Lưng lửng mùa…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đã không còn cảm giác giá buốt như độ tháng Chạp, nắng xuân bàng bạc gieo xuống lá cành, trời ấm áp hơn, nhưng vẫn se sắt mỗi sớm mai khi sương mù dùng dằng vấn vít. Xuân đã đượm, nhưng mùa đông dường như cũng chưa rời hẳn đi.

Cái cảm giác lưng lửng mùa khiến người ta cũng như muốn níu kéo những điều cất giấu ở trong lòng, với tâm trạng đầy luyến lưu.

Những ngày tất bật bao nhiêu việc chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, người già thường bảo, xem việc gì có thể gác lại được thì đừng cố, ra Giêng ngày rộng tháng dài rồi làm tiếp. Ngày rộng tháng dài là bao nhiêu? Lấy gì để đo độ rộng dài của ngày tháng? Chẳng phải ngày tháng đã được tính bằng giờ, bằng phút, bằng giây hay sao?

Nhưng, đúng là cái cảm giác tháng Giêng cứ đủng đỉnh chảy chầm chậm trước mắt, thấy lâu thật là lâu. Có lẽ, chỉ có thể dùng cách cảm nhận thời gian bằng tâm lý, để thấy một tháng Giêng đã nồng đượm hương xuân, nhưng lại vẫn như còn rất nhiều tàn dư của mùa đông sót lại.

Tôi chọn cho mình hành trình đầu xuân rời xa phố thị. Khi mùa xuân nồng đượm nhất, tôi ghé chân bước vào một ngôi làng nằm nem nép bên sông. Tôi nhận ra một điểm chung, sau rất nhiều lần ghé đến những ngôi làng xa lạ, đó là tôi luôn được chào đón. Sự hồn hậu và nồng nhiệt của những con người sống ở “phía chân mây”-theo cách gọi của riêng tôi-luôn khiến tôi nuôi giữ trong mình ý định quay trở lại những nơi tôi đã ngang qua ấy.

Họ không biết tôi là ai, không bao giờ hỏi tôi sống ở đâu, đến để làm gì. Nhưng lại gieo vào lòng tôi cảm giác của sự trở về. Con người sẽ chỉ trở về nơi mà họ xuất phát, nơi mà từ đó, họ đã cất bước trên muôn dặm hành trình. Vậy, cảm giác trở về một nơi hoàn toàn xa lạ, có phải là khác thường lắm không?

Minh họa: CHÂU ÁI VÂN

Minh họa: CHÂU ÁI VÂN

Dưới gầm những ngôi nhà sàn quanh làng, gà vịt ríu rít, có cả mẹ con đàn heo ủn ỉn chạy theo nhau. Người lớn đang quây quanh ghè rượu, sau mỗi cang, họ lại hát. Tháng Giêng đang là mùa khô, mùa nông nhàn, bởi đất đai chưa canh tác được. Những lễ hội thường được tổ chức trong khoảng nông nhàn này. Cuộc rượu mà tôi gặp hôm ấy là để họp bàn việc làm một lễ lớn trong làng.

Cái lạnh vẫn chưa tan hết, hơi rượu bên bếp lửa khiến người ta có phần tự tin thêm. Những bài hát ngày một sôi nổi hơn, dồn dập hơn. Tôi đã chứng kiến những người nông dân thuần phác, ở trên nương rẫy, họ chỉ cặm cụi làm việc, lặng lẽ tựa cây rừng.

Nhưng, trong những đêm lễ hội, mắt họ sóng sánh như có trăng; chân họ uyển chuyển tựa dòng suối; đôi tay thô tháp ngày thường vất vả trăm thứ việc ruộng nương, thì trong đêm hội cũng như những ngón hoa xập xòe theo ánh lửa.

Chiều dần buông. Mặt trời hắt chút nắng cuối ngày xuống mặt sông lấp lóa. Màu đỏ ối nhuốm dần lên những rặng núi xa xa. Cô bé con có đôi mắt mênh mang suối ngàn tha thẩn chơi cùng chú mèo trước cửa nhà. Tôi bước xuống bậc cầu thang, gặp cảnh ấy, chợt thấy đôi chân mình thật gượng nhẹ, rồi như dừng hẳn lại.

Những ánh mắt Tây Nguyên như có sức thôi miên, kỳ lạ lắm. Tôi không biết dùng ngôn từ như thế nào để chuyển tải những gì tôi cảm nhận được qua rất nhiều những đôi mắt đã ngước nhìn tôi từ những ngôi làng xa xôi ấy. Những đôi mắt như có nắng mới lên, như có trăng đầu tháng, như có hoàng hôn vừa chợt buông, như có suối reo vui, lại như có thác ngàn huyền hoặc đổ xuống bóng rừng…

Hình như tôi lại chợt nhớ nhung cảm giác con mèo mướp vừa chui ra từ đống tro bếp, đứng rũ sạch bụi, rồi lượn tấm thân, cọ bộ lông mềm mại và ấm nóng vào tay mình. Tôi dừng lại rất lâu ở bậc cầu thang, nhìn mãi cô bé con và con mèo, trong cảm giác vừa nhấp một cang rượu cần, thấy sông suối núi đồi tan loang dần vào đêm ướp sũng hương xuân.

Tôi đã phải cố giữ mãi hình ảnh về một bờ xuân phủ tím hoa xoan, như bụi mờ, như sương khói bảng lảng vương vất. Cái thứ hoa tím nhạt như lẫn vào khói sương và mưa bụi lây rây rắc xuống những ngày xuân ấy luôn có sức gợi ám, bám níu lấy cảm giác nhớ nhung khôn cùng.

Mùa xuân là mùa của hương hoa. Người ta nâng niu những bông hoa mỗi năm chỉ nở một lần, như người không bao giờ sai hẹn, luôn đến vào đúng mùa xuân, rồi hết mùa lại lẳng lặng rời đi. Những đêm xuân, ngồi bên bếp lửa, nghe hoa cau hoa bưởi thở vào đêm hương thơm thanh nhẹ, thấy đêm như sâu thật là sâu.

Đêm ở làng, không có hương cau, hương bưởi. Lúc chiều, tôi bất chợt gặp những bông hoa xoan tím nhạt vu vơ nở trên miền cao nguyên này. Không có mưa xuân rây bụi, cũng không có cái rét đài rét lộc xa xôi, chỉ có nắng chênh chao, và gió đem cái lạnh sắt se đủ để giữ tôi ngồi mãi bên bếp lửa nhà sàn, nghe mùa dùng dằng cùng tháng Giêng trôi đi thật chậm.

Nhịp chiêng ở đâu đó vọng lại, mỗi lúc một dồn dập. Lửa trong bếp bùng lên, chập chờn, ảo hoặc. Tôi nhấp thêm một cang rượu nữa. Cô bé con đã ôm chú mèo ngồi sát lại gần tôi, ấm áp và đầy tin cậy. Cô bé nhìn tôi, ánh mắt xôn xao như muốn nói một điều gì đó mà còn e ngại. Tôi nắm bàn tay nhỏ của em, chúng tôi đứng dậy, bước nhanh xuống cầu thang, chạy về phía tiếng chiêng đang ngày một thúc giục chân người.

Bây giờ, hương xuân nồng đượm, nhưng mùa đông vẫn cố dùng dằng. Đất trời cũng lưng lửng mùa như vậy.

Có thể bạn quan tâm

Thắng cảnh Biển Hồ. Ảnh: Phạm Quý

Phố núi tình thân

(GLO)- Pleiku đang trở thành điểm đến yêu thích của nhiều du khách. Vẻ đẹp hoang sơ và tình cảm của con người nơi đây khiến không ít người tìm đến Pleiku như là một điểm dừng chân thú vị.

Ảnh minh họa: Phùng Tuấn Ngọc

Hoài niệm Tết

(GLO)-Tết vừa gợi nên biết bao yêu thương nhưng cũng là nỗi lo của người lớn. Nhưng Tết hiện diện trong suy nghĩ của trẻ con thì khác, nó háo hức, chộn rộn trong tiếng cười, trong tiếng vỗ tay reo vui khi thấy mẹ bắt đầu dọn dẹp nhà cửa và mua bánh kẹo. Và, Tết luôn đầy màu sắc, đầy tiếng cười vui.

Xuân về khoe áo mới

Xuân về khoe áo mới

Tết đến, Xuân về ai cũng muốn mọi điều đều mới mẻ, tốt đẹp. Nên cùng với việc dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa thì việc được quan tâm nhiều, háo hức nhiều là sắm sửa quần áo mới.

Hoa mùa xuân

Hoa mùa xuân

(GLO)- Mùa này, trên khắp nẻo núi đồi, thung xa hay trong mỗi vườn nhà, những chồi non lộc biếc bắt đầu mởn xanh trong gió, rực rỡ đón chào năm mới.

Dốc xưa

Dốc xưa

(GLO)- Nhìn từ trên cao xuống, bạn sẽ thấy đèo dốc như những dải lụa mềm mại. Ấy vậy mà khi đặt chân đến đó, bạn sẽ thấy nó như một thách thức lớn khiến ta phải ngẫm nghĩ thật nhiều. Nhưng, không phải lúc nào chênh vênh cũng làm ta ngã mà lại bồi đắp nên nghị lực và ý chí vượt khó.

Hoa rù rì bên dòng Pô Cô

Hoa rù rì bên dòng Pô Cô

(GLO)- Dòng Pô Cô huyền thoại uốn lượn qua miền biên giới Ia Grai trước khi chảy qua Campuchia hợp lưu với sông Mê Kông. Mỗi độ cuối đông đầu xuân, ven bờ sông và trên cồn bãi xuất hiện một loài hoa rất đẹp, người Jrai gọi là bra tang hay còn gọi là hoa rù rì.

Công nhân Công ty 74 vận hành máy băm trộn cỏ làm thức ăn cho bò. Ảnh: T.S

Tình ca du mục miền Ia Kla

“Thảo nguyên bát ngát mênh mông tận chân trời/Cỏ cây hoa lá hương thơm tỏa ngát đồng”. Giai điệu ca khúc lãng mạn của những năm tuổi trẻ cứ nhẹ nhàng lẩn quất trong tâm trí khi tôi đến thăm trại bò siêu thịt của Công ty TNHH một thành viên 74 (Binh đoàn 15) trên địa bàn xã Ia Kla, huyện Đức Cơ.

Cầu Bến Mộng. Ảnh: Phạm Quý

Bên kia bờ sông Ba

(GLO)- Nhà tôi ở bên hữu ngạn sông Ba, nơi phố thị tấp nập, náo nhiệt. Ở nơi đông vui, thuận tiện cho sinh hoạt, nhưng đôi khi tôi lại cảm thấy ngột ngạt, tù túng bởi sự chật chội, ồn ào.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Mùa về trên lưng áo mẹ

(GLO)- Từ khi còn nhỏ, tôi đã có thói quen dậy sớm. Mỗi khi tiếng mấy con gà ở chái bếp cất lên, tiếng đòn gánh dựng ở góc nhà sơ ý va vào liếp cửa, tôi lại nghe tiếng ho cố nén của mẹ. Lại thấy thương mẹ nhiều hơn.

Ảnh minh họa: Phạm Quý

Mùa lá rụng

(GLO)- Phố nhỏ của tôi đã vào mùa cây trút lá. Lang thang dọc con đường quen, tôi nhận ra bên hè phố, từng đám lá khô buông dày. Muôn vàn chiếc lá nương theo gió sà xuống những ô gạch cũ, la đà trên mái ngói hiên bàng bạc gam màu trầm. Tôi ngồi trong một góc phố, miên man nghĩ về triền xanh hoa cỏ.

Minh họa: H.T

Ký ức chợ quê

(GLO)- Khi tiếng gà gáy vang lên trên mái nhà, mẹ tôi vội trở dậy chuẩn bị ra chợ. Không chỉ riêng mẹ tôi, việc đi chợ lúc sáng sớm đã trở thành nếp quen của nhiều người dân quê.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

“Biến đám cháy thành pháo hoa”

(GLO)- Đó là cách nói rất hình ảnh về khả năng chấp nhận thực tại không như ý và biến nó thành một phiên bản khác của sự tỏa sáng. Không chỉ là nghị lực vượt khó, đây còn là câu chuyện đẫm chất nhân sinh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Linh hoạt với cuộc sống

(GLO)- Cuộc đời của mỗi người đều sẽ không ít lần gặp khó khăn, thất bại, vấp ngã, thậm chí muốn từ bỏ, buông xuôi. Nhưng rồi, nếu bạn đủ can đảm thì mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng chấp nhận và có thể vượt qua. Để làm được điều đó, chúng ta cần hiểu bản thân mình và có sự linh hoạt với cuộc sống.