Người trẻ Vị Xuyên với ký ức chiến tranh biên giới phía Bắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một chàng trai bỏ hơn chục năm sưu tầm những kỷ vật chiến tranh, mở quán cà phê, trưng bày giới thiệu với du khách đến với Hà Giang. Một chàng trai trẻ khác lập nghiệp từ những cây chè năm xưa cha ông sử dụng trong những tháng ngày chiến đấu chống lại ngoại bang xâm lăng biên giới. Những người trẻ đó họ đang góp phần giúp những thế hệ tiếp nối lưu giữ những câu chuyện về cuộc chiến chính nghĩa, thiêng liêng bảo vệ phên dậu Tổ quốc.
 
Yên bình nơi phên dậu Ảnh: Trường Phong
Cà phê kỷ vật chiến tranh
Một ngày mưa rét buốt, cách trung tâm thành phố Hà Giang chưa đầy 3 cây số, anh Đỗ Việt Hùng tranh thủ ngồi lau lại đống vỏ đạn cối trong quán cà phê. Vài năm nay, đây là địa chỉ khá hút khách ở Hà Giang, đặc biệt là những người muốn tìm hiểu về chiến tranh biên giới. Ngay ngoài ngõ, bên cạnh tấm biển cà phê AK là mấy khẩu pháo đã hoen gỉ. Một chòi gác bên cạnh, mô phỏng đúng chất “chiến trường”. Lúc chúng tôi đến, Hùng đang “buồn” vì vừa bị mang hết đồ trong nhà đi giám định. “Mình vừa bị cơ quan chức năng mang đi mất hơn 1,5 tấn vỏ đạn các thứ. Chắc thời gian tới sau khi kiểm định xong sẽ lấy lại được”, Hùng nói.
Ban đầu, từ chối chia sẻ với phóng viên vì “buồn”, nhưng rồi bỗng mặn chuyện, Hùng kể đã trải qua mười mấy năm sưu tầm, trưng bày các kỷ vật chiến tranh. “Nghề chơi cũng lắm công phu”, Hùng vỗ đùi tán thành khi chúng tôi khen như vậy. Anh kể, trong nhà, có đến 80% đồ là kỷ vật chiến tranh được lấy từ mặt trận Vị Xuyên, nơi khốc liệt nhất trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới 40 năm trước. Cũng có những kỷ vật chiến trường từ cuộc chiến chống Mỹ từ miền Nam ra, nhưng không nhiều.   
Vốn là cựu chiến binh rà phá bom mìn, từng cắm trại, dò mìn ở Thung lũng Gọi Hồn, sau khi rời quân ngũ, Hùng tiếp tục “đam mê” với những binh khí thời chiến. Dĩ nhiên, cũng phải có sự dũng cảm nhất định và những thứ liên quan khác, Hùng mới sưu tập được rất nhiều kỷ vật chiến tranh ở mặt trận Vị Xuyên. Hùng kể, có lần anh lên biên giới, nơi ngày xưa từng là chiến trường ác liệt, phát hiện cả kho đạn đã hoen gỉ. Có những thứ Hùng tự đi lấy, tự tháo ở trên rừng. Có đợt, một ngày kiếm được cả trăm quả đạn. Dĩ nhiên, bằng kinh nghiệm và kỹ năng được tôi luyện trong quân ngũ của mình, mọi thứ qua tay Hùng đều an toàn, mang về như mang “sắt vụn”.
“Nói chung, vỏ đạn có nhiều nguồn lắm. Có những khẩu súng qua chiến đấu đã mục gỉ, móp méo. Đó mới là những thứ mình cần. Khẩu súng trên chiến trường, mũ sắt, bình tong cũ nát, móp méo thì mới có giá trị”, Hùng nêu quan điểm.
Hùng bảo, cũng có nhiều “dân chơi” đến hỏi mua các thứ, nhưng anh không bán, vì bán đi là mất, không kiếm lại được. Có những thứ chỉ độc bản, không thể kiếm đâu ra cái thứ hai. Ban đầu là đam mê, nhưng Hùng cũng có ý thức về việc giáo dục, phổ biến thông tin về cuộc chiến chống quân xâm lược bảo vệ biên cương.
Bằng chứng là trong không gian của quán có cả sa bàn về trận địa biên giới năm xưa. Còn gì hiệu quả bằng chính những thứ còn lưu giữ lại từ cuộc chiến năm xưa để từ đó thắp lên tinh thần yêu nước, quật cường, khí phách hiên ngang của dân tộc. Hùng cũng ấp ủ việc khi nào được trả lại các kỷ vật anh sẽ có kế hoạch chuyển địa điểm khác, có thể là ở Thanh Thủy, nơi các cựu chiến binh hay về thăm chiến trường xưa, hoặc chuyển lên Thái Nguyên...  
Chè chốt biên cương
Vượt con đường ngoằn ngoèo dẫn lên nhà ở bản Nà Toong, Lý Đức Dân, sinh năm 1993, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Thủy tiếp chúng tôi bằng một ấm chè chốt. Nhà của Dân nhìn được ra cao điểm 1509 mây mù bao phủ. Gần chục năm nay, ngoài công việc của Hội Nông dân xã, Dân say sưa với kế hoạch phát triển thương hiệu “chè chốt” của gia đình. Sau thời gian ấp ủ, mới đây, Hợp tác xã chè chốt mới thành lập được.
Nhấp ngụm nước chè thơm nồng, đặc sánh, Dân bảo, nơi đây ngày xưa là chiến trường khốc liệt. Bao thế hệ cha anh đã ngã xuống để bảo vệ vùng đất biên cương, phên dậu Tổ quốc. Chính từ chiến trường đó, cái tên chè Chốt xuất hiện. “Theo ông cha truyền lại thì lúc đó, bộ đội đóng quân trên các điểm cao. Xung quanh có các cây chè mọc tự nhiên. Cán bộ, chiến sĩ hái chè pha uống để thêm phần tỉnh táo trước âm mưu thâm độc của quân thù ”, Dân vừa nói, vừa rót nước mời khách.
 
Một góc quán cafe AK Ảnh: Trường Phong
Chè chốt biên cương vùng Thanh Thủy (Vị Xuyên) cũng giống như chè Shan tuyết trên đỉnh Suối Giàng (Yên Bái). Nước chè trong, xanh, có vị ngọt mát. Hiện, trong bản Nà Toong, có một số nhà cũng làm chè chốt như nhà Dân. Cũng chính vì thế, Dân và lãnh đạo xã Thanh Thủy mới nuôi ý định thành lập Hợp tác xã để bảo vệ thương hiệu chè Chốt độc đáo và gợi nhớ này.
Cũng vì ít người làm, nên số lượng làm ra bao nhiêu là hết bấy nhiêu. Như nhà Dân có 4 - 5ha chè cổ thụ, nhưng sản lượng cũng không đủ cung cấp. Hơn nữa, thời tiết vùng này khắc nghiệt, có những thời điểm mưa triền miên, không hái được chè, cũng không sao được, thành ra nhiều khách hàng muốn mua cũng không có. “Bây giờ một số cây chè cổ thụ cũng cỗi rồi nên chắc phải trồng thêm. Ngày xưa bố mẹ mình đã làm chè rồi, giờ mình tiếp nối, túc tắc kiếm đồng ra, đồng vào”, Dân nói.
Gần chục năm làm chè Chốt, Dân bảo, nhiều cựu chiến binh năm xưa từng chiến đấu ở đây lên mua cả chục kg. Họ ở nhiều nơi cũng gọi điện về đặt hàng nhưng không đủ cung cấp. Nhiều người lên đây, ghé vào thăm nhà, ngồi uống nước trà, gợi nhớ lại chiến trường xưa. Dân hy vọng, khi hợp tác xã thành lập, lượng chè Chốt sẽ tăng dần lên. Nói về tiềm năng, Dân bảo, không lo, vì ngay như ở địa phương đã không đủ phục vụ nhu cầu. “Đầu ra thì cơ bản khỏi phải lăn tăn. Chủ yếu phải lo đầu vào vì sản lượng còn hạn chế. Mình làm ra bao nhiêu cũng tiêu thụ được hết”, Dân chia sẻ thêm.                                                                                 
(Còn nữa)
“Nói thật là mình rất đam mê. Không thể tính được đã chi ra bao nhiêu tiền. Có những cái xin được, có những cái phải mua. Có những cái được cho tặng. Từ lúc sưu tập đến giờ là vừa tròn 18 năm. Sang năm thứ 19 rồi đấy. Quán cà phê này cũng mở được 4 năm rồi”.

Anh Đỗ Việt Hùng

Trường Phong-Xuân Ân (TP)

Có thể bạn quan tâm

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...