Phụ nữ Bahnar giữ gìn nghề dệt thổ cẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bảo tồn nghề truyền thống chính là giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa. Với tâm niệm đó, nhiều phụ nữ Bahnar ở huyện Kông Chro vẫn từng ngày miệt mài bên khung dệt, cố gắng “níu giữ” và làm sống dậy sắc màu thổ cẩm của dân tộc mình.
Bên hiên nhà sàn, chị Đinh Thị Ói (làng Nhang Lớn, xã Đak Kơ Ning) chăm chú hoàn thiện phần hoa văn trên tấm thổ cẩm. Đôi tay chị thoăn thoắt, phối hợp nhịp nhàng trên khung dệt dần tạo ra những họa tiết đẹp mắt. Chị Ói chia sẻ rằng, năm 10 tuổi, chị đã biết dệt chiếc dây buộc đầu với hoa văn đơn giản. Đến 15 tuổi thì không gì có thể làm khó được chị nữa, dù là áo, váy, khố, khăn hay chăn. Bằng kinh nghiệm có được và sự sáng tạo của riêng mình, chị còn biến tấu và dệt thành thục hơn 30 mẫu hoa văn khác nhau. 
“Từ nhỏ, chị em mình đã được mẹ dạy dệt thổ cẩm. Mẹ bảo đã là phụ nữ ít nhiều cũng phải biết ngồi vào khung, se chỉ, dệt vải. Tất cả trang phục, vật dụng trong nhà đều do mình tự tay làm. Lúc rảnh rỗi, mình lại ngồi cặm cụi bên khung dệt. Hiện mình đang tham gia tổ dệt thổ cẩm của làng, sẵn sàng dạy nghề cho những chị em có nhu cầu học”-chị Ói cho hay.
Chị Đinh Thị Ói (làng Nhang Lớn, xã Đak Kơ Ning) vẫn miệt mài bên khung dệt mỗi ngày để giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc. Ảnh: Mộc Trà
Chị Đinh Thị Ói (làng Nhang Lớn, xã Đak Kơ Ning) vẫn miệt mài bên khung dệt mỗi ngày để giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc. Ảnh: Mộc Trà
Theo chị Đinh Thị H’Vơr-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Đak Kơ Ning, năm 2016, Hội LHPN xã đã thành lập Tổ dệt thổ cẩm làng Nhang Lớn gồm 30 thành viên. Với phương châm “Người biết chỉ cho người chưa biết”, đến nay, Hội đã nhân rộng được 26 tổ dệt tại 4/4 chi hội (riêng làng Nhang Lớn có 11 tổ). Từ chỗ chưa biết gì, nhiều chị em đã học được cách lên khung, dệt vải. Họ cũng thường xuyên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm để trang phục đẹp và tiện dụng.
Không riêng xã Đak Kơ Ning, những năm gần đây, phụ nữ Bahnar ở huyện Kông Chro gắn bó với khung dệt ngày càng nhiều. Theo số liệu thống kê từ Hội LHPN huyện, toàn huyện có khoảng 5.614 người biết dệt thổ cẩm, trong đó, độ tuổi 12-20 chiếm hơn 40%. Hội LHPN huyện cũng đã thành lập 83 tổ dệt ở 14 xã, thị trấn với 1.609 thành viên tham gia.
Chị Đinh Thị Kách (tổ dân phố Plei Nghe, thị trấn Kông Chro) xuất sắc đạt giải nhất tại Hội thi Dệt thổ cẩm truyền thống năm 2021. Ảnh: Mộc Trà
Chị Đinh Thị Kách (tổ dân phố Plei Nghe, thị trấn Kông Chro) xuất sắc đạt giải nhất tại hội thi dệt thổ cẩm truyền thống năm 2021. Ảnh: Mộc Trà
Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh-Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện-cho biết: Những năm qua, Hội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa của người Bahnar trên địa bàn, trong đó có nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Bên cạnh việc thành lập, nhân rộng các tổ và câu lạc bộ dệt thổ cẩm, chúng tôi còn phối hợp mở các lớp đào tạo nghề dệt ngắn hạn cho chị em. Mới đây, Hội đã tổ chức thành công Hội thi dệt thổ cẩm truyền thống thu hút 14 chị em từ các xã, thị trấn tham gia. Các thí sinh trình diễn kỹ thuật dệt, tạo hoa văn; sản phẩm hoàn thiện được các nghệ nhân đánh giá, chấm điểm dựa trên tiêu chí về thời gian, độ tinh tế, sắc sảo của hoa văn. Đây là hoạt động bổ ích, giúp chị em phụ nữ Bahnar trên địa bàn huyện có cơ hội giao lưu, học hỏi cách dệt thổ cẩm, từ đó nâng cao ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Bữa cơm cộng cảm

Bữa cơm cộng cảm

(GLO)- Bữa cơm cộng cảm thể hiện sự cảm thông của người Jrai trước biến cố xảy ra trong một gia đình nào đó. Điều đó xác nhận mối liên hệ giữa các thành viên cùng với sự thống nhất ý chí của cộng đồng.
Cấp phép khai quật khảo cổ tại di tích An Phú

Cấp phép khai quật khảo cổ tại di tích An Phú

(GLO)- Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 580/QĐ-BVHTTDL cho phép Bảo tàng tỉnh Gia Lai phối hợp với Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) thăm dò, khai quật khảo cổ tại di tích An Phú (thôn 4, xã An Phú, TP. Pleiku).

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

(GLO)- Từ trước đến nay, địa danh Pleiku được cho là xuất phát từ Plơi Aku trong tiếng Jrai. Plơi (Plei) là làng, Aku (Ku) là cái đuôi. Plơi Aku là làng đuôi, sau đó biến đổi thành Pleiku. Dân gian có 2 truyền thuyết về địa danh Pleiku.
Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Để hiểu rõ hơn về loại trang phục độc đáo này, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Y Der (61 tuổi, ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum)-một trong số ít những người ở xã Ngọk Réo còn biết làm trang phục từ vỏ cây.
Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

(GLO)- Tối 7-3, UBND xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Đoàn thanh niên xã tổ chức đêm hội cồng chiêng, ra mắt câu lạc bộ “Cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc nữ làng Chuêt Ngol”.