“Người đuổi gió” trên đỉnh Cu Vơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Cách đây 20 năm, vùng đồi núi Cu Vơ, xã rẻo cao Hướng Linh, huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) không một nóc nhà định cư sinh sống. Quanh năm, ở đó chỉ có gió chướng với thỉnh thoảng mưa rừng. Song khoảng 10 năm lại đây, ở lưng chừng các sườn núi này lần lượt mọc lên những ngôi nhà sàn rất đẹp.

Sự đổi thay ấy được mang lại bởi trí óc và sự lao động cần mẫn của một nông dân Vân Kiều. Tên ông là Hồ Văn Thương, bà con ở đây thường gọi ông bằng cái tên khác: “Người đuổi gió” để thể hiện tấm lòng biết ơn, sự trân trọng và ngưỡng mộ ông.

Bà con Vân Kiều ở bản Cu Vơ kể lại, cách đây 20 năm, họ sinh sống ở bản Miệt bên sông Rào Quán thuộc xã Hướng Linh. Tuy nhiên, năm 2003, tỉnh Quảng Trị tổ chức xây dựng công trình thủy lợi - thủy điện trên con sông này nên người dân ở đây được bố trí tái định cư tại các vùng đất Hoong Cóc và Xa Bai cách đó nhiều cây số. Riêng ông Thương không theo bà con về nơi ở mới, ông ngược lên vùng đồi núi Cu Vơ khai hoang, định cư sinh sống.

Ông Hồ Thương bên cánh rừng trẩu xanh tốt.

Ông Hồ Thương bên cánh rừng trẩu xanh tốt.

Tuy nhiên, sau một thời gian gắn bó hẳn với Cu Vơ, ông Thương mới thực sự nhận ra mình không lường hết trước được những khó khăn, thách thức do sự khắc nghiệt của thời tiết gây ra. Nhớ lại lúc đó, ông Thương bộc bạch: “Sau chưa đầy một năm lên ở hẳn đây, gia đình mình đã bị thiệt hại gần 100 con trâu, chúng bỗng dưng bị bệnh rồi chết hàng loạt. Cũng vào thời điểm này, lâm trường Hướng Hóa tiến hành khoanh nuôi rừng tái sinh và trồng ở một số khu vực trên đỉnh Cu Vơ. Nhiều người bảo đàn trâu của gia đình mình chết là do bị người của lâm trường này bỏ thuốc độc vì sợ chúng phá rừng. Vì thế, mình không khỏi hoang mang và hoài nghi. Song, sau nhiều đêm nghĩ lại và đi hỏi những người tốt bụng, mình xác định được nguyên nhân trâu bị chết là do thời tiết khắc nghiệt. Chúng bị đói, rét; sức đề kháng suy giảm dẫn đến bị bệnh và chết”.

Đường lên Cu Vơ ngày ấy chỉ là lối mòn vắt qua đỉnh núi, quanh co hiểm trở bởi một bên vách núi cao, một bên là vực thẳm. Vào những lúc thời tiết giao mùa, ông Thương hay ra ngồi ở phiến đá lưng chừng con dốc nhìn về làng cũ. Lúc ấy ông nhớ lắm ngôi nhà cũ dưới chân núi bên sông, nhớ về cuộc sống yên bình nơi bản làng mà gia đình ông đã gắn bó qua nhiều thế hệ. Những lúc gặp khó khăn, ông cũng đã đôi lần quay về tha thẩn nơi bản cũ bên con sông ấy. Nhưng rồi một ngày kia ông bỗng nhìn thấy cây trẩu nở hoa trên đỉnh Cu Vơ bấy lâu trọc trụi mà cảm thấy như tìm được phép màu.

“Hoa trẩu làm tôi lóe lên ý nghĩ trồng rừng, bởi ở nơi mà rừng lên xanh được thì chắc chắn sự sống cũng sẽ sinh sôi. Thế rồi tôi tình nguyện làm bảo vệ rừng cho lâm trường Hướng Hóa và tích cực trồng cây trẩu”, ông Thương trầm ngâm nhớ lại và giải thích thêm, ở đây chỉ có loài cây trẩu mới chống chịu được thời tiết khắc nghiệt, mới lớn kịp nhanh thành rừng để giữ đất, giữ nước, tỏa bóng mát vào mùa hè và đặc biệt là có đủ sức để ngăn chặn, xua đuổi gió chướng vào mùa đông.

Kể từ đó, ngoài việc giữ rừng, năm nào ông Thương cũng tranh thủ trồng thêm cây trẩu. Rừng Cu Vơ đã trả ơn người tận tâm chăm sóc, sản sinh và giữ gìn những dòng nước xanh mát quanh năm. Suy nghĩ của ông Thương về làm kinh tế cũng thay đổi kể từ khi xác định kẻ gây khó khăn cho ông chính là gió chướng. Không còn phụ thuộc hoàn toàn vào đàn trâu, ông bắt tay khai hoang hơn 0,5ha ven rừng để trồng lúa. Cách làm lúa nước của ông Thương cũng có sự tính toán khác với bà con Vân Kiều trong vùng, ông chỉ gieo cấy lúa một vụ, thu về khoảng hơn 3 tấn thóc để đủ lương thực, thời gian còn lại ông dẫn nước từ khe suối vào ruộng để nuôi cá và đây cũng là cách ông không khai thác quá mức để đất bị bạc màu, nguồn nước bị cạn kiệt.

Nói về các khu tái định dành cho người dân bản Miệt năm xưa, sau khi thấy ông Thương có cuộc sống ngày càng ổn định trên đỉnh Cu Vơ, hàng chục gia đình đã rời những khu tái định chật hẹp ấy để ngược lên Cu Vơ như một miền đất hứa. Vậy là, Cu Vơ - ngọn đồi hoang hiểm trở và khắc nghiệt năm xưa giờ đây đã là làng của 88 hộ dân. Những ngôi nhà ẩn mình dưới tán cây trẩu xanh tốt bên cánh rừng đã sinh sôi sự sống mãnh liệt. Khu rừng trẩu và cây bản địa không chỉ cung cấp nguồn nước sinh hoạt mà còn cung cấp nước để nhiều gia đình chăn nuôi và trồng lúa nước, nuôi cá. Ngôi nhà của ông Thương bây giờ một phía là rừng, còn lại ba phía là cây trẩu. Ông vẫn duy trì đàn trâu 60 con, mỗi năm cho thu nhập không dưới 200 triệu đồng.

Ông Thương thường bảo với mọi người, nhất là bọn trẻ, với Cu Vơ mùa hè và mùa đông vẫn khắc nghiệt, vẫn mang theo gió chướng nhưng bằng công việc trồng cây, giữ rừng kiên trì từ năm này sang năm khác, ông cùng với mọi người đã “đuổi” được gió chướng lên cao để sinh sống. Mọi người phải nhắc nhở nhau về ý nghĩa của việc trồng và bảo vệ rừng, phải biết ơn từng gốc cây đã góp phần xua đuổi những mùa gió chướng càn quét qua bản làng.

Có thể bạn quan tâm

Niềm đam mê bất tận với billiards

Niềm đam mê bất tận với billiards

Hành trình chinh phục ngôi vô địch đồng đội thế giới 2024 nội dung carom 3 băng của “cặp bài trùng” Trần Quyết Chiến và Bao Phương Vinh đã đưa người hâm mộ billiards trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc, có cả sự hồi hộp, nghẹt thở đến vỡ òa hạnh phúc.
Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.