Lời kể xót xa của nạn nhân 10 năm bị bán sang Trung Quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều năm trời ròng rã bị nhốt trong nhà chỉ để đẻ con, cuộc sống nghèo khổ cùng với việc liên tục chạy trốn rồi lại bị bắt về… là những ký ức kinh hoàng đối với người phụ nữ H’Mông 10 năm bị lừa bán sang Trung Quốc.
Bị nhốt trong nhà nhiều năm trời
Cách đây hơn 1 tháng, chị Hạng Thị C. (SN 1982, bản Khằm 1, xã Trung Lý, huyện Mường Lát, Thanh Hóa) may mắn trốn thoát trở về sau hơn 10 năm lưu lạc ở xứ người.
Chị C. không biết chữ, cũng không hiểu tiếng Kinh, phải thông qua Trưởng Công an xã Trung Lý phiên dịch chúng tôi mới có thể hiểu được đoạn đời đầy nước mắt của chị sau chừng ấy năm bị bán sang Trung Quốc làm vợ.
Năm 2008, chồng chị đi tù vì tội tàng trữ ma túy, chị C. ở nhà cùng 2 con nhỏ trong tình cảnh đói nghèo. Không biết làm gì để nuôi cả gia đình, trong lúc túng quẫn, có 2 người lạ mặt đến rủ chị đi làm việc trên tỉnh Lào Cai. Họ nói với chị lên đó làm việc sẽ có tiền gửi về nuôi con. Không một chút đắn đo, chị C. để lại hai đứa con cho ông bà nuôi rồi lên đường theo hai người lạ. Và chuyến đi ấy chị đã bị lừa bán sang Trung Quốc để làm vợ một người đàn ông nghèo.
 
Chị C. và đứa con mang hai dòng máu ngày trở về Việt Nam.
Nhiều năm đầu làm vợ, chị bị nhốt trong nhà chỉ để sinh con và nấu ăn phục vụ nhà chồng. Một bước chân của chị cũng bị mọi người theo dõi. Nhiều lần chị tìm cách trốn đi nhưng đều không thành. Có những lúc chị chỉ nghĩ đến cái chết để không phải sống trong cảnh "ngục tù" nhưng rồi nghĩ đến các con ở quê nhà, chị lại cố sống hy vọng trốn thoát trở về.
Chị kể, chị không bị nhà chồng đánh đập hành hạ như một số phụ nữ Việt Nam khác, nhưng cuộc sống nghèo khó và khổ sở hơn cả lúc chị ở nhà. Chị lần lượt sinh 2 người con cho người chồng Trung Quốc, đứa con trai hiện đã 9 tuổi và con gái 6 tuổi.
Cũng theo chị C. thì mới vài năm trở lại đây, gia đình nhà chồng nghĩ chị đã sinh con đẻ cái cho họ thì sẽ không tìm cách trốn về nữa nên dần dần bớt theo dõi chị. Dù vậy, họ không bao giờ cho chị một đồng tiền nào để chị có muốn trở về cũng không thể về được. 8 năm làm vợ, lần đầu tiên chị trốn thoát khỏi nhà, đến đồn cảnh sát xin họ cho về Việt  Nam nhưng sau đó người chồng đến xin công an, không hiểu họ đã nói những gì nhưng chị lại bị đưa trở lại nhà chồng.
Cuộc trở về với đứa con mang hai dòng máu
Lần gần đây nhất, khi đó dù đang mang chiếc bụng bầu vượt mặt gần đến ngày sinh đứa con thứ 3 nhưng tìm thấy cơ hội trốn thoát, chị C. đã chạy một quãng đường rất xa, đến được đồn cảnh sát. Lần này, chị quỳ xuống cầu xin cảnh sát Trung Quốc cho chị được trở về Việt Nam. Chị bị họ giữ tại đồn công an 4 tháng trước khi tìm cách cho chị trở về.
Bế đứa con còn đỏ hỏn mới sinh chưa đầy tháng, chị C, rưng rưng nước mắt kể những tháng ngày tăm tối bên xứ người. Dù người phụ nữ này chưa đầy 40 tuổi nhưng trông chị già như đã ngoài 50. Chị bảo, 10 năm qua, không ngày nào chị không nung nấu ý định trở về với các con và gia đình ở quê nhà.
 
Sau 10 năm, khi chị C. trở về, các con của chị đều đã lớn và có gia đình.
Chúng tôi có mặt tại nhà chị C., căn nhà sàn tuềnh toàng nếu không muốn nói là rách nát, phía trong căn nhà tăm tối ấy không có một vật gì giá trị. Thế nhưng, chị C. cho biết, cuộc sống này còn sung sướng hơn gấp trăm lần ở bên Trung Quốc. Ngày chị trở về, chồng chị cũng đã mãn hạn tù, các con chị đã lập gia đình, có cháu. Cháu nội của chị C. còn hơn tuổi đứa con chị vừa sinh cho người đàn ông Trung Quốc.
“Tôi cũng muốn đưa các con đi theo, nhưng bên đó các con đã có hộ khẩu nên công an không cho đưa về. Tôi rất nhớ chúng, nhưng tôi không muốn quay lại đó nữa, có lẽ sẽ không bao giờ gặp các con được nữa” – chị C. vừa khóc vừa tâm sự.
Có lẽ, 10 năm làm vợ bên xứ người và cuộc trốn chạy khỏi “ngục tù” trần gian ấy sẽ còn ám ảnh suốt cuộc đời người phụ nữ H’Mông này.  
Thượng tá Gia Nọ Pó, Phó Trưởng Công an huyện Mường Lát trăn trở: “Rất nhiều nạn nhân khi trở về kể quãng đời làm vợ hay bị bán vào động mại dâm, cuộc sống vô cùng khốn khổ. Nhiều người trở về phải trải qua hành trình trốn thoát vô cùng gian nan. Có nạn nhân phải nhảy từ tầng 2 xuống đất, chạy bộ hàng chục km, nhiều nạn nhân bỏ trốn bị bắt trở lại, bị hành hạ, đánh đập rất dã man. Hay có những nạn nhân chạy đến đồn công an Trung Quốc nhưng cũng bị giam nhiều tháng mới được trở về Việt Nam...".
Bình Minh (Dân trí)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.