Lớp vẽ Ngộ: Gieo hạt yêu thương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong không gian yên bình cùng giai điệu dặt dìu của bản hòa tấu, các em học viên của lớp vẽ Ngộ (số 11 Cô Giang, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) say sưa với từng nét cọ. Từ năm 2013 đến nay, nhiều học viên tìm đến lớp học vẽ này với mong muốn được đắm mình trong không gian nghệ thuật và hơn cả là học cách sống chậm, học cách yêu thương và biết ơn cuộc sống nhiệm màu.

Gieo mầm thương

Như là mối duyên lành định sẵn, hơn 10 năm trước, trong một lần gặp gỡ các bạn trẻ ở TP. Pleiku, cô Lê Thị Ngọc Phương (tên thường gọi là Ngộ Nhẫn, SN 1988, quê quán Bình Thuận) đã quyết định từ bỏ công việc thiết kế tại TP. Hồ Chí Minh để đến Pleiku mở lớp dạy vẽ; chủ yếu là luyện thi đại học chuyên ngành kiến trúc, mỹ thuật công nghiệp. Cô Ngộ Nhẫn trải lòng: “Trong nhiều năm, dù công việc ở TP. Hồ Chí Minh có thu nhập rất tốt nhưng tôi không ngừng đi tìm đáp án cho câu hỏi: Điều gì sẽ mang lại hạnh phúc và bình yên cho bản thân? Rồi trong một lần đi du lịch tại Pleiku, vẻ đẹp trong lành của thiên nhiên, nét văn hóa bản địa đặc trưng cũng như sự thân thiện của người dân nơi đây đã níu bước chân tôi ở lại. Đây cũng là lý do lớp vẽ Ngộ ra đời với mong muốn trở thành người đồng hành, chia sẻ, giúp các bạn trẻ từng bước chạm đến ước mơ”.

Cô Ngộ Nhẫn bên một số tác phẩm tiêu biểu của học viên. Ảnh: Sơn Ca

Cô Ngộ Nhẫn bên một số tác phẩm tiêu biểu của học viên. Ảnh: Sơn Ca

Năm 2013, lớp vẽ Ngộ được mở với tinh thần chủ đạo là kiến tạo không gian bình yên cho học viên và chính các em tự làm chủ không gian nghệ thuật. Cô Ngộ Nhẫn và các cộng sự trực tiếp hướng dẫn, truyền dạy kiến thức và luôn sẵn sàng đồng hành, chia sẻ, kết nối với các bạn trẻ. Từ những trải nghiệm thực tế của bản thân trong suốt quá trình theo sát lớp vẽ, cô Ngộ Nhẫn cho biết: “Hội họa là cả một quá trình quan sát, chiêm nghiệm, thể hiện những rung cảm vẻ đẹp từ thiên nhiên, từ cuộc sống của người vẽ. Từ đó, truyền tải ý niệm, tâm tư, tình cảm của mỗi người trong từng tác phẩm. Là người đồng hành cùng các em, tôi có thể nhận ra thế giới nội tâm hoặc những vấn đề về tâm lý mà học sinh cần chia sẻ, từ đó kiếm tìm giải pháp giúp các em vượt qua khó khăn, trở ngại”.

Trong quá trình truyền dạy, lớp vẽ Ngộ đặc biệt coi trọng sự tập trung, cân bằng và đồng nhất giữa hơi thở với tâm thân trí để tạo ra những nét vẽ có ý niệm. Thông qua đó, giúp các em biết cách kiểm soát hơi thở, kiểm soát cảm xúc trong suốt quá trình học tập cũng như sinh hoạt hàng ngày. Không chỉ bó hẹp trong không gian hữu hạn, kiến thức sách vở, cô Ngộ Nhẫn và các cộng sự còn hướng dẫn học viên thực hành các giá trị cốt lõi như: lòng biết ơn, chia sẻ, nhiệt thành, kiên định... ngay trong giao tiếp với bạn học, với cô giáo, với gia đình và xã hội. Đồng thời, giúp các em học cách trân trọng và biết ơn thiên nhiên, cuộc sống thông qua những hoạt động trải nghiệm thực tế như: trồng cây, bảo vệ môi trường, thăm hỏi, tặng quà tại một số cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi.

Nói về những ngày gắn bó với lớp vẽ, em Đỗ Hùng-học viên khóa 2020-bày tỏ: “Em vẫn cho rằng, việc học ở lớp vẽ Ngộ là một chuyến đi đáng giá của bản thân. Ở đây, em xác định được đích đến trong từng thời điểm, không chỉ được học vẽ mà em còn học được nhiều kỹ năng, nhất là cách vượt qua nỗi sợ, vượt qua áp lực cuộc sống để từng bước hoàn thiện mình. Em thực sự rất biết ơn và tự hào khi lớp vẽ Ngộ là một trong những nơi khiến em thay đổi bản thân một cách tích cực hơn. Đây còn là chỗ để em nương về nữa”.

Các học viên chăm chú, say sưa trong từng nét cọ. Ảnh: Sơn Ca

Các học viên chăm chú, say sưa trong từng nét cọ. Ảnh: Sơn Ca

Còn em Nguyễn Lộc Thọ-học viên khóa 2020, hiện là sinh viên Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh thì trải lòng: “Khoảng thời gian theo học ở lớp vẽ là những tháng ngày vui vẻ nhất của em. Không đơn giản chỉ là tập trung vào một thứ là học mà còn được nhiều hơn thế nữa. Em được biết về cái gọi là “hơi thở”; được dạy cách để đối xử với mọi người lẫn sự vật xung quanh. Không những thế, em còn có thêm những người bạn mới, kết nối với nhau và coi nhau như một gia đình vậy”.

Thế hệ học viên kế tiếp như em Nguyễn Thị Hiền-học viên khóa 2022 cũng đã thay đổi tích cực kể từ khi theo học ở đây. Hiền chia sẻ: “Em chuẩn bị thi đại học chuyên ngành Mỹ thuật nên đang tập trung ôn luyện. Em rất thích bầu không khí ở lớp vẽ, giữa học sinh và các cô thực sự cởi mở, thân thiện, mọi người đối xử với nhau như một gia đình. Sau một thời gian theo học ở đây, em tự tin hơn, mở lòng hơn với mọi người”. Còn ở phương diện phụ huynh, ông Lê Sỹ Chung (xã Biển Hồ, TP. Pleiku) chia sẻ: “Con gái tôi rất thích vẽ và mong muốn theo ngành thiết kế đồ họa. Qua tìm hiểu thông tin, tôi biết đến lớp vẽ Ngộ. Trang-thiết bị học tập ở đây khá tốt, đội ngũ giáo viên, trợ giảng và phương pháp dạy học chuyên nghiệp, thân thiện, có kiểm tra đánh giá chất lượng trong quá trình học nên tôi khá yên tâm”.

Chạm đến ước mơ

Hơn 10 năm qua, các thế hệ học viên của lớp vẽ Ngộ đã và đang trong hành trình nỗ lực chạm đến ước mơ, hiện thực hóa ước mơ bằng chính tác phẩm của mình. Ghi dấu cho chặng đường gieo hạt yêu thương, biết ơn cuộc sống, lớp vẽ Ngộ vừa tổ chức một triển lãm nhỏ với trên 200 tác phẩm tiêu biểu của các học viên. Đơn cử như tác phẩm poster cổ động “Hãy bảo vệ rừng” của em Mai Tứ Quý. Đây là tác phẩm đạt điểm 10 tại kỳ thi trang trí màu của Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh năm 2018. Với thông điệp hãy trân quý thiên nhiên, tác giả Mai Tứ Quý đã chọn bố cục hình ảnh là một khu rừng, 2 bàn tay và slogan làm điểm nhấn. Về tạo hình, khởi đầu là một hình elip lớn và mọi thứ bắt đầu rẽ nhánh từ đó. Về hòa sắc, sử dụng màu theo chủ ý cá nhân, trong đó bộ màu xanh lá-xanh-đỏ-vàng được sử dụng nhiều để tạo nét riêng độc đáo.

Kiểm soát được hơi thở là kiểm soát được ý niệm trong từng nét vẽ. Ảnh: Sơn Ca

Kiểm soát được hơi thở là kiểm soát được ý niệm trong từng nét vẽ. Ảnh: Sơn Ca

Cùng chủ đề tình yêu thiên nhiên, tác phẩm poster “Hãy bảo vệ môi trường rừng” của em Nguyễn Duy Hưng cũng đạt điểm 10 tuyệt đối kỳ thi trang trí màu Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh năm 2018. Với ý niệm hãy bảo vệ rừng, tác giả đã lựa chọn cách tập trung diễn tả sự hiện diện của các loại sinh vật thay vì miêu tả sự đồ sộ của khu rừng. Do đó đã vẽ “chúa sơn lâm” để đại diện cho sự thịnh suy của khu rừng. Về bố cục, chọn bố cục 1/3 nhưng diễn tả góc chính diện của con sư tử để tạo ra sự tự do nhưng chắc chắn. Về gam màu, tác giả sử dụng màu xanh với những sắc độ khác nhau để mang lại cảm giác bí ẩn cho khu rừng.

Nói về quãng thời gian đáng ghi nhớ cùng lớp vẽ, em Huỳnh Gia Hân-học viên khóa 2019-tâm sự: “Trưởng thành là quá trình chẳng hề dễ dàng. Những vụn chì, vài bức vẽ hỏng giấu kín trong ngăn kéo là bí mật nhỏ em giữ riêng cho mình. Lớp vẽ Ngộ dẫn dắt em từ những bước đầu tiên trên con đường nghệ thuật; cùng em đi một chặng đường dài từ một học sinh còn nhiều rụt rè tới cô sinh viên kiến trúc sống hết mình trong mọi thiết kế. Có thể tắm mình trong ánh nắng mặt trời, sau lưng em chưa từng thiếu đi bóng dáng của đại gia đình Ngộ”.

Trong số rất nhiều bức tranh được giới thiệu tại lớp vẽ Ngộ, có một bức thư pháp mộc mạc với biểu tượng vòng tròn bao trọn dòng chữ “Thầy giáo, cô giáo có hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới”. Đối với cô Ngộ Nhẫn và các cộng sự, hạnh phúc của người đi ươm mầm gieo hạt chỉ đơn giản là nhìn thấy các lứa học viên trưởng thành với những giá trị cốt lõi nhân văn như yêu thương, biết ơn, trách nhiệm, lắng nghe... Đây cũng là liều thuốc tinh thần vô giá đối với cô Nguyễn Thu Thanh-một giáo viên của lớp vẽ Ngộ: “Tôi vừa là bạn, vừa là đồng môn của cô Ngộ Nhẫn nên thường sắp xếp lịch bay từ TP. Hồ Chí Minh ra Pleiku để hỗ trợ ôn thi đại học cho các em. Mỗi dịp về Pleiku, tôi cảm giác như được trở về nhà với bầu không khí trong lành bình yên. Một trong những động lực, lý do để tôi gắn kết với lớp vẽ Ngộ là được giúp đỡ, chia sẻ cũng như tiếp thêm động lực cho các em học viên tự tin hơn trong hành trình vươn tới ước mơ, đạt kết quả tốt ở các ngành, các trường theo nguyện vọng”.

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.