Ngày về của một 'Trung tá, Tỉnh trưởng' FULRO

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Nắng Thu chợt gắt, nền rừng thăm thẳm, từng dải mây trắng trải đều mềm như dải lụa. Núi Liêng Tình Tang lối xưa ngang dọc, chi chít gót giày của bọn FULRO, bây giờ đã phủ kín rêu phong. Kra Jăn Ha Xuyên đăm chiêu phóng tầm mắt về rừng, nơi đó có thời in sâu tội lỗi về một tổ chức tội ác trên vùng đất Tây Nguyên.

Về một tổ chức tội ác…

Sau năm 1975, FULRO với sự nuôi dưỡng, giật dây của các “ông chủ” ở nước ngoài, đã tung người về các buôn làng xây dựng lực lượng, chuẩn bị hậu cứ, lôi kéo, xúi giục bà con đi theo chúng. Ngoài vận động nhiều thanh niên bỏ trốn lên rừng, huấn luyện, trang bị vũ khí, tổ chức này còn tuyên truyền, xuyên tạc về chế độ mới do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo với mục đích gieo rắc nỗi khiếp hãi cho bà con nhằm phục vụ lợi ích chính trị cho những đối tượng cầm đầu.

Ông Ha Xuyên có nhiều đóng góp trong việc giữ vững ANTT trong vùng dân tộc, tôn giáo ở Đầm Ròn, huyện Đam Rông

Ông Ha Xuyên có nhiều đóng góp trong việc giữ vững ANTT trong vùng dân tộc, tôn giáo ở Đầm Ròn, huyện Đam Rông

Chúng hoạt động bí mật nhưng công khai đối lập, sẵn sàng tiến hành các vụ tập kích vũ trang, cướp bóc, sát hại dân thường và cán bộ của ta, nhất là ở cơ sở. Sau năm 1975, nhiều đối tượng còn lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chúng yêu cầu bà con đóng góp tiền bạc để được vượt biên sang Mỹ sinh sống với lời hứa ở đó “không làm mà vẫn có ăn”. Tất nhiên, sau khi nộp đủ tiền, những kẻ lừa đảo lặn mất tăm hơi, hoặc những người được vượt biên thì sống vật vờ trong các “trại tị nạn” ở một số nước trong khu vực mà không bao giờ được đặt chân tới “xứ sở cờ hoa” như những kẻ lừa đảo hứa hẹn.

Ở vùng Đầm Ròn (các xã Đạ Long, Đạ Tông và Đạ Mrông), huyện Đam Rông ngày nay và cả trung ương FULRO xưa ở Lâm Đồng khi đó không ai còn xa lạ Kra Jăn Ha Xuyên (sinh năm 1950). Từng là thầy giáo dưới chế độ cũ, năm 1975, Ha Xuyên sợ hãi khi nghe ai đó nhắc tới “Cộng sản”. Đó gần như là nỗi sợ chung của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi màu sắc chính trị do tổ chức FULRO gieo rắc, xuyên tạc trong thời gian dài. Ngay khi đất nước thống nhất, FULRO đã viết thư vận động Kra Jăn Ha Xuyên đi theo chúng với hứa hẹn chắc nịch về quyền lợi. Bị Ha Xuyên lắc đầu từ chối, tổ chức này cử hẳn người về vùng Đầm Ròn, gặp trực tiếp Ha Xuyên để thuyết phục. Bởi, chúng biết rất rõ, chỉ có thu phục được Ha Xuyên thì cả vùng Đầm Ròn rộng lớn, bao quanh là rừng này mới thuộc về hậu cứ của chúng. Vậy là hằng ngày, các đối tượng FULRO cộm cán lân la tới nhà, gieo rắc vào đầu Ha Xuyên những nỗi sợ hãi không có thực về chính quyền mới. Chúng tâng bốc, vẽ ra viễn cảnh hào nhoáng, xán lạn khi đi theo FULRO. Rồi không biết từ khi nào, đầu óc Ha Xuyên trở nên u mê, không thể phân biệt được đâu là chính nghĩa, đâu là tà ác. Những lời dịu ngọt có cánh của kẻ gian xảo cùng với hứa hẹn hão huyền sẽ đảm bảo quyền lợi về chính trị, kinh tế và sang Mỹ định cư sung sướng khiến Ha Xuyên mủi lòng.

Tác giả trò chuyện cùng ông Ha Xuyên

Tác giả trò chuyện cùng ông Ha Xuyên

Tối hôm đó, Ha Xuyên cuốn theo mấy bộ quần áo bạc màu để đi theo FULRO mà chưa biết để làm gì. Họ lần theo con đường mòn phía Tây của buôn, cứ thế nhằm thẳng hướng núi Liêng Tình Tang mà đi. Hết đường, toán người dùng dao phát cây mở lối, họ đi nhiều ngày thì tới “căn cứ”. Đó là khu vực nằm sâu trong rừng, người lạ như Ha Xuyên không thể xác định được phương hướng. Lúc này, nếu có muốn bỏ trốn cũng không ai dám, bởi sẽ bị lạc đường hoặc thú dữ ăn thịt. Lọt thỏm giữa toán người hung hãn, cả ngày chỉ lăm lăm khẩu súng đi lại, luyện tập, ăn uống thiếu thốn, lúc này, Ha Xuyên ngờ ngợ nhận ra mình đã bị lừa. Viễn cảnh tươi sáng trước đó ít ngày các đối tượng vẽ ra cho Ha Xuyên chỉ là trò bịp. Nhưng Ha Xuyên không dám làm trái ý bọn chúng. Bởi khi đã tới đây, tính mạng Ha Xuyên không còn do Ha Xuyên quyết định. Những kẻ tay lăm lăm khẩu súng, mắt lúc nào cũng trợn ngược quát tháo kia mới là người cho Ha Xuyên được sống khi chúng cần và bắt Ha Xuyên phải chết khi chúng muốn.

Thế nhưng, biết Ha Xuyên là người có trình độ và ảnh hưởng sâu rộng ở vùng Đầm Ròn, những tên cầm đầu trung ương FULRO ra sức thuyết phục và thường dành cho Ha Xuyên sự ưu ái hơn hẳn kẻ khác. Sau nhiều năm hoạt động tại vùng núi Liêng Tình Tang, dường như cái đói, cái khổ ở lâu riết cũng thành quen, Ha Xuyên không còn khái niệm về sướng khổ, cái Ha Xuyên quan tâm lúc này là sớm để được trở về với gia đình. Thế nhưng, sự thật là khi đã bước chân vào tổ chức này, hoàn toàn không dễ để dứt ra. Trước sự giám sát chặt chẽ của FULRO, hầu như không ai có thể trốn chạy, nhất là khi ở giữa rừng sâu thăm thẳm, luôn phải đối diện với nguy cơ lạc đường, thú dữ vây quanh và bệnh tật hoành hành.

Năm 1980, Ha Xuyên cùng toán người khác di chuyển tới vùng rừng núi cao Đắk Lắk hoạt động rồi vượt biên sang Campuchia. Dưới sự hậu thuẫn của Pôn Pốt, FULRO được trang bị thêm nhiều loại vũ khí hiện đại, được tổ chức huấn luyện bài bản, trong đó có Ha Xuyên. Mục đích của chúng là chuẩn bị thiết lập hành lang Tây Nguyên - Campuchia - Thái Lan để đưa người trốn ra nước ngoài huấn luyện với lời hứa hẹn sẽ sớm được định cư ở “nước thứ 3”…

Cái ôm của vị Giám đốc Công an

Từng là hạt nhân nòng cốt, hoạt động tích cực và có nhiều đóng góp cho FULRO, ông Kra Jăn Ha Xuyên đã được tổ chức này phong cấp bậc Trung tá, từng giữ các chức vụ như quận trưởng Đam Bur, quận trưởng Liêng Khàng, chỉ huy trưởng Trung tâm tiếp viện Quân khu 4 trung ương FULRO, tỉnh trưởng tỉnh Langbiang và Tư lệnh Quân khu 4 trung ương FULRO. Thoạt nghe, với những chức vụ “trọng yếu” như vậy, ai cũng nghĩ Ha Xuyên sẽ được tổ chức của mình trao cho nhiều đặc quyền, bổng lộc, cuộc sống dư dả. Nhưng không… Trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà ở thôn Đa Tế, xã Đạ Mrông, huyện Đam Rông, ông Ha Xuyên còn nhớ như in một thời tội lỗi, tủi cực. Dại dột đi theo FULRO, trốn vào rừng hoạt động và chạy sang Campuchia để đi theo tổ chức, chức vụ, cấp bậc đầy mình nhưng không có một đồng lương nào, không có trợ cấp gì. Ha Xuyên và những người đi theo FULRO sống chui lủi trong rừng, ăn đói mặc rét. Kiếm được thứ gì ăn thứ đó, chủ yếu là đi trộm cắp bắp, mì và các loại lương thực khác của bà con địa phương. “Cái tôi nhận được từ chúng suốt nhiều năm đi theo FULRO là khẩu súng AK-47, B40 với hàng trăm viên đạn!...”.

Đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng Đầm Ròn ngày càng được cải thiện

Đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng Đầm Ròn ngày càng được cải thiện

Người đã “tái tạo” cuộc đời Ha Xuyên chính là cố Đại tá Vũ Linh (tên thật là Nguyễn Trọng Cảnh, ông sinh năm 1927 và mất năm 2019), khi đó giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, Cụm trưởng Cụm An ninh Tây Nguyên, cũng là người trực tiếp chỉ đạo chuyên án F101, bắt giữ hơn 60 tên FULRO cộm cán, làm tan rã hoàn toàn trung ương FULRO ở Lâm Đồng. Năm 1986, được lực lượng Công an kêu gọi, vận động trở về đầu thú để nhận được khoan hồng, biết mình đã chọn sai đường khi đi theo FULRO ròng rã suốt gần 12 năm, ông Ha Xuyên cùng 8 người khác quyết định từ bỏ tổ chức, rời khu vực rừng núi Bidoup để về đầu thú. Thời điểm này, núi rừng Bidoup chính là nơi trung ương FULRO đặt căn cứ. Lợi dụng thời điểm tổ chức này đã rệu rã, mất hết nhuệ khí khi nhiều kẻ cầm đầu, cộm cán đã bị lực lượng Công an các tỉnh Tây Nguyên bắt giữ trong các chuyên án lớn, Ha Xuyên và một số người khác quyết định trở về đầu thú.

Hôm ấy, từ sáng sớm, Đại tá Vũ Linh đã rời nhiệm sở. Ông cùng một số đồng chí khác vượt rừng vào khu vực xã Lát, huyện Lạc Dương để đón nhóm của Ha Xuyên trở về. Cũng như nhiều người theo FULRO ra đầu thú, Đại tá Vũ Linh luôn quán triệt tới Công an các đơn vị, địa phương phải dùng nhân tâm để thu phục. Phải chỉ rõ cho những người đi theo FULRO là vi phạm pháp luật, nêu bật những chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, giúp họ tự nhận ra lỗi lầm, quyết tâm học tập, cải tạo tốt để sớm trở về đoàn tụ với gia đình và trở thành một công dân tốt.

Trên đường ra đầu thú, toán người do Ha Xuyên dẫn đầu đã nghĩ tới việc sẽ bị đánh đập, hành hạ thể xác, bị phân biệt đối xử thậm tệ. Nhưng không! Cả nhóm được đối xử bình đẳng. Hành động đầu tiên của Đại tá Vũ Linh khi gặp Ha Xuyên là chủ động bước lại ôm lấy ông, hỏi thăm sức khỏe, cử chỉ như một người thân xa cách nhiều năm gặp lại. Vị Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, Cụm trưởng Cụm An ninh Tây Nguyên vỗ vai động viên từng người “lạc lối” sau 12 năm lẩn trốn trong rừng đi theo FULRO. “Điều mà chưa bao giờ chúng tôi dám nghĩ tới. Đó là một đặc ân của chính quyền, của lực lượng Công an dành cho những người tội lỗi như tôi... Tối hôm ấy, chúng tôi được ăn thịt heo, uống rượu cần, cùng trò chuyện xuyên đêm với Đại tá Vũ Linh”, ông Ha Xuyên nhớ lại.

Lần đó, Ha Xuyên đã khóc rất nhiều vì nhận ra 12 năm qua ông đã mắc sai lầm rất lớn. Sai lầm đó đã góp phần làm dày thêm hồ sơ về một tổ chức tội ác trên vùng đất Tây Nguyên.

Có thể bạn quan tâm

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.