"Chuyện lạ" về họa sĩ Lê Hùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Họa sĩ Lê Hùng chuẩn bị tổ chức triển lãm cá nhân, kết quả của 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phải ngồi ở nhà và anh đã vẽ, vẽ và vẽ. Về vẽ, ai cũng phải công nhận ông họa sĩ này hết sức cần cù và đam mê.
Giờ thành danh rồi, cuộc sống ổn định rồi, các con phương trưởng và hay nhất là cả 3 đứa đều theo nghề cha, là họa sĩ, và đều có gia đình riêng hạnh phúc, anh có thể toàn tâm toàn ý vẽ. Nhưng trước khi thanh thản như bây giờ, anh từng làm vài việc ở thời bao cấp mà giờ mỗi lần ngồi nhắc lại, mọi người vẫn ngơ ngác, sao lại có thể làm được.
Hồi ấy, Lê Hùng tốt nghiệp Trung cấp Mỹ thuật ở Trường Mỹ thuật Huế, lên làm ở Ty Văn hóa Gia Lai-Kon Tum, đưa vợ từ Huế lên, sinh một đứa con, mỗi chồng làm nhà nước, lương chưa lĩnh ra đã hết. Thì bèn phải xoay xở.
Việc đầu tiên là anh dập biển số xe. Giờ cái biển số làm tập trung, có bảo mật, chả ai làm “lậu” được. Hồi ấy, chả biết sao anh lại “bắt mối” được với đơn vị chức năng để dập và vẽ biển số xe máy cho họ. Cái việc này thì cũng không lạ lắm, bởi anh không làm thì người khác làm, mà hồi ấy ở Pleiku có mấy nhà vẽ nổi tiếng lắm, như nhà vẽ Sống chẳng hạn.
Việc nữa là vẽ pa nô. Chữ anh đẹp nên kẻ khẩu hiệu là rất đúng và hợp. Nhưng cái lạ so với các pano thông thường là anh vẽ trên... ni lông. Tôi chứng kiến anh làm pa nô cho Ty Thương nghiệp trên ni lông như thế, lạ vô cùng. Tất nhiên là cũng rất đẹp. Thì thay bằng tôn hay sau này là toan, anh căng ni lông, mảnh vải che mưa ấy, vào khung, rồi cũng sơn lót, kẻ chữ lên. Tất nhiên là nó không bền như tôn, không đẹp, sắc sảo như in bây giờ. Nhưng nó giải quyết vấn đề sinh tồn của gia đình thời ấy. Sau này, sinh tới 3 đứa lít nhít, vợ nội trợ và nuôi con, anh một mình cân tất.
Họa sĩ Lê Hùng. Ảnh: Lê Vinh
Họa sĩ Lê Hùng. Ảnh: Lê Vinh
Rồi tiến lên, anh dạy vẽ. Có thể nói, Lê Hùng là họa sĩ đầu tiên ở Pleiku sống được và sống tốt bằng nghề dạy vẽ. Pleiku cũng có rất nhiều lò dạy vẽ, Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh một thời cũng liên tục mở lớp và có thời gian Lê Hùng đứng lớp ở đây. Nhưng từ khi Lê Hùng mở lớp thì nó khác. Ban đầu cũng dạy đại trà cho 2 lứa tuổi: trẻ con lít nhít và số học lớp 12 muốn thi kiến trúc. Sau này, anh thiên về dạy lứa học sinh thi kiến trúc. Và, đa phần số học anh đều đậu vào đại học Kiến trúc và khi ra trường đều có việc làm ngon lành. Thế là, ngày càng đông trò, mà đông trò thì thầy... đỡ vất vả. Từ sống được tiến lên sống khỏe, mua nhà rồi đổi nhà, mua ô tô...
Và tuy không phải là giáo viên chuyên nghiệp, tức là có lương, có biên chế, có trường... mà chỉ là dạy ở nhà, nhưng ngày Tết, học sinh cũ tới nhà thăm thầy rất đông. Đa phần các kiến trúc sư ở Pleiku bây giờ đều có học thầy Hùng, họa sĩ Lê Hùng trở thành siêu nhà giáo trong những dịp 20-11 và Tết.
Là kể về cái nghề ngoài nghề chính của anh thôi, chứ Lê Hùng giờ là họa sĩ thành danh với nhiều triển lãm cá nhân và triển lãm chung, nhiều giải thưởng. Tôi chơi với anh từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước tới giờ, rất nể sức làm việc của anh. Nhưng cần cù là một chuyện, cần cù mà không có tài thì chỉ trở thành thợ. Lê Hùng, may mắn là một họa sĩ tài hoa.
Tháng 5 này, anh lại mở triển lãm cá nhân, nhất là sau khi thoát khỏi cú đột quỵ cách đây mấy tháng thì cuộc triển lãm “dối già” này lại càng ý nghĩa. Anh có mời tôi xem trước tác phẩm. Và tôi càng khẳng định lại điều mình đã nghĩ về anh, rằng ở Gia Lai, theo tôi, một trong vài họa sĩ người Kinh mang được hồn cốt Tây Nguyên nhất, sau họa sĩ Xu Man, là họa sĩ Lê Hùng. Nhưng khác Xu Man, anh không vẽ cái mình thấy, mà vẽ cái mình nghĩ, cái mình chiêm nghiệm. Và anh tạo ra một phong cách của riêng mình. Hồn cốt Tây Nguyên hiển hiện ở màu, bố cục, ở cái bí ẩn thấp thoáng, màu chồng màu, người nhòe người, nhiều khi như một hỗn mang. Một Tây Nguyên tâm cảm và ước lệ, nhưng lại gần gũi, rất đời.
Một nghệ sĩ sáng tạo thành công là khi anh tạo được phong cách, dấu ấn riêng, để dẫu không ký tên, người xem cũng vẫn lờ mờ đoán ra tác giả. Tất nhiên, nó phải đẹp, phải sang và phải truyền được cảm hứng sáng tạo từ người sáng tác sang người thưởng thức, để công chúng tiếp tục đồng hành sáng tạo cùng nghệ sĩ, tạo nên dư ba tác phẩm. Tranh Lê Hùng lâu nay đã làm được điều ấy. Và tôi thêm một lần ngạc nhiên khi xem những bức anh mới vẽ trong thời gian gần đây. Vẫn phong cách ấy nhưng anh có sự liên tưởng rộng hơn, đời thường hơn và ám ảnh hơn. Như những nhát cắt. Đầy những bộn bề. Nhưng cứ kéo ta vào vùng hoan lạc, vào những vui buồn thoáng hiện, những trong veo cảm xúc, những ngẩn ngơ bất ngờ.
Vừa rồi, được mời tham gia tổ chức số Tết cho Tạp chí Du lịch TP. Hồ Chí Minh, tôi đã chọn 4 bức tranh của anh để minh họa cho truyện ngắn của nhà văn Đỗ Tiến Thụy. Ai cũng khen. Những bức tranh gọi là minh họa nhưng là tác phẩm độc lập để tôn truyện ngắn lên, mở rộng biên độ tưởng tượng và làm sang thêm tờ tạp chí vốn dĩ in đã rất đẹp.
Đời sống vốn bộn bề. Tác phẩm nghệ thuật len được vào sự bộn bề ấy, để nâng con người lên, vỗ về con người, an ủi con người hoặc chí ít, cất một câu ru cho lòng chùng xuống... đủ để nghệ thuật thứ thiệt vẫn cần cho đời sống.
VĂN CÔNG HÙNG

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Thanh Mừng: Gia Lai một hai ba

Thơ Nguyễn Thanh Mừng: Gia Lai một hai ba

(GLO)- "Gia Lai một hai ba" của Nguyễn Thanh Mừng dẫn người đọc qua những nẻo đường dốc đèo, qua tiếng thác reo và chiêng cồng, để gặp lại khí phách người xưa. Mỗi hình ảnh, mỗi nhịp thơ là một lát cắt vừa hoang sơ, vừa tự hào về bản sắc không thể phai mờ của đại ngàn Tây Nguyên.

Thơ Lê Thành Văn: Nghe con đọc thơ về Tổ quốc

Thơ Lê Thành Văn: Nghe con đọc thơ về Tổ quốc

(GLO)- Trong bài thơ "Nghe con đọc thơ về Tổ quốc", tác giả Lê Thành Văn để mạch cảm xúc tuôn chảy tự nhiên: từ sự rưng rưng khi nhớ về chiến tranh đến niềm tin lặng lẽ gửi gắm vào thế hệ mai sau. Bài thơ như một nhịp cầu nối liền quá khứ đau thương và hiện tại bình yên.

Thơ Lê Vi Thủy: Biên cương mùa gió

Thơ Lê Vi Thủy: Biên cương mùa gió

(GLO)- Giữa những cơn gió xào xạc của núi rừng Tây Nguyên bỏng rát, bài thơ “Biên cương mùa gió” của Lê Vi Thủy như thổi vào lòng người nỗi xúc động lặng thầm. Từ ánh mắt trẻ thơ đến no ấm buôn làng và những giọt mồ hôi người lính, tất cả hòa quyện trong khát vọng yên bình nơi địa đầu Tổ quốc.

Tổ quốc trong tim

Thơ Lenguyen: Tổ quốc trong tim

(GLO)- Bài thơ “Tổ quốc trong tim” của tác giả Lenguyen là lời tri ân sâu sắc với cha ông đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Từ Cửu Long đến Trường Sơn, từ Điện Biên đến Sài Gòn, một Việt Nam bất khuất vươn lên giữa máu và hoa, rạng ngời sắc cờ Tổ quốc.

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

(GLO)- Trong nhịp sống hiện đại hối hả, bài thơ "Lòng quê" của tác giả Đào An Duyên là tiếng vọng thầm lặng mà day dứt. Người xa quê, dù ở đâu chăng nữa vẫn mang trong tim nỗi nhớ cội nguồn. Qua hình ảnh nước xuôi nước ngược, bài thơ gợi về sự gắn bó thiêng liêng giữa con người và quê hương.

Người nặng lòng với dân ca Tày

Người nặng lòng với dân ca Tày

(GLO)-Hơn 30 năm kể từ ngày rời quê hương Cao Bằng vào Gia Lai lập nghiệp, ông Mã Văn Chức (SN 1961, tổ 3, thị trấn Phú Thiện) vẫn nặng lòng với văn hóa dân tộc Tày. Hơn 100 bài hát đã được ông sáng tác theo làn điệu dân ca Tày với mong muốn “giữ lửa” cho âm nhạc dân gian.

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

(GLO)- Đó là phát biểu của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn tại hội nghị tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) diễn ra vào sáng 23-4 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

“Lặng lẽ trưởng thành” cùng sách

(GLO)- “Dáng vẻ của một người yên lặng đọc sách khá giống với những gì tôi cảm thấy khi nghĩ về một người đang trưởng thành trong lặng lẽ”-đó là cảm nhận của chị Trần Thị Kim Phùng Thủy-Trưởng ban Điều hành dự án “Văn hóa đọc Gia Lai” về giá trị sâu bền mà sách mang lại.