"Ai cà phê, nước ngọt hông", tiếng chị Thảo lảnh lót ở xóm dưa đã quen thuộc với hầu hết thương hồ chợ nổi. Dù mới chỉ ra bán cà phê gần 5 năm nay, chưa kể 2 năm ở nhà vì dịch Covid-19, nhưng chị có nhiều mối quen. Tôi ngồi trên chiếc xuồng cà phê của chị Thảo, cùng chị "rượt, đua" với những cú điện thoại mà khách kêu cà phê lúc từ hơn 6 giờ. "Giờ đang lúc đông nhất nè, tranh thủ "đua" giao mối rồi còn chạy bán cho khách du lịch", chị nói.
Chị Thảo cặp đò vào ghe bán sỉ để giao cà phê. |
8 giờ, nắng gay gắt. Chị Thảo chỉ đội chiếc nón lá, mặc áo bà ba màu sẫm dài tay, mặt đổ mồ hôi, tay vừa làm vừa hỏi khách có uống thêm cái này cái kia không. "Tư dưa", một thương hồ lớn ở xóm dưa ngoắc chị Thảo làm món nước đậu nành "lai" (trộn) thêm cà phê đen và bảo: "Món guột (ruột) của bả đó. Xóm này ai không uống ngọt thì bả "lai" thêm miếng cà phê, đá vừa đỡ ngán vừa thơm".
Giao thêm xô trà đá cho "Tư dưa" xong, chị Thảo kéo máy xuồng chạy một hơi cặp vào vựa trái cây mé bờ sông. 7 ly cà phê, nước chanh dây chưa tới 10 phút được giao cho khách, tôi vừa đếm vừa chọc: "Trời, một mình chị làm hơn 2 nhân viên quán cà phê trên bờ". Chị bẽn lẽn cười, bảo làm riết quen tay, không chỉ pha chế nhanh mà còn phải biết "đua ghe" để chạy thật lẹ tới làm cho khách.
Thoạt nhìn, tôi đoán chắc chị Thảo phải có ông thầy giỏi mới biết pha chế đến gần chục loại nước giải khát hầm bà lằng như chanh dây, cà phê lai các loại nước ngọt, nước trái cây..., chưa kể còn mấy hũ chanh muối, tắc muối để trong khoang xuồng gọn ghẽ. Ngồi trên xuồng, tôi nhìn thôi đã choáng váng giữa trưa nắng gay gắt giữa sông nhưng chị Thảo vẫn cứ thoăn thoắt tay pha chế, cột dây neo tấp vào ghe, kéo máy xuồng chạy khắp chợ nổi.
Chiêu "bắt khách" của chị Thảo học từ ai? "Trời, ai mà dạy, tự học thôi bà ơi. Lúc đầu mới ra chợ cũng đổ xuống sông cả mấy chục ly. Rồi từ từ mình lựa theo ý khách, về nhà rượt thêm, uống muốn bể cái bụng mới được khách quen như bây giờ. Giá bán dưới sông rẻ bèo à, 10.000 - 12.000 đồng/ly, không đua là thâm vốn", chị Thảo kể.
Chị Thảo nói lần đầu tiên trong đời được tặng hoa |
Nói vậy nhưng khi chúng tôi vừa đi lướt qua một chiếc ghe du lịch, dù chị Thảo đậu xuồng sát bên nhưng khi một chiếc ghe khác có hai người bán chen vào giữa thì chị lẳng lặng kéo máy chạy tới, nhường cho ghe nước bạn hàng.
Dọc chợ nổi có hàng chục chiếc ghe bán nước giải khát, cà phê. Hầu hết các ghe đều có hai người, thường là vợ chồng. Vợ bán thì chồng lái ghe. Còn chị Thảo một mình "cân" hết, bán cho khách quen lẫn lạ không chậm trễ chút nào. Chị cười: "Dù cạnh tranh nhưng mình cũng không bán kiểu giành giựt, may trời thương, bán vẫn đủ nuôi con".
13 giờ, chị tấp chiếc xuồng về ghe người quen trên chợ nổi để nghỉ trưa, cũng là lúc tôi thấy lao đao chẳng biết vì say sóng hay say nắng. Chị vẫn tỉnh queo, chọc tôi: "Bán nữa hôn cưng? Chiều 3 giờ chị mới nghỉ!".
Những người câu cá trên bờ cũng quen với vị “cà phê bà Thảo”. Ảnh: LÊ VÂN |
Điệu hò buồn trên sông
20 năm trước, chị Thảo được mai mối lấy chồng nên không có thời gian tìm hiểu nhau. Rồi những ngày lênh đênh bán buôn trên ghe, chị thương người đàn ông đó khi nào không hay. Họ chạy ghe dưa hấu bán sỉ ở chợ nổi này cũng từng ấy năm sống chung.
Một ngày tháng chạp trước khi dịch Covid-19 ập tới, chồng chị đi rẫy lấy dưa về than mệt, vào ghe ngủ và không dậy nữa. Anh mất vì một cơn đột quỵ cấp khi mới 49 tuổi. Hai con gái chị Thảo khi ấy đứa đang học cấp 1, đứa mới vào cấp 3. Ba mẹ con chới với khi chỗ dựa duy nhất không còn. Chị Thảo tâm sự: "Tôi nằm bẹp trên ghe mấy tháng trời, không nhấc mình dậy nổi. Cứ khóc miết, bỏ mặc con cái cho đứa em trai lo. Chuyện ập tới như trời đày…".
Phóng viên ghi hình chị Thảo trong phim tài liệu về 100 ngôi chợ thú vị trên thế giới |
Ngôi nhà bây giờ của ba mẹ con chị Thảo chính là chiếc ghe xưa kia gia đình chị đậu ở chợ nổi bán dưa hấu. Chị kể: "Hồi đó ảnh lanh lẹ mà ham mần ăn lắm. Tui chỉ lo bán buôn trên ghe với bạn hàng và cơm nước. Còn ổng vô rẫy này rẫy kia mua đám về bán. Sau ngày ổng mất, tui bán không nổi phần vì sức mình đàn bà vô rẫy một thân không được, phần vì thương nhớ ổng… Nên mới kéo cái ghe về, đậu nhờ nhà em trai út rồi sắm cái xuồng, tập tành pha chế cà phê đi bán. Vậy mà cũng 5 năm qua nhanh ghê…".
Cái ghe cũ của gia đình chị Thảo cặp ở rạch Ấp Mỹ, P.An Bình. Trong ghe còn treo rất nhiều hình ảnh của chồng chị thời họ mới cưới, lúc có con đầu lòng rồi đứa thứ hai... tất cả luôn được chị lau chùi sạch sẽ. Bé Cẩm Ly, con gái thứ hai của chị, xúc động nói: "Về ghe có má, có chị hai và thấy như có ba. Ba chỉ đang đi rẫy xa mấy hôm chưa về…".
Hằng ngày, khi mẹ đi vắng, chị hai đi học ở TP.Cần Thơ, Cẩm Ly ở nhà lo cơm, dọn nhà sạch tinh tươm, gọn ghẽ, tắm cho chú chó nhỏ mà Ly rất cưng nựng. Nếp nhà của họ dù vắng người đàn ông nhưng luôn ấm áp bởi có hai cô con gái ngoan hiền và biết lo việc nhà cùng mẹ.
Bé Cẩm Ly khoe: "Con sẽ học theo chị hai để ráng vào đại học, trở thành bác sĩ thú y rồi sau này mở một cái spa cho thú cưng". Hai cô con gái bỏ nhỏ với tôi: "Và mong cho mẹ không còn ở một mình mãi như vầy nữa". Chẳng biết chị Thảo có nghe được câu nói vui của con hay không nhưng chỉ bẽn lẽn cười.
Cuối tháng 5 vừa qua, chị Thảo được Đài truyền hình Pháp - Đức Arte chọn là nhân vật chính cho phim tài liệu chủ đề về 100 ngôi chợ thú vị trên thế giới. Chị được những người làm chương trình tặng bó hoa để bày tỏ lòng cảm kích trước người phụ nữ mạnh mẽ ở chợ nổi đã một mình mưu sinh và nuôi hai con học đến đại học. Chị không giấu được xúc động, nói: "Chèn ơi, lần đầu trong đời được tặng hoa đó".
Chiều muộn, hoàng hôn đổ bóng dài xuống chiếc ghe cũ chòng chành, chị Thảo dựa vào cột ghe nhìn xa xăm tặng những vị khách xa tới thăm nhà một vài câu hò dân gian của thương hồ chợ nổi. Vẫn là câu ca dao quen thuộc về đời chợ gạo nước sông nay đây mai đó, nhưng trong đôi mắt buồn của người phụ nữ này đã có chút vui. "Mừng vì đứa lớn vô đại học. Giờ còn bé em nữa. Lo cho tụi nó trước còn mình tính sau", chị bộc bạch.
(còn tiếp)