(GLO)- Đôi tay khéo léo của nhiều phụ nữ Jrai đã góp công khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở xã Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai). Thế nhưng, ẩn sâu trong đôi mắt họ lại chất chứa nỗi lo nghề dệt thất truyền.
Giữ nghề dệt cho làng
Nắng hanh hao nhuộm vàng những mái nhà ở xã Ia Ka. Trong góc nhà sàn ở giữa làng Mrông Ngó 3, một nhóm phụ nữ Jrai trong Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm kết hợp du lịch cộng đồng đang cặm cụi dệt vải. Mỗi nhịp tay các chị thoăn thoắt qua lại khéo léo, khung dệt vang tiếng lách cách vui tai.
Vừa tỉ mẩn kiểm tra những nét hoa văn đã dệt trên tấm thổ cẩm, bà Rơ Châm Í (59 tuổi) kể: “Khi 14 tuổi, mình bắt đầu được mẹ chỉ dạy cách dệt vải. Truyền thống của làng là vậy, con gái Jrai phải biết xe chỉ, dệt vải để may quần áo cho mọi người trong gia đình. Còn khi bắt chồng thì dệt vải may đồ cho chồng con. Chị em phụ nữ thường dệt vải khi xong việc ruộng rẫy. Nhưng có một thời gian dài, mình không dệt nữa vì thời gian làm thì lâu, trong khi các thành viên trong gia đình, họ hàng lại thích trang phục tân thời, ít mặn mà với việc mặc đồ từ thổ cẩm do chị em trong làng làm ra. Cách đây chừng 10 năm, xã Ia Ka thành lập Câu lạc bộ để khôi phục, bảo tồn nghề dệt vải truyền thống, mình liền tham gia. Từ đó đến nay, mỗi lúc rảnh việc đồng áng, chị em tập trung ra nhà rông vừa dệt vải để bảo tồn văn hóa truyền thống, có thêm thu nhập, lại vừa có điều kiện giao lưu, chia sẻ chuyện gia đình, làm ăn”.
Dõi đôi mắt chăm chú vào tấm vải thổ cẩm căng trên khung dệt gắn với lan can ngôi nhà sàn to đẹp qua 2 miếng vải buộc tròn, chị Rơ Châm H’Hyaih-người dệt vải giỏi nhất Câu lạc bộ-chia sẻ: “Học làm cái này không khó lắm đâu, chỉ cần khoảng 7 ngày là tự dệt được một tấm vải với những hoa văn cơ bản. Còn muốn dệt được những hoa văn, họa tiết khó, mang tính thẩm mỹ cao thì phải học lâu hơn, có khi mất vài năm. Quan trọng nhất khi dệt vải là phải tỉ mẩn, cẩn thận, khéo tay và biết học hỏi người già có kinh nghiệm. Từ nhỏ, tôi đã đam mê dệt vải nên được mẹ, người già trong làng truyền dạy cho kinh nghiệm để dệt được một tấm vải đẹp với những hoa văn khó. Nhờ thế mà những sản phẩm do mình làm ra được nhiều người yêu thích, tìm mua. Tùy theo hoa văn, chất chỉ mà 1 bộ đồ thổ cẩm có giá bán dao động 1-1,5 triệu đồng, còn túi xách khoảng100-300 ngàn đồng/sản phẩm”.
|
Phụ nữ làng Mrông Ngó 3 (xã Ia Ka, huyện Chư Păh) dệt thổ cẩm. Ảnh: Hoành Sơn |
Cùng tôi dạo một vòng quanh Ia Ka để tìm hiểu về nghề dệt vải thổ cẩm, bà Rơ Châm H’Ken-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ không giấu được niềm vui khi kể chuyện khôi phục nghề dệt. “Thuở trước, đa phần phụ nữ Jrai trong xã đều biết dệt vải, tự làm quần áo cho các thành viên gia đình mặc hoặc biếu, tặng họ hàng. Tuy nhiên, có một thời gian dài do ảnh hưởng của kinh tế thị trường, bà con thích mặc trang phục tân thời, may sẵn mà không tha thiết với việc dệt và mặc trang phục truyền thống, nghề dệt vì thế cũng dần mai một. Trước tình hình đó, năm 2010, xã quyết tâm khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm. Đến nay, hơn 70 chị em ở 7 làng đã biết dệt thổ cẩm. Bên cạnh đó, những năm gần đây, bà con luôn có ý thức mặc trang phục dân tộc trong các sự kiện quan trọng nên nhiều chị em có thu nhập ổn định từ nghề dệt”-bà H’Ken thông tin.
Nỗi lo mai một
Theo thống kê, từ năm 2010 đến 2019, Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm kết hợp du lịch cộng đồng xã Ia Ka đã bán được hơn 700 sản phẩm với thu nhập 80 triệu đồng/năm, trừ chi phí còn lãi 45 triệu đồng/năm. Đây là một tín hiệu vui đối với những ai quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Kể về chặng đường khó nhọc khôi phục nghề dệt thổ cẩm, ông Hoàng Văn Thành-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Ka-chia sẻ: “Trước năm 2010, lãnh đạo huyện, xã dành nhiều thời gian, công sức về tận làng tuyên truyền, vận động người lớn tuổi biết nghề khôi phục nghề dệt vải truyền thống. Tiếp đó là vận động chị em trẻ tuổi học nghề thông qua Câu lạc bộ. Song song với đó, chúng tôi phối hợp với phòng chức năng của huyện tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông và làm các gian hàng giới thiệu sản phẩm ở lễ hội, hoạt động du lịch cũng như các sự kiện quan trọng ở tỉnh để quảng bá sản phẩm thổ cẩm của chị em phụ nữ trong xã”.
|
Theo Nghệ nhân Ksor Krôh, người biết làm khung dệt ở xã Ia Ka hiện còn rất ít. Ảnh: Hoành Sơn |
Dẫu vậy, những nghệ nhân ở xã Ia Ka vẫn man mác nỗi buồn khi nói về chuyện kế thừa nghề dệt của lớp trẻ. Trả lời câu hỏi của tôi rằng, con, cháu trong nhà có biết dệt vải thổ cẩm hay không, là cái lắc đầu của bà Í và chị H’Hyaih. Bà Í bộc bạch: “Hồi xưa, dù tốn nhiều công sức từ trồng bông, xe chỉ rồi vào rừng hái lá về làm màu nhuộm nhưng để phục vụ cuộc sống gia đình nên nhà nhà đều tự làm. Còn giờ đây, ngồi dệt tốn công lại thu nhập không bằng lương làm công nhân, trong khi vải công nghiệp bán nhiều, rẻ, nên đám trẻ không còn tha thiết học nghề. Nhiều khi cũng đành chịu thôi”.
Nghệ nhân Ksor Krôh-người được mệnh danh làm khung dệt, tạc tượng, làm nỏ, gùi số 1 ở xã Ia Ka cũng bày tỏ sự ái ngại trong câu chuyện truyền nghề. Ông chia sẻ: “Người biết làm khung dệt ở xã giờ còn ít lắm. Toàn là người lớn tuổi thôi, thanh niên không biết đâu. Làm mấy cái này ít tiền, có khi miễn phí nên đám trẻ không muốn học nghề, con trai mình cũng thế. Cũng buồn khi nghĩ đến việc mai một, thất truyền nhưng biết làm sao được. Bây giờ, mình cũng chỉ tranh thủ lúc còn khỏe làm thêm mấy cái khung dệt để dành đó, sau này ai cần thì đến lấy về dùng”.
Ông Hoàng Văn Thành-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Ka: “Chúng tôi đã lên phương án xây dựng nhà trưng bày sản phẩm dệt nhưng hiện đang thiếu kinh phí và không có quỹ đất ở vị trí phù hợp. Tới đây, khi dịch Covid-19 được khống chế, xã sẽ đẩy mạnh hoạt động này để bà con có thêm thu nhập và gắn bó với nghề dệt truyền thống”. |
HOÀNH SƠN