Một thời "bán trú dân nuôi"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày nay, mô hình trường học “Bán trú dân nuôi” không còn quá xa lạ với mọi người. Thế nhưng, ít ai biết rằng, hơn 20 năm trước, mô hình này đã được hình thành tại xã nghèo Kon Chiêng (huyện Mang Yang) và trở thành “hiện tượng” trong ngành Giáo dục lúc bấy giờ bởi hiệu quả mang lại.
1. Tôi theo chân ông Diol-Chủ tịch Hội Nông dân xã Kon Chiêng đến làng Ktu-nơi khởi đầu mô hình “Bán trú dân nuôi”. Con đường từ trung tâm xã về làng được thảm nhựa phẳng lì. Ổ voi, ổ gà nhuốm màu bụi đỏ trước kia giờ đã chìm vào dĩ vãng. Suốt nhiều năm qua, tuyến đường đã góp phần kết nối sản xuất, giao thương, đem lại đời sống khởi sắc cho bà con vùng khó.
Ông Diol dừng xe trước ngôi nhà thưng ván nằm im ỉm trên một khu đất trống gần đường. “Điểm trường đầu tiên của Kon Chiêng với mô hình bán trú dân nuôi đấy!”-ông đưa mắt nhìn tôi, tay chỉ về hướng ngôi nhà. Gọi là điểm trường nhưng thực tế chỉ có 1 phòng học. Sắc nâu trầm nhuốm màu thời gian bao phủ trọn 4 mặt tường gỗ cùng mái tôn cũ kỹ. Nơi cửa sổ, một vài mảnh ván bị rơi ra, để lại khe hở nhìn thấu bên trong. Cạnh đó là cây phượng vĩ cổ thụ vừa trụi lá, từng chùm quả khô lủng lẳng theo gió đung đưa.
Là một trong những người trưởng thành từ mô hình học tập hiệu quả này, ông Diol chưa bao giờ quên những năm tháng khó khổ mà đầy ắp nghĩa tình ấy. Ông kể, những năm 80 của thế kỷ trước, làng Ktu nói riêng và cả xã Kon Chiêng nói chung vẫn còn nghèo lắm. Để cái bụng không đói, lũ trẻ mới 6-7 tuổi đầu đã phải lẽo đẽo theo mẹ cha bán mặt với rẫy nương. Chuyện học hành với bút vở, phấn trắng, bảng đen... vẫn còn là điều quá xa vời.
Rồi khi những lớp xóa mù chữ được mở, cán bộ cơ sở đến từng nhà vận động cha mẹ cho con đi học. Lúc đầu, số lượng người tham gia khá đông nhưng theo thời gian lại dần thưa vắng. Nhà xa, đường khó, cả bọn trẻ lẫn cha mẹ chúng đều cảm thấy ái ngại với việc đến trường.
“Bok Đinh Yek-Bí thư Đảng ủy xã lúc bấy giờ thấy vậy mới họp bàn giải pháp. Sau nhiều lần thảo luận, ý tưởng về mô hình “Bán trú dân nuôi” được tán thành. Bok Yek xin chủ trương của huyện và nhanh chóng triển khai thực hiện, lấy làng Ktu làm điểm. Qua tuyên truyền, vận động, bà con các làng chung tay góp gạo nuôi học sinh, kể cả những gia đình không có con em theo học. Học sinh các làng xa được ở lại trường học tập, sinh hoạt suốt tuần. Làng Ktu khi đó có tôi và 15 bạn khác cùng học”-ông Diol cho hay.
Điểm trường tại làng Ktu-nơi áp dụng mô hình “Bán trú dân nuôi” đầu tiên ở xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang). Ảnh: Hồng Thi
Điểm trường tại làng Ktu-nơi áp dụng mô hình “Bán trú dân nuôi” đầu tiên ở xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang). Ảnh: Hồng Thi
Một sớm mùa thu năm 1988, tại làng Ktu, không khí chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới thật rộn ràng. Điểm trường nhỏ với phòng học nền đất, lợp tranh, tường được dựng bằng những tấm tre đan. Bàn ghế cũng bằng tre, được đóng neo chắc chắn. Cạnh đó là lán nhà bán trú dành cho giáo viên và học sinh. Mấy tạ lúa bà con các làng đóng góp đã được vận chuyển về kho chứa bảo quản để sử dụng dần trong năm học.
Nhắc nhớ về thời điểm ấy, giọng ông Diol rộn vui: “Các bạn ở làng xa có mặt tại trường từ chiều hôm trước. Còn chúng tôi ở tại chỗ nên đúng ngày khai giảng mới đến. Thường ngày chỉ mặc khố, hôm đó, tôi lấy chiếc quần soọc cất giữ bấy lâu ra mặc mà lòng đầy hào hứng. Buổi lễ diễn ra nhanh gọn nhưng ấm áp. Có cả cồng chiêng, múa xoang. Hôm sau nhập học có 40 học sinh, mỗi người được phát 1 quyển vở, 1 chiếc bút chì. Riêng sách thì hạn chế nên 3-4 bạn ngồi cùng bàn học chung 1 quyển. Thầy cô ai cũng tận tâm dạy cho chúng tôi biết cái chữ. Thích nhất là mỗi tối, thầy trò còn có đèn dầu soi sáng để học bài chứ không phải ngồi quanh bếp lửa nữa”.
5- Anh Đinh Sang-Phó Chủ tịch UBND xã Kon Chiêng (bìa phải) cùng những người từng trưởng thành từ mô hình trường học “bán trú dân nuôi” năm xưa đang cố gắng chung tay xây dựng quê hương từng ngày. Ảnh: Hồng Thi.
Anh Đinh Sang-Phó Chủ tịch UBND xã Kon Chiêng (bìa phải) cùng những người từng trưởng thành từ mô hình trường học “bán trú dân nuôi” năm xưa đang cố gắng chung tay xây dựng quê hương từng ngày. Ảnh: Hồng Thi
Khoảng năm 1991, Kon Chiêng được Nhà nước đầu tư xây dựng trường tiểu học khang trang gần trụ sở UBND xã. Trường tạm ở làng Ktu chỉ còn con em của 3 làng Ktu, Deng và Klah theo học. Những làng còn lại chuyển về học tại trung tâm. Ông Đinh Sang-Phó Chủ tịch UBND xã Kon Chiêng là thế hệ học sinh đầu tiên học ở trường mới. Trong ký ức của ông, trường có 3 lớp, tương ứng với trình độ lớp 1, 2, 3; mỗi lớp khoảng 15-20 học sinh. Mô hình “bán trú dân nuôi” tiếp tục được áp dụng và duy trì tại đây trong suốt nhiều năm sau đó để hỗ trợ học sinh yên tâm theo đuổi giấc mơ con chữ. “Thông thường, cứ chiều thứ 6 hàng tuần, chúng tôi trở về nhà, đến chiều chủ nhật lại lên. Vai gùi quần áo, thêm ít gạo, cá khô và rau rừng. Chúng tôi chỉ học 1 buổi, buổi còn lại sẽ lên rừng, xuống suối tìm thực phẩm bổ sung cho bữa cơm hàng ngày thêm phong phú. Về phần lúa quyên góp, xã vận động phụ nữ hỗ trợ giã gạo cho học sinh. Dẫu khi đó đi học còn lắm khó khăn nhưng kỷ niệm nào cũng đáng nhớ”-ông Sang chia sẻ.
2. Mặt trời dần khuất bóng. Ông Đinh Hrip (làng Toăk) thu dọn nông cụ để trở về nhà sau một ngày xuống giống cho vụ mì mới. Tuổi già không ngăn được cái chân ông “đòi” lên rẫy. Ông Hrip bảo, muốn bụng không đói thì phải siêng làm lụng. Vì vậy, lúc nào còn khỏe, ông đều nêu gương cho con cháu. Hơn 20 năm trước, xã phát động và triển khai mô hình “bán trú dân nuôi”, ông Hrip cũng tích cực trồng trỉa để ủng hộ phong trào. Thời điểm đó, ông là cán bộ văn hóa-thông tin xã, đảm trách nhiệm vụ tuyên truyền, vận động bà con chung tay nuôi học sinh.
Ông Hrip hào sảng kể: “Dưới sự chỉ đạo của Bí thư Đảng ủy xã Đinh Yek, đầu tiên, chúng tôi kêu gọi bà con dựng trường học và cho con em mình học bán trú tại trường; sau đó là góp lúa, gạo để duy trì mô hình. Chúng tôi chia xã thành 3 khu vực để dễ tuyên truyền, vận động. Tôi được giao phụ trách khu 3 gồm các làng: Toăk, Thương, Tar. Trong vài năm đầu, cán bộ nêu gương đóng góp nhiều hơn, riêng Bí thư Đinh Yek góp 1 tấn lúa và 5 tạ gạo. Bà con thì tùy tấm lòng, khi được mùa thì ủng hộ nhiều, mất mùa thì hỗ trợ ít. Đáng mừng là các hộ nghèo cũng nhiệt tình hưởng ứng. Tụi nhỏ hiểu chuyện nên cố gắng học hành, không đứa nào bỏ bê hay trốn học”.
Ông Đinh Hrip (bìa trái; làng Toăk, xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang) từng tham gia tuyên truyền, vận động và cùng với dân làng góp gạo nuôi học sinh bán trú. Ảnh: Hồng Thi
Ông Đinh Hrip (bìa trái; làng Toăk, xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang) từng tham gia tuyên truyền, vận động và cùng với dân làng góp gạo nuôi học sinh bán trú. Ảnh: Hồng Thi
Nghe ông Hrip kể đến đây, tôi chợt nhớ đến cuộc trò chuyện nhanh giữa mình với già làng Đinh Yek (nay đã mất-P.V) tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn tỉnh lần thứ III-2019. Khi ấy, ông Yek vẫn còn tự hào khoe với tôi về mô hình “Bán trú dân nuôi” của xã, song cũng hết sức khiêm tốn khi nhận định: “Thành công của mô hình không phải chỉ tôi khởi xướng là được, tất cả nhờ vào sự đồng lòng, đoàn kết chung tay của bà con các làng”. Chính từ hiệu quả này, mô hình của Kon Chiêng đã được nhân rộng ra các xã lân cận như: Kon Thụp, Đê Ar, Đak Trôi... với tỷ lệ học sinh ra lớp rất cao, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn huyện. Riêng xã Kon Chiêng, đến năm 1993 đã xóa được làng “trắng” về giáo dục; sau năm 1996, tại 9 làng của xã đều có điểm trường tiểu học. Trong những năm 1990-1998, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường bình quân đạt 95%. Đặc biệt, năm 1998, xã Kon chiêng được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học-xóa mù chữ.
3. Ngày 1-9-2016, Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18-7-2016 của Chính phủ “Quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn” chính thức có hiệu lực. Nghị định này ra đời đã góp phần “tiếp sức” cho nhiều học sinh nghèo trên địa bàn tỉnh, trong đó có xã Kon Chiêng. Theo đó, những học sinh đủ điều kiện theo quy định sẽ được Nhà nước hỗ trợ gạo và tiền ăn, ở trong cả năm học. Cũng từ đây, mô hình trường học “Bán trú dân nuôi” ở địa phương này không còn duy trì nữa, hoàn thành xuất sắc “sứ mệnh lịch sử” của mình suốt hơn 20 năm.
Và điều đáng mừng là phần lớn thế hệ học sinh đầu tiên được “dân nuôi” ấy, giờ đây đều đã trưởng thành và quay về cống hiến cho quê hương, buôn làng. Nhiều người giữ vị trí cao tại các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể của huyện, xã và thôn. Là 1 trong 11 người đang công tác tại xã Kon Chiêng trưởng thành từ mô hình “Bán trú dân nuôi” thuở ấy, Bí thư Đảng ủy xã Đinh Nguiy xúc động bày tỏ: “Tôi rất biết ơn bok Yek vì quyết tâm mở lớp; biết ơn dân làng nhiều năm liền đóng góp lúa gạo để chúng tôi lúc nào cũng được no bụng, an tâm theo đuổi giấc mơ con chữ. Giờ đây, khi đã được học hành và được trở về địa phương làm việc, chúng tôi luôn cố gắng làm sao để từng bước nâng cao dân trí, cải thiện đời sống vật chất lẫn tinh thần cho bà con trong khả năng của mình”.
Cả ông Sang lẫn ông Diol cũng cùng chung quyết tâm tương tự. Bởi lẽ, như lời ông Sang nói: “Chúng tôi chịu ơn dân làng thì phải biết trả ơn bà con sao cho xứng đáng!”. Nhìn sự đổi thay từng ngày của mảnh đất anh hùng Kon Chiêng, tôi có thêm cơ sở để tin tưởng vào điều mà các ông tâm nguyện. 
HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.