FULRO và dấu tích tội ác trên vùng đất Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Sau năm 1975, FULRO được sự hậu thuẫn của các tổ chức phản động lưu vong vẫn ráo riết hoạt động, thực hiện âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân, đòi ly khai Tây Nguyên. Dưới sự giật dây của những 'ông chủ' ở nước ngoài, tổ chức này đã gây ra hàng loạt vụ tập kích ở nhiều buôn làng, sát hại và làm bị thương hàng nghìn người dân vô tội, trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng cho đồng bào Tây Nguyên.

Chứng tích tội ác ở Cổng Trời

Mưa chiều rả rích giữa rừng già, nhà bia rêu phong lọt thỏm ở Cổng Trời (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) trở nên quạnh quẽ. Nhìn dòng tên hằn trên bia đá, ai cũng xót xa. Các anh hi sinh khi tuổi đời mới ngoài đôi mươi. Những người đã ngã xuống, ngay chính nơi này ngày 21/8/1980, là minh chứng tội ác mà FULRO (Mặt trận thống nhất đấu tranh của các sắc tộc bị áp bức) đã gieo rắc cho đồng bào Tây Nguyên.

Chuyến công tác định mệnh của 12 người, gồm 10 y, bác sĩ của huyện Lạc Dương, 2 giao liên bưu điện tỉnh Lâm Đồng đã trúng phục kích của tổ chức này. Trước đó một ngày, Trung tâm Y tế huyện Lạc Dương nhận được thông tin dịch bệnh hoành hành tại khu vực Đầm Ròn. Dù biết đó là cái nôi của FULRO nhưng nhiều người trẻ, phần lớn vẫn chưa lập gia đình đã xung phong lên đường.

Tây Nguyên vào mùa lễ hội.

Tây Nguyên vào mùa lễ hội.

Chuyến xe khởi hành lúc rạng sáng, ì ạch bám đường, xuyên qua những cánh rừng già. Dọc đường, các anh vừa nhai ngô rang chống đói vừa phác thảo kế hoạch triển khai dập dịch. Tới dốc Cổng Trời, xe đang chồm lên, hụp xuống, nhả khói đen xì, cố bám lấy mặt đường trơn trượt thì bất ngờ tiếng súng rền vang. Nhiều người trong xe trúng đạn, chỉ kịp ú ớ rồi trút hơi thở cuối cùng. Tiếng súng chát chúa vẫn dồn dập liên hồi, nã thẳng vào xe ôtô đang bốc cháy dữ dội. Người bị bắn chết nằm la liệt dưới đất, trong xe… Có người lúc tử vong trong miệng vẫn còn ngô rang ăn chống đói.

Vụ tập kích chớp nhoáng của FULRO đã tước đi sinh mạng của 11 người, duy nhất anh Lê Văn Đường may mắn sống sót. Những tội ác như vậy của FULRO gieo rắc khắp nơi ở Tây Nguyên sau năm 1975, gây ra biết bao đau thương cho đồng bào nơi đây.

FULRO, tổ chức phản động có ảnh hưởng sâu rộng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, từng được đế quốc Mỹ và bọn phản động ở nước ngoài nuôi dưỡng nhằm thực hiện âm mưu chính trị lâu dài. Tháng 4/1975, trên đà sụp đổ của chính quyền Sài Gòn, FULRO ở Tây Nguyên chớp thời cơ, nổi dậy đánh cướp vũ khí của chế độ cũ, chiếm cứ một số buôn làng. Chúng ra yêu sách đòi cách mạng phải chia sẻ quyền lực cho chúng. Khi bị ta bác bỏ, FULRO lập tức nổi lên chống chính quyền nhân dân và chế độ mới do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Tổ chức này xây dựng lực lượng, tăng cường thanh thế và thiết lập hệ thống chỉ đạo từ trung ương xuống địa phương. Chúng chủ trương tập kích các cơ quan nhà nước ở cấp huyện, xã, các đơn vị vũ trang bằng hình thức du kích đơn lẻ. Lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, FULRO ra sức xuyên tạc về chế độ, Đảng và Nhà nước, kích động, gây chia rẽ, thù hằn giữa các dân tộc thiểu số với người Kinh. Nguy hiểm hơn, tổ chức này rêu rao rằng, Tây Nguyên là vùng đất của người Thượng, các dân tộc thiểu số nơi đây phải đứng dậy đấu tranh, thành lập nhà nước riêng.

Tháng 5/1976, một số tên cầm đầu FULRO bị giam giữ tại Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã vượt ngục ra rừng, ám sát ban lãnh đạo để giành quyền kiểm soát. Y Djao Niê, nguyên Trung tá quân đội Sài Gòn lập nội các mới, tự xưng là “Thiếu tướng”, “Thủ tướng FULRO”, đưa Nahria Ya Duck, người K’ho (ngụ huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) lên làm “Phó Thủ tướng thứ nhất” kiêm Tư lệnh vùng 4. Trong khi Y Djao Niê đang bám gót Pôn Pốt bên kia biên giới, “Phó Thủ tướng thứ hai” Paul Yưh người Ê Đê mất uy tín, tất cả quyền lực FULRO nằm trong tay Ya Duck. Từ đây, “Trung ương FULRO” chuyển về vùng rừng Bidoup của Lâm Đồng.

17 năm giải quyết FULRO

Theo Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh Lâm Đồng, từ năm 1975 tới 1992, FULRO đã gây ra hàng nghìn vụ hoạt động vũ trang, giết hại và làm bị thương trên 2.000 người, gồm cán bộ, lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc. Nhiều nơi, FULRO mở chiến dịch vũ trang đánh phá để gây thanh thế, khủng bố tinh thần cán bộ và nhân dân, lôi kéo người vào rừng để bổ sung lực lượng. Thời cao điểm, tổ chức này đã lôi kéo hơn 10.000 thanh niên vào rừng. Tình trạng báo động tới mức, năm 1977 ở Tây Nguyên có 1.847 buôn làng thì có tới 871 buôn làng bị FULRO khống chế, 210/350 xã bị chúng lũng đoạn, đe dọa.

Những người theo FULRO trở về buôn làng sau khi được lực lượng chức năng vận động. Ảnh tư liệu
Những người theo FULRO trở về buôn làng sau khi được lực lượng chức năng vận động. Ảnh tư liệu

FULRO đã móc nối với Khơ Me đỏ ở Campuchia, lập căn cứ, tổ chức huấn luyện ở bên kia biên giới, đồng thời thiết lập hành lang Tây Nguyên – Campuchia - Lào – Thái Lan với sự hỗ trợ của các tổ chức phản động lưu vong tại Hoa Kỳ. Cùng với việc đưa người sang Mỹ đào tạo để chuẩn bị cho âm mưu lâu dài, tổ chức này còn tung quân về nước, gây ra hàng loạt vụ phục kích, sát hại và làm bị thương người dân vô tội.

Trước sự trỗi dậy nguy hiểm của FULRO, tháng 2/1977, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra Chỉ thị số 04-CT/TƯ về việc tiếp tục phát động quần chúng xây dựng cơ sở chính trị, truy quét FULRO, bảo vệ an ninh chính trị ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Khu 6 cũ. Ngày 20/8/1980, Chính phủ ra Chỉ thị số 268/CP tiếp tục đẩy mạnh công tác phát động quần chúng xây dựng cơ sở chính trị, giải quyết cơ bản vấn đề FULRO ở các tỉnh Tây Nguyên. Trên cơ sở đó, Công an các tỉnh Tây Nguyên với sự tăng cường lực lượng từ Bộ Công an đã triển khai đồng bộ các giải pháp, xác lập hàng chục chuyên án lớn, đấu tranh có hiệu quả, từng bước bóc gỡ, loại bỏ tổ chức trên.

Thượng tá Đặng Minh Tâm (ngụ TP Đà Lạt), người được Bộ Công an tăng cường vào Tây Nguyên giải quyết FULRO cho biết, tổ chức này đã lợi dụng núi rừng để hoạt động, xây dựng cơ sở, hậu cần tại các buôn làng, nếu dàn trận truy quét trực tiếp, chắc chắn không thể tránh khỏi đấu súng, có thể gây thiệt hại lớn về người. Do vậy, Đại tá Vũ Linh, khi đó là Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, Cụm trưởng Cụm An ninh Tây Nguyên đã chỉ đạo lực lượng Công an nằm vùng, xây dựng cơ sở, phát huy sức mạnh quần chúng trong công tác đấu tranh với FULRO. Chủ trương nhất quán, xuyên suốt của ta trong vấn đề FULRO là dân vận quần chúng, bám sát cơ sở, phát huy sức mạnh của nhân dân, đấu tranh mưu trí, anh dũng, giải quyết dứt điểm FULRO.

Năm 1992, FULRO tan rã, kết thúc 17 năm gieo rắc tội ác trên vùng đất Tây Nguyên sau hàng loạt chiến công xuất sắc của lực lượng Công an. Khoảng 12.500 tên là lực lượng của FULRO hoạt động ngoài rừng cùng 62.000 người là cơ sở ngầm của tổ chức này đã được ta giáo dục, cảm hóa. Thế nhưng, với quan điểm chính trị lệch lạc, tư tưởng dân tộc hẹp hòi, đáng buồn thay, một số người sau đó lại móc nối, tham gia cái gọi là “Nhà nước Đề Ga độc lập” do K’Sor Kơk (SN 1945 ở Gia Lai) thành lập năm 1999 tại Hoa Kỳ. Chính tổ chức này dưới sự giật dây, hậu thuẫn của các thế lực thù địch bên ngoài đã kích động số phần tử trong nước tiến hành hàng loạt vụ gây rối ở Tây Nguyên năm 2001, 2004, 2008. Tới nay, “Nhà nước Đề Ga độc lập” vẫn đang ra sức hoạt động, chống chính quyền nhân dân dưới nhiều hình thức…

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.