Ngoài 80 tuổi vẫn tâm huyết giữ nghề truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tuy đã 84 tuổi nhưng ông Siu Hơng (làng Ấp, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) vẫn miệt mài với nghề đan lát. Những sản phẩm đẹp mắt, có hoa văn tinh xảo của ông không chỉ mang lại thu nhập mà còn góp phần lan tỏa đam mê gìn giữ nghề truyền thống cho thế hệ trẻ vùng biên.
Ông Siu Hơng chia sẻ cách đan gùi truyền thống cho đoàn viên, thanh niên. Ảnh: M.N

Ông Siu Hơng chia sẻ cách đan gùi truyền thống cho đoàn viên, thanh niên. Ảnh: M.N

Chúng tôi có mặt tại nhà ông Siu Hơng vào một ngày trời lắc rắc mưa. Bên bếp lửa ấm áp, ông Hơng đang chăm chú đan gùi. Nói về nghề đã gắn bó gần 70 năm qua, ông Hơng kể: “Ngày trước, hầu hết đàn ông trong làng đều biết đan gùi. Mình được cha chỉ cách đan gùi từ năm 15 tuổi. Việc đan gùi tuy không vất vả nhưng đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và kiên trì của mỗi người”.

Tùy vào mục đích sử dụng mà ông Hơng đan gùi với những kiểu dáng, kích cỡ khác nhau. Gùi dùng để đựng gạo, hạt giống thì được đan 2 lớp, không có kẽ hở. Gùi đựng đồ đi làm rẫy thì đan thưa hơn. Đặc biệt, những chiếc gùi dùng để trưng bày, làm quà lưu niệm hoặc làm theo đơn đặt hàng được ông Hơng đan công phu hơn và có nhiều hoa văn truyền thống của người Jrai.

Trong nhà ông Hơng lúc nào cũng có khoảng 10 chiếc gùi với nhiều kích cỡ khác nhau. Một chiếc gùi thường có 3 bộ phận chính: đế, thân và dây đeo. Ngoài ra, tùy theo nhu cầu sử dụng, một số chiếc còn có thêm phần nắp đậy. Các bộ phận của gùi được đan bằng cây lồ ô, riêng phần đế gùi được làm từ thân cây chao rừng, rất dẻo và có thể uốn cong được.

Theo ông Hơng, để làm được 1 chiếc gùi đẹp phải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ. Đầu tiên là khâu chọn vật liệu, lồ ô phải chọn những cây thẳng, dài. Người có kinh nghiệm khi nhìn vào màu sắc có thể nhận biết được cây lồ ô đủ tuổi để chặt. Những cây lồ ô già thì thân cứng, nan dễ gãy và khó đan. Ngược lại, nếu cây non quá, khi phơi thì nan sẽ khô, co lại, không đủ độ dai và bền cho gùi. Vì vậy, chọn vật liệu là một trong những khâu quan trọng quyết định độ bền, đẹp của chiếc gùi. “Lúc còn khỏe, mình tự đi rừng kiếm cây lồ ô về để đan gùi. Nay tuổi cao sức yếu, người trong làng đi rừng thấy vật liệu tốt thường lấy về tặng hoặc bán rẻ để mình đan”-ông Hơng tâm sự.

Sau chọn vật liệu là công đoạn vót lồ ô, chuốt nan, phơi khô sợi nan. Dao dùng chuốt nan không được quá sắc hoặc quá cùn thì mới cho sợi nan đều, nhẵn, dẻo dai. Đế gùi làm bằng gỗ cây chao nên có độ dẻo, dễ uốn; đế gùi thường cao khoảng 10 cm, được gắn chặt dưới thân giúp gùi đứng vững trên mặt đất. Để tạo hoa văn cho chiếc gùi, ông Hơng nhuộm màu sợi nan, đợi khô rồi mới đan. Những hoa văn được ông lựa chọn đan trên thân gùi thường mô phỏng theo hình dáng của mái nhà rông, đồi núi, cây cối…

Ngoài lồ ô, ông Hơng còn đan gùi từ những vật dụng tái chế như: nắp lon bia, hạt cườm... Ông cũng đan một số vật dụng dùng trong gia đình như rổ, rá hoặc làm những chiếc gùi kích thước nhỏ để bán làm quà lưu niệm. Gắn bó với việc đan gùi bao năm qua, ông Hơng không thể nhớ mình đã đan bao nhiêu sản phẩm. “Giờ già yếu rồi, mình không còn đan nhiều và nhanh như lúc trước. Nhưng ngày nào mình cũng phải cầm đến sợi nan bởi không làm thì ngứa tay lắm”-ông Hơng chia sẻ.

Những chiếc gùi với hoa văn đẹp mắt do ông Siu Hơng đan. Ảnh: Minh Nhật

Những chiếc gùi với hoa văn đẹp mắt do ông Siu Hơng đan. Ảnh: Minh Nhật

Thông thường, ông Hơng mất từ 7 đến 10 ngày để đan xong 1 chiếc gùi. Chị Rơ Mah Blui tâm sự: “Nhiều người dân trong làng nhờ bố tôi đan gùi, giá thì tùy theo từng loại, có chiếc vài trăm ngàn đồng, cũng có chiếc vài triệu đồng. Ở tuổi của bố tôi, việc đan gùi không còn là để kiếm tiền nữa, cái chính là ông được thỏa mãn niềm đam mê với nghề truyền thống của dân tộc”.

Đầu năm 2023, Đoàn xã Ia Kriêng nhờ ông Hơng hỗ trợ để xây dựng Đề án “Làng nghề đan lát truyền thống thanh niên”. Bí thư Đoàn xã Rơ Mah HDịu cho hay: “Việc đan lát đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì, chịu khó nên các bạn trẻ không mấy mặn mà với nghề này. Tuy nhiên, có những vật dụng mà các sản phẩm từ nhựa hay kim loại không thể thay thế được. Vì thế, Đoàn xã đã xây dựng đề án và nhờ ông Hơng hỗ trợ dạy nghề, hướng dẫn kỹ thuật cho các bạn trẻ. Mục đích của đề án là phấn đấu đến năm 2024 tạo việc làm cho khoảng 20 đoàn viên, thanh niên ở địa phương; cải thiện kinh tế, đời sống bằng những vật liệu thân thiện với môi trường; góp phần gìn giữ nghề truyền thống”.

Nói về việc truyền nghề cho thế hệ trẻ, ông Hơng bày tỏ: “Thấy các đoàn viên, thanh niên tâm huyết, chịu khó học hỏi, mình rất vui và sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật. Hy vọng đề án sẽ đạt kết quả cao, ngoài mục đích kinh tế còn góp phần bảo tồn và phát huy nghề truyền thống”.

Có thể bạn quan tâm

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở Ia Rsươm

Người giữ nghề dệt thổ cẩm ở Ia Rsươm

(GLO)- Không chỉ dệt thổ cẩm giỏi, chị Rah Lan H’Nghí (SN 1988, buôn Toát, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) còn nhiệt tình chỉ dạy cho chị em trong buôn để góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Là gốm nhưng không phải... gốm

Là gốm nhưng không phải... gốm

Sau thời gian dài thực nghiệm, nghệ nhân Đỗ Hữu Triết (51 tuổi, ngụ 66 Chi Lăng, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế) sáng tạo thành công chất liệu mới có tên Việt kim diêu có thể đáp ứng nhu cầu sáng tạo nghệ thuật với nhiều đặc tính ưu việt.

Rơ Châm Nguyên nặng tình với dân ca Jrai

Rơ Châm Nguyên nặng tình với dân ca Jrai

(GLO)-Nhiều năm qua, người dân làng Kte (xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) luôn dành sự yêu mến và kính trọng đối với bà Rơ Châm Nguyên bởi bà biết hát và lưu giữ nhiều bài dân ca của dân tộc Jrai.

Bảo tồn và phát huy di sản

Bảo tồn và phát huy di sản

Câu chuyện biệt thự “nhà lầu ông Phủ” (ven sông Đồng Nai, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) xôn xao dư luận những ngày qua như một tín hiệu vừa mừng vừa đáng suy ngẫm. Mừng khi cộng đồng ngày càng quan tâm thiết thực đến các giá trị di sản văn hóa.

Tấm lòng người làm lồng đèn truyền thống

Tấm lòng người làm lồng đèn truyền thống

Sau những gian hàng lồng đèn ồn ào, tấp nập mùa Trung thu là bao năm thao thức thầm lặng của các nghệ nhân, miệt mài, tỉ mỉ với từng công đoạn để thế hệ nào cũng có ký ức đẹp về những đêm trăng vàng với chiếc lồng đèn truyền thống rực rỡ trên tay.
Cây vũ trụ của nền văn hóa Đông Sơn trên trống đồng

Cây vũ trụ của nền văn hóa Đông Sơn trên trống đồng

Trước nay, các nhà nghiên cứu đều cho rằng mỹ thuật Đông Sơn bị trống vắng yếu tố thực vật. Thế nhưng với sự phát hiện hoa văn vòng tròn hay vòng tròn đồng tâm có chấm giữa là hoa cúc được cách điệu, đã cho thấy yếu tố thực vật chưa bao giờ vắng bóng trong trang trí ở trống đồng.
Nghệ nhân 80 tuổi giữ nghề làm đèn ông sao

Nghệ nhân 80 tuổi giữ nghề làm đèn ông sao

Khung tre được uốn nắn tỉ mỉ, bọc bên ngoài là tấm giấy đầy màu sắc rực rỡ, nghệ nhân Trần Thanh Tùng (80 tuổi, thôn Thu Xà, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) làm thành những chiếc lồng đèn trung thu truyền thống.