Quốc kỳ Mỹ bên ngoài trụ sở UNESCO, Pháp. Ảnh: AP |
Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay phát biểu khẳng định, sự tái gia nhập của Mỹ có ý nghĩa quan trọng với UNESCO.
“Trong thời điểm chia rẽ, rạn nứt và các mối đe dọa hiện hữu, chúng ta tái khẳng định sự đoàn kết của chúng ta ở đây ngày hôm nay. Cùng nhau, chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn”- bà Azoulay nói.
Mỹ là thành viên sáng lập UNESCO, cũng là nhà đóng góp chính cho ngân sách của cơ quan này đến năm 2011, thời điểm UNESCO chấp nhận Palestine là nhà nước thành viên. Sau sự kiện này, Mỹ ngừng đóng góp cho UNESCO, bởi theo Đạo luật Ủy quyền quan hệ đối ngoại được thông qua năm 1990, Mỹ sẽ cắt hỗ trợ cho bất kỳ tổ chức nào của LHQ coi Tổ chức Giải phóng Palestine có vị thế giống như các quốc gia thành viên khác.
6 năm sau đó, năm 2017, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump tuyên bố Mỹ cùng với Israel rút khỏi UNESCO, với lý do tổ chức này thiên vị và chống lại nhà nước Do Thái. Quyết định có hiệu lực từ năm 2018.
Tuy nhiên ngày 8/6 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã có thư gửi UNESCO bày tỏ mong muốn tái gia nhập với tư cách thành viên chính thức vào tháng 7.
Mỹ là nước đóng góp nhiều kinh phí cho hoạt động của UNESCO với tỷ lệ 22%. Sự trở lại của Mỹ giúp tổ chức này xúc tiến nhiều kế hoạch tham vọng hơn, đồng thời tiếp thêm năng lượng cho các chương trình quản lý AI, giáo dục, nhân đạo...
Nhiều nước hoan nghênh quyết định của Washington khi quay trở lại UNESCO.