Mong ngày hội ngộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có những câu chuyện sau gần nửa thế kỷ chấm dứt chiến tranh, mới lần đầu được kể…

Ông làm đủ công việc quanh ngôi nhà nằm nép mình giữa vườn cây trái sum suê ở tổ 4-phường Ngô Mây, thị xã An Khê, chỉ với một cánh tay, nuôi 7 đứa con ăn học. Ông mất một cánh tay từ khi nào không ai rõ. Người ta chỉ biết ông là Nguyễn Quang Hùng, 72 tuổi, quê đâu ngoài Bắc. Ít ai biết rằng, đằng sau cánh tay bị mất kia là câu chuyện của một thời kỳ đau thương trong chiến tranh, giữa những người lính ở hai chiến tuyến.

Đối mặt

Mùa mưa năm 1966 ở mặt trận Cát Sơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), Tiểu đội trưởng Tiểu đội trinh sát Nguyễn Quang Hùng quan sát kỹ địa hình phía trước. Không một dấu vết nào khả nghi. Người chỉ huy trẻ hạ lệnh hành quân. Nhưng anh đã lầm. Mới được vài bước chân, lập tức một loạt đạn nã liên hồi về phía những chiến sĩ trinh sát. Người tiểu đội trưởng đi đầu bị bắn nát cánh tay phải. Anh lập tức ra lệnh cho đồng đội rút lui trong tiếng đạn ngày càng rát bên tai. Làm mọi cách vẫn không cầm được máu từ cánh tay, Nguyễn Quang Hùng phải nương theo một dòng suối để tránh sự phát hiện của kẻ thù.

 

Bức ảnh bác sĩ Sam Axelrad chụp cùng ông Nguyễn Quang Hùng và một phần xương cánh tay bị cắt, năm 1966 (ảnh: Báo Thanh Niên)
Bức ảnh bác sĩ Sam Axelrad chụp cùng ông Nguyễn Quang Hùng và một phần xương cánh tay bị cắt, năm 1966 (ảnh: Báo Thanh Niên)

Ngâm mình dưới suối đúng ba ngày, anh lần về đến khu vực nhà dân. “Cảnh tượng lúc đó làm tôi nhớ mãi. Nhà cửa bị lính Mỹ đốt tan hoang không chừa lại thứ gì, không có chỗ nào có thể ẩn náu. Người dân đem tôi ra giấu ở bờ suối, bên cạnh một kho lúa. Tôi nói với một đồng đội vẫn theo sát lúc tôi bị thương hãy rút đến nơi an toàn, còn tôi chắc không sống được vì mất máu quá nhiều. Vả lại, cánh tay bắt đầu nhiễm trùng nặng và thối rữa do suốt mấy ngày ngâm mình trong nước”-ông Hùng nhớ lại.

Đồng đội rút khỏi khu vực bị lính Mỹ vây ráp không lâu thì Nguyễn Quang Hùng bị bắt. Chúng đưa anh lên trực thăng chở về căn cứ ở Hòn Một (thuộc huyện Phù Cát-Bình Định ngày nay) lấy lời khai. “Tôi nói giọng Bắc rặt ri nên không thể nói dối thân phận là một người lính miền Bắc vào mặt trận phía Nam làm nhiệm vụ. May là lúc bị bắt, đồng đội có để lại cho tôi một tay nải với vài loại thuốc kháng sinh, tôi khai là y tá nên chúng cũng không nghi ngờ gì. Sau đó chúng đưa tôi lên trực thăng chở về Hòn Cong (nay là xã Thành An, thị xã An Khê) để phẫu thuật. Sau đúng một ngày một đêm tôi mới tỉnh lại. Cánh tay phải khi đó được cắt đi hai phần ba”.

Giữa hai chiến tuyến

Một tháng sau ngày phẫu thuật, cánh tay vẫn không lành. Nguyễn Quang Hùng được đưa ra nhà thương An Khê phẫu thuật lần hai. Người đã phẫu thuật, cứu sống người chiến sĩ trẻ là một bác sĩ quân y người Mỹ cao to, nước da lúc nào cũng đỏ au. Những người Mỹ có mặt ở nhà thương đều gọi anh là “Vi-xi” (Việt Cộng). Riêng bác sĩ phẫu thuật, điều trị cho Nguyễn Quang Hùng lại gọi anh bằng tên thân mật là Charlie.

Hơn 1 tháng nằm ở nhà thương An Khê, Nguyễn Quang Hùng vẫn bị còng chân. Sau khi lành vết thương, chúng vẫn để Nguyễn Quang Hùng ở lại nhà thương.

Dù ở hai chiến tuyến, nhưng thời gian ở nhà thương An Khê đã kéo gần khoảng cách giữa những người lính. Các thầy thuốc người Mỹ ở đây giao cho Hùng nhiều công việc liên quan đến ngành y. Đặc biệt, vị bác sĩ đã phẫu thuật cho anh rất yêu mến sự lạc quan, vui vẻ của Nguyễn Quang Hùng. Giữa năm 1967, vị bác sĩ quân y được lệnh trở về Mỹ. Ông Hùng kể: “Trước khi đi, ông ấy nói với tôi, mày đã biết một chút về nghề y, giờ tao phải đi, mày cũng không thể ở đây vì mày là tù binh. Tao sẽ đưa mày xuống Quy Nhơn, có một phòng khám tao quen biết, tao xin cho mày vào làm việc ở đó để mày kiếm sống. Trước khi rời An Khê, vị bác sĩ quân y đưa tôi xuống một phòng khám ở Quy Nhơn để làm công việc phát thuốc. Tuy nhiên, làm việc ở đây quá vất vả với một người đã mất đi một phần thân thể, lại không có lương bổng gì nên tôi tìm đường về lại An Khê”.

Suốt 3 năm ở nhà thương An Khê, mọi thông tin về Nguyễn Quang Hùng đều không lọt ra bên ngoài. Gia đình ông ở xã Giao Thủy, huyện Giao Thạnh (Nam Định) cứ ngỡ ông đã hy sinh. Ông Hùng nhớ lại: “Năm 1969, tức 3 năm sau, tôi mới báo tin được về nhà. Trong thời gian đó, mẹ tôi đã làm ảnh để chuẩn bị thờ con. Nói chuẩn bị vì đơn vị chỉ báo tin là tôi mất tích chứ không báo tin hy sinh”.

Cuộc đời chìm nổi của một người lính không chỉ có thế. Trở lại An Khê vào thời điểm cuối cuộc chiến, các trận đánh vẫn diễn ra ác liệt, Nguyễn Quang Hùng luôn nuôi ý định tìm lại đơn vị, những đồng đội cũ để tiếp tục chiến đấu. Nhưng mọi thứ với ông không dễ. Thời gian ông ở với người Mỹ, làm việc trong nhà thương của Mỹ vẫn luôn đặt ra câu hỏi về thân phận của người lính này. “Tìm cách về lại đơn vị mãi không được, tôi làm nghề thuốc cho đến ngày giải phóng. Làm gì thì cũng đều giúp ích cho dân mình cả”- ông nói.

“Kỷ vật đặc biệt”

Chuyện về Nguyễn Quang Hùng sẽ chẳng ai còn nhớ đến nếu mới đây không xảy ra câu chuyện lạ lùng. Câu chuyện khiến chính ông-nhân vật chính-cũng không khỏi ngạc nhiên. “Gần đây, một tờ báo đề cập về câu chuyện của tôi từ lời kể của chính vị bác sĩ quân y đã phẫu thuật cứu sống tôi năm 1966. Điều làm tôi kinh ngạc là ông ấy vẫn giữ phần xương cánh tay phải của tôi và bây giờ, muốn trả tôi phần thân thể ấy. Tôi sẽ mang theo nó khi nào nhắm mắt xuôi tay…”- ông Hùng xúc động cho biết.

Sau gần nửa thế kỷ, ông mới biết ân nhân của mình, người đã phẫu thuật cánh tay thối rữa cứu mạng ông, tên là Sam Axalrad, bác sĩ Sam Axalrad. Suốt 45 năm qua, tại nơi cách đây nửa vòng trái đất, bác sĩ  Sam Axalrad vẫn giữ phần xương cánh tay của người lính mà ông đã cứu sống như một kỷ vật chiến tranh, dù đó là kỷ vật buồn, nhắc nhớ ông những năm tháng đen tối tại chiến trường Việt Nam.

Bà Tạ Thị Thanh Đông- người dân sống từ nhỏ tại khu vực gần nhà thương An Khê, khi nhìn bức ảnh của bác sĩ quân y Mỹ Sam Axalrad và chiến sĩ trinh sát Nguyễn Quang Hùng trong bức ảnh chụp năm 1967 đăng trên một tờ báo đã nhận ra ngay cả hai người này. Bà chia sẻ: “Hồi đó tôi khoảng 8-9 tuổi, vẫn thường theo bạn bè lân la đến gần nhà thương để nhìn cho được mặt của “Vi-xi” (theo cách gọi của lính Mỹ VC-Việt Cộng).

Tò mò vậy là vì hàng ngày vẫn nghe lính Mỹ nói đến “Vi-xi” trong nỗi khiếp sợ, còn người dân khi nhắc đến những chiến sĩ Việt Cộng với sự thương yêu, trìu mến. Cho đến khi ấy, anh Hùng là chiến sĩ Việt Cộng đầu tiên tôi nhìn thấy. Trong ấn tượng của tôi, anh ấy là một người hay cười, rất hiền, vóc dáng nhỏ bé giữa những y-bác sĩ người Mỹ cao lớn. Còn bác sĩ Sam Axalrad, nước da lúc nào cũng đỏ au nên chúng tôi gọi ông là “Gà Cồ”, tuy nhiên ông ấy không thích cái tên này và thường nổi cáu. Nhưng đó là một bác sĩ trẻ rất thân thiện”.

45 năm sau, gặp lại ông Hùng trong ngôi nhà nhỏ của ông tại thị xã An Khê, bà Đông nhận ra ngay người chiến sĩ năm nào. Còn ông không hề biết bà là ai. Bà Đông cũng chính là người dẫn đường cho chúng tôi đến nhà của cựu chiến binh Nguyễn Quang Hùng. Và với bà, việc biết gia đình ông Hùng đang sinh sống ở đây, cũng hoàn toàn do tình cờ.

Chiến tranh có những chuyện bất ngờ không ai hiểu được. Bác sĩ Sam Axalrad, người lính Nguyễn Quang Hùng, bà Tạ Thị Thanh Đông… cứ ngỡ sẽ không bao giờ gặp nhau sau bao chia cắt, loạn lạc của chiến tranh. Thậm chí, trong số họ còn không biết nhau. Nhưng rồi họ lại tìm nhau, nhắc tên nhau trong câu chuyện chung, ký ức chung về một thời kỳ đau thương. Nếu cựu chiến binh Nguyễn Quang Hùng mất đi một phần thân thể thì những người lính như bác sĩ  Sam Axalrad lại tổn thương về tinh thần với bao ký ức đau buồn không thể nào quên về chiến tranh tại Việt Nam.

Nếu việc trả lại “kỷ vật lạ lùng” là đoạn xương cánh tay kia có thể xoa dịu nỗi đau cho hai người lính ở hai chiến tuyến, chúng tôi hy vọng và cầu chúc, họ sẽ sớm gặp nhau…

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Mạch nguồn tri ân và những câu chuyện - Bài 5: Những thương binh đặc biệt ở đất Tổ

Mạch nguồn tri ân và những câu chuyện - Bài 5: Những thương binh đặc biệt ở đất Tổ

Chiến đấu ngoan cường, bị thương thập tử nhất sinh khiến những người lính có một thời gian nao núng. Rồi cũng bằng ý chí sắt đá của người lính, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bè bạn và cộng đồng, những thương binh đang định cư ở đất Tổ ngày một khỏe hơn, biết làm kinh tế và còn viết văn, làm thơ…
Trong mây Vân Sơn - Kỳ 1: Về thăm “thung lũng mây”

Trong mây Vân Sơn - Kỳ 1: Về thăm “thung lũng mây”

Xã Vân Sơn nằm ở trung tâm của huyện vùng núi Tân Lạc, Hòa Bình, nối liền một dải với vùng cao Son Bá Mười của tỉnh Thanh Hóa, nơi có thể được coi là sự nối dài của Tây Bắc về mặt địa chất. Nơi đây, những cảm thức Mường còn đậm đặc, rõ rệt, hiện diện trong từng thói quen ngày thường của bà con.
Những làng chài bên biển

Những làng chài bên biển

Dọc bờ biển khu vực miền trung có rất nhiều làng chài, nơi cuộc sống hằng ngày của người dân biển diễn ra muôn hình vạn trạng. Ở đó, mỗi làng chài lại mang một nét đặc trưng riêng, tạo nên bức tranh đa sắc về cuộc sống mặn mòi của những ngư dân bám biển.
Nơi ấy, ngày chưa yên ả

Nơi ấy, ngày chưa yên ả

Ngôi biệt thự màu “xanh”, có tầng hầm rộng, ghi dấu nhiều cuộc họp bàn nhuốm màu hoang tanh, buôn bán, vận chuyển cái chết trắng ở đây. Ngôi biệt thự bây giờ bỏ không, vắng vẻ. Và sẽ còn vắng vẻ nhiều năm nữa...
Hồn biển Lăng Cô (Kỳ 1)

Hồn biển Lăng Cô (Kỳ 1)

2024 là tròn 15 năm Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) ra nhập câu lạc bộ những vịnh đẹp của thế giới. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến khác nhau về Lăng Cô như ở đó có nhộn nhịp gì đâu, có kiến trúc lâu đời đâu mà dừng chân chiêm ngưỡng…