(GLO)- Mái nhà rông Jrai hình lưỡi búa hùng vĩ cao vút lên bầu trời xanh. Con đường đất đỏ bazan mù bụi uốn lượn ngoằn ngoèo rồi chìm khuất vào bạt ngàn cao su. Cây kơnia xanh lá, vươn thẳng, kiêu hùng mà đơn độc. Những cô gái Bahnar váy ướt, ngực căng vai trần lấp loáng ánh nắng hoàng hôn đang lụi dần dưới bến nước Plei Bông... Nhưng có một Tây Nguyên của những người lính giữ màu xanh cao nguyên còn ít người biết đến.
Có thể nói thế hệ những người lính đầu tiên của Công ty 74 (Binh đoàn 15) vốn là Trung đoàn Mê Linh có mặt từ ngày 1-5-1975 ở huyện Chư Pah (nay là huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai), rồi đứng chân đến tận bây giờ. Nói đến người lính Công ty 74, không thể nhắc đến ông Chuyển-bác sĩ quân y thâm niên hơn 30 năm leo dốc trèo đèo, sống dưới tán rừng cao su từ lúc mái đầu còn xanh đến lúc tóc điểm bạc. Nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ, chuyện vặt đối với ông Chuyển-Trung tá, bác sĩ; cái điều lớn lao, thú vị, phong phú và sinh động là gần hết cuộc đời ở rừng ông đã đỡ đẻ gần 300 lượt mẹ tròn con vuông. Có nhà: mẹ đẻ, ông đỡ; đến con đẻ, ông cũng đỡ. Có người đàn bà, ông đỡ đẻ đến 5 lượt. Bạn có thể ghen tỵ với ông bác sĩ biết hàng trăm cặp... đùi, hàng trăm cái... bụng chửa trắng hoặc đen, béo hoặc gầy, to hoặc nhỏ, méo hoặc tròn, phẳng phiu da mịn hay lỗ chân lông to, rạn da... của phụ nữ người Kinh, Bahnar, Jrai...
Tình quân dân như cá với nước thì phên giậu lòng dân càng chắc chắn. Ảnh: Đ.T |
Nhưng bạn sẽ cảm phục khi biết người bác sĩ quân y phải nhiều lần dùng miệng mình hút nước ối, dãi, máu ở miệng mũi những đứa bé ra đời trong các ca đẻ khó. Bạn sẽ mừng khi biết nơi ông bác sĩ quân y công tác đã không còn cảnh người đàn bà dân tộc thiểu số âm thầm gùi gạo, bắp, áo váy ra rẫy ở chờ ngày sinh đẻ và vượt cạn một mình, dù ngày “đi biển” ấy trời trong xanh bình yên hay mưa, nắng gắt hoặc giông bão. Đó là kết quả của một quá trình bền bỉ, kiên trì vận động đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên ăn ở vệ sinh, sinh đẻ có kế hoạch mà người ta thường gọi là công tác dân vận. Bạn sẽ thương ông bác sĩ cùng đồng nghiệp đã từng bế cả mẹ lẫn đứa con trong bụng từ rẫy vào nhà hộ sinh đỡ đẻ, lựa tay gỡ từng vòng tràng hoa quấn cổ; cứu cả mẹ và con sống trong ca đẻ ngôi ngược...
Sự thật, ông Chuyển là bác sĩ đa khoa, nhưng hoàn cảnh ngặt nghèo đẩy ông đến công việc đỡ đẻ, lương tâm trách nhiệm người thầy thuốc mách bảo ông hãy làm trọn lời thề Hypocrate, làm theo lời dạy của Bác Hồ: “Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải như là người mẹ hiền”. Gần 300 đứa trẻ ra đời qua bàn tay ông Chuyển, nhiều đứa đã trở thành cô giáo, kỹ sư, cử nhân hoặc là công nhân. Bạn hãy hình dung, ở vùng Đức Cơ sát biên giới Campuchia xa ngái, heo hắt, có thời gian nhiều xã “trắng” y tế, mà người dân và công nhân chỉ được chăm sóc sức khỏe dưới bàn tay của một y tá hoặc y sĩ nào đó y đức trung bình, trình độ chuyên môn lởm khởm thì sẽ có bao nhiêu đứa trẻ đẻ ngoài rẫy, bao nhiêu đứa trẻ không kịp nhìn ánh sáng, không kịp cất tiếng khóc chào đời?
Đức Cơ vốn một thời là chiến trường quen thuộc của Sư đoàn 320. Mười năm trước, tôi và nhà văn Khuất Quang Thụy đã đến nơi này. Dạo đó, Công ty 72 đã có hơn 2.000 công nhân, một nửa là nữ, quản lý khai thác gần 6.000 ha cao su, hơn 200 ha cà phê ở vùng 3 xã phía Tây huyện Đức Cơ là Ia Dom, Ia Pnôn, Ia Nan, cộng với một phần xã Ia Kla và thị trấn Chư Ty của huyện Đức Cơ. Đến nay, Công ty 72 đã có gần 3.000 công nhân, biên chế thành 25 đội sản xuất, chăm sóc và khai thác 8.000 ha cao su, cà phê. “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, đến khu vực Đức Cơ, tôi lại biết thêm một khái niệm “Đường biên xanh”. Đường biên xanh là bộ đội với quân phục màu xanh, họ đi đến đâu thì màu xanh của cao su, của cà phê, của rừng xanh lên đến đó. Tất nhiên, các buôn làng địa phương cũng một màu xanh tốt tươi trù phú, bởi những bàn tay ấm áp của người lính làm kinh tế, giúp dân cả đời sống vật chất và tinh thần. 25 km đường điện, 1 hồ đập, 28 cầu cống bê tông, 80 km đường liên thôn, xã, 1 bệnh xá, 9 phòng học... chỉ là các thống kê sơ lược ban đầu mà những người lính mang sắc phục màu xanh giúp dân. Tình quân dân như cá với nước thì phên giậu lòng dân càng chắc chắn.
Các làng quân nhân sum vầy bên các làng người dân tộc Bahnar, Jrai..., các điểm dân cư, đội sản xuất xen kẽ, sum vầy với các buôn làng địa phương làm cho đường biên xanh tươi và vững chắc. Công nhân làm ở Công ty của quân đội được hưởng lương, được đóng bảo hiểm, người lao động mùa vụ không đóng bảo hiểm thì thù lao cũng xứng đáng. Những năm gần đây, lãnh đạo Binh đoàn 15 chủ trương: “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; Công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng” và “Hộ gia đình công nhân người Kinh gắn với hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số”. Chính vì thế, đã có 1.012 hộ gia đình công nhân người Kinh ở công ty gắn kết với 1.012 hộ gia đình dân tộc thiểu số địa phương. Đoàn kết trong thế dân giàu thì nước mạnh. Có thực mới vực được đạo, đời sống tốt dần lên thì người ta không phá rừng nữa và mỗi lao động của công ty tự thấy trách nhiệm mình như cột mốc giữ gìn an ninh ở vùng biên.
Sân bay Đức Cơ thời Mỹ-Ngụy lúc chúng tôi đến đã là sân phơi cà phê của Công ty 72, còn căn cứ biệt kích núi Phượng Hoàng, rừng xoài Trần Lệ Xuân, đồn điền cao su Ngô Đình Nhu hầu như không còn dấu vết của một thời nhiều máu chảy lắm đau thương. Chỉ thấy bạt ngàn một màu xanh cao su, cà phê. Giám đốc Công ty 74 kể: Trước đây, bà con người Jrai làng Tung không biết trồng lúa nước. Vận động, hướng dẫn thì ai cũng lắc đầu không biết, không học. Bộ đội Công ty được cử đi cày, bừa, cấy, làm cỏ, khi lúa chín thì giao cho từng nhà đến gặt. Sau vụ đầu làm mẫu trồng lúa nước thuyết phục, các vụ sau thì bộ đội hướng dẫn cho dân, tự dân cày bừa cấy hái. Nếu bạn sinh ra ở nông thôn thuộc vùng châu thổ sông Hồng, bạn không xa lạ gì với nền văn minh lúa nước.
Nhưng người Tây Nguyên ngàn đời làm rẫy, “phương thức sản xuất” là đốn-đốt-chọc-trỉa; khái niệm lúa nước không có trong đầu họ. Bây giờ, cánh đồng 14 ha lúa đến hẹn lại mùa vàng rực chín, rộn rã tiếng nói cười lúc gặt, đập. Ở Đội 12 (Công ty 72) có nhiều công nhân người dân tộc thiểu số làm cao su, lĩnh lương hàng tháng. Anh Rơ Mah Duét (ở làng Bua), tóc xoăn, nước da ngăm đen nắm kỹ thuật trồng chăm sóc, thu hoạch mủ cao su rất tốt. Gia đình Duét có 5 người, bố, 3 anh và Duét là công nhân Binh đoàn 15. Duét mặc quần bò, áo thổ cẩm phóng xe Win đi làm; anh của Duét đánh xe công nông chở phân đạm hoặc thuốc sâu, xe nổ pành pành náo động đường làng. Bố Duét là ông Rơ Manh Bơt nghỉ theo chế độ, được lĩnh lương hưu. Thật là một cuộc đổi đời, không phải người dân nơi nào cũng có được.
Ở góc sân Công ty 72 có một cây sung cổ thụ, gốc to hai người ôm không xuể. Dưới cái nóng nung người cuối tháng 4 mà lá vẫn xanh ngằn ngặt không hề héo rũ. Những bữa ăn có thịt rừng, cá suối... cần đến vị chát là lính nhà ta lại chạy ra vặt cả nắm mà cây vẫn sum suê. Hồi còn làm nghĩa vụ giúp nhân dân Campuchia đánh bọn diệt chủng Pôn Pốt, bộ đội ta hy sinh ở nước bạn, trước khi an táng ở Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ, được đưa về tập kết, khâm liệm ở dưới gốc cây sung này. Cây sung xanh lá, xòa tán rộng hàng trăm mét vuông che nắng cho liệt sĩ. Có một điều rất lạ kỳ: Mỗi khi chuyển hết liệt sĩ đi thì cây rùng mình, rũ lá héo hon mấy ngày sau mới xanh lại. Cây cũng biết đau buồn!
Tây Nguyên còn có những người lính Công ty Bình Dương đang quản lý và khai thác hàng ngàn ha cao su xanh lá vốn là chiến trường ác liệt ngày trước. Sau khi giải phóng Tây Nguyên, quân chủ lực đều dốc hết về đồng bằng, các thành phố và Sài Gòn; cấp trên gấp rút điều 1 trung đoàn hầu hết là nữ tân binh người Hà Tây, Phú Thọ, lúc đó đang đắp đê Ba Thá vào thế chỗ chủ lực, làm nhiệm vụ giữ đất, giữ vùng biên. Cả ngàn nữ quân nhân trẻ tập trung ở vùng gió nóng khô khát, sốt rét và đói ăn triền miên... sinh ra bao nhiêu vấn đề nan giải; nhiều nữ chiến sĩ hy sinh vì sốt rét ác tính, vì bom mìn còn sót lại do chiến tranh, vì đạn súng của FULRO và cả những tai nạn bất khả kháng nữa. Những cảnh nữ binh chết trẻ rất thương tâm; da thịt con gái mơn mởn, đầy căng nhựa sống, phơi phới sức xuân... cứ hao mòn dần đi, cứ mất dần đi. Thời bình mà vẫn mất mát, hy sinh. Tiếc lắm. Xót lắm. Thương lắm.
Năm tháng qua đi, các cô gái trẻ ấy vẫn đang nằm dưới bia mộ hàng hàng thẳng tắp bên nhau như thời còn đội ngũ. Trong một lần đến Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ viếng mộ đồng đội và được nghe câu chuyện ấy, nhà thơ Vương Trọng xót xa, bồi hồi, nước mắt lặng thầm chảy vào trong. Đêm hôm đó ngủ lại đơn vị, như nhát cuốc đụng phải mạch ngầm, dòng suối thơ “Lỗi hẹn với bằng lăng tím” tuôn trào trong nỗi buồn thương, xót xa của Vương Trọng. Một bài thơ buồn, đầy tâm trạng, thương cảm những người con gái trẻ đã dành hết tuổi xuân giữ màu xanh Tây Nguyên.
Tây Nguyên có những người lính thời bình giữ màu xanh như thế.
Sương Nguyệt Minh