Mai này chợ nổi có 'chìm'?: Nhịp đời trên sông

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Vùng ĐBSCL vốn có hàng loạt ngôi chợ nổi trên sông, nhưng giờ đây đã mai một dần. Riêng chợ nổi Cái Răng, theo thống kê trong 5 năm trở lại đây, số ghe thuyền giảm từ 500 xuống còn hơn 200 chiếc.

Rồi đây chợ nổi có "chìm"? Đó là nỗi lo không chỉ của thương hồ chợ nổi Cái Răng mà còn là sự tiếc nuối với nhiều người vốn yêu mến nét "văn hóa nổi" này của TP.Cần Thơ.

Dân thương hồ chịu chơi mà hào phóng...

Khi mặt trời còn chưa ló dạng bên sông Hậu, chợ nổi Cái Răng đã sớm thức giấc, nhộn nhịp trên bến dưới thuyền. Bà "Ba đò", chủ của 3 chiếc đò nhỏ, đã tất bật từ 2 giờ khuya chở thương hồ và người mua lẻ ra vô chợ nổi. Anh Trang Xén (44 tuổi), thương hồ từ Gò Quao, Kiên Giang, cũng bận rộn giao khóm (trái thơm, dứa) cho thương lái mua sỉ…

"Bán lẻ không anh?", tôi hỏi anh Trang Xén đang đỏ mặt nhìn vị khách lạ. "Không bán lẻ, tặng ăn chơi à", anh Xén vừa cười vừa nhanh tay gọt một trái khóm chín vàng, thơm nức đưa cho tôi. Tôi từng nghe thương hồ chợ nổi "chịu chơi, hào phóng" lắm, giờ thấy mình đã có câu trả lời ấm áp giữa buổi nhóm chợ sớm tinh mơ.

Anh Thái và con gái đang giao khoai ngọt cho khách.

Anh Thái và con gái đang giao khoai ngọt cho khách.

Khúc sông nằm dưới lòng cầu Cái Răng vào lúc này tràn ngập những âm thanh sống động của tiếng máy chạy xuồng, tiếng rao bán đồ ăn, thức uống hay tạp hóa của các đò ngang. Thi thoảng, ghe du lịch chạy lướt qua khiến nhiều chiếc ghe bán sỉ hay mấy chiếc xuồng nhỏ lắc lư mạnh như muốn… xỉn vì sóng lớn.

Những cây bẹo đủ màu sắc cắm trên mũi ghe là nét độc đáo của chợ nổi. "Cây bẹo" là một loại bảng hiệu trên sông được làm từ cây sào tre, trên mũi sào treo một món đồ đặc trưng mà thương hồ đang bán. Nào là bẹo bí ngô, bẹo dưa hấu, bẹo khóm, bẹo khoai ngọt…

Anh Đặng Văn Út (40 tuổi), em chồng bà "Ba đò", người chở đò thuê, hỏi khó tôi: "Treo mà không bán, bán mà không treo là cái gì?", rồi cười ha hả trước vẻ mặt ngơ ngác của người khách đò. Rồi anh lý giải: "Treo mà không bán là mấy cây sào người ta phơi quần áo đó, vì thông thường ghe nào treo cây bẹo gì là bán thứ đó, treo khóm bán khóm, treo bí bán bí. Nhưng dân ở đây lấy ghe làm nhà, ăn ở trên đó nên cũng phải treo đồ để phơi, nên mới gọi là treo mà không bán. Còn bán mà không treo là mấy cái ghe treo cây bẹo có lá nhưng không phải bán lá, họ bán… ghe. Bán ghe mà không treo cái ghe đó".

Anh Trang Xén với ghe khóm.

Anh Trang Xén với ghe khóm.

Đò anh Út lướt qua một chiếc ghe trống đang lắc lư trên mặt sông, cây bẹo treo lá cọ khô trên nóc ghe. Anh cám cảnh than: "Độ này chợ hẻo, bán ghe nhiều quá trời. Tui phải xoay đủ nghề, vừa đưa đò vừa chạy xe ôm mới nuôi được một vợ, hai con".

Hàng hóa ở chợ nổi Cái Răng xưa và nay chủ yếu chia làm nhiều nhóm hàng như rau củ, trái cây, đồ tạp hóa, thực phẩm tươi sống và nấu chín. Một hoạt động khác cũng tạo nên sự sung túc cho chợ là các đò ngang chở người, bán đặc sản vùng miệt thứ như trái cây, đồ ăn thức uống cho thương hồ và khách du lịch. Những ghe bán bún riêu, hủ tiếu, bánh bao, bánh mì, trái cây được xếp vào hàng hóa dịch vụ "nổi" của chợ như một nét thu hút du khách phương xa.

Bà Nguyễn Thị Trang, bán hàng rong trái cây trên chợ nổi

Bà Nguyễn Thị Trang, bán hàng rong trái cây trên chợ nổi

Đìu hiu cảnh chợ buổi đò đông

Đời nào vui bằng đời thương hồ. Xuống biển lên nguồn gạo chợ nước sông là câu ca dao nói về đời thương hồ. Nhưng hôm chúng tôi đến vào buổi chợ sớm, cảnh chợ thấy đìu hiu dù vẫn ghe đò chạy tấp nập. Đa phần ghe chở khách du lịch lao đi vun vút dọc theo bờ kè mới xây, nhìn từ mặt sông lên chỉ thấy những bức tường cao trắng lốp.

Anh Trang Xén nước da đen bóng, già dặn hơn nhiều ở tuổi 44. Anh buồn thiu ngồi nhìn ghe du lịch chạy qua lại và khoang khóm ế đã mấy hôm nay. Gia đình anh có gần 4 ha khóm ở Gò Quao, Kiên Giang. Nhà Xén, mấy anh em đều đi ghe khóm. "Thấy buôn bán đỡ cực hơn làm rẫy. Mỗi lần về quê lấy khóm rồi đi liền, đời trên ghe là chính", anh Xén nói.

Ở chợ nổi bây giờ, Xén và anh trai là hai thương hồ hiếm hoi còn lại tự đi mua hàng, vận chuyển bằng ghe từ rẫy ra chợ nổi Cái Răng. Họ thường về vùng Kiên Giang lấy khóm, chạy ghe khoảng 8 giờ liên tục lên chợ nổi bán cho thương lái. Hỏi Xén sao không vận chuyển bằng đường bộ cho tiện hơn, anh nói: "Khóm này dễ dập lắm, đi xe mất công xếp tới xếp lui nó dập thì thâm vốn. Và mấy đời làm ghe quen rồi… Mình lấy công làm lời".

Chị Nga (trái) và bạn hàng. Ảnh:LÊ VÂN

Chị Nga (trái) và bạn hàng. Ảnh:LÊ VÂN

Ở quê nhà, mấy héc ta khóm của gia đình anh Xén mỗi lần thu hoạch được chừng hơn 30.000 trái. Vườn nhà hết thì anh đi các rẫy khác mua "giá chết" (mua một giá với nhà vườn nguyên năm, lời ăn lỗ chịu). Có khi khóm lên thì lời, khóm xuống là lo đến mất ăn ngủ. Như đợt này, hai anh em Xén đi hai ghe lên chợ nổi bán khoảng 20.000 trái khóm nhưng đã 5 ngày đang bán xổ giá 5.000 đồng/trái để thu vốn. "Mua giá chết đã 10.000 đồng/trái mà bán có 8.000 - 9.000 đồng/trái. Thường thì ngày một ngày hai là bán xong rồi. Giá khóm xuống quá nên chuyến này lỗ gần bốn chục triệu đồng", anh Xén nhìn xa xăm khi buổi chợ đã vãn dần.

Chợ nổi Cái Răng được chia thành nhiều "xóm" đặc trưng: xóm dưa, xóm củ sắn, khoai ngọt, khóm… Chủ ghe thường từ các vùng Hậu Giang, Kiên Giang tụ về là chính. Có những thương hồ bán buôn ở chợ nổi từ thời ông bà cho tới con cái nối nghiệp.

Ở xóm khoai ngọt có gia đình anh Trần Văn Thái (43 tuổi). Vợ chồng anh Thái có hai ghe khoai bán sỉ ở chợ nổi. Chị Lê Thị Kim Nga (40 tuổi), vợ anh Thái, lui cui giữa lòng ghe đầy đất, xếp khoai cho thương lái mua sỉ. Giữa cái nắng gay gắt trên sông, dù chị Nga đã mặc lớp áo dày, bịt kín mặt nhưng cũng không giấu được làn da rám nắng. Chị quệt mồ hôi, bảo: "Ba đứa con mà giờ một đứa mới 12 tuổi phải nghỉ học theo ghe rồi, hai đứa gửi ngoại trên bờ đi học. Giấc này chợ chậm, du lịch chạy miết buôn bán khó khăn, chắc phải bỏ chợ lên bờ"… (còn tiếp)

Chợ nổi Cái Răng thuộc P.Lê Bình, Q.Cái Răng, nằm giữa lòng TP.Cần Thơ. Nhà văn Sơn Nam từng dẫn câu ca dao về sự sầm uất của chợ: Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Xà No. Anh thương em anh sắm một chiếc đò. Để em qua lại thăm dò ý anh…

Theo dòng thời gian, chợ nổi ở ĐBSCL nói chung và Cần Thơ nói riêng có phần mai một. Để bảo tồn và phát huy nét văn hóa độc đáo vùng sông nước này, năm 2016, Bộ VH-TT-DL đã công nhận chợ nổi Cái Răng thuộc TP.Cần Thơ là văn hóa phi vật thể quốc gia.

Có thể bạn quan tâm

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Cẩn trọng với giấc mơ hóa 'thiên nga': Phẫu thuật thẩm mỹ tay ngang

Cẩn trọng với giấc mơ hóa 'thiên nga': Phẫu thuật thẩm mỹ tay ngang

Nhu cầu làm đẹp là chính đáng nhưng phải chọn bác sĩ, cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, làm đẹp một cách thận trọng, tỉnh táo. Đã có nhiều sự cố y khoa từ những ca phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở hành nghề “chui”, dưới tay bác sĩ “chui” khiến người thì bỏ mạng, người thì tiền mất tật mang.