Nhà đầu tư BOT sợ minh bạch thu phí

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhiều dự án BOT trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên chưa chịu lắp hệ thống thu phí tự động không dừng do nhà đầu tư chưa muốn minh bạch thu phí.


Theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT), các nhà đầu tư phải hoàn thành lắp đặt đồng loạt hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) đối với 28 trạm thu phí BOT trên quốc lộ (QL) 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên trước ngày 30-6. Tuy nhiên, đến nay, các đơn vị mới hoàn thành lắp đặt 13/28 trạm thu phí ETC theo quy định và vận hành chạy thương mại 8 trạm.

Chây ì lắp thu phí tự động

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận triển khai áp dụng công nghệ ETC trên QL 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên từ cuối năm 2015. Dự án này được chia thành 2 giai đoạn: từ năm 2016-2019 sẽ áp dụng thu phí tự động không dừng trên 1-2 làn, sau năm 2019 sẽ áp dụng tại tất cả các làn.


 

Trạm thu phí BOT Toàn Mỹ - Băng Dương trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông)
Trạm thu phí BOT Toàn Mỹ - Băng Dương trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông)



Công ty TNHH Thu phí tự động VETC được Bộ GTVT chỉ định làm nhà đầu tư với tổng mức đầu tư 1.524 tỉ đồng, theo dạng hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh). Nhà đầu tư được phép thu hồi vốn theo thời gian thu phí các dự án BOT.

Tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ triển khai dự án ETC do Bộ GTVT tổ chức mới đây, ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (PPP), cho biết theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT, 28 trạm thu phí BOT trên QL 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên phải hoàn thành ký hợp đồng dịch vụ triển khai lắp đặt hệ thống ETC trước ngày 30-4. Vụ PPP đã mời tất cả nhà đầu tư BOT và nhà đầu tư ETC đàm phán hợp đồng.

Trong quá trình đàm phán, tất cả nhà đầu tư BOT đều khẳng định ủng hộ chủ trương này. Ngoài ra, những vướng mắc, kiến nghị của nhà đầu tư BOT đều được các bên họp bàn thống nhất giải quyết. Tuy nhiên, đến nay, công nghệ ETC mới lắp đặt hoàn thành ở 13 trạm thu phí và vận hành chạy thương mại 8 trạm. Nhiều nhà đầu tư BOT vẫn chưa ký hợp đồng lắp đặt ETC các dự án BOT trên QL 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Theo ông Nguyễn Viết Huy, nguyên nhân chậm trễ là do các nhà đầu tư BOT chưa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo.

Ông Vũ Quang Lâm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC - đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng), khẳng định VETC đã ký hợp đồng dịch vụ với 6 nhà đầu tư của 8 trạm thu phí BOT. Trong quá trình đàm phán, nhiều nhà đầu tư rất thiện chí hợp tác và chuẩn bị ký hợp đồng.

"Dù vậy, cũng có nhiều nhà đầu tư BOT, chúng tôi đã tìm đến 5 lần 7 lượt nhưng họ vẫn từ chối tiếp hoặc viện đủ cớ nhằm trì hoãn quá trình đàm phán, ký hợp đồng dịch vụ thu phí với VETC khiến tiến độ dự án bị chậm so với yêu cầu của Bộ GTVT"-ông Lâm cho biết.1

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện, tiến độ dự án ETC của 28 trạm BOT trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên bị chậm trễ, xuất phát từ tư duy của nhà đầu tư BOT chưa muốn minh bạch. "Hiện tại, tôi khẳng định số liệu doanh thu thu phí của các trạm BOT vẫn chưa phải là chuẩn 100%. Nếu tiến hành giám sát đột xuất là vẫn có vấn đề. Chính phủ đã có yêu cầu, Bộ GTVT đã chỉ đạo làm rất quyết liệt, các nhà đầu tư phải phối hợp thực hiện" - ông Huyện kiên quyết.

Trước ngày 15-8, phải lắp đặt xong toàn bộ

Trước sự chậm trễ của các nhà đầu tư BOT, ông Nguyễn Viết Huy kiến nghị Bộ trưởng GTVT yêu cầu các nhà đầu tư phải ký hoàn thành việc hợp đồng dịch vụ với nhà cung cấp VETC trước ngày 15-7 để VETC lắp đặt và triển khai trước 15-8. Giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét dừng thu phí nếu các nhà đầu tư BOT không thực hiện bảo đảm tiến độ.

Sau khi nghe ý kiến của các nhà đầu tư BOT, đơn vị cung cấp dịch vụ và cơ quan chức năng liên quan, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết việc triển khai dự án ETC nhằm cải thiện các điều kiện cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu cho xã hội và hướng tới những người tham gia giao thông là nguyên tắc bất di bất dịch. Đánh giá thời gian đã khá dài nhưng tiến độ dự án vẫn chưa bảo đảm yêu cầu, Bộ trưởng GTVT cho rằng trách nhiệm đầu tiên thuộc về các cơ quan của bộ do chưa hoàn thành nhiệm vụ trong cách thức thực hiện.

Ngoài các vướng mắc trong quá trình đàm phán, lý do lớn nhất là các nhà đầu tư BOT né tránh và e ngại tính minh bạch trong thu phí khi lắp đặt hệ thống thu phí tự động. Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh: Xu hướng sử dụng dịch vụ ETC phát triển rất nhanh, xuất phát từ yêu cầu lớn của xã hội là tính minh bạch và thuận lợi của người dân. Do đó, nếu các nhà đầu tư BOT không thay đổi thì sẽ vấp phải sự phản ứng của xã hội, buộc các cơ quan nhà nước phải xử lý.

Người đứng đầu ngành giao thông yêu cầu các nhà đầu tư BOT và VETC có báo cáo chi tiết quá trình đàm phán, lựa chọn và các đề xuất, kiến nghị gửi về bộ trước ngày 10-7. Đến ngày 15-7, các nhà đầu tư phải hoàn thành toàn bộ việc ký hợp đồng dịch vụ với nhà cung cấp và VETC tiến hành lắp đặt, vận hành hệ thống trước ngày 15-8.

Theo nld

Tôi nhận được rất nhiều kiến nghị của các doanh nghiệp vận tải khu vực phía Nam phản ánh đi trên Tây Nguyên rất thuận lợi vì có hệ thống thu phí không dừng nhưng về đến khu vực cửa ngõ TP HCM lại rất ách tắc vì vẫn thu phí thủ công" - Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa nói.

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.