(GLO)- Sáng 21-4, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức Lễ công bố hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc theo hình thức trực tuyến. Dự và chỉ đạo có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và Tổng cục Thuế.
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có: Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lê Minh Nhựt-Phó Trưởng ban Chỉ đạo triển khai hóa đơn điện tử tỉnh; Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Đặng Công Lâm; Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Lương Thanh Bình.
Quang cảnh tham gia buổi lễ công bố hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc tại điểm cầu Cục Thuế tỉnh Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy |
Phát biểu tại lễ công bố, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: “Thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia, Bộ Tài chính đã chỉ đạo triển khai rất quyết liệt, coi đây là nhiệm vụ đột phá quan trọng, hướng tới mục tiêu Bộ Tài chính số. Việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử mang lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và cho cả cơ quan quản lý thuế. Hóa đơn điện tử góp phần đẩy mạnh thương mại điện tử, bảo vệ môi trường, phù hợp với xu thế thế giới. Giai đoạn 1 triển khai hóa đơn điện tử đã hoàn thành một cách đầy ấn tượng. Giai đoạn 2 rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương 63 tỉnh, thành phố để hoàn thành hơn 3 tỷ hóa đơn điện tử. Bộ Tài chính quyết tâm phấn đấu đến ngày 1-7-2022, tất cả doanh nghiệp sẽ áp dụng hóa đơn điện tử, đồng thời sẽ áp dụng trí tuệ nhân tạo AI để phân tích rủi ro, phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi vi phạm liên quan đến thuế".
Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xác định triển khai hóa đơn điện tử là một nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, chuyển đổi số đối với cơ quan tài chính cũng như trong các cơ quan Nhà nước. Việc triển khai hóa đơn điện sẽ góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, phương thức quản lý, tổ chức thực hiện của cơ quan thuế theo hướng tự động nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, giảm chi phí, tăng năng suất hoạt động của doanh nghiệp.
Với mục tiêu đến ngày 1-7-2022, toàn bộ người nộp thuế đang sử dụng hóa đơn theo quy định tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã phê duyệt việc tổ chức thực hiện triển khai áp dụng hóa đơn điện tử theo lộ trình 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ ngày 21-11-2021 tại 6 địa phương, gồm: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, Bình Định, Phú Thọ. Giai đoạn 2 từ tháng 4-2022 tại địa bàn 57 tỉnh, thành phố còn lại. Tính đến ngày 31-3-2022, tại 6 tỉnh, thành phố của giai đoạn 1, toàn bộ các tổ chức, doanh nghiệp đã thực hiện chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử; toàn bộ hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã sử dụng hóa đơn điện tử. Đối với 57 tỉnh, thành phố của giai đoạn 2, Tổng Cục Thuế đã đặt ra lộ trình đến hết ngày 10-5-2022 phải hoàn thành tối thiểu 50%, đến hết ngày 31-5-2022 phải hoàn thành 90%, đến hết ngày 30-6-2022 phải hoàn thành 100% số lượng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đang sử dụng hóa đơn chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định.
Các đại biểu tại điểm cầu Tổng cục Thuế và điểm cầu 63 Cục Thuế toàn quốc đã đồng loạt kích hoạt hóa đơn điện tử, đánh dấu thời điểm toàn hệ thống chính trị triển khai thực hiện hóa đơn điện tử.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được của giai đoạn 1 và công tác chuẩn bị triển khai giai đoạn 2 cho 57 tỉnh, thành phố. Kết quả thực hiện bước đầu cho thấy, việc triển khai hóa đơn điện tử được ví như một mũi tên trúng nhiều đích.
Tại điểm cầu Cục Thuế tỉnh Gia Lai, các đại biểu tham gia nghi lễ kích hoạt hóa đơn điện tử toàn quốc. Ảnh: Đức Thụy |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng ghi nhận, biểu dương những nỗ lực quyết tâm của Bộ Tài chính, ngành Thuế trong việc triển khai hóa đơn điện tử, đánh giá cao sự hưởng ứng và tham gia tích cực, mạnh mẽ của các cấp, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi số của ngành Thuế. Dịp này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã lưu ý một số vấn đề trọng tâm cần khắc phục, trong đó đề nghị ngành Thuế quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn, nỗ lực hơn để khắc phục các vấn đề nhằm vươn lên một tâm cao mới; tạo được sự thống nhất trong nhận thức và hành động từ Trung ương đến cơ sở; có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, không ngừng hoàn thiện thể chế, đầu tư cơ sở vật chất cho phù hợp.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu ngành Thuế tập trung xây dựng thể chế, thủ tục hành chính đơn giản phù hợp điều kiện Việt Nam và thông lệ quốc tế; ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại có tính liên thông tự động hóa, đảm bảo an toàn an ninh mạng ở mức cao nhất; xây dựng ngành Thuế minh bạch, liêm chính, hiện đại, phân cấp, phần quyền phù hợp, hiệu quả; nâng cao tính chủ động của Trung ương và địa phương; đồng thời có công cụ giám sát, kiểm tra hiệu quả ở các cấp. Lấy người dân doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, động lực, mục tiêu trong quá trình chuyển đổi số.
SƠN CA