Lớn lên cùng cách mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước hiên ngôi nhà sàn rộng rãi giữa làng Ktu (xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang, Gia Lai), ông Yek chầm chậm kể cho tôi nghe những tháng ngày đầy hào hùng khi tham gia kháng chiến chống Mỹ, làm du kích rồi góp sức xây dựng địa phương trong thời bình.
Không nao núng trước kẻ thù
Ông Yek kể rằng, cả làng Ktu này từ kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ đều đồng lòng đi theo cách mạng. Thời chống Pháp, tuy chỉ là một cậu bé nhưng ông vẫn cùng đoàn dân công gùi lương thực tiếp tế cho bộ đội. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông tham gia lực lượng tự vệ bí mật làm nhiệm vụ bảo vệ dân công trên đường vận chuyển lúa gạo đến nơi bộ đội đóng quân.  
Cuộc đời quân ngũ của ông có không ít những biến động. Tháng 1-1961, chàng thanh niên Yek làm đơn xin nhập ngũ tại Huyện đội Khu 6 (huyện Mang Yang ngày nay). Hai tháng sau, ông được chuyển về Huyện đội Khu 7 (nay là huyện Kông Chro). Tại đây, ông được cử đi học Trường Đặc công của Quân khu 5. Đến tháng 12-1961, ông thực sự bước vào quãng thời gian thử thách, rèn giũa bản lĩnh trên các chiến trường. Trong đó, trận đánh năm 1962 khiến ông không thể nào quên. Đó là trận đánh giao thông trên đường 7 (đoạn qua Chư Sê). Địch di chuyển từ Pleiku đi Cheo Reo với 8 xe chở quân lính. Ông Yek khi ấy là Tổ trưởng Tổ trinh sát đi trước do thám tình hình. Sau khi nắm rõ số lượng, ông báo cho chỉ huy. Nhận lệnh tiến công, ông cùng các đồng đội đánh tan đoàn xe của địch, thu về nhiều vũ khí.
 Ông Yek (giữa) kể cho thế hệ sau về những năm tháng hào hùng trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: P.L
Ông Yek (giữa) kể cho thế hệ sau về những năm tháng hào hùng trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: P.L
Các trận đánh cứ thế nối nhau hiện về trong trí nhớ của người cựu chiến binh 86 tuổi. ông Yek say sưa kể về trận chống càn năm 1963 tại Phú Thiện khiến quân địch hoảng sợ chạy tán loạn, trận đánh đường 7 năm 1967 tiêu diệt 14 xe địch, trận Tết Mậu Thân năm 1968 cận kề với cái chết… Trong đời quân ngũ, ông đã tham gia 35 trận đánh lớn nhỏ trên nhiều mặt trận. Năm 1970, vì điều kiện gia đình quá khó khăn, cha mẹ già yếu, ông trở về tham gia lực lượng du kích địa phương...
Đưa buôn làng đi lên

Ông Đinh Byar-Trưởng thôn Ktu: “Việc lớn hay nhỏ trong làng, dù khó khăn đến đâu, chỉ cần già Yek lên tiếng là bà con đều nghe theo. Mặc dù đã lớn tuổi nhưng già vẫn nhiệt tình với công tác của địa phương. Già Yek là tấm gương sáng để dân làng, đặc biệt là thế hệ trẻ như chúng tôi noi theo”.


Chiến tranh kết thúc, năm 1976, ông Yek được phân công làm Xã đội trưởng xã Kon Chiêng. Đến năm 1978, ông được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã. Từ năm 1987 đến 1989, ông giữ chức Chủ tịch UBND xã. Từ năm 1990 đến 2000, ông tiếp tục giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã. Trên những cương vị ấy, ông chưa lúc nào ngừng trăn trở về việc thay đổi cuộc sống của dân làng. Hai trong nhiều việc làm đầy ý nghĩa của ông mà đến giờ khi nhắc đến mọi người trong xã đều không thể quên, đó là giúp dân định cư ở vùng thuận lợi và vận động xây dựng mô hình trường bán trú dân nuôi.
Đến Kon Chiêng ngày nay, điều dễ nhận thấy là cả 8 ngôi làng trong xã đều nằm dọc theo tỉnh lộ 666. Mấy ai biết kết quả ấy xuất phát từ nỗ lực không mệt mỏi của ông Yek. Hơn 20 năm trước, bà con các ngôi làng ở Kon Chiêng có tập quán sống tập trung ở thung lũng, cách xa đường giao thông. Sau khi đi tham quan, học hỏi mô hình định cư ở các tỉnh phía Bắc, ông Yek nhận thấy việc sinh sống dọc theo trục đường giao thông chính đem lại nhiều thuận lợi. “Nơi mình sống đất còn rất rộng. Khi quy hoạch lên mặt đường, không gian sinh hoạt của các gia đình sẽ quy củ, trật tự hơn. Sống gần đường sẽ có điện dùng, gần trường học, gần bệnh viện, đi lại dễ dàng. Vừa hợp lý lại vừa giữ được đất đai sau này cho con cháu”-ông Yek giải thích.
Ấy vậy mà để làm được điều đó, ông phải mất đến… 3 năm tuyên truyền, thuyết phục từ lãnh đạo xã cho đến người dân các làng. Chưa kể đến lúc bắt tay thực hiện còn có người phản đối. Ông Yek kể: “Thí điểm ở làng Deng bị phản đối, tôi liền về vận động dân làng Ktu dời nhà từ dưới thung lũng lên ở gần mặt đường. Mỗi gia đình được chia 70 m đất chiều ngang, còn chiều dài cả trăm mét. Bây giờ thì ai cũng thấy quyết định ấy là đúng đắn. Làng Deng thấy vậy sau cũng tự chuyển lên ở cùng. Dần dần toàn bộ người dân 8 làng đều dọn đến sống dọc theo tỉnh lộ 666, nơi ở cũ trở thành khu sản xuất”.
Về chuyện học, thấy con cháu trong làng đi học quá vất vả mà mãi không khá lên được, năm 1991, ông Yek quyết tâm vận động xây dựng mô hình trường bán trú dân nuôi. Đầu tiên là kêu gọi bà con dựng trường học, chọn con em cán bộ, gia đình chính sách học bán trú tại trường. Các gia đình trong xã có trách nhiệm đóng góp để duy trì mô hình. Trong vài năm đầu, bản thân ông cũng đóng góp hơn 2 tấn lúa. Ngôi trường ấy giờ là Trường Tiểu học xã Kon Chiêng nằm ngay trung tâm xã. Ông Đinh Nguy-Chủ tịch UBND xã Kon Chiêng, từng là học sinh trưởng thành từ lớp bán trú dân nuôi thuở ấy-xúc động nói: “Tôi rất biết ơn già Yek vì quyết tâm mở lớp để những đứa trẻ như tôi được theo học con chữ. Cho đến bây giờ, khi tôi về địa phương làm việc, ngôi trường từng học vẫn đang phát triển rất tốt”. 
 PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.