Một thời làm báo ở Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 30 năm đã trôi qua nhưng tôi vẫn không sao quên được những ngày làm báo nhiều gian nan vất vả mà vui. Đó là những ngày đầu Binh đoàn Tây Nguyên trở lại xây dựng và bảo vệ Tây Nguyên. Thời điểm đó, công cuộc đổi mới vừa tiến hành được vài năm, tình hình kinh tế đất nước tuy có sự khởi sắc nhưng vẫn còn cực kỳ khó khăn.

Một thời gian khó

Ngày đầu trở lại Tây Nguyên, Tòa soạn Báo Binh đoàn Tây Nguyên được bố trí trong căn phòng 20 m2 của một nhà kho lớn-nơi ở tạm của Cục Chính trị trong khu căn cứ cũ của biệt kích Mỹ gần Sân bay Cù Hanh. Căn phòng chỉ kê đủ 5 chiếc giường sắt, 2 tủ tài liệu và bộ bàn ghế là chỗ vừa làm việc vừa tiếp khách. Tôi vừa đi học về được cấp trên bổ nhiệm làm Phó Tổng Biên tập thay anh Đắc Sinh chuyển ngành về Báo Vĩnh Phú.

 

Ông Rơ Châm Rú (thứ tư từ trái qua) và bà con cùng bộ đội rút kinh nghiệm chăm sóc lúa nước. Ảnh: H.T
Ông Rơ Châm Rú (thứ tư từ trái qua) và bà con cùng bộ đội rút kinh nghiệm chăm sóc lúa nước. Ảnh: H.T

Theo cơ chế lúc đó, Tổng Biên tập do Chủ nhiệm Chính trị Binh đoàn kiêm nhiệm, chủ yếu lãnh đạo về chủ trương và duyệt bài cuối cùng. Còn toàn bộ công việc từ tổ chức tòa soạn, lập kế hoạch tuyên truyền, phân công phóng viên, lựa chọn tin bài, biên tập đến in ấn đều do Phó Tổng Biên tập đảm nhiệm. Ngày nay, việc biên tập được máy tính hỗ trợ nên nhàn nhã và hiệu quả; đặc biệt, với công nghệ in offset, báo được in ra nhanh và đẹp. Còn thời đó, báo in ti-pô nên vừa chậm vừa xấu, khâu biên tập và in ấn thật lắm gian nan. Bài của phóng viên và cộng tác viên đều viết tay. Có bài, nhất là của cộng tác viên, chỉ lấy được ý, còn phải viết lại hoàn toàn. Sau khi tin, bài được thông qua thì tiến hành lên ma-két (tổ chức mặt báo).

Việc lên ma-két cũng lắm công phu, trước hết phải đếm số chữ của từng tin, bài; tùy tính chất của từng bài mà đặt vị trí và xác định số chữ/dòng (5, 6, 10 hoặc 15 chữ/dòng), rồi lấy số chữ của bài chia cho số chữ của loại dòng đã chọn thì đặt bài mới chính xác; kiểu, cỡ chữ của tít và từng bài cũng phải được thể hiện trên ma-két; rắc rối nhất khi gặp bài dài phải cắt bớt, bài ngắn phải viết thêm cho đủ diện tích. Căn cứ vào ma-két và bản thảo, nhà in sắp chữ, in bản bông, lại phải soát bài sửa lỗi trên bản bông cho nhà in thực hiện. In ti-pô, ảnh dùng rất hạn chế vì khâu kỹ thuật. Ngày nay, chỉ cần vài động tác nhấp chuột là có thể đặt được bức ảnh vào vị trí trên trang báo theo ý muốn mà lại rất đẹp; nhưng thời đó chỉ có ảnh đen trắng, chủ yếu dùng để thông tin độc lập và trang trí, rất ít khi có ảnh kèm bài vì muốn dùng ảnh phải có kế hoạch trước. Ảnh phải rõ, nét, được gửi đi Sài Gòn hoặc Quy Nhơn thuê làm ảnh kẽm theo kích cỡ đã định cũng mất cả tuần. Có lần, ảnh kẽm làm chưa đảm bảo kỹ thuật nên in ra nhìn không rõ mặt người…

Khó khăn là vậy nhưng được anh em phóng viên, đều là những người có tâm có nghề như: Xuân Đán, Hồng Sơn, Hồng Thanh Quang, Lê Hồng Đức… đồng tình ủng hộ nên tôi nhanh chóng đảm nhiệm được chức trách. Báo ra mỗi tháng 2 kỳ, phát đến cấp trung đội và tương đương. Ở Tây Nguyên lúc này chưa bắt được sóng truyền hình, các báo thì ít và thường chậm vài ngày. Do vậy, cùng với các báo, đài địa phương, tờ Binh đoàn Tây Nguyên tuy khuôn khổ có hạn nhưng phản ánh kịp thời các hoạt động, công tác, đời sống của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Tây Nguyên nên luôn là món ăn tinh thần hấp dẫn của bộ đội.

Tây Nguyên thời kỳ này, đời sống nhân dân rất khó khăn, đặc biệt đồng bào ở vùng sâu, vùng xa phần lớn bị thiếu đói, tập tục lạc hậu còn nhiều, dịch bệnh phát triển; bọn FULRO vẫn ngấm ngầm hoạt động phá hoại; bom mìn, chất độc hóa học của địch trong chiến tranh còn lại tiếp tục gây hại... Từ thực tế đó, ngay ngày đầu trở lại, cùng với việc tập trung ổn định đời sống bộ đội, duy trì thực hiện các chế độ sẵn sàng chiến đấu, Binh đoàn đã chủ động tham gia cùng địa phương xây dựng cơ sở chính trị, truy quét FULRO, giữ vững an ninh chính trị, đồng thời tổ chức rà phá, tháo gỡ bom mìn, tiêu tẩy chất độc hóa học… hỗ trợ cho địa phương phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân.

Đây cũng là nhiệm vụ chính trị mà Báo phải tập trung tuyên truyền. Trước yêu cầu nhiệm vụ của Báo và đòi hỏi ngày càng cao của bạn đọc, Ban Biên tập đã nghiên cứu phân công phóng viên phụ trách từng mặt chuyên sâu, tổ chức bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cộng tác viên ở cơ sở, đồng thời chủ động phối hợp tuyên truyền với báo, đài các địa phương trong địa bàn Binh đoàn đứng chân. Chúng tôi đã nhận được sự quan tâm giúp đỡ, hợp tác hết lòng của các báo, đài địa phương, đặc biệt là Báo và Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai-Kon Tum (cũ). Tôi còn nhớ, đồng chí Nguyễn Hồng Quang-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kiêm Tổng Biên tập Báo Gia Lai-Kon Tum đã nhiều lần vào thăm, trao đổi nghiệp vụ với chúng tôi ở tòa soạn; các anh Trần Liễm, Võ Tấn Long-Phó Tổng Biên tập Báo, anh Xuân Phát-Trưởng phòng Biên tập Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh luôn cùng chúng tôi phối hợp tổ chức các vệt bài tuyên truyền trên báo, đài rất hiệu quả.

Những kỷ niệm khó quên

Sau khi tòa soạn đi vào hoạt động ổn định, tôi sắp xếp công việc đi cơ sở viết bài. Vào những ngày tháng 10-1988, hàng chục đội công tác của các đơn vị đang ở các buôn làng xa xôi hẻo lánh của Tây Nguyên. Đội công tác của Sư đoàn 320 do Đại úy Nguyễn Hồng Hải chỉ huy ở làng Book Rẫy (nay thuộc huyện Đak Đoa), một  địa bàn khó khăn về kinh tế-văn hóa và là điểm nóng về hoạt động phá hoại của bọn FULRO. Anh em đã vừa tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vừa vận động và giúp đỡ bà con phát triển sản xuất, thực hiện nếp sống văn hóa, ăn ở vệ sinh, phòng-chống dịch bệnh, khám và điều trị bệnh, giúp bà con ổn định cuộc sống. Đặc biệt, anh em đã tuyên truyền cảm hóa được 3 người trong hàng ngũ FULRO trở về với gia đình. Qua tìm hiểu thực tiễn ở cơ sở, tôi đã viết bài “Book Rẫy-cuộc sống đã đổi thay”.

Cùng với các hoạt động giúp dân, các đơn vị khẩn trương xây dựng doanh trại, tổ chức tăng gia sản xuất, nhanh chóng ổn định đời sống bộ đội. Lữ đoàn Công binh 7 được tiếp nhận doanh trại của đơn vị bạn dưới chân đèo Mang Yang nhưng đều là nhà tạm và không phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ của đơn vị, đặc biệt khu doanh trại lại nằm trong vùng phát quang của địch trước đây nên đất đai cằn cỗi, cây xanh không có, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và đời sống bộ đội. Bằng tinh thần tự lực, sáng tạo, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã quy hoạch xây dựng lại doanh trại, tổ chức trồng cây xanh, cây ăn quả, rau xanh, chăn nuôi, đào ao thả cá để cải thiện đời sống, biến vùng đất cằn cỗi nơi “cổng trời” (Mang Yang, tiếng Bahnar có nghĩa là cổng trời) thành vùng đất trù phú một màu xanh cây trái. Có mặt tại đơn vị trong những ngày cao điểm của phong trào “Trồng cây phủ xanh doanh trại”, tôi đã có bài “Phủ xanh “cổng trời”.

Đầu tháng 3-1990, từ nguồn tin của bà con Jrai ở xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Pah) về thùng chất độc hóa học mà bà con cho là “con ma rừng” vì có một thanh niên đi phát rẫy đã sờ vào và bị ngộ độc ngất lịm, các chiến sĩ Tiểu đoàn 21 Phòng hóa được lệnh đến kiểm tra, khắc phục cho nhân dân yên ổn làm ăn. Đến nơi, anh em xác định được đây là thùng chất độc “hợp chất 24 Đ” của Mỹ, chủ yếu diệt cây nhưng nếu người nhiễm phải sẽ bị mất sức như trường hợp anh thanh niên kể trên, về lâu dài còn bị ảnh hưởng đến tế bào hồng cầu, làm con người ta chết dần và nếu sinh con rất dễ bị quái thai. Đối chiếu trên bản đồ thì đây là khu vực trước năm 1975 nằm trong vành đai bảo vệ thị xã Pleiku mà địch đã dùng chất độc hóa học để phát quang, như thế sẽ còn nhiều thùng khác. Và sau gần 2 tháng tiến hành kiểm tra, anh em đã phát hiện, đưa đi tiêu hủy 1 quả bom, 25 thùng chất độc hóa học, giải phóng vùng đất hơn 40 km2. Được chứng kiến tinh thần lao động quên mình vì nhân dân của các chiến sĩ, đặc biệt là niềm vui sướng của bà con khi biết những “con ma” đó là những thùng chất độc hóa học do Mỹ rải trong chiến tranh còn lại rất nguy hiểm, nhưng đã được bộ đội dọn sạch, bà con sẽ tiếp tục được sản xuất bình thường, tôi đã có ghi chép “Nhờ có bộ đội từ nay không còn con ma rừng hại dân làng nữa”.

Tôi còn có một kỷ niệm khó quên là vào những ngày tháng 4-1991 đi cùng đội công tác của Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320) đến vận động và giúp đỡ bà con Jrai ở xã Ia Lang (huyện Đức Cơ) làm lúa nước. Trong những ngày cùng bộ đội tuyên truyền, hướng dẫn bà con ở đây đào mương, làm đất và gieo lúa, tôi được gặp lại người du kích đã dẫn đường cho đơn vị chúng tôi vào tiến công địch ở đồn Tầm những ngày cuối năm 1972, đó là ông Rơ Châm Rú, ở làng Gào. Lúc này, tóc ông đã pha sương nhưng vẫn rất khỏe mạnh, luôn gương mẫu đi đầu trong xây dựng cuộc sống nên được bà con tín nhiệm bầu làm già làng. Ông thường cùng chúng tôi đến từng nhà giải thích cho bà con về cái lợi của việc trồng lúa nước, vừa cho năng suất cao, dễ làm, gần nhà lại bảo vệ được rừng. Nhờ có ông mà việc vận động bà con trồng lúa nước đã đạt kết quả tốt. Và ông đã trở thành một trong những nhân vật trong bài viết “Anh bộ đội và cây lúa nước trên đất rừng Ia Lang” của tôi…

Những ngày làm báo đó tuy có nhiều trở ngại khó khăn, nhưng các phóng viên của Báo Binh đoàn Tây Nguyên đều đã vượt qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ, đóng góp xứng đáng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Binh đoàn trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Với tôi, những ngày làm báo đó đã đọng lại nhiều kỷ niệm sâu sắc về tình đồng đội, tình quân dân và giúp tôi rất nhiều trong việc rèn luyện, nâng cao bản lĩnh, nghề nghiệp của người làm báo.

Hùng Tấn

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.