Mạch nguồn tri ân và những câu chuyện - Bài 8: Biển đảo quê hương tri ân các anh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đã 1 năm trôi qua nhưng mỗi lần nhìn lên bàn thờ và những kỷ vật mà người con trai liệt sĩ để lại, bà Cao Thị Thanh lại không cầm nổi nước mắt.

Thương nhớ con nhưng nỗi đau đó đã hóa thành niềm tự hào vì sự hi sinh của con góp phần vào xây dựng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Hiến dâng cho đất nước

Trở về lúc xế chiều sau buổi làm việc mệt nhọc ngoài đồng ruộng, bà Cao Thị Thanh (55 tuổi, trú xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) ngồi bệt xuống thềm nhà đưa ánh mắt nhìn chiếc xe đạp cũ của người con trai liệt sĩ rồi rưng rưng nước mắt. Với bà Thanh, hình ảnh về người con trai thật đẹp biết bao nhưng giờ chỉ còn là những kỷ niệm. “Cũng hơn 1 năm trôi qua rồi, không biết ở thế giới kia con thế nào. Thương con nhiều lắm”, bà Thanh nói đoạn rồi đưa tay lau những giọt nước mắt đang lăn dài trên khuôn mặt khắc khổ của người mẹ đã nhiều đêm thao thức nhớ thương con. Con trai của bà Thanh là Trung úy Đoàn Anh Tuấn (SN 1995, nguyên là cán bộ Trạm Kỹ thuật, Lữ đoàn 682, Vùng 4 Hải quân). Ngày 16/5/2023, trong khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc ở huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), Trung úy Đoàn Anh Tuấn đã anh dũng hi sinh.

Gia cảnh khó khăn của gia đình liệt sĩ Trần Bá Diệu.

Gia cảnh khó khăn của gia đình liệt sĩ Trần Bá Diệu.

Bà Thanh kể, Tuấn là người con trai thứ 3 trong gia đình. Chồng bà Thanh từng tham gia bộ đội chiến đấu tại khu vực biên giới Lạng Sơn, nên từ nhỏ Tuấn được nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, yêu Tổ quốc và luôn nung nấu trong mình ước mơ trở thành bộ đội. Suốt 12 năm học, Tuấn đều là học sinh giỏi của trường và đạt học sinh giỏi tỉnh. Năm 2013, Tuấn thi đậu vào trường Học viện Kỹ thuật quân sự với số điểm rất cao. “Hôm nhận tin đậu vào trường quân sự, cháu nó vui lắm vì ước mơ bao năm qua cũng sắp trở thành hiện thực. Cả gia đình, người thân, bạn bè ai cũng mừng”, bà Thanh nhớ lại. Sau hơn 6 năm theo học tại trường, năm 2019, Đoàn Anh Tuấn ra trường với cấp hàm Thiếu úy và được phân về công tác tại Lữ đoàn 682, vùng 4 Hải quân đóng tại tỉnh Phú Yên. Ngày tốt nghiệp, Tuấn chỉ về thăm nhà được vài ngày rồi lập tức lên đường nhận nhiệm vụ. Thấy con háo hức, bố mẹ Tuấn cũng mừng vui.

Bà Trần Thị Hà - mẹ liệt sĩ Trần Bá Diệu nâng niu tấm bằng Tổ quốc ghi công của con.

Bà Trần Thị Hà - mẹ liệt sĩ Trần Bá Diệu nâng niu tấm bằng Tổ quốc ghi công của con.

Tháng 4/2023, Đoàn Anh Tuấn được phân công ra đảo Trường Sa làm nhiệm vụ. Trong suốt quá trình ra đảo, 2 mẹ con vẫn thường xuyên liên lạc với nhau. Đêm 14/5/2023, như thường lệ hai mẹ con bà Thanh vẫn gọi điện nói chuyện ở nhà, ở đảo. Cuộc gọi kéo dài gần nửa giờ đồng hồ nhưng dường như còn quá ngắn với tình cảm của 2 mẹ con. “Đó là cuộc gọi cuối cùng được nghe tiếng con nói. Gần trưa 15/5, thấy lòng cồn cào không yên nên vừa nấu cơm tôi vừa bấm điện thoại gọi con mà gọi mãi không thấy con nghe máy. Gần 12h trưa, đơn vị báo về con bị thương trong lúc làm nhiệm vụ. Một ngày sau thì con mất”, bà Thanh nhắm nghiền mắt để giấu nỗi đau. Ngày đưa anh về với đất Mẹ, gia đình, người thân, đồng đội, hàng xóm láng giềng ai cũng tiếc thương vô hạn. Nhưng trong nỗi đau đó là niềm tự hào vì giọt máu anh đã tô thắm thêm màu đỏ của lá cờ Tổ quốc, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

Gượng dậy vì con

Căn nhà cấp 4 cũ kỹ, trống hoác nằm ở tổ dân phố Tiến Thành, thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) là nơi bà Trần Thị Hà (SN 1976) - mẹ liệt sĩ Trần Bá Diệu - Thượng úy hi sinh khi làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa đang sinh sống. Đã 2 năm, từ ngày con trai duy nhất hi sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nơi hải đảo, bà Hà vẫn chưa thể nguôi ngoai với nỗi đau này. Trong căn nhà nhỏ, người phụ nữ gần 50 tuổi đưa ánh mắt thất thần nhìn về tấm di ảnh con, đôi tay chai sạn vuốt ve tấm bằng Tổ quốc ghi công mà nước mắt không ngừng rơi.

Bà Thanh thắp hương lên bàn thờ con trai liệt sĩ.

Bà Thanh thắp hương lên bàn thờ con trai liệt sĩ.

Liệt sĩ Trần Bá Diệu (SN 1997) là con trai cả trong gia đình 3 anh em. Năm Diệu lên 8 tuổi, người bố trong lúc đi làm đã bị dòng lũ cuốn trôi. Chồng ra đi khi tuổi đời còn khá trẻ, người phụ nữ như kiệt quệ. Nhưng vì cuộc sống và tương lai của 3 người con, bà Hà đã vực dậy, ngày ngày đi làm công phụ hồ rồi bao nhiêu công việc vất vả khác để kiếm từng đồng nuôi 3 con ăn học. Là đứa trẻ hiền lành, hiểu chuyện nên từ khi còn trên ghế nhà trường, chàng trai Trần Bá Diệu nung nấu quyết tâm thi vào trường quân đội. Ước mơ trở thành hiện thực khi Diệu đậu vào trường Sĩ quan Lục quân 1 với số điểm loại ưu. Năm 2019, sau 4 năm đèn sách ở trường quân sự đã tôi luyện ý chí cho người lính trẻ. Diệu được phân về công tác tại đơn vị ở thành phố Đà Nẵng. Một năm sau, với những thành tích đạt được, chàng lính trẻ được phân công làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa.

Đôi mắt bà Thanh ngấn lệ khi nhắc đến người con trai liệt sĩ.

Đôi mắt bà Thanh ngấn lệ khi nhắc đến người con trai liệt sĩ.

“Những ngày ở đảo, Diệu vẫn thường gọi về cho mẹ. Biết tôi sức khỏe yếu, em cứ dặn dò mẹ làm ít lại, đừng đi phụ hồ nữa để khi có lương em sẽ gửi về lo học hành cho 2 em gái. Người anh cả cũng thường nhắn tin bảo ban các em chăm ngoan, học hành, không phụ công mẹ. Thế nhưng, cuộc đời chẳng cho ai sự trọn vẹn...”, bà Hà thở dài. Cuối tháng 5/2022, bà Hà nhận được điện thoại từ đơn vị của Diệu gọi về. Người chỉ huy đơn vị không thông báo Diệu đã hy sinh khi làm nhiệm vụ mà xin gặp người thân khác để trao đổi công việc. Với linh tính người mẹ, bà Hà biết có chuyện chẳng lành đã xảy ra với người con trai đang công tác nơi hải đảo. “Mọi thứ trước mắt tôi tối sầm lại khi nghe tin con trai hi sinh lúc làm nhiệm vụ ở đảo. Diệu là những gì quý giá và tự hào nhất, cháu ra đi khi còn quá trẻ”, bà Hà giàn giụa nước mắt.

Đại diện chỉ huy Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) trao Bằng Tổ quốc ghi công cho gia đình Liệt sĩ Lê Văn Tính.

Đại diện chỉ huy Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) trao Bằng Tổ quốc ghi công cho gia đình Liệt sĩ Lê Văn Tính.

Mất chồng rồi mất đi người con ưu tú khi ở tuổi thanh xuân khiến người phụ nữ 48 tuổi như gục ngã. Nhưng nhìn vào 2 cô con gái đang tuổi ăn học, bà lại lần nữa lấy lại sức mạnh, cố gắng chăm lo cho các con. (Còn nữa)

Ông Nguyễn Bá Tặng - Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Lộc (huyện Can Lộc) cho biết, gia đình liệt sĩ Trần Bá Diệu có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện hộ cận nghèo tại địa phương. Hiện, bà Trần Thị Hà - là mẹ liệt sĩ có sức khỏe yếu trong khi 2 con còn đang đi học, rất khó khăn và cần những sự giúp đỡ, hỗ trợ từ cơ quan đoàn thể và nhà hảo tâm.

Sự hi sinh của Trung úy Tuấn là mất mát to lớn với gia đình, đồng đội và lực lượng Hải quân Việt Nam. Để ghi nhận công lao, sự hi sinh cống hiến của Trung úy Tuấn với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tháng 6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã trao tặng bằng “Tổ quốc ghi công” tới gia đình liệt sĩ.

Thông tin từ Vùng 4 Hải quân cho biết, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân vừa phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Ngãi tổ chức Lễ công bố Quyết định và trao Bằng “Tổ quốc ghi công” cho gia đình các Liệt sĩ Đoàn Anh Tuấn, Liệt sĩ Lê Văn Tính và Liệt sĩ Trần Bá Diệu.

Liệt sĩ Trần Bá Diệu, quê thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nguyên là cán bộ Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân. Liệt sĩ Lê Văn Tính, quê xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, nguyên là cán bộ Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân. Liệt sĩ Đoàn Anh Tuấn, quê xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, nguyên là cán bộ Lữ đoàn 682, Vùng 4 Hải quân. Đây là các liệt sĩ đã hy sinh khi đang thực hiện nhiệm vụ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Theo Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, tấm gương công tác, phấn đấu, sẵn sàng hy sinh của các liệt sĩ đã góp thêm vào những chiến công anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Hải quân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên hướng biển đảo và giáo dục sâu sắc cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ toàn Quân chủng. Công tác chính sách và hậu phương Quân đội cũng được Vùng 4 Hải quân quan tâm chăm lo để tri ân những công lao, cống hiến của các liệt sĩ.

Thụy Du

Có thể bạn quan tâm

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...