuyên luyện tập trong môi trường khắc nghiệt với quyết tâm rất cao để trau dồi, nâng cao ý chí, sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành mọi nhiệm vụ khó khăn được giao như bao cán bộ, chiến sĩ nam tại đơn vị. Không chỉ mạnh mẽ, can trường mà những “bóng hồng” ở đơn vị đặc biệt này còn vô cùng duyên dáng, đảm việc nước, giỏi việc nhà.
Biên cương thao thức

Biên cương thao thức

Trong sự trầm mặc của núi đồi, giữa đại ngàn biên cương, nơi chỉ nghe nói thôi, người ta đã nghĩ đến xa xôi, hoang vắng, có những con người vẫn luôn thao thức vì sự bình yên của quê hương, đất nước.
Gập ghềnh phận mồ côi

Gập ghềnh phận mồ côi

(GLO)- Ai cũng mong muốn có một mái ấm gia đình, song trước sóng gió cuộc đời, nhiều em nhỏ ở xã Pờ Tó (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) phút chốc trở thành mồ côi. Thiếu vắng tình thương của cả cha mẹ, tương lai của các em bỗng hóa gập ghềnh.
“Cõng” phim về làng

“Cõng” phim về làng

(GLO)- Giữa sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, những “người lính” trên mặt trận văn hóa nghệ thuật vẫn thầm lặng đến từng buôn làng vùng sâu, vùng xa chiếu phim phục vụ người dân. Họ là những thành viên của Đội chiếu phim lưu động thuộc Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San (tỉnh Gia Lai).
Người Xơ Đăng đồng lòng bảo vệ “Quốc bảo”

Người Xơ Đăng đồng lòng bảo vệ “Quốc bảo”

Bao năm nay, người Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã cung cấp hàng trăm tin báo để chính quyền vào cuộc ngăn chặn và chống việc lợi dụng “Quốc bảo”- sâm Ngọc Linh để trục lợi. Nhờ đó, nguồn gene thuần chủng được bảo tồn và “chiêu bài” lợi dụng thương hiệu sâm để trục lợi bị phanh phui.