Nâng cao chất lượng điều trị ung thư tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 7 năm đi vào hoạt động, Khoa Ung bướu và Y học hạt nhân (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai) đã từng bước áp dụng các dịch vụ, kỹ thuật để nâng cao chất lượng điều trị bệnh ung thư ngay tại tuyến tỉnh.

Triển khai hiệu quả nhiều kỹ thuật mới

Khi Khoa Ung bướu và Y học hạt nhân (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) chưa được thành lập, người dân ở Gia Lai mắc bệnh ung thư phải chuyển lên tuyến trên để điều trị. Nhưng không phải bệnh nhân nào cũng có điều kiện chuyển tuyến, nhất là bệnh nhân nghèo, bệnh nhân người dân tộc thiểu số.

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đình Hùng-Phó Trưởng khoa Ung bướu và Y học hạt nhân-thông tin: Khoa Ung bướu và Y học hạt nhân được thành lập năm 2016 và đi vào hoạt động năm 2018. Những năm qua, đơn vị đã giúp bệnh nhân ung thư được điều trị tại tuyến tỉnh, giảm thời gian và chi phí so với việc phải chuyển tuyến trên. Hiện nay, Khoa đã triển khai nhiều kỹ thuật mới như: truyền hóa chất tĩnh mạch; điều trị đích cho bệnh nhân; chẩn đoán xác định bệnh nhân ung thư; điều trị miễn dịch; bơm hóa chất qua màng phổi, màng bụng…

bac-si-cki-nguyen-dinh-hung-tham-kham-cho-benh-nhan-dieu-tri-tai-khoa-ung-buou-va-y-hoc-hat-nhan-benh-vien-da-khoa-tinh-anh-nhu-nguyen.jpg
Bác sĩ Nguyễn Đình Hùng thăm khám cho bệnh nhân điều trị tại Khoa Ung bướu và Y học hạt nhân (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Ảnh: Như Nguyện

“Liệu pháp điều trị đích (còn gọi là liệu pháp nhắm trúng đích) được triển khai tại Khoa Ung bướu và Y học hạt nhân từ năm 2021. Phương pháp điều trị này sử dụng các loại thuốc (qua đường uống hoặc tiêm) được thiết kế nhằm tác động vào các tế bào ung thư mà ảnh hưởng rất ít đến các tế bào bình thường. Nếu phương pháp hóa trị thường tấn công tất cả các tế bào có xu hướng phân chia, phát triển nhanh trong cơ thể, bao gồm cả tế bào ung thư và một số loại tế bào bình thường thì điều trị đích có thể tìm kiếm và tấn công vào một mục tiêu cụ thể của tế bào ung thư và kiểm soát, ngăn chặn nó phát triển, lan rộng. Phương pháp điều trị này ít tác dụng phụ so với việc xạ trị hay truyền hóa chất, hạn chế tổn thương không mong muốn do quá trình điều trị gây ra đối với các tế bào khỏe mạnh bình thường của cơ thể”-bác sĩ Hùng cho biết.

Cũng theo bác sĩ Hùng, qua điều trị cho một số bệnh nhân ung thư phổi, liệu pháp điều trị đích đã phát huy hiệu quả, cải thiện thời gian sống cho bệnh nhân, kể cả những bệnh nhân cao tuổi.

“Minh chứng là trường hợp cụ bà 92 tuổi (tổ 8, phường Yên Thế, TP. Pleiku) dù phát hiện ung thư phổi giai đoạn muộn nhưng qua điều trị nhắm trúng đích, sức khỏe đã hồi phục tích cực. Sau một thời gian điều trị, tổn thương ở bệnh nhân đã giảm rõ rệt, sức khỏe được cải thiện đáng kể. Chỉ điểm ung thư CEA từ 1.057 ng/mL giảm xuống chỉ còn 165 ng/mL. Kích thước khối u từ 7,5cm giảm xuống chỉ còn 2,2cm. Sau hơn 1 năm điều trị đích, bà không còn bị hành hạ bởi những cơn ho hay khó thở, sức khỏe tốt dần lên và sinh hoạt bình thường, vui vầy cùng con cháu”-bác sĩ Hùng chia sẻ.

Nâng cao chất lượng điều trị ung thư

Chị Bùi Thị Hồng (tổ 8, phường Yên Thế, TP. Pleiku) cho biết: Cuối năm 2023, ở tuổi 92, mẹ tôi phát hiện bị ung thư phổi giai đoạn muộn, di căn thực quản. Được bác sĩ tư vấn, gia đình quyết định điều trị cho bà theo liệu pháp điều trị đích. Kết quả, sức khỏe của bà tốt lên trông thấy và nay còn có thể làm vườn.

“Trước đó, gia đình đưa bà đi một số nơi thăm khám, bác sĩ cho biết thời gian còn lại của bà rất ít và tư vấn cho bà hóa trị hoặc chăm sóc giảm nhẹ. Tuy nhiên, bà tuổi cao, sức yếu, hóa trị gây nhiều tác dụng phụ sợ sẽ không đủ sức cầm cự nên gia đình đưa bà về Gia Lai. Sau khi nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, gia đình được tư vấn liệu pháp điều trị đích và hiệu quả mang lại hết sức tích cực”-chị Hồng nói.

tu-khi-khoa-ung-buou-va-y-hoc-hat-nhan-benh-vien-da-khoa-tinh-di-vao-hoat-dong-nhieu-benh-nhan-da-den-tham-kham-thuan-loi-dieu-tri-tai-cho-anh-nhu-nguyen.jpg
Từ khi Khoa Ung bướu và Y học hạt nhân (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đi vào hoạt động, nhiều bệnh nhân đã đến thăm khám, thuận lợi điều trị tại chỗ. Ảnh: Như Nguyện

Việc được điều trị ung thư ngay tại tuyến tỉnh đã mở ra hy vọng cho nhiều bệnh nhân. Người bệnh được tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật mới trong điều trị ung thư, giảm chi phí và thời gian đi lại. Bà Lương Thị Dung (tổ 7, phường Ia Kring, TP. Pleiku) cho hay: Bà phát hiện bị ung thư từ năm 2019, đã phẫu thuật cắt bỏ tuyến vú và điều trị tại TP. Hồ Chí Minh. Tháng 10-2024, bệnh ung thư tiến triển di căn nên tôi nhập viện điều trị tại Khoa Ung bướu và Y học hạt nhân. Lúc mới vào viện, người tôi sưng, phù nề, liệt một bên. Qua điều trị, đến nay sức khỏe của tôi đã khá hơn, có thể đi lại được, không còn phù nề. Thời gian nằm viện lâu nhưng được điều trị tại tỉnh giúp tôi giảm chi phí và thuận tiện cho người nhà chăm sóc. Các y-bác sĩ tại đây rất tận tình, thuốc men đầy đủ và khám-chữa bệnh có thẻ bảo hiểm y tế nên tôi và gia đình cũng an tâm.

Còn ông Phạm Thanh Giản (làng Ngo, phường Yên Thế, TP. Pleiku) cho biết: Ông điều trị ung thư đại tràng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ năm 2024. Sức khỏe hiện đã khá hơn, người giảm đau nhức. “Tuổi cao, sức yếu, rất ngại việc di chuyển nên khi tỉnh có khoa điều trị ung thư đã giúp tôi và những người bệnh khác thuận lợi rất nhiều trong điều trị bệnh”-ông Giản cho hay.

Ung thư là vấn đề sức khỏe mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 trên toàn thế giới với khoảng 20 triệu ca mắc mới và gần 10 triệu người tử vong hàng năm.

Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đăng Bảo-Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh-cho biết: Trước nhu cầu khám-chữa bệnh ung thư ngày càng cao, năm 2016, Khoa Ung bướu và Y học hạt nhân được thành lập, bước đầu đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh của người dân, giảm tỷ lệ chuyển tuyến. Tuy nhiên, quy mô hoạt động vẫn còn bó hẹp, chỉ đáp ứng một phần trong “điều trị đa mô thức” gồm: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị đích, điều trị miễn dịch…

Để mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân ung thư tại tỉnh nhà và các địa phương lân cận, ngày 22-7-2023, UBND tỉnh đã phê duyệt “Đề án phát triển hệ thống y tế tỉnh Gia Lai đến năm 2030”. Theo đó, định hướng đến năm 2025, Bệnh viện Đa khoa tỉnh phấn đấu trở thành bệnh viện hạng I với công suất 1.000 giường và đạt 1.200 giường vào năm 2030 nhằm góp phần nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh. “Đề án nhấn mạnh việc phát triển Khoa Ung bướu và Y học hạt nhân thành Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân hoạt động theo hướng chuyên sâu, tăng biên chế giường bệnh, thành lập khu xạ trị nhằm tăng quy mô hoạt động và hiệu quả trong điều trị”-bác sĩ Bảo thông tin.

pc.png
Phối cảnh khu xạ trị Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: đơn vị cung cấp.

Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh tại Công văn số 1724/UBND-CNXD ngày 16-7-2024 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 373/NQ-HĐND ngày 10-7-2024 của HĐND tỉnh về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Khu xạ trị và trang-thiết bị Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện đã cùng với Sở Y tế, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh thực hiện các bước: ký kết hợp tác với Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh để đào tạo, chuyển giao kỹ thuật; hoàn thiện mặt bằng xây dựng khu xạ trị, hoàn thiện mặt bằng lắp đặt thiết bị theo đúng vị trí, bản vẽ kỹ thuật. Bệnh viện cũng cử nhân sự đi tập huấn tại Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh để vận hành thiết bị và đáp ứng các quy định để cấp phép vận hành các thiết bị bức xạ.

“Bên cạnh đó, đơn vị tiếp tục tuyển dụng và đào tạo nhân lực bác sĩ, điều dưỡng viên, kỹ sư hoặc cử nhân vật lý y khoa, dược sĩ pha chế thuốc; hợp tác chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến trên chuyên về ung thư; đào tạo, nâng cao năng lực chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, giải phẫu bệnh và triển khai y học hạt nhân. Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và Sở Y tế cùng với quyết tâm của tập thể Bệnh viện Đa khoa tỉnh, dự kiến khu xạ trị sẽ chính thức đi vào hoạt động vào cuối năm 2025 để đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám-chữa bệnh ung thư của người dân”-bác sĩ Bảo cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm

Nguy cơ gia tăng bệnh dại mùa nắng nóng

Nguy cơ gia tăng bệnh dại mùa nắng nóng

(GLO)- Theo Bộ Y tế, từ tháng 4 đến tháng 8 là giai đoạn ghi nhận số ca tử vong vì bệnh dại cao nhất trong năm, đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung và miền Bắc. Riêng tại Gia Lai, từ đầu năm 2025 đến nay, các địa phương đã ghi nhận 3 ca tử vong do bệnh dại.