Mai này chợ nổi có 'chìm'?: Những 'nữ tướng' trên sông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chạy ghe như đua, bán buôn không thua kém ai, những phụ nữ trên sông ở chợ nổi Cái Răng khiến cho bất kỳ ai đến đây đều nể phục. Họ tần tảo, quên đi sức vóc chân yếu tay mềm để mưu sinh và "nuôi đủ năm con với một chồng".

CHÈO LÁI NUÔI CẢ GIA ĐÌNH

Người phụ nữ đầu tiên gây ấn tượng mạnh với tôi là bà Bảy Bé, tên thật là Trịnh Thị Bé. Dù mới 63 tuổi nhưng dáng vóc và khuôn mặt bà dãi dầu trước tuổi với hàm răng móm mém. Chồng bà đã mất 12 năm trước. Bảy Bé coi việc phải một mình gánh vác gia đình là rất đỗi bình thường. Thanh xuân của bà theo chồng ra chợ sông bán buôn còn bỡ ngỡ, nay bà tự lo bán buôn suốt mấy chục năm lẻ bóng.

Nhà Bảy Bé ở một hẻm cụt gần chợ, lối vào chỉ vừa chiếc xe máy. Bà cất nhà năm 2020, sau khi được đền bù giải tỏa nhà sàn quanh chợ nổi. Vừa cất xong nhà thì dịch Covid-19 ập tới, mấy má con bà may mắn có chỗ tránh dịch. Lúc dịch đi qua, xuống ghe thấy đồ nghề nấu nướng bị ngâm nước, phơi nắng mưa cả năm trời hư hỏng hết, Bảy Bé lụi cụi đi mượn đỡ tiền người ta sắm lại đồ nấu gánh bún đầu tiên sau dịch giã. Ước mơ của bà là nuôi cháu nội đang học lớp 7 vào tới đại học hay đi học được cái nghề đặng kiếm cơm an nhàn, đỡ xuống ghe khuya sớm cực như bà.

Út xuồng chèo đò đi mua hàng

Út xuồng chèo đò đi mua hàng

Bảy Bé nhớ lại cuộc đời cơ cực thời thơ ấu: "Quê Bảy ở Phong Điền, nhà có 10 anh chị em, Bảy thứ bảy. Bên chồng Bảy cũng có 10 người con, ổng nhỏ lớn không học hành rồi đi làm bốc vác ở chợ nổi nên lao lực mất sớm. Hồi còn trẻ, Bảy sợ đông con đói hoài nên không dám đẻ, có hai thằng con trai mà một đứa gửi ngoại, một đứa đưa lên ghe nuôi để còn mần ăn".

Ghe của bà Bảy Bé bán đủ món: bún riêu, hủ tíu, cháo lòng, bún thịt nướng. Bảy Bé có duyên, hay trò chuyện với khách nên được nhiều người mến mộ. Họ gọi bà là "nữ tướng chợ nổi" chẳng phải vì tuy lớn tuổi vẫn chịu "đua ghe" với tàu du lịch để bán hàng mà bởi họ nể người đàn bà đơn thân đã chèo lái nuôi cả gia đình từ lúc chồng mắc bệnh nan y cho tới giờ là lo cho cháu nội ăn học.

Nhưng đã là phụ nữ, tránh sao những lúc yếu lòng? Bà Bảy Bé kể về ngày tháng cơ cực đã đi qua: "Năm ổng mất khổ lắm con ơi, có lúc mua đồ nấu rồi mà không có tiền đổ xăng vào máy xuồng đi bán. Chơi hụi để mua nhà thì bị giựt hết lần này tới lần kia. Có khúc chỉ còn thiếu chút xíu mua được căn nhà rồi thì lại bị giựt. Từ đó Bảy bỏ hẳn. May được bồi thường giải tỏa nhà sàn, Bảy mua miếng đất trong kẹt cất cái nhà cho mấy má con ở, đặng yên ổn bán buôn, nuôi cháu nội đi học".

Bà Bảy Bé bán hủ tíu ở chợ nổi. Ảnh: LÊ VÂN

Bà Bảy Bé bán hủ tíu ở chợ nổi. Ảnh: LÊ VÂN

Út xuồng nương chợ mưu sinh

Một buổi chiều cuối tháng 5 trời chuyển mưa giông, chợ nổi Cái Răng vãn dần người mua bán, bà "Út xuồng" (tên thật là Ngô Thị Nhất, 73 tuổi) chèo vội chiếc đò nhỏ đến ghe bí ngô của ông bà Tư Lực chuyên bán sỉ. Chiếc đò nhỏ chòng chành, lắc lư mạnh cập vào mạn ghe. Anh Nguyễn Văn Mai (36 tuổi), con rể ông bà Tư Lực, với tay giữ chiếc dây neo, cột đò vào ghe bí và đỡ Út xuồng lên. Vừa giúp Út, anh Mai vừa gọi mẹ: "Út xuồng lấy hàng má ơi!". Từ trong ghe, bà Tư Lực cười tươi như hoa, đón Út xuồng vào khoang bí, hỏi han: "Trời đất ơi, sao nay đi chợ trễ vậy Út xuồng? Giông lớn à nha, cẩn thận Út ơi…".

Ở chợ nổi này, nhiều người quen với bóng dáng bà Út mỗi tuần thường ghé 1 - 2 lần trên con đò nhỏ nên gọi bà là "Út xuồng". Cứ mỗi bận lấy hàng, Út sẽ đi nhiều ghe. Nào là bí ngô, khoai mì, khoai ngọt… Út chỉ lấy những món ít bị hư hao để không phải bán gấp vì lớn tuổi không "đua" kịp với bạn hàng ở chợ Giai Xuân, H.Phong Điền, Cần Thơ. "Hằng ngày cứ 2 giờ sáng, Út dậy soi (nấu) khoai mì rồi 5 giờ mang ra chợ bán thêm. Chứ lấy sỉ về bán hàng tươi sống không có lời. Chiều thì ở nhà gọt khoai cũng 15 kg chớ ít đâu. Gọt muốn đen mất hết mấy cái móng tay rồi", bà Tư Lực kể lể thương người bạn hàng tuổi bóng xế.

Út xuồng và Tư bí

Út xuồng và Tư bí

Bà Út xuồng đi mua sỉ rồi về bán lẻ từ hồi con trai bà mới 10 tuổi, giờ đã hơn 50. Út móm mém kể: "Con Út 8 đứa lận, đứa đi làm ở tiệm bánh mì, đứa phụ hồ chỉ đủ nuôi miệng nó. Ông chồng bệnh đau nằm một chỗ. Cỡ này bán chậm quá nên lấy ít, nhiều món. Tư bí (bà Tư Lực bán bí ngô nên người chợ nổi gọi Tư bí, gắn liền với mặt hàng buôn bán - PV) ưu tiên Út lựa mua, mỗi lần lấy 20 - 30 ký thôi à, chứ thường người khác đâu cho lựa. Út sợ nhất mấy trái bị "mặt trăng" chẻ ra nó hơi trắng, bí sượng, không dẻo là thâm vốn".

Út xuồng dù đã lớn tuổi vẫn vững tay chèo chiếc đò nhỏ chòng chành trong cơn mưa chiều chợ nổi. Tính ra, Út đã gắn bó với ngôi chợ trên sông này từ khi nó còn rất non trẻ. "Cứ 3 - 4 ngày Út đi chợ một lần, dạo này ế nên cả tuần rồi mới ghé. Vốn mỗi lần lấy hàng khoảng 2 triệu đồng, bán lần lần, đứt vốn miết. Tính ra đi chợ khỏe, chứ có lần Út bệnh nhớ chợ muốn bệnh hơn…", bà Út chia sẻ.

Một cơn mưa lớn ập tới, Tư bí không cho bà Út về vội mà dẫn người bạn hàng vào khoang ghe, nói nằm võng nghỉ khỏe, tạnh mưa hãy về. Út xuồng vừa nằm trên chiếc võng vài phút đã ngủ ngon lành. Giấc ngủ bất chợt của bà Út ở ghe của người bạn hàng lâu năm như xoa dịu bớt nhọc nhằn của người phụ nữ đã dành cả cuộc đời mưu sinh ở chợ nổi Cái Răng. (còn tiếp)

Nghĩa tình bạn hàng chợ nổi

Bà Tư bí tên thật là Đặng Kim Xuân (58 tuổi) và chồng là ông Trần Văn Lực (60 tuổi). Gia đình bà Tư đã ở chợ 29 năm. Nay, hai ông bà cùng người con rể có hai chiếc ghe chuyên bán sỉ bí cho thương hồ chợ nổi. Bà Tư bí có nụ cười rạng rỡ và dễ gần. Gia đình bà là bạn hàng lâu năm của Út xuồng. "Bạn hàng mấy chục năm rồi, ở đây ai cũng vậy. Dù bán buôn có cạnh tranh nhưng giúp nhau được gì thì cứ giúp", Tư bí trải lòng.

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.