Những ngày gian khó mà hào hùng
Công viên Ubon-Thái Lan. Ảnh: Thanh Phong |
Tuy vậy đây là thời kỳ mà nhiều người Việt tại Ubon cảm thấy tự hào nhất. Lúc ấy ai cũng một lòng hướng về Tổ quốc, đóng góp công sức giúp ích nước nhà. Tiêu biểu như bà Học (nay đã mất) hiến 120 cây vàng cho cách mạng nuôi quân, mua vũ khí. Những người như ông Hoàng Văn Phát (nay 67 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội Người Việt tại Ubon), bà Lê Thị Mão (nay 60 tuổi) và nhiều người khác nữa làm giao liên đưa thư từ cho cán bộ cách mạng Việt Nam. Những lớp học tiếng Việt được tổ chức bí mật để vừa dạy chữ Việt vừa nuôi dưỡng tinh thần yêu nước cho bà con. Những cuộc biểu tình đấu tranh chống chính quyền Thái Lan cho đế quốc Mỹ dùng sân bay để ném bom Việt Nam nổ ra liên tục. Vòi rồng và hơi cay của Cảnh sát Thái cũng không làm khuất phục được ý chí của người Việt yêu nước ở Ubon. Nhiều người đã bị bắt bớ, tù đày và hy sinh như ông Tám, ông Mộng, ông Tư Lôi, ông Sửu…
Hiện nay trong số họ đã được Chính phủ Việt Nam ghi nhận công lao như trường hợp ông Lê Bá Kí (là bố ruột của bà Lê Thị Mão, ông ngoại của chị Bùi Thị Lệ Sâm-người đã giới thiệu ở trên) được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng Huy chương Kháng chiến năm 2010 vì đã có thành tích tham gia, đóng góp, giúp đỡ đất nước trong cuộc kháng chiến góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (nội dung Huy chương).
Cảm động nhất là tấm lòng của bà con Việt kiều đối với Bác Hồ. Bà Mão kể: Mặc cho chính quyền bắt bớ nhưng nhà ai cũng lập bàn thờ để thờ Bác và có câu “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Những ngày Bác mất, nhiều người Việt ở Ubon đã xuống tóc để tang cho Bác một năm, trên ngực của người nào cũng có tang của Bác.
Mỗi ngày lại sáng
Ảnh: Tiến Dũng |
Đặc điểm chung của bà con người Việt tại Ubon là hết sức chăm chỉ làm ăn, chấp hành nghiêm túc luật pháp nước sở tại và luôn hướng về Tổ quốc. Bà con tham gia đầy đủ các cuộc quyên góp ủng hộ thiên tai lũ lụt, nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam. Trong các ngày lễ dân tộc và Tết Nguyên đán, bà con thường tổ chức giao lưu văn nghệ, thăm hỏi lẫn nhau. Nhất là khi có ma chay hiếu hỉ thì ai ai cũng có mặt. Mọi người xem những ngày này là dịp để hỏi han tin tức của nhau và kể chuyện trong nước.
Hiện ở Ubon vẫn chưa có trụ sở Hội Người Việt. Việc ma chay của bà con đều nhờ các sư ở chùa Sụt Thắt cúng bái và thờ tự. Xung quanh chùa Sụt Thắt có rất nhiều tháp thờ hài cốt của người Việt. Hơn thế, chùa đã dành một khu đất nhỏ để chôn cất người quá cố theo phong tục người Việt, một điều hiếm thấy ở Thái Lan và Lào.
Bà con Việt kiều tại Ubon hy vọng một ngày gần nhất sẽ có một trụ sở cố định của Hội Người Việt để hội họp, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, dạy tiếng Việt nhằm gắn bó hơn nữa cộng đồng người Việt ở đây. Nghe kể chuyện bên nhà tặng báo cho Việt kiều ở Champassak-Lào, bà con Việt kiều ở Ubon ai cũng mong ước được như vậy.