Ly cà phê tím

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sông Túy Loan tím ngát. Những vệt ráng mây in bóng tím. Dãy núi xa xa in bóng tím. Đó là khi hoàng hôn, khi trời nước hoàng hôn, khi lòng người hoàng hôn! Nước nhuốm màu tâm trạng gã “trai Quảng” đã cũ, đã đi qua quãng đời gập ghềnh, sóng gió, nay về soi mặt vào sông quê.

Nước sậm tím một màu thủy chung lặng lờ trước cổng đình làng cổ Túy Loan, nơi mang từ trường làng mạc, hơi thở an bình, nghĩa tình cộng đồng hàng xóm từ hơn năm thế kỷ trước.

Minh họa: VĂN TIN

Minh họa: VĂN TIN

Chính tại bức bình phong trước sân tiền đường rêu phong này, bao nhiêu buổi chiều gã ngồi tựa lưng ê a học thuộc lòng những bài học làm người giản đơn đầu tiên trong đời.

Chính phía sau bức văn bia nhà thờ ngũ tộc, nơi thờ năm vị tiền hiền lập làng Túy Loan này, gã đã từng ngồi thả hồn bay bổng với những giấc mơ “Nam, Ngãi, Bình, Phú thỏa chí tang bồng”.

Chính tại rặng tre xanh rậm nơi cất giữ những chiếc thuyền rồng sau bao cuộc đua rộn ràng vào mùng chín mùng mười tết hàng năm, gã đã run run trao cho ai kia nụ hôn ngất ngây mộng tưởng đầu đời. Và cũng chính nơi Bến Đình này, gã đã quyết tự làm cuộc phân ly cho đến giờ này…

Thực tại tím. Ly cà phê ở quán Ven Sông này cũng nhuộm tím. Tất cả khiến gã bần thần, thở ra một hơi thườn thượt và đầu óc cứ ám cái câu tứ bóng bẩy nhưng rất đúng với chính mình: Bóng chiều dẫu dài không chạm hết hoàng hôn.

Không! Từng này tuổi gã thật không còn ham muốn điều gì nữa cả. Bao nhiêu sân si ái ố đã đi qua đời gã, đã từng hành hạ gã “lên bờ xuống ruộng”, đã từng bắt gã phải đối mặt những câu hỏi tự chất vấn đến đau rát tâm can.

Gã về quê lần này chẳng phải vì đã hiểu rốt ráo, ngã ngũ rõ ràng quy luật “sanh lão bệnh tử” nghiệt ngã ấy hay sao?! Đời người hóa ra mong manh, ngoái lại cứ như chỉ vài lần chớp mắt, không như gã đã từng tưởng…

Ly cà phê vẫn đều đều tí tách những giọt tím trong chiều yên, yên đến nghe được cả từng hơi thở này. Và gã chìm dần vào những khung ký ức ngỡ đã nhạt nhòa, mờ mịt xa xưa…

* * *

…Ánh sáng trong phòng mảnh dần, những sợi sáng, hạt sáng đã thôi nhảy múa. Nhập nhoạng. Tối ập xuống nhanh như những ngày tháng Mười vốn như thế, tháng Mười chưa kịp cười.

Cây đèn tạ nơi góc bàn chưa được thắp lên, chỉ ngọn đèn hột vịt trên cái ban thờ ám khói hắt ra một vòm tù mù. Ánh sáng mù đỏ của cây đèn thắp dầu bằng cái nắm tay ấy đã thay hẳn chỗ cho ánh sáng vàng vọt le lói của trời chiều, chỉ là bóng tối loãng hơn, bớt đặc sệt hơn.

Thằng bé Tri nén hơi thở thật nhẹ, ngồi nép sau cánh cửa tò mò theo dõi từng gáo nước đổ xuống từ từ, từng lần chải cái lược dày vào mái tóc bám chí và trứng chí, lắng nghe từng lời dạy thì thầm của ngoại khi đang gội đầu cho má…

Cả đất Hòa Phú này dường như ai cũng quen tên bà Bộ Hương vì ông ngoại Tri khi sinh thời làm chức Chánh hương hội trong Hội đồng tộc biểu của làng. Ngoại là người trị bịnh, đỡ đẻ cho dân trong vùng hơn nửa thế kỷ.

Khi làng cũ chưa có nhà bảo sanh, mấy thế hệ trong làng đều một tay bà mụ Bộ Hương đỡ đẻ, cắt rốn. Ngoại khỏe mạnh, sống thọ, chỉ còn năm rưỡi nữa là tròn trăm tuổi, một cú té lúc nửa đêm đã hạ gục cái cơ thể qua gần thế kỷ tưởng không gì lay chuyển được…

Gã nhớ ngoại, nhớ má, nhớ ngôi nhà tôn vách đóng ván của gia đình mình, nhớ tiệm tạp hóa của má bán đủ thứ từ cây kim cuộn chỉ đến bao gạo, thùng bơ, lít dầu lửa. Và hắn lại nhớ thời thanh niên đầy nhiệt huyết của mình.

…Chưa đầy một tháng, những cái áo sơ mi bó sát, những cái quần ống loa thật to, sọc trắng sọc đen, mốt “hiện sinh”, mốt “Buồn ơi chào mi” của gã học trò từ Sài thành hoa lệ về quê đã biến mất, thay vào đó là bộ đồng phục đen, đen từ trên tới dưới.

Tri hoạt động mật trong lòng trung tâm quận lỵ và cả vùng đệm. Tri nói được kha khá tiếng Anh giao tiếp nên có thể tiếp cận, thu thập tin tức từ các nhóm lính Mỹ nơi những quán bar. Bên kia cầu là chi khu và cục cảnh sát, đồn Mỹ, đồn pháo binh, trung tâm hành chánh, là tâm điểm của quận lỵ.

Tri được lệnh từ một người giấu mặt bằng mọi cách tìm hiểu tường tận đường đi nước bước trong vườn nhà ông xã trưởng Nhỏ để lên kế hoạch cùng hai người nữa đột nhập ám sát xã trưởng. Để dễ dàng tiếp cận, Tri đã được gợi ý giải pháp tán tỉnh cô con gái tên Kiều để có cớ vào ra dò la khu vườn nhà.

Nhiệm vụ đó với Tri không khó, với một kẻ bảnh trai lại có ăn học như Tri thì việc tán tỉnh Kiều là chuyện trong tầm tay. Trời xui đất khiến là tán tỉnh giả nhưng yêu thiệt, chính Tri lại đem lòng tương tư cô con gái ông xã trưởng.

Ngày nào không gặp, Tri như người mất hồn, nỗi nhớ nhung đã cướp mất hồn Tri. Bi kịch bắt đầu từ đây, Tri ăn ngủ không yên, ngày đêm trăn trở, lo lắng, dằn vặt đủ bề. Đêm của Tri giờ đây ngập tràn những cơn mê sảng, những hoảng hốt lo sợ, những dằn vặt, phân thân. Những khó xử, mâu thuẫn làm cho tâm trí Tri rã rời.

Lệnh của người giấu mặt được gửi qua một bọng cây định đoạt cách thức ngày giờ cụ thể nhóm của Tri đột nhập “nhà người yêu” và ra tay với “đối tượng cần trừ khử”.

Đêm tháng Mười, bóng tối đen sệt như cắt ra từng mảng được. Do Tri đã biết giờ giấc và đường đi tuần đêm của dân vệ nên việc ba người di chuyển và ém sát vào hàng rào nhà xã trưởng Nhỏ trở nên dễ dàng.

Hai người canh chừng và sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết thì nằm bên ngoài, Tri một mình bò vào, các ngóc ngách vườn tược cửa nẻo của ngôi nhà Tri thuộc như lòng bàn tay mình. Lom khom. Bò. Trườn. Tri đang ép sát người dưới nền đất ẩm ướt khu giàn nước rửa sau nhà, áp dần vào khoảng cách tốt nhất để ném lựu đạn.

Bỗng Tri sựng lại, có tiếng bầy ngỗng ngoài vườn kêu la inh ỏi lên một lúc. Chỉ có ngỗng mới nghe được những âm thanh nhẹ phát ra từ nền đất như vậy. Tri thấy lo. Nếu bị lộ thì khó mà thoát khỏi lực lượng địa phương quân và dân vệ đang đi tuần xung quanh.

Trái lựu đạn chày trên tay chợt rung giật, mồ hôi lạnh tuôn túa hai bên thái dương, các ngón tay của Tri run lên không kiểm soát được. Lại rộ lên tiếng bầy ngỗng quang quác, hình như có bóng Kiều vừa dụi mắt vừa bước ra, tim Tri đập thình thịch, Tri sợ nhất gặp người yêu trong tình huống này.

Tiếng thở dồn dập càng lúc càng lớn, chính Tri còn nghe được tiếng hổn hển của mình nhưng không biết phải làm sao để kiềm lại. Tri vội vàng lẩy bẩy ném trái lựu đạn chày về hướng chiếc mùng trắng nhờ nhờ trước mặt rồi hối hả tháo lui.

Khi đã bò tới bờ rào Tri mới nhớ mình chưa rút nụ xòe. Chỉ có một trái lựu đạn mang theo cho kế hoạch ám sát này, không cách gì khắc phục sai lầm được. Tri đành rút nhanh ra chỗ đồng đội. Họ di chuyển êm khỏi bầy ngỗng nhờ mấy cọng bạc hà đập dập quơ quơ ra phía trước làm cho bầy ngỗng rụt cổ, im tiếng.

Một nỗi lo sợ khác vừa ập đến làm Tri lạnh hết cả sống lưng. Tri vờ dừng lại như đang nghe ngóng nhưng đợi mãi không có tiếng nổ nào cả. “Lép rồi!”, Tri vừa thở mạnh vừa nói khi nhìn thấy ánh mắt đầy ngờ vực của đồng đội. Có ai đó cười gằn.

Đang mùa gió, mùi người rất dễ bị phát hiện. Họ nhanh chóng bươn về hướng đầu gió, không ai thốt được lời nào, chỉ gió từ sông Túy Loan thổi từng luồng rít rít bên tai.

Trái lựu đạn nằm đong đưa trên nóc mùng cho đến khi ông Nhỏ phát hiện trườn người ra khỏi giường báo cho cả nhà xuống hầm tránh núp. “Chiến tích” duy nhất của nhóm Tri đêm đó chỉ là đã biết cách bứt mấy cọng bạc hà xanh xanh cong cong giả làm rắn nhát cho bầy ngỗng rụt cổ im tiếng.

Bị quy chụp là lập trường chưa kiên định, là yếu đuối, Tri suy sụp, ngồi gục suốt đêm ở bờ đá của Bến Đình. Đến khi sao mai sáng lấp lánh chân trời thì Tri quyết định bỏ xứ ra đi, không một lời từ biệt với Kiều, với má.

* * *

Bến đình Túy Loan. Năm thứ bốn mươi tám sau khi chiến tranh chấm dứt. Gã vừa tìm chỗ đặt chiếc va li vừa gọi ly cà phê và cứ thế chìm dần vào sắc tím hoàng hôn.

Mắt buồn xa vắng, gã thẫn thờ nhìn dòng nước lặng lờ trôi từ tím ngát đến tím sậm, đây đó đã anh ánh, sắc lạnh, nhập nhòa đen trắng. Tấm kính tím mặt sông kia đang soi rọi chính tâm hồn gã, nó chứa trong ấy một thứ hồi ức khiến gã bất an suốt cả cuộc đời.

Chính tại ngay đây, trên Bến Đình ngày xưa, gã đã có cuộc hẹn hò đầu tiên trong đời và giờ đây, sau những chuỗi ngày sống với một quá khứ khác, lao lung, buồn bã, gã đã chọn về lại nơi khởi đầu. Gã bàng hoàng khi nghe tin Kiều, người tình đầu mãi mãi của gã đã ở vậy chờ gã và nàng đã mãi mãi mang nỗi chờ đợi đến tuyệt vọng ấy về bên kia thế giới…

Hai mắt gã nhắm lại, các nếp nhăn ôm chặt vào đường ngư vĩ ở hai khóe mắt ép mạnh, một thứ gì đó vừa khó khăn ứa ra từa tựa nước mắt nhưng đỏ hơn nhiều, đục hơn nhiều.

…Hình ảnh Kiều bên dòng Túy Loan tím ngát vừa hiện lên nhập nhòa. Một con người hai hồn là gã từ từ đi về phía vực sông, đi về phía có đôi mắt thương yêu, trìu mến, đi về phía dòng nước lặng lờ. Những ngón tay run run, xương xẩu không còn buồn bám víu vào cây cỏ, hai hốc mắt thâm sâu đầy gió hướng lên trời cao.

Chân cứ bước mãi về phía trước. Rơi. Rơi rất nhanh. Một chút xao động, mặt sông tím ngát từ từ khép lại như cách người ta nuốt một niềm đau vào lòng. Người hai hồn đã chìm sâu đáy nước, chìm - thật - sâu - trong - đáy - nước.

Tiếng bước chân rất nhẹ của cô chủ quán cà phê Ven Sông nhưng đủ khiến gã giật thót người, ngực nhói lên. Gã dụi mắt trở về thực tại. Ly cà phê tím sậm trước mặt đã nguội lạnh từ lúc nào.

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa: Phạm Quý

Mùa lá rụng

(GLO)- Phố nhỏ của tôi đã vào mùa cây trút lá. Lang thang dọc con đường quen, tôi nhận ra bên hè phố, từng đám lá khô buông dày. Muôn vàn chiếc lá nương theo gió sà xuống những ô gạch cũ, la đà trên mái ngói hiên bàng bạc gam màu trầm. Tôi ngồi trong một góc phố, miên man nghĩ về triền xanh hoa cỏ.

Minh họa: H.T

Ký ức chợ quê

(GLO)- Khi tiếng gà gáy vang lên trên mái nhà, mẹ tôi vội trở dậy chuẩn bị ra chợ. Không chỉ riêng mẹ tôi, việc đi chợ lúc sáng sớm đã trở thành nếp quen của nhiều người dân quê.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

“Biến đám cháy thành pháo hoa”

(GLO)- Đó là cách nói rất hình ảnh về khả năng chấp nhận thực tại không như ý và biến nó thành một phiên bản khác của sự tỏa sáng. Không chỉ là nghị lực vượt khó, đây còn là câu chuyện đẫm chất nhân sinh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Linh hoạt với cuộc sống

(GLO)- Cuộc đời của mỗi người đều sẽ không ít lần gặp khó khăn, thất bại, vấp ngã, thậm chí muốn từ bỏ, buông xuôi. Nhưng rồi, nếu bạn đủ can đảm thì mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng chấp nhận và có thể vượt qua. Để làm được điều đó, chúng ta cần hiểu bản thân mình và có sự linh hoạt với cuộc sống.

Ảnh: Phạm Quý

Bây giờ đang thắm mùa hoa

(GLO)- Từ dưới chân núi, tôi ngước nhìn vòm trời xanh văn vắt treo đầy những cụm mây trắng xốp. Nổi bật trong không gian cao rộng là màu đỏ của đất bazan và ngờm ngợp sắc hoa, nhất là màu vàng của dã quỳ.

Bước ra ngày mới

Bước ra ngày mới

(GLO)- Lúc còn đi học, mỗi buổi sớm mai, tôi thường nghe thấy tiếng bánh xe lăn trên đường rồi sau đó mới là tiếng những cánh cổng sắt được mở ra, tiếng người đi thể dục lao xao.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Bài học đầu tiên

(GLO)- Buổi sáng hôm ấy, mẹ nắm tay đưa tôi đến trường lần đầu tiên. Ngôi trường làng nhỏ bé, nằm giữa những tán cây xanh rợp bóng mát. Không gian thoang thoảng mùi thơm của những đóa hoa bên đường.

Vũ khúc cao nguyên

Vũ khúc cao nguyên

(GLO)- Tháng 11, dã quỳ xúng xính váy hoa bung xòe nơi cao nguyên đất đỏ. Dã quỳ như cô gái nhỏ vẫn chung tình thao thiết với cái hẹn nắng lộng, trời xanh.

Dặm dài năm tháng

Dặm dài năm tháng

(GLO)- Tôi ngang qua trường cũ trong một ngày vòm trời xám đục trong bàng bạc hơi sương. Cảnh vật đã không còn như xưa nữa. Chỉ có cây bàng nơi góc sân trường run run giơ những chiếc lá ối đỏ phơ phất vẫy trong gió lạnh.

Ký ức của ba

Ký ức của ba

Bảng khám bệnh điện tử hiển thị con số 106, tôi ngó quanh quất tìm ba tôi. Ông già lại đi lung tung đâu đó. Tôi hớt hải chạy quanh sảnh bệnh viện: “Kia rồi”, chiếc áo kaki màu xanh bộ đội.

Những món đồ cũ

Những món đồ cũ

(GLO)- Mỗi lần sắp xếp lại đồ đạc trong nhà, tôi thường tần ngần ngắm nhìn những món đồ cũ. Những đồ vật vốn vô tri, nhưng khi gắn với cuộc sống con người thì chúng trở nên có hồn và có thể gợi lại những câu chuyện, kỷ niệm khó quên.

Mùa nấm mối

Mùa nấm mối

(GLO)- Đã 3 mùa mưa qua, khu vườn nhà tôi đều xuất hiện nấm mối. Những búp nấm nhú lên mặt lá ủ sau một thời gian dài ủ meo mầm, khi gặp cơn mưa đầu mùa rồi nắng lên vài hôm, có cơn mưa tiếp theo là những tai nấm mối thân trắng, núm đầu dù màu xám đội lên từng khóm.

Dã quỳ trong sương đêm

Dã quỳ trong sương đêm

(GLO)- Dã quỳ là biểu tượng của sức sống mãnh liệt, kiêu hãnh. Khi gợi nhắc sắc hoa màu nhớ, người ta thường nghĩ đến màu vàng rực rỡ trong nắng ban mai, trong buổi bình minh hé giấc hay rực ấm lúc chiều tà.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Vườn quê giữa phố

(GLO)- Chẳng biết chủ vườn là ai nhưng tự nhiên lại thấy mến khi họ đã mang chút hương đồng gió nội vào chốn phố xá chật chội. Vườn có rau cải ngồng, diếp cá, rau lang, chuối xanh... Bao nhiêu món rau quê cứ thế bày biện.

Bạn đã bao giờ đứng trên đồi thông Ia Dêr của huyện Ia Grai nhìn về phố núi Pleiku để quan sát những biến ảo của thiên nhiên, sự vật, con người?

Khúc ca trên đồi

(GLO)- Bạn đã bao giờ đứng trên đồi thông Ia Dêr của huyện Ia Grai nhìn về phố núi Pleiku để quan sát những biến ảo của thiên nhiên, sự vật, con người?

Ký ức rạ rơm

Ký ức rạ rơm

Tôi đã sống trọn một ngày ở ngôi làng xa lạ ấy. Đó là quãng thời gian tuy ngắn ngủi nhưng hết sức vui vẻ với một người đã mệt nhoài, rã rượi với công việc, đã ho khan với khói bụi thành phố.

“Gió mùa đông bắc se lòng”

“Gió mùa đông bắc se lòng”

(GLO)- Những ngày này, trời trở lạnh. Những cơn gió đượm sắc đông thấm sâu vào từng góc phố, hàng cây, ngôi nhà... Người ta thường nói rằng, khi đông về, trong lòng mỗi người dường như thường dâng lên một nỗi buồn man mác.