Cả xã cùng săn chuột

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người dân xã Đăk Tơ Pang, huyện Kông Chro (Gia Lai) đang cả ngày lẫn đêm săn bắt đàn chuột hàng chục ngàn con chẳng biết từ đâu đổ đến, rồi sinh sôi con đàn cháu đống, cắn phá ruộng rẫy.

Những món ăn từ chuột đang phổ biến ở xã Đăk Tơ Pang. ẢNH: TRẦN HIẾU
Những món ăn từ chuột đang phổ biến ở xã Đăk Tơ Pang. ẢNH: TRẦN HIẾU
Cuộc chiến với hàng chục ngàn con chuột cứ rầm rập từ mấy tháng qua ở nơi hẻo lánh này của H.Kon Chro. Chuột nhiều quá, tàn phá hoa màu của dân khiến chính quyền nơi đây phải treo thưởng: 1.000 đồng/đuôi chuột! Vậy là già trẻ, lớn bé với đủ dụng cụ, bẫy các loại lao vào săn chuột, săn… tiền thưởng!
Tan hoang ruộng rẫy
Con sông Đăk H’wây uốn quanh chia cắt những mảng rừng xanh, thôn làng ở xã Đăk Tơ Pang. Tưởng hiền hòa là thế song khi lũ dữ, nước réo lên như hàng bầy trâu mộng đang tắm, đùa nhau chiều về. Và một cơn họa nữa theo sông.
Đó là trong con nước lớn vài tháng trước, không ít chuột bị nước cuốn về đây. Bầy chuột gặp nơi thuận lợi, sinh sôi không tưởng, lên đến hàng chục ngàn con. Chuột phá hoa màu, phá đi cái ăn của người Bana nơi đìu hiu này.

Ông Võ Nguyên Nam, Chủ tịch UBND H.Kon Chro, cho biết: “Chúng tôi đã làm việc trực tiếp với xã Đăk Tơ Pang để đánh giá mức độ thiệt hại trước tình hình chuột phá hoại cây trồng ở xã này. Đồng thời chúng tôi chỉ đạo Phòng NN-PTNT, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp giúp xã triển khai các biện pháp diệt chuột, từ việc đặt bẫy, đánh bả, vận động người dân đào bắt cho đến việc hỗ trợ thu mua đuôi để khuyến khích diệt chuột bảo vệ mùa màng. Chúng tôi đang thống kê đầy đủ thiệt hại để kịp thời hỗ trợ cho bà con”.

Anh Đinh Văn Cường, một người dân ở xã Đăk Tơ Pang, kể: “Từ nhà ra rẫy xa, nhìn đâu cũng thấy chuột. Ngoài rẫy thì chúng đào hang, cắn nát cây trồng từ khi ươm giống cho đến khi thu hoạch. Trong nhà thì đồ đạc, thức ăn cũng bị chúng phá. Nhà mình đầu tư trồng 4 ha ngô. Mấy mùa trước thu được 300 bao (50 kg/bao). Mùa này chỉ thu 50 bao. Tốn tiền giống, tiền phân bón, công chăm sóc gần cả trăm triệu, giờ chỉ thu được chưa tới chục triệu”.
Rồi anh Cường nói vui mà chua chát: “Khi gieo hạt đã bị chuột cắn phá. Cây vừa lên thì chúng cắn ngang. Đến lúc có quả chúng cũng không tha. Chúng “tham gia” tất cả các giai đoạn phát triển của cây ngô, từ gieo trồng đến thu hoạch”.
Cái ăn, cái mặc của hơn 5 người trong nhà anh Cường đặt cược cả vào rẫy ngô. Giờ thì trắng tay! Không chỉ anh, nhiều gia đình khác cũng chịu thiệt hại nặng khi hàng ngàn con chuột cứ sinh sôi nảy nở, tàn phá hoa màu.
Nhiều người già trong làng nói rằng họ chưa bao giờ chứng kiến cảnh thôn làng tan hoang bởi đám chuột thế này. Xã Đăk Tơ Pang có 372 hộ với 1.768 nhân khẩu, đa số là người Bana. Đây là xã khó khăn ở huyện nghèo của Gia Lai. Nạn chuột phá hoại khiến khó càng thêm khó. Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng NN-PTNT H.Kon Chro, tổng diện tích bị thiệt hại do chuột phá hoại lên đến gần 136 ha. Các loại cây bị hại là ngô, điều, xoài, mít với tổng số tiền thiệt hại trên dưới 3 tỉ đồng. Đây là thiệt hại quá lớn đối với người dân ở xã vùng 3 còn chồng chất khó khăn này.
Một phong trào lớn được đưa ra: Cả xã tập trung tuyên chiến với chuột! Cả ngày lẫn đêm, tất cả cùng bắt chuột.

Anh Đinh Poch (phải) đặt 40 cái bẫy thì có 33 con chuột dính bẫy
Anh Đinh Poch (phải) đặt 40 cái bẫy thì có 33 con chuột dính bẫy
Đâu cũng gặp chuột
Xã Đăk Tơ Pang có ba làng Đăk H’wây, Kpêu Kông và Brăng. Tất thảy người dân các làng trú ngụ ven dòng Đăk H’wây. Cuộc sống còn bao gian khó nhưng yên bình. Sớm sớm hay buổi hoàng hôn, khói bếp bốc cuộn lên dưới mỗi nóc nhà, xen lẫn với rừng xanh khiến người phương xa cứ xuýt xoa, trầm trồ với vẻ đẹp thanh bình. Cuộc sống ấy bỗng chốc đảo lộn vì đàn chuột lớn.
Anh Đinh Văn Sung, người làng Brăng, kinh hãi nói: “Cứ bắt mãi mà chẳng hết. Cứ bắt chỗ này thì chỗ kia chúng xuất hiện như ngày càng nhiều hơn. Chuột chạy nhiều dưới đất, leo lúc lỉu trên cành cao. Nhìn đâu cũng thấy chúng. Làng nào cũng lập những tổ, nhóm diệt chuột. Cứ 10 đến 20 người một tổ, nhóm. Có tổ chỉ trong một đêm đã bắt được khoảng 1.000 con. Trong vòng nửa tháng trở lại đây đã có hơn 20.000 con chuột bị bắt. Từ cha sinh mẹ đẻ đến giờ mình mới thấy chuột nhiều đến thế. Chúng sinh sôi không ngừng, tàn phá cây trồng của người dân trong các làng. Quá hãi!”.
Khắp các làng, người dân túa đi các nơi đặt bẫy, đào hang, dùng ná thun để săn chuột. Hễ có gì bắt được loại địch hại này là họ đều sử dụng. Cả ngày lẫn đêm khắp nơi trong các làng cứ rộn ràng cảnh săn chuột.
Dù vậy, chỉ trong vòng 10 ngày, rẫy bắp 3 ha của anh Đinh Văn Giáp vẫn bị chuột phá xơ xác. Xót của, xót công, anh trồng thêm 2,2 ha mì thay thế mong gỡ được chút thiệt hại. Song, số mì này cũng bị chuột phá quá nửa trong sự bất lực của gia đình anh. Một số diện tích mì của các gia đình khác thay vì thu được 12 - 15 tấn như các niên vụ trước, nay may mắn lắm chỉ còn thu chừng 6 tấn.
Anh Đinh Poch ở làng Kpiêu Kông cũng ngao ngán: “Giờ đã đến mùa đậu xanh, bắp, lúa mà chẳng nhà nào dám xuống giống. Đến cả cây keo non, keo già chúng cũng gặm tất”.
Tuyên chiến với… chuột!
Nghe chúng tôi tới, anh Đinh Poch gọi với ra: “Có đứa nào ngoài đó không, đi thăm mấy cái bẫy chuột thử”. Nghe bố nói, hai đứa con của Poch chân trần chạy vụt đi. Mới chưa tới nửa giờ đồng hồ, chúng đã trở về. Trên tay là xâu chuột lủng lẳng hơn chục con.
Chừng như chứng thực thêm lời kể của mình, anh Poch kéo chúng tôi ra một khoảnh rẫy của gia đình khi mặt trời chính ngọ. Kiểm tra hơn 40 cái bẫy được đặt từ chiều hôm trước, thì có 33 cái dính chuột. Anh nói buổi tối đặt bẫy chuột mắc nhiều hơn. Mồi bẫy đơn giản chỉ là miếng mì khô, kỳ công hơn chút thì nướng sơ cho thơm. Vậy là đủ dụ đàn chuột háu ăn.
Hiện trường nơi những đàn chuột hàng trăm, hàng ngàn con “lướt qua” là những cây non bị gặm tả tơi. Là những đọt mì, ngô… ngã xuống vì bị cắn ngang. Những cây keo cũng là nạn nhân khi bị chuột cắn đứt thân cây non hay các ngọn non của những cây keo 4 - 5 năm tuổi. Có cây bị cắn quanh gốc tới chết khô. Rồi cây điều, xoài cũng bị chuột xơi tất!
Ông Võ Trọng Khương kể: “6,5 ha keo lá tràm của gia đình tôi cũng bị lũ chuột ghé thăm. Hơn 7.000 cây giống bị chuột cắn ngang không sót một cây. Tiền công đào hố, thuê nhân công trồng và mua giống hơn 70 triệu đồng. Chưa bao giờ chuột trở thành nỗi sợ hãi ám ảnh dân làng nơi đây như thế này”.
Chiến dịch diệt chuột được phát động rầm rộ. Ông Trần Ngọc Cường, Chủ tịch UBND xã Đăk Tơ Pang, chia sẻ: “Chuột cắn phá, gây hại gần 136 ha cây trồng các loại như: bắp, điều, xoài, mít, mì. Với mức độ thiệt hại từ 30 - 70%. Có nhiều diện tích cây trồng bị chuột hại 100%. Chúng tôi khuyến khích và cả giao chỉ tiêu nữa. Mỗi đoàn viên, thanh niên phải nộp về xã ít nhất 30 đuôi chuột; học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 mỗi em nộp ít nhất 10 đuôi chuột; các thành viên phụ trách thôn, làng vận động người dân bắt chuột, mỗi nhà nộp 20 đuôi”.
Nhờ đó, theo ông Cường, chỉ trong vòng từ 15.3 đến cuối tháng 3, xã đã thu gom, tiêu hủy gần 20.000 đuôi chuột. “Xã đã bố trí kinh khí hỗ trợ người dân bằng hình thức thu mua đuôi chuột với giá 1.000 đồng/đuôi. Chúng tôi đề nghị huyện hỗ trợ 30 triệu đồng để thu mua đuôi, mua bẫy, bả diệt chuột sinh học nhằm hỗ trợ người dân tiếp tục diệt chuột bảo vệ sản xuất nông nghiệp và sức khỏe cộng đồng; khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích diệt chuột”, ông Cường cho biết thêm.
Theo nhiều cán bộ chuyên môn của H.Kon Chro, ngoài những nguyên nhân khách quan thì có nguyên nhân chủ quan khiến nạn chuột phá hoại mạnh ở Đăk Tơ Pang là do địa hình đồi núi, bụi bờ nhiều và đặc biệt là các loại thiên địch bị giảm mạnh cũng là lý do.
Theo Trần Hiếu (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.