(GLO)- Báo cáo lượng tiêu thụ trà sữa ở Đông Nam Á do Momentum Works và start-up thanh toán Qlub đồng thực hiện cho thấy, Đông Nam Á chi tới 3,7 tỉ USD (khoảng 86.600 tỷ đồng) cho trà sữa cũng như những đồ uống dạng "trà mới" tương tự trà sữa trong năm 2021.
Trong đó, Việt Nam cũng lọt vào nhóm quốc gia tiêu thụ trà sữa hàng đầu của khu vực, với mức tiêu thụ tới 362 triệu USD (khoảng 8.500 tỷ đồng), chỉ đứng sau Indonesia và Thái Lan.
Indonesia đứng đầu về quy mô thị trường trà sữa ở Đông Nam Á, với doanh thu hàng năm là 1,6 tỉ USD (37.400 tỉ đồng).
Thái Lan có doanh thu hàng năm là 749 triệu USD (17.500 tỉ đồng) thông qua hơn 31.000 cửa hàng trà sữa và các kênh bán lẻ khác.
Cũng theo Kantar WorldPanel-một đơn vị nghiên cứu thị trường uy tín, dù cà phê là loại thức uống được mua nhiều nhất nhưng trà mới là thức uống đóng góp nhiều doanh thu nhất trong năm 2021. Thống kê này dành cho các loại thức uống không có cồn khi tiêu dùng bên ngoài. Trong đó, cứ 100.000 đồng chi cho các thức uống từ trà thì có 40.000 đồng là dành cho trà sữa. Cụ thể, 42% người mua trà sữa pha chế (bao gồm trà sữa, trà phủ kem, hoặc sữa tươi trân châu đường đen) với trị giá trung bình đơn hàng mỗi lần mua khoảng 32.000 đồng.
Theo đánh giá của Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor, thị trường trà sữa Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 20% và đã đạt quy mô gần 300 triệu USD từ năm 2017. Khảo sát của một số công ty khác cũng đưa ra con số ấn tượng. Tại Việt Nam, trà sữa đang đứng thứ 2 về lượng người ưa chuộng sử dụng với 23% và hầu hết tập trung vào đối tượng là nữ giới (53%) và người trẻ từ 15 đến 22 tuổi (35%). Cả nước có khoảng 1.500 quán trà sữa với khoảng 100 thương hiệu đang cạnh tranh khốc liệt; con số này có xu hướng tăng nhanh do một loạt thương hiệu lớn vừa gia nhập thị trường.
PHƯƠNG VI(tổng hợp)