Lợi ích của việc uống cà phê và giấc ngủ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các nhà khoa học cho rằng, caffeine và giấc ngủ cùng ngăn chặn việc sản xuất chất adenosine của cơ thể, chất này gây ra sự uể oải, làm ta bị lừ đừ và buồn ngủ.

 

 



Có những lúc, công việc còn bề bộn chưa xong, mà bạn lại cảm thấy đầu óc cứ lừ đừ, có cảm giác mệt mỏi hay buồn ngủ quá chừng. Bạn bỗng thèm một ly cà phê ngon hoặc tìm chỗ ngả lưng, ngủ một giấc cho đã. Thế nhưng, uống cà phê thì phải bỏ cữ ngủ và ngược lại. Dù đã uống cà phê hay đi ngủ, bạn vẫn không tìm lại được sự sảng khoái và tập trung như mọi khi, vẫn thấy đầu óc cứ bồng bềnh, vất vưởng sao đâu ấy.

Theo quan niệm thông thường thì cà phê và giấc ngủ là 2 thứ đối lập nhau. Chất caffeine trong cà phê kích thích não, mang đến sự tỉnh táo cho đầu óc, thì làm sao có thể phối hợp hài hòa hai thứ đó với nhau? Lại có nhiều người bẩm sinh mẫn cảm với chất caffeine, cứ làm ly cà phê vào buổi chiều là đến tối sẽ "thức trắng con mắt".

Nhưng bạn ạ, nếu muốn lấy lại sự tỉnh táo và sảng khoái để tiếp tục "cày" dứt điểm mọi việc, hãy thử làm thế này nhé: khi cảm thấy mệt mỏi, đi làm một ly cà phê rồi thay vì về làm việc lại, bạn tìm chỗ chợp mắt một chút khoảng 15 – 30 phút. Chất caffeine phải mất hơn nửa giờ mới phát huy tác dụng kích thích thần kinh, do đó, bạn vẫn có thể làm một giấc ngắn ngon lành. Khi thức dậy, bạn cảm sẽ cảm thấy đầu óc sảng khoái, sức tập trung rất tốt. Thế là bạn sẽ xử lý công việc chạy vèo vèo thôi.

Gợi ý này là của một số nhà khoa học Mỹ dựa trên một số cuộc nghiên cứu từ tận năm 1997 về tác dụng của cà phê và giấc ngủ. Phương thức thử nghiệm là cho một nhóm người lớn hấp thu vào 200mg caffeine (tương đương 2 tách cà phê), sau đó ngủ một giấc ngắn, khi thức dậy họ phải thực hành những bài thi trắc nghiệm về lái ô tô. Kết quả là họ đạt kết quả tốt hơn nhiều so với nhóm những người đi ngủ mà không uống cà phê và cũng làm cùng bài trắc nghiệm.

Trước đó, năm 1994, một cuộc nghiên cứu cho thấy việc uống cà phê rồi ngủ một giấc ngắn, giúp cho người ta giữ được sự tỉnh táo lâu hơn. Những nam giới tham gia thử nghiệm được chia làm 2 nhóm. Ngày đầu tiên, cả 2 nhóm vẫn giữ nếp sinh hoạt như thường lệ, được cho làm các bài trắc nghiệm về khả năng nhận thức. Ngày thứ 2, một nhóm uống cà phê rồi ngủ một giấc ngắn, nhóm còn lại thì ngủ mà không dùng cà phê. Sau đó 2 nhóm cùng làm lại những bài trắc nghiệm của ngày đầu. Kết quả, nhóm "cà phê-đi ngủ" vẫn giữ được kết quả tốt tương đương như ngày đầu, nhóm còn lại thì đạt kết quả thấp hơn nhiều.


 

 



Các nhà khoa học cho rằng, caffeine và giấc ngủ cùng ngăn chặn việc sản xuất chất adenosine của cơ thể, chất này gây ra sự uể oải, làm ta bị lừ đừ và buồn ngủ. Thế nên, kết hợp giữa caffeine và giấc ngủ ngắn dưới 30 phút tạo nên hiệu ứng kết hợp tích cực, giúp ta thêm sảng khoái và tăng sức tập trung.

Dù vậy, việc chọn thời điểm phù hợp để dùng cà phê rồi ngủ cũng phải hợp lý. Theo các chuyên gia về giấc ngủ của Mỹ, buổi chiều là thời điểm hoạt động xuống thấp nhất của chu kỳ sinh học cơ thể. Do đó, đầu giờ chiều uống cà phê rồi ngủ một giấc ngắn sẽ giúp cho bạn tỉnh táo và tập trung cao vào suốt thời gian làm việc còn lại.

Người viết bài này cũng đã làm một cuộc tham khảo ý kiến các bạn bè làm việc văn phòng có thói quen hay uống cà phê buổi trưa. Nhiều người cho biết, sau khi ăn trưa họ đi uống cà phê rồi chợp mắt một chút, buổi chiều họ cảm thấy tỉnh táo và sức tập trung tốt hơn.

Nhưng, các chuyên gia cũng khuyến cáo rằng không phải ai cũng có thể áp dụng cách này. Những người bị chứng mẫn cảm với caffeine, hoặc bị chứng mất ngủ hay các bệnh về hệ tiêu hóa thì không nên dùng cà phê vì sẽ gây ra những triệu chứng rất khó chịu như bị bồn chồn, hồi hộp, tim đập nhanh, dịch vị bao tử bị trào ngược và những vấn đề về dạ dày và ruột.

Những người có thể áp dụng biện pháp "cà phê-đi ngủ" cũng cần lưu ý dùng lượng cà phê hợp lý, uống quá ít hoặc quá nhiều cà phê thì không mang lại hiệu quả tích cực như mong đợi.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa



Cũng cần phải lưu ý là giấc ngủ ngắn từ 30 phút trở lại mới mang lại hiệu quả tốt. Ngủ lâu hơn sẽ làm bạn chuyển qua trạng thái ngủ sâu, khó thức dậy, càng làm bạn uể oải hơn khi thức giấc.

Dù cũng còn một số tranh luận trong giới khoa học về tác dụng của việc uống cà phê kết hợp với giấc ngủ ngắn, nhưng các thực nghiệm ban đầu đã cho thấy biện pháp này là có mang lại một số hiệu quả tích cực nhất định cho con người.

Việt Trang (phunu.nld)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Hướng dẫn chuyên môn về điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm

Gia Lai: Hướng dẫn chuyên môn về điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm

(GLO)- Ngày 18-12, tại TP. Pleiku, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Gia Lai tổ chức hội nghị hướng dẫn chuyên môn về điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm, lấy mẫu thực phẩm và bệnh phẩm khi xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm và triển khai kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh.

Việt Nam ghi nhận 2 ca bệnh cực hiếm, toàn cầu mới có 4 trường hợp

Việt Nam ghi nhận 2 ca bệnh cực hiếm, toàn cầu mới có 4 trường hợp

Ngày 14/12, tại Hội nghị Khoa học Kỹ thuật với chuyên đề “Nâng cao hiệu quả và chất lượng điều trị tai mũi họng” được Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM tổ chức, các bác sĩ đã chính thức công bố về 2 ca mắc bệnh cực hiếm vừa được ghi nhận tại Việt Nam, y văn thế giới mới chỉ có 4 trường hợp được báo cáo.