Lớp học đặc biệt giữa lòng hồ Thác Bà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái mở lớp xóa mù chữ cho học viên, giúp họ làm lại cuộc đời.

Nằm trên một hòn đảo giữa lòng hồ Thác Bà, cứ mỗi sáng sớm, cơ sở cai nghiện ma túy, đơn vị trực thuộc Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội tỉnh Yên Bái lại vang lên âm thanh đọc và đánh vần tiếng Việt của những học viên đang cai nghiện tại đây. Họ đang được theo học những lớp xóa mù chữ với mong muốn làm lại cuộc đời.

Nhiều cuộc đời lầm lỡ

Những ngày giữa tháng 11, theo chân lãnh đạo Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái, chúng tôi đến thăm một lớp học xóa mù chữ đặc biệt nằm trên hai hòn đảo giữa lòng hồ Thác Bà (thuộc huyện Yên Bình). Mới chỉ vừa bước tới cổng của cơ sở cai nghiện này, chúng tôi đã nghe thấy những âm thanh đọc và đánh vần tiếng Việt.

Lớp học được tổ chức cho các học viên không biết chữ để giúp họ nâng cao nhận thức, làm lại cuộc đời.
Lớp học được tổ chức cho các học viên không biết chữ để giúp họ nâng cao nhận thức, làm lại cuộc đời.

Ông Lê Công Huấn - Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái cho biết: “Với đặc thù địa phương là tỉnh miền núi, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (trong hơn 800 học viên ở đây thì có trên 70% là đồng bào dân tộc thiểu số). Ngay từ lúc tiếp nhận, sàng lọc, phân loại học viên, đơn vị phát hiện nhiều học viên không biết đọc, biết viết. Điều đó sẽ gây khó khăn cho việc tuyên truyền cũng như hướng dẫn công việc. Do đó, Ban Giám đốc cơ sở quyết định mở lớp xóa mù chữ cho học viên”.

Là 1 trong 26 học viên của lớp học “đặc biệt”, Thào A Tu (người dân tộc Mông ở xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải) được đưa vào cơ sở cai nghiện từ cuối năm 2023. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Tu không được đi học, bạn bè rủ dùng ma túy thì dùng theo, mắc nghiện từ khi nào không hay.

Hàng ngày, những người thầy đặc biệt vẫn miệt mài, tận tụy chỉ dạy, hướng dẫn các học viên học đánh vần, viết chữ và làm các phép tính.
Hàng ngày, những người thầy đặc biệt vẫn miệt mài, tận tụy chỉ dạy, hướng dẫn các học viên học đánh vần, viết chữ và làm các phép tính.

Tu kể: “Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không được đến trường. Hơn 30 tuổi nhưng không biết chữ nên làm gì cũng khó khăn. Biển quảng cáo hay những pano tuyên truyền chính sách pháp luật cũng không đọc được, không nhận thức rõ về tác hại của ma túy nên theo bạn bè thử vài lần rồi nghiện. Đến cơ sở cai nghiện, ngoài được dạy nghề, mình còn được Ban quản lý cơ sở tạo điều kiện cho tham gia lớp xóa mù chữ. Mình rất phấn khởi và mong sau khi được về nhà hòa nhập với cộng đồng, biết cái chữ và phép tính được học ở đây để sống tốt hơn”.

Trong lớp học xóa mù chữ này có 8 học viên là phụ nữ, họ đều là người dân tộc Mông, ở huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Nhiều học viên tóc đã điểm bạc, nhưng vẫn rất chăm chỉ nghe giảng, tập viết từng chữ khó khăn trên bảng theo hướng dẫn tận tình của các thầy cô nơi đây.

Nhiều học viên đã lớn tuổi nhưng vẫn hăng say học tập với mong muốn làm lại cuộc đời.
Nhiều học viên đã lớn tuổi nhưng vẫn hăng say học tập với mong muốn làm lại cuộc đời.

Học viên Giàng Thị Máy (30 tuổi, ở xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải) “dính” vào ma túy từ nhiều năm nay. Giống như nhiều học viên khác, Máy do không biết chữ, ở địa phương khó khăn, cuộc sống vất vả. Lớn lên, khi đi chơi theo bạn bè thì được rủ dùng thử ma túy, sau nhiều lần thì nghiện không bỏ được. Đầu năm 2024, chị được ngành chức năng địa phương đưa đến cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái.

Đến cơ sở, ngoài việc được cán bộ cho điều trị cắt cơn, giải độc, giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi; lao động, học nghề. Đặc biệt, Máy còn được tham gia lớp xóa mù chữ dành cho các học viên chưa từng được đi học. Dưới sự tận tình chỉ dạy của giáo viên, đến nay Máy đã cơ bản biết đọc, biết viết.

Máy tâm sự: "Trước đây gia đình không có đủ điều kiện để được đi học, không có hiểu biết nên bản thân sa vào sử dụng ma túy. Khi vào cơ sở cai nghiện, mình được cán bộ dạy học chữ, biết viết, biết đọc, biết tính. Mỗi khi thăm gặp gia đình, mình cũng khoe với chồng con được học chữ nên cả gia đình rất phấn khởi”.

Tại đây, Giàng Thị Máy trải qua các giai đoạn như điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các bệnh nhiễm trùng; giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi; lao động, trị liệu, học nghề. Đặc biệt, Máy được tham gia lớp xóa mù chữ dành cho các học viên chưa từng được đi học. Máy bảo, bản thân sẽ cố gắng rèn luyện biết đọc, biết viết để khi về địa phương có thể lao động giúp đỡ gia đình bớt khổ hơn.

Thầy cô đặc biệt của lớp học đặc biệt

Vừa hướng dẫn học viên đọc, chốc lát thầy giáo Nguyễn Hồng Phong - cán bộ của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái (được phân công chủ nhiệm lớp học) dừng lại nhắc học viên đọc các chữ cái cho dứt khoát, không kéo dài ra. Đối với những học viên lớn tuổi, thầy vừa đến tận nơi cầm tay hướng dẫn cách viết, nhờ những học viên biết tiếng dân tộc truyền đạt lại những lời giảng để cho các học viên hiểu được.

Thầy giáo Nguyễn Hồng Phong cho biết, có những điều rất nhỏ nhưng nhắc cả chục lần, học viên vẫn quên. Vừa dạy chữ, mình vừa động viên tinh thần, giúp các học viên vượt qua mặc cảm, tự ti của bản thân để học lấy cái chữ giúp ích cho bản thân mình.

“Trực tiếp dạy các học viên, tôi thấy các bạn rất chịu khó nghe giảng, thích học Toán và Tiếng Việt. Nhiều học viên nói ngọng, không nói được dấu ngã và các vần khó, tôi đã nghiên cứu và dùng phương pháp gợi mở. Cùng với đó, học viên là những người lớn tuổi nên tôi phải hướng dẫn học viên tỉ mỉ từng con chữ, cách đọc, cách cầm bút viết. Đồng thời luôn dành sự quan tâm nhiều hơn, khen ngợi kịp thời để tạo không khí vui vẻ trong lớp học” - thầy Phong kể.

Những bài học trong lớp học đặc biệt này đáng lẽ mọi người đã được học từ lúc lên 5, ấy vậy, ở đây có nhiều người trên đầu đã 2 thứ tóc vẫn đang đánh vần i tờ. Dạy xóa mù chữ cho những người bình thường đã khó, dạy cho những người đã từng một thời lầm lỗi, vướng vào tệ nạn ma túy lại càng khó hơn.

Tuy vậy, sau mỗi khóa học, các học viên đều biết đọc, biết viết và cộng trừ các phép tính cơ bản, như vậy sẽ giúp ích cho cuộc sống của họ sau này - thầy Phong chia sẻ thêm.

Ông Lê Công Huấn, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái cho biết, việc mở các lớp xóa mù chữ cho người nghiện nhằm giúp các học viên biết đọc, biết viết, có thể ghi được tên, tuổi của mình. Từ đó sẽ thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các kiến thức được tuyên truyền, phổ biến tại cơ sở cai nghiện. Sau khi về địa phương, họ có thể tái hòa nhập cộng đồng, tiếp thu được thông tin bổ ích trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế tại nơi mình sinh sống.

Từ năm 2023 đến nay, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái đã tổ chức được 2 lớp học xóa mù chữ cho hơn 50 học viên. Mỗi khóa học sẽ kéo dài 3 tháng, sau khi kết thúc sẽ xếp loại học viên theo các loại tốt, khá, trung bình, yếu. Sau những lớp học xóa mù chữ, 100% học viên biết đọc, biết viết, biết làm phép tính cộng, trừ đơn giản. Có người đã tái hòa nhập cộng đồng, có người vẫn đang hằng ngày miệt mài học tập, đánh vần với các con chữ.

Theo Văn Đức (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.