Người lưu giữ kỷ vật thời kháng chiến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn 20 năm qua, anh Cai Linh Phương lặn lội khắp nơi để sưu tầm, cất giữ hàng ngàn kỷ vật thời chiến và coi đó như báu vật.
 

“Góp nhặt” kỷ vật

Bên trong căn nhà cấp 4 của anh Cai Linh Phương (SN 1977, hẻm 61, đường Lữ Gia, phường Yên Thế, TP. Pleiku) là cả một “bảo tàng kỷ vật” thời chiến như: vỏ đạn, vỏ bom, thùng đựng đạn, ăng gô, mũ cối, áo trấn thủ, bi đông đựng nước... được sắp đặt ngăn nắp từ ngoài sân vào đến trong nhà.

Anh Phương chia bộ sưu tập này thành những khu vực khác nhau: kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ và thời bao cấp. Trong đó, hơn 80% vật dụng là của thời kháng chiến chống Mỹ, nhiều đồ vật còn ghi rõ năm sản xuất, xuất xứ.

Anh Cai Linh Phương tự hào về bộ sưu tập hơn 1.000 kỷ vật chiến tranh. Ảnh: Thủy Bình
Anh Cai Linh Phương tự hào về bộ sưu tập hơn 1.000 kỷ vật chiến tranh. Ảnh: Thủy Bình


Năm 2000, trong một lần đến nhà người quen chơi, anh Phương thấy thích chiếc ăng gô, chiếc đèn dầu và bàn ủi con gà để trong góc nhà. Thấy anh Phương thích, người quen đã tặng anh chiếc ăng gô đựng cơm của bộ đội sử dụng thời kháng chiến chống Mỹ. Từ đó, niềm đam mê sưu tập kỷ vật chiến tranh trong anh bắt đầu nhen nhóm.

Chỉ vào từng món đồ, anh Phương say sưa nói về công dụng của chúng. Ngay trước sân, vỏ của những quả bom được dựng lên thành hàng dài. Bộ sưu tập bi đông đựng nước được treo ngăn nắp trên tường nhà (đã có mái che). Những thùng đựng đạn, mũ cối, đèn dầu, vỏ máy bay… được sắp xếp thành từng góc riêng biệt.

Để có được chừng ấy kỷ vật, anh Phương đã không quản ngại khó khăn đi sưu tầm. Thấy anh Phương chịu khó, có người bán nhưng cũng có nhiều người hào phóng tặng cho anh làm kỷ niệm. Sau mỗi chuyến đi, anh mang về khi là chiếc mũ tai bèo đã bạc màu theo thời gian, khi thì thùng đạn nặng trịch, những chiếc bi đông đựng nước đã tróc hết sơn.

Từ vài kỷ vật đơn giản, đến nay, anh Phương đã sở hữu hơn 1.000 vật dụng thời chiến tranh. “Chiếc mũ cối này từng được bộ đội ta sử dụng, tôi được một cựu chiến binh tặng; chiếc bi đông đựng nước mua lại từ một người dân với giá 50 ngàn đồng”-anh Phương chỉ vào từng món đồ nói.

Những chiếc ăng gô, bi đông đựng nước thời kháng chiến chống Mỹ được anh Cai Linh Phương giữ gìn cẩn thận. Ảnh: Thủy Bình
Những chiếc ăng gô, bi đông đựng nước thời kháng chiến chống Mỹ được anh Cai Linh Phương giữ gìn cẩn thận. Ảnh: Thủy Bình


Để bộ sưu tập thêm phong phú, không chỉ sưu tầm những kỷ vật của quân đội ta, anh Phương còn sưu tầm cả những vật dụng của quân đội Mỹ. Ngoài ra, anh Phương còn sưu tầm được 3 chiếc xe đạp Phượng Hoàng trong thời kỳ bao cấp vẫn còn sử dụng tốt.

Khi được hỏi về giá trị của những món đồ, anh Phương cho rằng không thể định được giá. Đối với người khác, những đồ vật này không khác gì sắt vụn. Tuy nhiên, với những người đam mê sưu tầm thì đây là vật vô giá, đặc biệt hơn khi nó còn mang dấu tích của lịch sử.

Ước mơ về một bảo tàng kỷ vật

Anh Phương chia sẻ: “Trước đây, khi thấy tôi gom tiền mua hết món này đến món kia đem về để đầy nhà, vợ tôi rất bực mình. Nhưng khi nghe tôi chia sẻ về nguồn gốc, những câu chuyện gắn với từng kỷ vật thì vợ tôi chuyển sang ủng hộ”.

Những mảnh bom thời kỳ kháng chiến chống Mỹ được anh Cai Linh Phương sưu tầm. Ảnh: Thủy Bình
Những mảnh bom thời kỳ kháng chiến chống Mỹ được anh Cai Linh Phương sưu tầm. Ảnh: Thủy Bình


Hiện tại, anh Phương vẫn đang tiếp tục sưu tầm. Cách vài tuần, anh lại rong ruổi khắp nơi tìm kiếm với mong muốn “bảo tàng” kỷ vật của mình thêm phong phú. Theo anh Phương, muốn sưu tầm được những kỷ vật giá trị, không chỉ có đam mê mà cần có kiến thức để thẩm định đúng giá trị món đồ và phải có cái duyên mới sưu tầm được những món đồ ưng ý.

Hai tuần/lần, anh lại dành thời gian để lau chùi toàn bộ những kỷ vật để tránh bị rỉ sét, bụi bặm. Việc làm này còn có thêm sự hỗ trợ của người vợ và anh chị em. Dù kiến thức đã được tích lũy và hình thành qua thực tiễn, song anh Phương vẫn thường lên mạng internet, hội sưu tầm kỷ vật chiến tranh để nhờ tư vấn, trao đổi những món đồ mà mình yêu thích.

“Tôi ít khi bán những món đồ mà mình sưu tầm, vì đây là những tài sản vô giá, dày công tìm kiếm. Tuy nhiên, tôi có thể tặng những món đồ giá trị cho những người mà tôi trân quý”-anh Phương tâm sự.

Thời gian gần đây, nhiều người dân ở phường Yên Thế đến nhà anh Phương tham quan, tìm hiểu các kỷ vật. Anh Phương lại kiêm luôn hướng dẫn viên giới thiệu về giá trị, nguồn gốc của từng kỷ vật.

Ông Nguyễn Văn Hùng-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Yên Thế-chia sẻ: “Tôi khá bất ngờ khi biết đến bộ sưu tập khá đồ sộ này của anh Phương. Những hiện vật này nhắc nhớ cho chúng ta về một thời bom đạn chiến tranh ác liệt mà hào hùng. Nếu thế hệ trẻ được xem những kỷ vật này, sẽ hiểu hơn về lịch sử dân tộc”.

 Một chiếc đèn măng xông trong bộ sưu tập của anh Cai Linh Phương. Ảnh: Thủy Bình
Một chiếc đèn măng xông trong bộ sưu tập của anh Cai Linh Phương. Ảnh: Thủy Bình


Giữa dòng chảy của cuộc sống hiện đại, bộ sưu tập của anh Phương gợi nhớ ký ức về một thời “mưa bom, bão đạn” của dân tộc. Xuất phát từ niềm đam mê của bản thân, anh Phương mong muốn ngôi nhà của mình trở thành một bảo tàng mi ni về kỷ vật chiến tranh.

“Chúng tôi lớn lên khi đất nước đã hòa bình. Tôi mong muốn việc làm của mình sẽ giúp thế hệ trẻ biết cách gọi tên, công dụng của từng kỷ vật. Đây là cầu nối nhắc nhở thế hệ trẻ về lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc để có trách nhiệm hơn trong công cuộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”-anh Phương bày tỏ nguyện vọng.
 

 THỦY BÌNH

Có thể bạn quan tâm

Những người giữ hồn dân ca Jrai

Những người giữ hồn dân ca Jrai

(GLO)- Nhằm bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc Jrai, nhiều nghệ nhân ở xã Ia Rbol (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) từng ngày âm thầm lưu giữ những làn điệu dân ca như một cách thể hiện tình yêu với cội nguồn.

Lưu giữ “men say” của đại ngàn

Lưu giữ “men say” của đại ngàn

(GLO)- Hiện nay, nhiều gia đình người dân tộc thiểu số ở Gia Lai vẫn giữ nghề ủ rượu cần truyền thống từ men lá tự nhiên. Theo thời gian, họ đã cùng nhau lưu giữ “men say” của đại ngàn, giúp cho thức uống mang đậm dấu ấn văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên được chắp cánh bay xa.

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu

Những ngày làm hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng”

(GLO)- Ngày 23-3-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định về việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản tiếp nối trình UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

(GLO)- Tại Kỳ họp thứ 19 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Thủ đô Asunción (Cộng hòa Paraguay) vào ngày 4-12, UNESCO đã chính thức ghi danh Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

“Điểm sáng văn hóa vùng biên”

(GLO)- Năm 1993, Sở Văn hóa-Thông tin (VH-TT) và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã ký kết chương trình phối hợp hành động với nhiều hoạt động thiết thực, trong đó có mô hình “Điểm sáng văn hóa vùng biên”.