Một tuần thực hiện quy định xử phạt cuộc gọi, tin nhắn rác: Đối tượng phát tán tin nhắn, cuộc gọi rác chưa giảm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Một tuần sau khi Nghị định 91/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chống tin nhắn rác, thư điện tử rác và cuộc gọi rác có hiệu lực (từ ngày 1.10.2020), tình trạng này trên thực tế chưa có dấu hiệu giảm. Thậm chí, cuộc gọi rác (số điện thoại 09147206xx) gọi vào máy PV Báo Lao Động, sau khi được cảnh báo là theo quy định mới có chế tài xử phạt nặng thì chủ số máy đã “sửng cồ”, rồi thách thức! Sau đó, chủ cuộc gọi rác còn lần theo số điện thoại của PV để vào chat trên Zalo (nick San San) tiếp tục buông lời thách thức, thậm chí còn dùng ngôn từ tục tĩu chửi bới. Người dùng vẫn hằng ngày nhận được các cuộc gọi “rác” từ các công ty môi giới, dịch vụ, bán sản phẩm như nhà đất, căn hộ, bảo hiểm, khóa học online...

Tin nhắn, cuộc gọi rác vẫn xuất hiện dày đặc sau thời điểm ngày 1.10 - thời điểm quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chống tin nhắn rác, thư điện tử rác và cuộc gọi rác có hiệu lực. Ảnh: Thế Lâm
Tin nhắn, cuộc gọi rác vẫn xuất hiện dày đặc sau thời điểm ngày 1.10 - thời điểm quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chống tin nhắn rác, thư điện tử rác và cuộc gọi rác có hiệu lực. Ảnh: Thế Lâm
Vì sao chưa giảm?
Chưa có thống kê được công bố từ các nhà mạng song trong thực tế, người dùng vẫn hàng ngày nhận được các cuộc gọi quảng cáo, bán hàng… từ các công ty môi giới, cung cấp dịch vụ, bán sản phẩm như nhà đất, căn hộ, bảo hiểm, khóa học online, suất nghỉ dưỡng.
Theo anh Hùng (Quận 1, TPHCM), những ngày gần đây khi thị trường chứng khoán trở nên sôi động, các cuộc gọi rác từ những công ty môi giới cho người chơi chứng khoán quốc tế đã bùng phát mạnh. Thường thì, các nhân viên kinh doanh gọi đến xin người dùng địa chỉ Zalo để “xin gửi một số tài liệu tham khảo”.
Theo chuyên gia an ninh mạng Võ Đỗ Thắng, Nghị định 91/2020/NĐ-CP mới chính thức có hiệu lực được một tuần, chưa đủ thời gian để đi vào cuộc sống. Các đơn vị kinh doanh, những trung tâm telesale (tiến hành cuộc gọi bán hàng, quảng cáo) cũng cần có thời gian để chuyển đổi.
Nhìn từ góc độ quản lý truyền thông doanh nghiệp, chị Tuyết Mai - một người hoạt động và giảng dạy trong lĩnh vực marketing - cho rằng, nguyên nhân còn có thể xuất phát từ thực tế là các đơn vị, doanh nghiệp có thực hiện nghiệp vụ telesale chưa truyền thông đủ rộng cho nhân viên biết về quy định mới, về các mức chế tài đối với hành vi phát tán cuộc gọi rác và tin nhắn rác. Chính vì thế, nhân viên cứ theo cách làm cũ, cũng là cách dễ dàng nhất, là dựa theo danh sách số điện thoại có sẵn để gọi đi.
Điều này phản ánh thực tế là các doanh nghiệp thực hiện nghiệp vụ telesale chậm chuyển đổi phương thức tiếp cận và cũng không cho thấy chịu khó và nghiêm túc tìm kiếm các phương thức mới hiệu quả hơn.
Chưa biết sợ!
Người viết bài này nhận được rất nhiều cuộc gọi telesale trong những ngày qua, trong đó có hàng chục cuộc gọi trong vài ngày xuất phát từ một số đơn vị, doanh nghiệp địa ốc.
Khi chúng tôi hỏi nhân viên telesale có biết quy định mới xử phạt nặng hành vi phát tán cuộc gọi rác hay không thì có người cho là biết, nhưng cũng có người cho là không.
Một nhân viên môi giới địa ốc chuyên làm dịch vụ ở địa bàn Quận 4 (TPHCM) cho biết: “Nói thật với anh là chưa thấy động tĩnh xử phạt thì tụi em cứ gọi. Khi nào làm gắt quá thì tính tiếp thôi chứ cũng không nghĩ xa được”.
Thậm chí, có những đối tượng thực hiện cuộc gọi rác sau khi bị phàn nàn còn thể hiện thái độ thách thức, hung hăng. Ngày 30.9, nữ nhân viên kinh doanh của công ty chuyên môi giới chứng khoán quốc tế và Forex (số điện thoại 09147206xx) đã gọi vào máy người viết bài này. Sau khi được cảnh báo là theo quy định mới có chế tài xử phạt nặng đối với hành vi phát tán cuộc gọi rác thì cô này “sửng cồ”, rồi thách thức. Người viết bài này liền cúp máy thì cô ta lần theo số điện thoại vào chat trên Zalo (nick San San) tiếp tục buông lời thách thức, thậm chí còn dùng ngôn từ tục tĩu chửi bới.
Theo ông Võ Đỗ Thắng: “Gốc rễ của vấn đề là có chế tài mạnh nhưng phải thực thi nghiêm thì mới có thể thay đổi tình hình”.
Ông Thắng cho rằng, do chưa có vụ bắt quả tang phát tán cuộc gọi rác nào điển hình bị xử lý, xử phạt và đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, chính vì thế các đối tượng thực hiện telesale chưa biết sợ.
Bổ sung thêm, chuyên viên marketing Tuyết Mai cho rằng, chưa có các vụ xử lý và xử phạt cho nên chưa làm cho những người phát tán cuộc gọi rác thấy được sự nghiêm minh của pháp luật. Trong khi đó, với danh sách số điện thoại sẵn có lại giúp họ có thể thực hiện một cuộc gọi rác với những câu đã quen miệng một cách nhanh gọn và dễ dàng, không phải nhọc công và tâm trí để tìm những cách làm mới, chính vì thế đối tượng làm telesale càng khó “cai nghiện” các cuộc gọi rác.
THẾ LÂM (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

(GLO)- Chiều 14-11, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Gia Lai tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh.

Việc áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001: 2015 góp phần cải thiện và nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của CQHCNN trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Nhật Hào

Gia Lai áp dụng, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015

(GLO)-Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch số 2555/KH-UBND về triển khai hoạt động xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tại các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2025.