Làng chài Trường Sa cầu mùa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Làng chài câu mực Trường Sa ở vạn chài Cù Lao - Mỹ Tân (xã Bình Chánh, H.Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) có hơn 2.000 ngư phủ mưu sinh dài ngày ở Trường Sa. Ngư dân vừa giữ nghề truyền thống, vừa tạo điểm nhấn ở thu nhập vào tốp cao nhất trong số các làng chài ven biển VN.

Đầu xuân, nơi đây diễn ra các nghi lễ rất long trọng để gia đình ngư dân gửi lời nguyện cầu trước khi người thân trở lại Trường Sa trong khoảng 9-10 tháng/năm.

"Năm nay mỗi ngư dân đi bạn làm nghề câu mực kiếm được từ 170-250 triệu đồng", đó là tin nhắn cuối năm từ quần đảo Trường Sa gửi về vạn chài Cù Lao - Mỹ Tân khi những chiếc tàu đội giàn phơi mực kết thúc một năm bám biển. Con số này tiếp tục được ông Nguyễn Hữu Ngọt, trưởng vạn chài Cù Lao - Mỹ Tân, nhắc lại vào dịp đầu xuân khi làng chài làm "Đại lễ tế thần Nam Hải - Lễ ra quân đánh bắt đầu năm 2023".

Thúng câu mực được đưa xuống tàu trong ngày mở biển.

Thúng câu mực được đưa xuống tàu trong ngày mở biển.

Báo chí từng tốn biết bao nhiêu giấy mực để mô tả về cái nghề năm nào cũng có ngư dân tử nạn và những cái chết mang màu sắc huyền bí. Tại quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, cứ khi hoàng hôn buông xuống thì thúng từ tàu mẹ được thả xuống biển để ngư dân chèo đi câu mực, đến gần sáng thì tàu mẹ vớt về. "Đàn con" có khi qua một đêm lại mất 1 thúng do gió lốc. Năm đó làng chài lại buồn đau nhắc tên ngư dân xấu số, Lễ tế thần Nam Hải được tổ chức long trọng hơn, thế nhưng ăn tết xong ngư dân lại tiếp tục ra khơi.

Bà con ngư dân vạn chài Cù Lao - Mỹ Tân tổ chức Đại lễ tế thần Nam Hải đại tướng quân trên sông Trà Bồng

Bà con ngư dân vạn chài Cù Lao - Mỹ Tân tổ chức Đại lễ tế thần Nam Hải đại tướng quân trên sông Trà Bồng

Nghề câu mực khơi ở vạn chài Cù Lao - Mỹ Tân có một phần nguồn gốc từ Đà Nẵng. Ngư dân Trần Đình Chơi, ở Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng, chia sẻ về một trong những nghề nguy hiểm nhất trên đại dương: khoảng năm 1981, ngư dân ở đây đã bắt đầu đóng tàu lớn làm nghề câu mực khơi, tàu gắn máy Kobuta 45 mã lực, mỗi tàu chở theo 15 chiếc thúng (ứng với 15 ngư dân đi bạn). Vài năm sau thì nâng cấp máy 110 mã lực và chở theo 20-25 chiếc thúng. Năm 2000, tàu loại lớn hơn chở 30 thúng, phiên biển kéo dài từ 15 ngày lên 2 tháng rưỡi thì nghề câu mực ở đây tan rã, nhưng lại phát triển ở H.Núi Thành, tỉnh Quảng Nam và H.Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Mẻ lưới đầy ắp cá lẫn mực của ngư dân Quảng Nam ở quần đảo Trường Sa

Mẻ lưới đầy ắp cá lẫn mực của ngư dân Quảng Nam ở quần đảo Trường Sa

Ngư dân Nguyễn Đông, tuổi trên 70, ở làng chài xã Tam Quang, H.Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, kể 30 năm trước, lúc ra khơi tăm tăm mù mù, không biết đâu là bến bờ thì thuyền trưởng phải luôn mang theo chiếc radio để nghe dự báo thời tiết mà biết đường chạy, bên cạnh đó còn sử dụng sóng âm thanh để tìm lối đi - về. Nếu nghe tiếng của Đài phát thanh tỉnh Khánh Hòa, nhưng khi xoay ngang chiếc đài mà âm thanh yếu dần đi thì chạy về hướng đó là thẳng góc với đất liền.

Nghề câu mực khơi hiện nay được ngư dân phát triển ở mức hiện đại hơn. Thuyền trưởng tàu câu mực không còn cần tới radio để tìm phương hướng, vì trên tàu đã có đủ các thiết bị hiện đại, radio chỉ còn được ngư dân dưới thúng mang theo để giải trí khi thức suốt đêm trường.

Câu chuyện đầu xuân về thu nhập của ngư dân câu mực ở làng chài Bình Chánh, H.Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trong năm 2023 cũng gợi lên bao ký ức đối với những ngư dân ở thủ phủ làm nghề câu ở Đà Nẵng và Quảng Nam. Lão ngư Nguyễn Đông kể lại 40 năm về trước, ngư dân đi trên chiếc tàu nhỏ xíu ra quần đảo Hoàng Sa làm nghề câu mực, nếu thuận lợi thì mỗi phiên bạn chài kiếm được vài chỉ vàng, ước tính lợi nhuận bằng nuôi mấy con heo trong thời gian 6-7 tháng trời.

Bước chân 40 năm

Mùng 10 tết năm nay, tại lăng vạn Cù Lao - Mỹ Tân, bà con dân làng sẽ lại tổ chức "Đại lễ tế thần Nam Hải và Lễ ra quân đánh bắt đầu năm 2023". Ngày Đại lễ tế thần Nam Hải, các ngư dân ôn lại chặng đường 40 năm nghề câu mực, nhắc lại những câu chuyện kỳ bí về ngư dân gặp nạn đã may mắn được cá Ông cứu vớt; nhắc lại cú nhảy vọt của nghề câu mực đã gần 10 năm. Năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP về "Một số chính sách về phát triển thủy sản", tàu câu mực được đưa vào nhóm ưu đãi vay vốn phát triển, từ đó đã ra đời loại tàu câu mực có chiều dài lên tới 25 m (tàu trước đây dài 19-21 m), mỗi chiếc chở theo từ 40-45 chiếc thúng câu (năm 1981 là 15 thúng).

Đối với những ngư dân làm nghề câu mực khơi đầy hiểm nguy, hai từ "cá Ông" luôn được nhắc đến trong ngày mở biển. Khi đánh bắt ở vùng biển Trường Sa, mỗi khi thắp hương khấn vái, thuyền trưởng luôn "cầu mong Ông Nam Hải phù hộ cho anh em ngư dân ra khơi bình an, đánh bắt thuận lợi". Tàu câu mực đội chiếc giàn khơi trên nóc, hứng chịu gió, chao lắc mạnh mỗi khi biển nổi giông, lúc đó thì thuyền trưởng lại khấn gọi "Ông Nam Hải…!".

Đầu mùa biển, ông Nguyễn Hữu Ngọt mặc chiếc áo gấm đỏ đứng ở vị trí chủ bái của vạn chài Cù Lao - Mỹ Tân. Phía sau ông là hai hàng binh phu đầu đội nón sơn, mặc sắc phục cổ xưa, tay cầm gươm gỗ, răm rắp cúi lạy, bước đi theo từng nhịp phách lách cách. "Anh em ơi… đừng thấy sóng cả mà ngã tay chèo", giọng ông chủ bái vang lên trong ngôi đình nằm giữa làng chài. Sau lễ cúng, đoàn tàu chở các cụ già ra giữa sông Trà Bồng tiến về cửa biển Sa Cần để thực hiện những nghi thức cuối cùng Đại lễ tế thần Nam Hải đại tướng quân trên sông nước.

Sau buổi lễ, hơn 50 tàu câu mực và 2.000 ngư dân lại tiếp tục hướng ra vùng biển Trường Sa. Sau 40 năm phát triển, ngư dân đã nâng cấp phương tiện hiện đại, gắn nhiều hệ thống cảnh báo, mỗi chiếc thúng được gắn riêng 1 máy Icom Galaxy để liên lạc với tàu mẹ, từ đó những cái chết bí ẩn không còn xảy ra nhiều. Nhưng với ngư dân làm nghề câu mực, trong tâm khảm vẫn tôn thờ và mong cậy nhờ cá Ông, làm ăn thuận lợi ai cũng cảm tạ "được cá Ông chở che, cho ngư phủ được một mùa no đủ".

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.