Mùa hến ở Plei Pai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- “Nắng nhiều nước cạn dưới sông/Em đi cào hến cho chồng em ăn”. Lời ca theo gió từ dưới lòng hồ thủy lợi Plei Pai vọng lên gây nhiều chú ý. Vào xã Ia Lâu (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) dịp này, dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bà, các chị đeo bên hông chiếc túi cước đi cào hến, nhất là vào lúc sáng sớm hoặc khi chiều muộn. Mùa hến miền biên ải đang về.
Năm 2011, hồ chứa thủy lợi Plei Pai rộng hơn 450 ha đưa vào vận hành. Công trình không chỉ cung cấp nguồn nước tưới dồi dào cho hàng trăm héc ta cây trồng của người dân 2 xã Ia Lâu, Ia Piơr mà còn cung cấp nguồn thủy sản phong phú, trong đó có món hến ngon nức tiếng.
Người dân bắt hến ở hồ chứa thủy lợi Plei Pai (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông). Ảnh: Phương Dung
Người dân bắt hến ở hồ chứa thủy lợi Plei Pai (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông). Ảnh: Phương Dung

Sống khỏe nhờ lộc sông nước

Những tia nắng sớm rót xuống lòng hồ lấp lánh ánh bạc. Xa xa, những bóng người lúi húi quanh các mép hồ. Thấy tôi chăm chú quan sát, anh Hoàng Văn Hoàng-công chức Văn hóa-Xã hội xã-giải thích: Những người men theo mép nước đa phần là đi cào hến, còn số lênh đênh trên thuyền hoặc ngâm mình dưới nước là đang giăng câu, kéo lưới. Theo anh Hoàng, đặc sản của địa phương mùa này là hến. Suốt những tháng mùa mưa, hến bắt đầu sinh sôi, phát triển.
Quen với việc cào hến từ khi hồ chứa thủy lợi Plei Pai hình thành, chị Nông Thị Kim (thôn Bắc Thái) cho biết, nguyên thủy nơi đây là điểm gặp nhau của 2 dòng suối Pông và Lâu, dồi dào cá, cua. Sau này, hồ chứa hình thành, cá giống được thả xuống đều đặn hàng năm càng giúp nguồn thủy sản thêm phong phú. Người dân nhờ đó cũng được hưởng lợi. “Vào mùa khô, hầu như hộ nào trong thôn cũng ra đây cào hến. Có người cào hến mang ra chợ bán, nhưng cũng nhiều người để cải thiện bữa ăn gia đình. Chỉ cần xoáy tay xuống bùn cát lòng hồ là có thể vốc lên cả nắm hến. Gia đình tôi mỗi năm cũng có 2-3 tháng sống khỏe nhờ cào hến ở hồ này”-chị Kim bộc bạch.
Đồ nghề cào hến cũng khá đơn giản: 1 chiếc bao tải, 1 chiếc rổ nhựa. Quen việc nên chị Kim hiểu khá rõ đặc tính của thủy sinh. Tùy vào nhu cầu của thị trường, mỗi mùa, chị chọn những vị trí thích hợp để khai thác ốc đá, ngao, trai, hến… Bình quân mỗi ngày, chị cào được 40-50 kg ngao, hến các loại. Muốn cào được nhiều hến, chị tranh thủ đi thật sớm, khi mặt trời vừa ló dạng, nước dưới hồ mát lạnh. Lúc này, hến ngoi lên tìm kiếm thức ăn chứ chưa lặn sâu dưới lớp bùn cát. “Năm nay, đơn vị quản lý hồ chuẩn bị sửa chữa bờ đập nên nước rút cạn. Chỉ cần men theo mép nước rồi dùng rổ xúc mạnh xuống hoặc dùng tay xoáy sâu xuống đáy nước là bắt được ngay, không phải ngâm mình dưới nước lâu như mọi năm. Gặp con gì mình bắt con đó rồi mới về rửa sạch, phân loại và đem ra chợ bán. Thời điểm này, 1 kg hến có giá 15 ngàn đồng; ốc đá 20 ngàn đồng/kg”-chị Kim nói thêm.
Bà Hoàng Thị Ngân (làng O Bung, xã Ia Ko, huyện Chư Sê) phấn khởi vì bắt được nhiều hến. Ảnh: Phương Dung
Bà Hoàng Thị Ngân (làng O Bung, xã Ia Ko, huyện Chư Sê) phấn khởi vì bắt được nhiều hến. Ảnh: Phương Dung

Món ngon nhớ lâu. Tiếng thơm đặc sản hến lòng hồ Plei Pai đã thu hút nhiều người ở các huyện xa tìm đến. Gần 2 tháng nay, bà Hoàng Thị Ngân (làng O Bung, xã Ia Ko, huyện Chư Sê) rủ 5 phụ nữ trong làng vào đây cào hến kiếm thêm thu nhập. Tầm 5 giờ 30 phút sáng, họ đã có mặt tại đây. Để tránh tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra, mỗi người còn tự trang bị thêm đèn pin đeo trên đầu và những đôi vớ chân thật dày trước khi lội xuống nước. Sau đó, họ chia ra từng khu vực, thỉnh thoảng mới cất tiếng gọi nhau để biết vị trí. Chọn cho mình 1 bãi sình bùn, đặt chiếc rổ nhựa xuống, đôi tay bà Ngân thoăn thoắt nhặt từng con hến to tròn. Sinh ra và lớn lên ở vùng biển Thanh Hóa nên bà Ngân khá hiểu về đặc tính của loài hến. Bà cho hay: “Chúng tôi ở đây từ sáng sớm đến quá trưa thì về. Mỗi ngày chịu khó, mỗi người cũng cào được 25-30 kg. Hến mùa này to, sạch và chắc thịt. Với giá bán 30 ngàn đồng/kg, mỗi ngày, tôi cũng kiếm được 800-900 ngàn đồng”.

Không chỉ có hến, 3 năm nay, anh Ngô Khôi (thôn 2, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) cũng “sống khỏe” nhờ nguồn thủy sản từ lòng hồ Plei Pai. Tầm 8 giờ sáng mỗi ngày, anh lại mặc áo phao ra hồ giăng lưới, thả câu. Mất gần 3 giờ đồng hồ để anh thả xong 5 tay lưới. Trở về nhà nghỉ ngơi, đến 3 giờ sáng hôm sau, anh quay lại kéo lưới. Mặc dù phải ngâm mình nhiều giờ liền dưới nước, song bù lại anh Khôi thu về khá nhiều tôm cá. Anh Khôi thông tin: Cá ở đây phong phú lắm, loại nào cũng có: lăng, bò, chạch, đuôi đỏ, bống, thác lác… Tuy nhiên, nhiều nhất vẫn là cá mè vinh và cá đuôi đỏ. “Mỗi ngày, tôi kéo được khoảng 5 kg cá đuôi đỏ. Loài cá này có 2 loại: 1 loại to bằng bàn tay, loại còn lại chỉ bằng 2 ngón tay. Cá đuôi đỏ ăn rong rêu nên sạch, thịt thơm ngon, thị trường ưa chuộng. Cá mè vinh thì nhiều hơn, mỗi ngày thu khoảng 6-8 kg. Ngoài ra còn thêm ít tôm, tép và cá đắng”-anh Khôi vui vẻ kể.
Trải nghiệm ngày hè
Men theo mép nước, chị Đinh Thị Hường (thôn Lũng Vân, xã Ia Lâu) dùng chiếc muỗng canh cào nhẹ lớp cát mỏng để lộ từng con hến nằm xếp lớp. Cứ thế một tay chị cào cát, một tay lượm hến. Chẳng mấy chốc, chiếc túi lưới đeo phía trước người đã trĩu nặng, chị tháo ra ấn mạnh xuống nước xóc rửa sạch cát, rồi vắt lên vai thủng thẳng rời lòng hồ trở về nhà. Hơn 3 năm làm dâu ở xã vùng đệm biên giới, năm nào chị Hường cũng mong đợi đến mùa hến. Phần vì chị thích thú với công việc này, phần khác là do ăn hến riết rồi ghiền. Theo chị Hường, hến ngọt mát rất thích hợp để ăn trong mùa nắng nóng. Hến làm sạch, chế biến thành nhiều món khác nhau như: cơm hến, canh hến, cháo hến, hến xào lá lốt, hến xào rau răm, mì ốc hến… nên có thể ăn liên tục trong nhiều ngày vẫn không thấy ngán. Chị chia sẻ: “Tôi tranh thủ đi khoảng 30-40 phút là đủ hến ăn 2-3 ngày. Hến phải ngâm qua đêm để nhả bùn cát, sau đó mới luộc lấy nước và tách thịt. Hến ở đây là đặc sản, 1 năm chỉ có vài tháng nên mình bắt nhiều một chút, rồi gửi xe ra Pleiku làm quà cho người thân”.
Không chỉ là nơi mưu sinh, giúp cải thiện bữa ăn gia đình, vài năm trở lại đây, khu vực hồ chứa thủy lợi Plei Pai còn trở thành điểm đến của nhiều gia đình trong ngày hè. Đặc biệt trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, bãi đất trống ven hồ trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều gia đình. Sau những giờ phút thỏa sức vui chơi, trải nghiệm, nhiều gia đình còn thu hoạch kha khá sản vật mang về cải thiện bữa ăn. Được cha mẹ dẫn ra hồ chơi, em Lê Đức Hải (10 tuổi, làng Tu, xã Ia Lâu) vô cùng thích thú. Dùng hai tay vốc từng nắm cát dưới mặt nước ven bờ bồ, Hải reo lên vui sướng mỗi khi phát hiện những con hến với lớp vỏ trắng hiện ra. “Mấy hôm trước, cha mẹ nói sẽ dẫn hai anh em ra ngoài hồ chơi, bắt hến nhưng em không nghĩ lại vui thế này. Hè này dù không được đi chơi xa, nhưng được đến đây em thấy rất thoải mái, không còn buồn chán nữa”-Hải phấn khích.
Em Lê Đức Hải (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) vô cùng thích thú khi được đi bắt hến cùng cha mẹ. Ảnh: Phương Dung
Em Lê Đức Hải (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) vô cùng thích thú khi được đi bắt hến cùng cha mẹ. Ảnh: Phương Dung

Nhiều người ở một số địa phương lân cận cũng tìm đến bãi đất trải rộng nơi lòng hồ để cắm trại, thư giãn trải nghiệm với thiên nhiên. Sau một hồi ngụp lặn dưới dòng nước mát, ông Đinh Văn Thảo (thôn Tân Thủy, xã Ia Ga, huyện Chư Prông) mang về chừng 5-6 kg trai. Ông Thảo vui vẻ nói: “Ngày hè, con cái ở nhà riết cũng chán mà đi chơi cũng không biết đi đâu. Mấy gia đình mới rủ nhau vào lòng hồ Plei Pai hưởng chút khí trời, sông nước. Thấy bà con đi cào hến được nhiều nên tôi cũng xuống thử. Mò một lúc mà nhiều quá, chiều về cả nhà lại có món canh trai, hến hấp dẫn”.  

…Chiều xuống, từng cơn gió mát thổi nhẹ từ mặt hồ lên càng khiến lòng người thêm nhẹ nhõm. Ai cũng muốn nấn ná lại lâu hơn. Chỉ khi những tia nắng cuối ngày dần tắt, họ mới lần lượt rời đi với không ít tiếc nuối mê say.
PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.