Nguyễn Kim toan tính gì khi "thâu tóm" LDP?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

HĐQT CTCP Dược Lâm Đồng - Ladophar (LDP) đã thống nhất với phương án chào mua công khai hơn 2,1 triệu cổ phiếu LDP do Nguyễn Kim đề xuất.

LDP trở thành công ty con của Nguyễn Kim.
LDP trở thành công ty con của Nguyễn Kim.



Số lượng cổ phiếu LDP mà CTCP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim đề xuất mua tương đương 27,14% cổ phiếu lưu hành của LDP.

Hiện Nguyễn Kim đang là cổ đông lớn nắm giữ 1,87 triệu cổ phiếu LDP, tương ứng tỷ lệ sở hữu 24%. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của Nguyễn Kim tại LDP sẽ tăng lên 51%.

Thương vụ này đã được Nguyễn Kim đánh tiếng từ đầu tháng 4/2018 với giá mua tối đa 32.000 đồng/cp. Tuy nhiên tới tháng 6 vừa qua, mức giá đã điều chỉnh giảm xuống còn 30.000 đồng/cp. Sau khi thành công ty con của Nguyễn Kim, LDP sẽ tiếp tục phát triển lĩnh vực kinh doanh chính là sản xuất nông dược, mua bán thuốc, dược liệu, thiết bị y tế, xuất nhập khẩu thuốc, dược liệu.

Mới đây, LDP tiếp tục báo lỗ trong quý 2/2018 do chí phí giá vốn, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh. Cụ thể, tính riêng quý 2 doanh thu thuần đạt 105,2 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ trong khi chi phí giá vốn giảm ít hơn, chỉ chưa đến 18% nên lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm tới 30%, còn 13,75 tỷ đồng.

Tổng chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp là 17,2 tỷ đồng - lớn hơn rất nhiều so với lãi gộp thu được.

Kết quả, LDP lỗ 4,7 tỷ đồng trong quý 2/2018 – quý lỗ thứ 2 liên tiếp sau nhiều năm chưa hề lỗ kể từ khi lên sàn năm 2010. Tổng lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm 2018 lên đến 6,2 tỷ đồng, trong khi năm 2018 LDP đặt mục tiêu lãi trước thuế đến 29 tỷ đồng.

Cổ phiếu LDP trên sàn chứng khoán giao dịch khá ít, trung bình chỉ hơn 700 cổ phiếu được giao dịch hàng ngày trong 3 tháng qua. Hiện tại, cổ phiếu LDR niêm yết trên sàn HNX với giá 27.500 đồng/cổ phiếu, có thời điểm giá cổ phiếu LDR xuống thấp nhất trong 3 tháng qua là 23.100 đồng/cổ phiếu. Như vậy, giá mua vào của Nguyễn Kim đang cao hơn giá thị trường khoảng 2.500 đồng/cổ phiếu.

Thời gian qua, hàng loạt chuỗi điện máy đã quyết định tấn công vào thị trường dược phẩm và phân phối dược phẩm với tham vọng định hình lại thị trường này. Theo bà Nguyễn Bạch Điệp - Tổng giám đốc Công ty CP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail), FPT Retail đã mua nhà thuốc Long Châu.

Bà Diệp cũng cho biết, hiện FPT Retail đã mở được 10 cửa hàng thuốc và trong 4 năm tiếp theo, hệ thống nhà thuốc Long Châu sẽ có 100 cửa hàng/năm để đạt con số là 400 cửa hàng.

Theo một số chuyên gia, động thái thâu tóm các công dược từ các chuỗi điện máy nhằm giải quyết bài toán tăng trưởng, trong bối cảnh thị trường điện máy dần đi tới giai đoạn bão hòa. Thị trường dược và phân phối dược tại Việt Nam còn phân mảnh, và đây là điều kiện tốt cho những doanh nghiệp có kinh nghiệm phát triển định hình lại thị trường này.

Đặc biêt, theo đánh giá của hãng nghiên cứu thị trường BMI, năm 2017 doanh thu thị trường dược Việt Nam đạt 5,2 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2016 và dự báo thị trường này sẽ tăng lên 7,7 tỷ USD vào năm 2021.

Theo nhiều thống kê, hiện nay hệ thống phân phối dược phẩm tại Việt Nam chủ yếu vẫn nằm trong tay các hệ thống cửa hàng thuốc tư nhân mà chưa có đơn vị nào chiếm lĩnh trên 20% thị phần. Đây được xem là thị trường đầy tiềm năng với các doanh nghiệp kinh doanh chuỗi cửa hàng, đặc biệt những đơn vị như Nguyễn Kim.

Được biết, Nguyễn Kim là công ty có vốn điều lệ lên tới 5.000 tỷ đồng, hiện nay do đại gia Nguyễn Kim là Chủ tịch HĐQT. Ngoài ra, ông Kim còn là cổ đông sáng lập tại Công ty Thương Mại Nguyễn Kim, đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim phát triển rất mạnh tại thị trường phía Nam. Ngoài LDP, Nguyễn Kim còn đầu tư vào FT Pharma.

Nguyễn Long (enternews)
 

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.