Một thời "332"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tháng 12-1976, đất nước vừa im tiếng súng chỉ mới hơn một năm, những người lính Trung đoàn 711, 576, 240… quân phục chưa nhạt mùi khói đạn đã nhận lệnh tiến quân về núi rừng Ka Nak (huyện Kbang) để làm nhiệm vụ phát triển kinh tế. 43 năm đã qua, phiên hiệu Đoàn 332 có lẽ không còn trong tâm khảm nhiều người, nhưng những cống hiến, hy sinh thầm lặng của họ cho một miền đất của Gia Lai thì hãy còn nguyên đó. Họ đã để lại những cánh rừng nhuốm muối mồ hôi và máu, gửi lại nỗi khắc khoải và bao niềm hy vọng cho thế hệ sau.

Ký ức mở rừng
…Mưa như nghiêng trời mà dốc nước. Đêm đen tưởng có thể xẻ thành từng miếng. Con suối hiền hòa trước dãy lán tập thể thoáng chốc phồng rộp lên một dải nước đục ngầu. Trong cơn cuồng nộ của đất trời, một nữ quân nhân bất thần chuyển dạ. Trạm xá ở bên kia suối, làm sao bây giờ? Mọi phương cách đều bất lực trước dòng nước hung hãn. Trong tuyệt vọng, một ý nghĩ chợt lóe: Dùng chiếc chảo quân dụng của đơn vị để đưa sản phụ sang. Không còn thời gian để suy tính bất trắc, mọi người hối hả bắt tay vào việc. Một đầu dây được thít vào quai chảo rồi ném cho bờ bên kia kéo sang; một đầu bên này kéo lại để giữ thăng bằng. Mọi người nín thở nhìn theo chiếc chảo mong manh như ngọn lá dập dềnh trên dòng nước xiết. Ơn trời, việc liều lĩnh cũng đã trót lọt. Sản phụ qua suối an toàn, mẹ tròn con vuông…
Nhà lưu niệm Đoàn 332 tại thị trấn Kbang, huyện Kbang. Ảnh: N.T
Nhà lưu niệm Đoàn 332 tại thị trấn Kbang, huyện Kbang. Ảnh: N.T
Đấy chỉ là một trong những gút thắt của ký ức mà Trung tá Trương Văn Nhuần-nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Đoàn 332 kể với tôi… Ngồi trong căn nhà thấp tè, vách tô đá rửa mọc rêu đen kịt, xưa là nơi làm việc của Tổng Giám đốc một đơn vị kinh tế quân số có lúc xấp xỉ 1 vạn người, tôi cố hình dung từ những gì mình được nghe kể lại, những gì mình chứng kiến. Những con đường hun hút, đỏ ngầu bùn đất; những ngày mưa giam mình trong lán nghe gió chẻ vách thưa; những bữa cơm độn mì với cá chuồn khô bên nhập nhoạng ánh lửa… Nhưng chưa là gì cả, bởi đấy đã là năm 1985 rồi.  
Ông Nhuần hồi tưởng: “Ngày chúng tôi vào đây, rừng Kbang hãy còn là một khối nguyên sơ. Con đường 669 có từ thời Pháp gai góc đã mọc đầy và cũng chỉ đến Ka Nak là hết. Các đơn vị phải tự mở lấy đường mà đi; gạo muối, quân dụng đều chất lên vai cõng như thời chiến. Mỗi tối phải đốt lên một đống lửa thật lớn để xua thú dữ và hơi giá của rừng già. Rừng Kbang bấy giờ rất nhiều thú dữ, nhất là cọp. Cứ mỗi sáng mở cửa lại thấy dấu chân của chúng in đầy quanh lán. Ổn định tạm được chỗ ở, chúng tôi phải ngay lập tức bắt tay vào nhiệm vụ sản xuất lương thực. Lương thực bấy giờ chủ yếu là mì. Cơm có khi độn đến 70% mì. Thực phẩm thì phổ biến là cá chuồn khô nhưng không phải lúc nào cũng có. Cả đến muối ăn gặp khi mưa nhiều, đường tắc cũng phải chịu nhạt”. Rừng thiêng nước độc, ăn uống kham khổ, sốt rét bắt đầu hoành hành. Gần như không ai là không sốt. Có tiểu đoàn cả 100% quân số đều sốt. Đến đơn vị nào cũng gặp những thân hình võ vàng co quắp trên sạp nứa… Thuốc men thiếu, đường sá ách tắc, không ít người phải chịu chết oan. Ở Tiểu đoàn Vận tải có chuyện thương tâm thế này: Một chiến sĩ lên cơn sốt nhưng giữa trời đêm mưa gió, anh em không có cách nào đưa đi bệnh xá được. Để bạn cầm cự qua cơn chờ trời sáng, một chiến sĩ đã ôm bạn vào lòng để truyền thêm hơi ấm. Sáng thức dậy mới hay bạn đã chết tự bao giờ!
Sau hơn 2 năm mở đường, xây dựng cơ sở trong điều kiện vô cùng gian nan như thế, đồng thời phải tham gia xây dựng công trình đập Đak Uy (tỉnh Kon Tum), cuối năm 1978, Đoàn 332 mới chính thức làm nhiệm vụ kinh tế lâm nghiệp. Tuy nhiên, cuối năm 1979, Hội đồng Bộ trưởng lại có quyết định thành lập Liên hiệp Lâm-Nông-Công nghiệp. Từ đây, Đoàn 332 mang phiên hiệu mới: “Liên hiệp Lâm-Nông-Công nghiệp Kon Hà Nừng”. Đây là mô hình kinh tế của Liên Xô. Ở Gia Lai-Kon Tum (cũ), mô hình được áp dụng cho 2 nơi: Kbang và Đak Glei. Bấy giờ, chúng ta đang chủ trương hợp tác toàn diện với Liên Xô, Liên hiệp Kon Hà Nừng do vậy sẽ được chọn hợp tác về lâm nghiệp. Để triển khai chủ trương này, 50% lực lượng xe máy của Quân khu 5, 3.000 lao động và cán bộ kỹ thuật, chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc được bổ sung về cho Liên hiệp. Một đoàn cán bộ kỹ thuật, chuyên gia của Liên Xô cũng đã sang khảo sát. Nhưng rồi chẳng hiểu sao mọi việc chỉ dừng ở đó. Liên hiệp chủ yếu vẫn làm nhiệm vụ khai thác gỗ và tu bổ rừng theo cơ chế bao cấp. Vậy là lại tiếp diễn những ngày cơm độn, cá khô; tiếp diễn tình cảnh thiếu từ miếng xà phòng giặt, hạt muối thiếu đi; tiếp diễn những cơn sốt và những cái chết…
Cho đến nay, số người hy sinh vẫn chưa được thống kê chính xác nhưng theo ước đoán của ông Nhuần thì cũng gần trăm. Chỉ riêng căn bệnh sốt rét, trong khoảng thời gian từ năm 1977 đến 1983 đã có gần 40 người chết. Thực ra, trong hoàn cảnh bấy giờ, người chết vì sốt rét, bệnh tật và tai nạn gần như đơn vị nào đứng chân ở vùng sâu, vùng xa cũng có. Đáng nói là những cái chết ở đây nghe cứ thật phi lý và tức tưởi… Chẳng hạn, Thượng úy Phạm Ngọc Tường-Đội trưởng Đội Khảo sát-trong một lần đi điều tra rừng bị vướng bẫy thò của đồng bào. Vết thương chỉ vào phần mềm ở đùi, thế nhưng bởi đường xa, phương tiện không có đành chịu chết trên vai đồng đội vì mất máu. Anh Bảng, cán bộ quản lý Trung đoàn bộ 713 một chiều ngồi uống nước với anh em dưới gốc cây thì bất thần bị một cành khô rơi trúng đầu, không kịp cấp cứu. Anh Bàn-Giám đốc Lâm trường 7 đã về quê mà căn bệnh sốt rét vẫn còn bám theo quật ngã. Cũng tại lâm trường này, anh Thọ trên chuyến xe đi khảo sát công trường đã bị cây nứa chìa ra bên đường đâm suốt qua người. Còn một cái chết mà bây giờ nhắc tới ai cũng thấy ngậm ngùi: Anh Châu Phúc Thành ở Công ty Lâm nghiệp Krong lấy vợ đã 3 năm vẫn chưa có con. Thấy chồng cứ biền biệt xứ rừng, chị Vũ Thị Tý-vợ anh lặn lội từ Thái Bình vào thăm. Buồn thay, niềm mong mỏi có được đứa con chưa tới thì chị bị sốt rét ác tính. Đi thăm chồng, ngờ đâu chị lại đến đất này để vĩnh biệt chồng…
Những người lính từng qua trận mạc bom đạn phải kiềng, những kỹ sư trẻ đang nuôi khát vọng cống hiến, những chàng trai cô gái tuổi đôi mươi chưa kịp một lần yêu… Vậy mà cái chết nghiệt ngã, bất thần đến chẳng từ ai. Nhớ một lần ôn chuyện cũ với các cựu binh Đoàn 332, cái tên “Lâm trường 10” khiến tôi ngơ ngác bởi Liên hiệp Kon Hà Nừng chỉ có 9 lâm trường. Hiểu ra thì đấy là nghĩa trang của Liên hiệp. Giám đốc, Phó Giám đốc, kế toán…, một bộ khung cán bộ hoàn chỉnh cho một lâm trường đã nằm trọn trong nghĩa trang này. Chuyện ngỡ chỉ đùa mà lòng nghe nặng trĩu.
Điều không thể mất
Tháng 11-1995, theo quyết định của Bộ Lâm nghiệp, Liên hiệp Lâm-Nông-Công nghiệp Kon Hà Nừng giải thể. 9 lâm trường được bàn giao lại cho tỉnh Gia Lai quản lý. Đất nước càng tiến sâu vào công cuộc đổi mới, mô hình kinh tế “một thời vang bóng” càng lùi lại phía sau. Sự thật là đã có một quãng thời gian cái tên Đoàn 332 có vẻ bị lãng quên ngay trên chính miền đất nó đã được sinh ra và cống hiến với bao hy sinh, mất mát. Tuy nhiên, cũng chính từ sự đổi mới mà theo thời gian, những giá trị một thời được nhìn nhận lại…
Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm cán bộ, chiến sĩ Đoàn 332 trên công trình thủy lợi Đak Uy (Ảnh tư liệu).
Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm cán bộ, chiến sĩ Đoàn 332 trên công trình thủy lợi Đak Uy (Ảnh tư liệu).
Ông Trương Văn Nhuần-sau này trở thành Chủ tịch UBND huyện Kbang-khẳng định: Có mặt tại miền đất này trước khi huyện Kbang thành lập 9 năm, chính Đoàn 332 chứ không ai khác đã khai mở những nền móng cơ sở hạ tầng ban đầu cho huyện, từ hệ thống giao thông, giáo dục đến y tế… Như thị trấn Ka Nak, ngay từ đầu đã được đơn vị quy hoạch để trở thành thị trấn lâm nghiệp. Bởi vậy, khi chuyển trung tâm hành chính từ buôn Lới ra, cơ sở hạ tầng được Liên hiệp xây dựng đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho huyện không chỉ lúc đó mà cả sau này.
Nhưng điều có ý nghĩa hơn cả là hàng ngàn lao động có trình độ học vấn, hàng trăm cán bộ khoa học kỹ thuật (trong đó có cả học vị Phó Tiến sĩ, “của hiếm” lúc đó) đã được đưa tới miền đất này. Có lẽ cả Tây Nguyên lúc ấy không đâu có được nguồn nhân lực quý giá như thế. Từ họ, nghề rừng được khai mở một cách bài bản, khoa học. Rừng được điều tra, quy hoạch tổng thể tài nguyên, nguồn nước, động thực vật để tổ chức sản xuất, kinh doanh. Những nghề mới, những cây trồng mới được đưa tới đã góp phần nâng cao đời sống và dân trí đồng bào dân tộc tại chỗ. Cùng với đó, hàng chục cán bộ phẩm chất tốt được điều chuyển cho bộ máy chính quyền từ cấp huyện đến cơ sở đã bảo đảm cho Kbang một nền tảng an ninh chính trị vững chắc… Chính vì vậy, theo ông Nhuần, thời Liên hiệp là thời rừng được bảo vệ tốt nhất. Việc khai thác gỗ quý được ngăn chặn, không có tình trạng rừng có chủ mà tài nguyên vẫn mất như vô chủ sau này.
Những cống hiến ấy của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 332 không ai có thể phủ nhận được. Họ chỉ nhận về mình có chăng là sự hy sinh, mất mát. Còn bao nhiêu mất mát, hy sinh thầm lặng vẫn day dứt cho đến tận bây giờ… Dù sao thì việc UBND huyện Kbang đồng ý chuyển giao cho Ban liên lạc Đoàn 332 trụ sở cũ của Liên hiệp Kon Hà Nừng để làm khu lưu niệm cũng đã là nghĩa cử. Hy vọng cùng với thời gian, mồ hôi và máu của họ đổ xuống cho mảnh đất phía Đông này sẽ được tôn vinh xứng đáng hơn. Đấy cũng là một thông điệp cho hậu thế, rằng họ và cả một thế hệ nằm xuống trên vùng đất cao nguyên này đã không sống một cuộc đời vô ích…
NGỌC TẤN
 
Ứng dụng Báo Gia Lai đã lên 2 kho ứng dụng:
 - Google Play: http://bit.ly/2PcYBHy
 - App Store: https://apple.co/2W9SmGa

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.