Về buôn Bir hỏi thăm ông Ksor Róch, một người dân sốt sắng trả lời: “Là chú Róch giỏi đan lát đó mà, nhà chú ấy ở cuối buôn, cạnh sân bóng, đi chừng 100 m là thấy ngay”. Lúc chúng tôi đến, ông Róch đang cặm cụi đan chiếc rổ nhỏ trước hiên nhà sàn. Thấy có khách, ông Róch ngẩng mặt lên cười trìu mến rồi lại tiếp tục chăm chú với việc đan rổ của mình.
Chia sẻ về quá trình bén duyên với nghề đan lát truyền thống, ông Róch cho rằng, đó là nhờ người cha quá cố đã bỏ công truyền dạy và sự chịu khó học hỏi thêm của bản thân. Khi mới 10 tuổi, ông Róch đã biết cách đan gùi, rổ, nong, nia. Rồi cứ thế, tình yêu đối với nghề đan lát lớn dần theo thời gian. Cho đến giờ, ông Róch vẫn miệt mài gắn bó với nghề đan lát, một phần phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình, phần để bán nhằm cải thiện thu nhập. Nhưng với ông Róch, duy trì việc đan lát là để thỏa mãn niềm đam mê với nghề và giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc Jrai.
Với ông Ksor Róch, duy trì nghề đan lát là góp phần giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc Jrai. Ảnh: KSOR H'YUÊN |
Theo ông Róch, trong các vật dụng như rổ, rá, nong, nia, gùi, liếp… thì đan gùi đòi hỏi nhiều thời gian và công sức nhất. Mỗi chiếc gùi phải mất ít nhất 1 tuần đến 10 ngày mới đan xong; nia thì hết chừng 5 ngày; còn rổ, rá khoảng 2,5 ngày. “Tuổi cao, sức yếu lại làm cả việc nhà nên mỗi tháng tôi chỉ nhận đan từ 4 đến 6 cái rổ thôi. Còn nong, gùi cho khách đặt ở buôn Rưng (xã Ia Rbol), Plei Kte (xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện)… tôi hẹn đến tháng 7 mới hoàn thành”-ông Róch nói.
Nghe ông Róch kể chuyện, tôi nhớ lại chuyện hồi năm ngoái, mình cũng là một khách hàng đặt mua vài chiếc rổ và nia của ông. Quả đúng là thời gian chờ nhận hàng hơi lâu, nhưng sản phẩm tôi nhận về thì không chê vào đâu được. Sau đó, tôi giới thiệu cho bạn bè, người thân biết, khi có nhu cầu thì mua những sản phẩm do ông Róch làm.
Ông Róch cho biết thêm, ngoài lý do tuổi tác thì sự khan hiếm nguồn nguyên liệu cũng khiến ông gặp khó trong việc duy trì nghề đan lát. Hiện nay, ông Róch đang tận dụng một sào đất rẫy và một khoảnh đất nhỏ trong vườn để trồng vài bụi tre, trúc dùng cho việc đan lát. Việc chọn cây tre, nứa đảm bảo chất lượng cũng đòi hỏi sự tinh tế, kỹ càng. Còn đối với việc đan lát thì càng đòi hỏi sự kiên trì, chịu khó và tỉ mỉ trong từng khâu, từ chẻ cây tre, nứa cho đến gọt, chuốt nan; khó nhất chính là căn chỉnh kích thước cho các nan, lạt đều nhau, tránh chuốt quá mỏng hoặc quá dày, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Gặp khó về nguyên liệu và mất nhiều thời gian để làm ra sản phẩm là thế, nhưng giá của mỗi vật dụng lại khá “mềm”: rổ nhỏ có giá 60 ngàn đồng/cái, rổ to 100 ngàn đồng/cái, nong khoảng 300 ngàn đồng/cái, gùi khoảng 400 ngàn đồng/cái.
Đối với người Jrai, nếu se sợi, dệt vải, may vá là trách nhiệm của phụ nữ thì đan lát lại là của đàn ông. Thế nên 4 người con trai của ông Róch đều biết vài công đoạn của việc đan lát. Thỉnh thoảng, khi rỗi việc nhà, các con đều đến phụ giúp ông. Nhờ đó, việc hoàn thành sản phẩm cho khách được nhanh hơn. Tuy nhiên, ông Róch vẫn còn đó những trăn trở, đặc biệt là việc truyền nghề cho lớp trẻ.
Ông bày tỏ: “Các con đều có công việc riêng nên chẳng ai muốn theo nghề này cả. Trong các lần họp thôn, sinh hoạt cộng đồng, tôi cũng nhiều lần kêu gọi, động viên lớp thanh niên đến nhà học nghề đan lát miễn phí mà vẫn chưa thấy ai”.
Không chỉ giỏi việc đan lát, ông Róch còn biết chơi cồng chiêng. Vì vậy, mỗi lần địa phương tổ chức các hoạt động, phong trào văn hóa-văn nghệ, hội thi, hội diễn, ông Róch đều tích cực tham gia. Ngoài ra, ông còn tham gia trình diễn đan lát tại các hội thi văn hóa do thị xã tổ chức… “Ngoài việc cải thiện thu nhập, các hội thi, hội diễn, ngày hội văn hóa dân tộc chính là sân chơi bổ ích giúp tôi có thêm động lực giữ nghề đan lát”-ông Róch tâm sự.
Nhận xét về ông Róch, ông Ksor Khoan-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Bir-cho biết: Ông Ksor Róch là một trong những người uy tín của buôn Bir, giỏi việc đan lát và có ý thức giữ gìn nghề đan lát truyền thống, văn hóa cồng chiêng. Thời gian tới, tôi mong chính quyền và các ngành chức năng thị xã quan tâm và tổ chức các hoạt động, phong trào phong phú, đa dạng giúp những người Jrai như ông Róch có sân chơi để thể hiện năng khiếu, sở trường, từ đó góp phần lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ.
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu