Mạch nguồn tri ân và những câu chuyện - Bài 6: Hành trình không ngừng nghỉ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cựu chiến binh Đỗ Tuấn Đạt đã dành 25 năm trực tiếp lái xe hàng chục ngàn cây số đi tìm, cất bốc, đưa hài cốt liệt sĩ ở khắp mọi miền đất nước trở về quê hương. Năm nay, ông đã 75 tuổi nhưng vẫn mải miết thực hiện hành trình của mình…

25 năm lái xe hơn 2 triệu km để tìm đồng đội

Có tài sản lớn nhưng ông Đỗ Tuấn Đạt chỉ sống trong ngôi nhà cấp 4, ở ngõ 12 đường Khuất Duy Tiến, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Khi tôi đến, ông đang dựng nắp ca pô kiểm tra máy móc của chiếc xe bán tải để chuẩn bị hành trình mới. “Ngày mai, tôi vào biên giới Tây Nam đưa hài cốt liệt sĩ Nguyễn Xuân Lưu về huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình để kịp làm lễ truy điệu vào dịp 27/7 tới đây”, ông Đạt cho biết.

Vừa kiểm tra dầu máy, nước làm mát động cơ, kiểm tra độ chắc chắn của linh xa đặt trang trọng trên nóc xe, ông Đạt vừa chia sẻ: “Biết bao người mẹ đã ở cái tuổi “gần đất, xa trời” nhưng ngày ngày vẫn hai hàng nước mắt ngồi cửa mòn mỏi ngóng con. Nghĩ đến hình ảnh đó, tôi phải cố gắng tìm kiếm, đưa các anh về với gia đình”. Ông bảo, trong chiến trường, ông và đồng đội đã hứa với nhau “ai còn sống thì đưa người chết trở về” và việc ông làm là để thực hiện lời hứa đó.

Năm 1967, ông Đạt tình nguyện viết đơn nhập ngũ và được biên chế vào Đại đội Vận tải 69, Cục Hậu cần, Quân khu Trị Thiên. Khi đất nước thống nhất, ông xuất ngũ về công tác tại Văn phòng Trung ương Đảng. Do hoàn cảnh gia đình, ông quyết định nghỉ việc, hưởng chế độ hưu “một cục”. Sau mấy năm bươn chải kinh doanh, ông gặp nhiều may mắn nên công việc làm ăn thuận lợi. Khi có chút của ăn, của để, ông nghĩ ngay đến việc thực hiện lời hứa với đồng đội năm xưa.

“Năm 1991, tôi tham gia Ban liên lạc truyền thống Quân khu Trị Thiên, sau đó, là Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam. Từ đây, tôi toàn tâm, toàn ý cho việc tìm mộ, đưa liệt sĩ về quê. Để có phương tiện đi tìm mộ đồng đội, tôi bỏ tiền mua chiếc xe U oát thanh lý. Sau khi chiếc U oát không còn chạy được nữa, tôi lại đầu tư mua xe khác. Chiếc ô tô bán tải đang sử dụng là cái thứ 8”, ông Đạt cho biết. Trong suốt gần 25 năm đi tìm mộ liệt sĩ, ông Đạt tìm, cất bốc, đưa khoảng 400 hài cốt liệt sĩ về quê hương. Theo ông Đạt, mỗi lần đưa đồng đội về với gia đình, cái tâm của ông được nhẹ nhõm.

Hành trình dài đó đã để lại cho ông bao kỷ niệm. Kỷ niệm ông không thể nào quên là lần đưa 2 đồng đội cùng đơn vị về quê. Trước đó, vào năm 1971, đoàn xe vận tải của ông đi đến đèo Bù Lạch (Quảng Trị) thì xe của Trần Văn Thiết và Đào Quang Bình đi trước dẫn đường vướng vào bãi mìn và cả hai hi sinh. “Vì phải vận chuyển hàng hóa, đạn dược ra tiền tuyến gấp, chúng tôi chỉ kịp an táng đồng đội gần đó rồi tiếp tục hành quân. Khi đất nước thống nhất, do chưa tìm được thân nhân, chúng tôi vào đưa các anh về Nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị”.

Dù đã đưa đồng đội vào nghĩa trang, nhưng ông vẫn không đành lòng và canh cánh nỗi niềm, làm sao tìm đến gia đình để kể cho họ về sự hi sinh anh dũng của các anh. Sau mấy năm kiên trì, ông đã tìm được thân nhân của hai liệt sĩ ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Theo nguyện vọng của gia đình, ông Đạt đưa họ vào xã Hải Phú đón các liệt sĩ về. “Chứng kiến phút giây thân nhân lần đầu được ôm vào tấm bia, thắp nén nhang lên mộ các anh tôi xúc động vô cùng. Cuộc sống không có gì đẹp bằng khoảnh khắc đó”.

Ông Đỗ Tuấn Đạt (bên phải) kiểm tra độ chắc chắn của linh xa trên nóc xe.

Ông Đỗ Tuấn Đạt (bên phải) kiểm tra độ chắc chắn của linh xa trên nóc xe.

Trong số hàng trăm chuyến đi đón liệt sĩ về quê, câu chuyện lấy của ông nhiều nước mắt nhất đó là thân nhân liệt sĩ Đỗ Văn Lực, huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên). Mẹ liệt sĩ Lực đã 103 tuổi, nhưng ngày đêm mong ngóng đón đưa con từ Long An về quê. Ông Đạt kể: “Mẹ thều thào: Mẹ không còn sống được bao lâu nữa. Mẹ nhờ con đưa thằng Lực về với mẹ”. Con tim tôi nghẹn lại, hai hàng nước mắt tuôn trào, ôm mẹ và hứa sẽ đưa anh về sớm nhất. Chiều hôm đó, tôi về Hà Nội và ngay lập tức lên đường vào sáng sớm hôm sau. Sau 2 tuần, tôi đưa được anh về với mẹ, để mẹ ôm anh một lần nữa. Rồi 10 ngày sau, tôi hay tin, mẹ đã ra đi mãi mãi và không còn hối tiếc điều gì”.

Chân còn đạp được côn, còn đi tìm đồng đội

Nay ông đã ở cái tuổi ngoài thất tuần nhưng vẫn tiếp tục hành trình. “Chân còn đạp được côn là còn đi; còn sức là còn đi tìm đồng đội. Chỉ cần Hội thông báo hoặc gia đình liệt sĩ trực tiếp liên hệ, tôi sẵn sàng lên đường. Tôi bị tiểu đường biến chứng nên chân trái bị liệt nhẹ, nhưng cứ đi tìm đồng đội chân lại khỏe ra. Chạy xe liên tục nhiều ngày không thấy mệt”.

Phủ Quốc kỳ chuẩn bị đưa liệt sĩ về quê

Phủ Quốc kỳ chuẩn bị đưa liệt sĩ về quê

Ông Đỗ Tuấn Đạt làm lễ chuẩn bị cất bốc đưa liệt sĩ về với đất mẹ

Ông Đỗ Tuấn Đạt làm lễ chuẩn bị cất bốc đưa liệt sĩ về với đất mẹ

Ông Đạt cho biết, trên chặng đường hàng chục ngàn km đi tìm mộ liệt sĩ, ông đã thoát rất nhiều kiếp nạn. Ông kể, tháng 8/2022, khi ông cùng đồng đội đi cất bốc hài cốt liệt sĩ từ nghĩa trang Tây Ninh về quê ở huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình) và huyện Vị Xuyên (tỉnh Hà Giang), giữa đường thì xe gãy trục sau. Khắc phục xong tiếp tục hành trình đến Thanh Hóa thì xe lại gãy thước lái, lao xuống rãnh thoát nước, khiến đầu xe hỏng nặng. Nhưng người và hài cốt liệt sĩ trên xe không hề hấn gì. Một lần khác, khi đưa hài cốt liệt sĩ từ miền Trung ra Bắc, đến Nghệ An, bánh sau ô tô văng ra hàng chục mét, nhưng xe không lật, toàn bộ người trên xe, cùng hài cốt đồng đội an toàn…

Trên hành trình của mình, hạnh phúc nhất của ông Đạt là được đồng đội yêu mến và lãnh đạo Đảng, Nhà nước tin tưởng. Ông được Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng nhiều bằng khen. Tết Nguyên đán hằng năm, ông đều được Chủ tịch nước gửi thiệp chúc mừng. Còn bà Nguyễn Thị Mão, vợ ông được nhận danh hiệu “Doanh nhân văn hóa - Nữ tướng thời bình” năm 2014.

Sau những câu chuyện về hành trình tìm mộ liệt sĩ, ông không quên nói về sự hi sinh thầm lặng của vợ mình. “Tôi may mắn được vợ chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ. Dù phải chi ra số tiền rất lớn, nhưng bà ấy vẫn vui vẻ với việc nghĩa tôi làm. Tôi đi xa, một mình bà ấy chủ động lo việc nhà, dạy bảo con cháu, chăm lo cho mẹ già hơn 100 tuổi”, ông Đạt cho hay.

Ông Đoàn Trọng Nghĩa, Ủy viên Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP. Hà Nội chia sẻ: “Hiếm có người như anh Đạt. Ông ấy tính tình hào sảng. Mỗi chuyến đi, ông tự túc kinh phí, ăn uống ngủ nghỉ, chưa từng làm phiền gia đình, thân nhân liệt sĩ. Trong gần 25 năm, anh Đạt đã bán 5 mảnh đất, chi ra khoảng 22 tỷ đồng làm công tác thiện nguyện, đi tìm mộ cốt liệt sĩ đưa về quê hương”. (Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Đề án 06: Động lực xây dựng tỉnh nhà hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

(GLO)- Triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, bất cập nhằm thực hiện đúng tiến độ.

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Ở góc Tây Nam

Ở góc Tây Nam

Bà chủ homestay đầu tiên trên đảo Hòn Đốc (Kiên Giang) - Phương Thảo - kể hồi mới theo chồng ra đảo, ở đây cái gì cũng thiếu. Nước ngọt mỗi ngày đều phải chờ xà-lan chở từ Hà Tiên ra, mỗi nhà xách theo một can 30l ra cầu cảng nhận phát nước.

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Làng Quy Hòa, ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên bờ biển Quy Nhơn, là nơi trú ngụ cho những bệnh nhân phong trong nhiều thập kỷ. Trải qua nhiều biến động, cùng với tiến bộ của y học, căn bệnh nan y ngày nào đã không còn là nỗi ám ảnh.