“Măng non” tiếp nối văn hóa truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Về làng Mơ Hra-Đáp (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai), chúng ta dễ dàng bắt gặp những nghệ nhân “nhí” chân trần say sưa với nhịp chiêng, điệu xoang. Những “búp măng” ấy đang góp phần tạo nên sức sống mới cho văn hóa truyền thống dân tộc.

Với vai trò là người chị cả, Đinh Thị Mai Anh (12 tuổi) ân cần chỉnh sửa khăn, áo cho các em nhỏ trong đội cồng chiêng “nhí” của làng trước giờ biểu diễn bài chiêng “Mừng lúa mới”. Cô bé có đôi mắt sáng, thông minh, nhanh nhẹn.

Mai Anh chia sẻ: “Sinh ra và lớn lên ở làng Mơ Hra-Đáp em luôn yêu và muốn tìm hiểu văn hóa truyền thống của dân tộc Bahnar. Từ nhỏ, em đã được theo mẹ tham gia lễ hội ở làng nên em thuộc lòng các điệu xoang. Sau này, khi được vào đội cồng chiêng thiếu nhi, em cố gắng luyện tập để điệu múa được dẻo dai, uyển chuyển hơn”.

Các thành viên đội cồng chiêng “nhí” làng Mơ Hra-Đáp trong một buổi luyện tập. Ảnh: Trần Dung

Các thành viên đội cồng chiêng “nhí” làng Mơ Hra-Đáp trong một buổi luyện tập. Ảnh: Trần Dung

Không dạn dĩ như Mai Anh nhưng cậu bé Đinh Vưng (9 tuổi) lại là một tay chiêng “nhí” cừ khôi. Lúc chuyện trò cùng du khách, Vưng chỉ mỉm cười bẽn lẽn. Vậy nhưng, khi được thả mình vào không gian của cồng chiêng, Vưng lại rất tự tin, mạnh mẽ.

“Em và các thành viên đội cồng chiêng được già làng Đinh Mưnh chỉ bảo, truyền dạy từ nhiều năm nay. Già Mưnh đánh cồng chiêng hay nhất làng. Buổi tối hoặc các ngày cuối tuần, già thường tập trung chúng em lại ở khu vực nhà rông để dạy chiêng, múa xoang. Bây giờ thì mỗi lần làng có khách, chúng em đã tự tin biểu diễn phục vụ mọi người. Chúng em rất tự hào vì được giới thiệu và quảng bá văn hóa dân tộc mình”-Vưng tâm sự.

Về làng Mơ Hra-Đáp, mọi người luôn bắt gặp không khí rộn ràng, sôi nổi bởi các hoạt động đan lát, dệt thổ cẩm, nấu món ăn truyền thống của người Bahnar. Đặc biệt, hầu hết du khách đều bày tỏ niềm thích thú trước hình ảnh các thanh-thiếu niên chăm chỉ luyện tập cồng chiêng, múa xoang và vui vẻ chuyện trò. Tất cả cùng chung một tinh thần là xây dựng, phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở ngôi làng của mình. Người “tiếp lửa” cho tinh thần chung ấy chính là già làng Đinh Mưnh.

Già Mưnh phấn khởi chia sẻ: “Mình trực tiếp hướng dẫn các đội cồng chiêng của làng, trong đó có 2 đội chiêng “nhí”. Điều đáng tự hào là những đứa trẻ ở đây đều có tố chất của những tay chiêng giỏi. Mình chỉ cần hướng dẫn một vài lần, sau đó, âm thanh cồng chiêng được tấu lên, tụi nhỏ sẽ hòa vào nhanh chóng và chuẩn xác”.

Lần đầu tiên đến thăm làng Mơ Hra-Đáp, chị Nguyễn Thị Phượng (Hà Nội) vô cùng ngạc nhiên và hứng thú với những cô bé, cậu bé người Bahnar say sưa với điệu xoang, nhịp chiêng. Chị bày tỏ: “Tôi rất ấn tượng bởi tình yêu văn hóa dân tộc của người trẻ trong làng. Đây là tín hiệu vui để địa phương có thể phát huy hơn nữa du lịch cộng đồng trong thời gian tới. Sau những ngày trải nghiệm ở làng, chúng tôi khám phá được những điều mới mẻ về bản sắc, con người, tập quán ở đây”.

Chị Nguyễn Thị Phượng (ở giữa-du khách Hà Nội) ấn tượng khi được giao lưu với đội cồng chiêng của làng. Ảnh: Mai Ka

Chị Nguyễn Thị Phượng (ở giữa-du khách Hà Nội) ấn tượng khi được giao lưu với đội cồng chiêng của làng. Ảnh: Mai Ka

Theo chị Trần Thị Bích Ngọc-công chức Văn hóa-Xã hội xã Kông Lơng Khơng, làng Mơ Hra-Đáp có 5 đội cồng chiêng. Trong đó, có 2 đội cồng chiêng “nhí” với trên 60 thành viên. Các em rất yêu và tự hào về văn hóa Bahnar nên hào hứng trong mỗi giờ tập luyện hay trong các lễ hội phục dựng quảng bá tới du khách.

“Mô hình du lịch cộng đồng được hình thành vào năm 2018 đã mở ra cơ hội cho người dân làng Mơ Hra-Đáp phát triển các sản phẩm đặc trưng thành sản phẩm du lịch, tạo sinh kế, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân. Đồng thời, mô hình này còn khuyến khích người dân bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cũng như các di sản thiên nhiên tại địa phương. Để việc bảo tồn và phát huy được bền vững, địa phương đặc biệt quan tâm phát triển thế hệ “măng non” của làng”-chị Ngọc cho hay.

Hiện nay, làng Mơ Hra-Đáp đang tiếp tục được hỗ trợ nâng cao kỹ năng từ Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Trao đổi với P.V, ông Đinh Văn Lum-Phó Chủ tịch UBND xã Kông Lơng Khơng-cho biết: “Việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. Người Bahnar ở làng Mơ Hra-Đáp đang nỗ lực để hình thành những lớp người trẻ yêu văn hóa, biết trân trọng, giữ gìn bản sắc dân tộc như một thứ vốn quý, một nguồn nội lực phục vụ nhu cầu xây dựng và phát triển”.

Có thể bạn quan tâm

Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.
Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1) cùng Lê Quốc Huy (lớp 10C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) triển khai Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”.