Lời của bóng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

1. Trước nhà Huỳnh là con đường nhỏ, bên cạnh hàng quán cố định còn cả những hàng quán di động. Những chiếc xe máy xe đạp chạy qua với tiếng rao quen thuộc. Những tiếng rao ghi âm trước phát qua một chiếc loa nhỏ, lặp đi lặp lại phát chán. Ngày xưa một gánh chè khuya và tiếng rao ngân vang trong đêm: Ai ăn chè... không...? Tiếng rao mỗi đêm khác nhau bởi tâm trạng vui buồn và người nghe cũng nỗi niềm như thế.

Minh họa: VĂN TIN
Minh họa: VĂN TIN



May thay, trước nhà Huỳnh vẫn còn đó một gánh đậu hũ của chị. Không hiểu từ bao giờ Huỳnh cứ thấp thỏm theo những bước chân của chị. Nhìn những bước chân nhanh, đôi vai nhẹ tênh, nghĩa là chị đã bán hết, Huỳnh vui lắm. Bữa nào chị không bán được, đôi chân nặng trĩu, đôi vai oằn oằn làm Huỳnh lo lắng buồn thiu. Đã quen nhau đâu, chỉ vài lần trò chuyện khi Huỳnh gọi chị mua chén đậu.

- Đậu chị làm hay nhận của người ta?

- Chị tự làm, nghề gia truyền mà!

Nói xong chị cười nhưng rồi lại ngượng ngùng như người có lỗi.

- Chị xin lỗi đã nói hơi quá, mẹ chị bày chị làm, trước đây mẹ chị cũng đôi gánh này nuôi chị lớn.

Nghe chị nói mà thương quá, thật thà, chân chất. Đậu hũ nóng hổi trắng đục, nước đường đen sóng sánh, hai màu tương phản mà hòa quyện trong ký ức buồn vui của Huỳnh. Ngày ấy Huỳnh học lớp 12, được bạn trai mời đi ăn vặt, thích lắm nhưng ậm ừ, giả bộ thôi. Tưởng món gì cao sang hay lạ miệng, ai ngờ chỉ là món đậu hũ. Nhìn cái quán lụp xụp chẳng muốn bước vào. Bưng chén đậu hũ húp vội cho xong, ai ngờ đậu nóng nuốt không được nhả không xong, nước mắt ràn rụa. Khóc vì nóng, vì tức, vì xấu hổ, vì... anh chàng lại cười như không có chuyện gì xảy ra. Phải trị ngay cái tội vô tình, hôm sau gặp lại, vùng vằng dọa dẫm chia tay, ai ngờ lại chia tay thật.

- Đậu hũ nóng đây!

Có tiếng rao của chị, đương ngồi mải mê chuyện xưa, Huỳnh nhổm dậy chạy ra cửa.

- Chị ơi! Cho em một chén!

Chị đặt gánh đậu sát cổng nhà, chị lấy chén lấy muỗng trong cái tủ gỗ nhỏ ở một đầu gánh, mở nắp hũ ở đầu này, lấy cái vá trẹt hớt đậu cho vào chén, trông chị làm cẩn thận nhưng không chậm chạp.

- Chị quê ở đâu?

- Hình như là ở đây!

Tiếng xe lôi máy bóp còi khiến Huỳnh không nghe rõ chị nói gì. Đôi mắt chị thoáng buồn khiến Huỳnh áy náy.

- Có ai phụ giúp chị không?

- Con còn nhỏ chẳng giúp được gì, hắn vui khỏe cho mình làm là tốt lắm rồi! Em mua giúp, chị rất vui.

- Lâu lâu mới mua mà chị... Chiều hôm qua thấy chị gánh về nhẹ tênh em mừng lắm, chị bán hết sớm hơn mọi ngày?

- Cảm ơn em, khi đến cây đa bên kia đường, đang ngồi nghỉ mệt thì một đoàn học sinh ùa đến, vừa ăn vừa chuyện trò vui vẻ, các cô các cậu học trò dễ thương quá!

Chị quảy gánh đậu lên vai. Đậu hũ nóng đây! Bóng chị ngắn ngủn xộc xệch, vấp vào đôi quang gánh, chênh chao.

Huỳnh học xong đại học thì ba đổ bệnh, ung thư giai đoạn cuối, thế là ba đi, bỏ mẹ con Huỳnh ở lại. Phía bên nội chẳng có ai, vợ chồng bác của Huỳnh sống ở Mỹ, chỉ gởi ít tiền về cúng. Huỳnh hỏi mẹ vì sao bác không về, mẹ bảo gia đình bác cũng khó khăn lắm, mẹ về làm dâu thì hai bác đã đi Mỹ hơn chục năm rồi, chỉ nghe ba kể lại, một đêm khoảng năm 81, 82 gì đó, gia đình bác vượt biển bằng ghe qua Malaysia để từ đó qua Mỹ, do tối trời, hai bác lạc mất đứa con gái mới ba tuổi, ghe phải đi khẩn và lén lút, đành bỏ con lại. Bác gái từ đó sống thất thần trên đất Mỹ, bác trai chật vật mưu sinh nuôi vợ. Mẹ còn nói gia đình bên nội chỉ làm ăn buôn bán chẳng biết chính trị là gì nhưng bạn bè rủ rê, bác trai bồng bột nghe theo, dẫn đến cảnh tang thương như thế, âu cũng là số mệnh.

2. Chị gánh đậu hũ ngang qua nhà, vội vàng. Huỳnh gọi, chị lắc đầu bước nhanh. Chẳng hiểu lý do gì, Huỳnh khoác vội chiếc áo rồi lặng lẽ đi theo. Đến cuối con đường nhựa, chị gởi gánh đậu một nhà quen, ù chạy vào đường bê tông. Rất đông người đang tụ tập phía trước.

- Bà Mai chết rồi, bệnh kéo dài lâu quá!

- Chỉ tội con Xuân!

- Biểu con Xuân báo tin cho thằng Danh về lo tang mẹ nó!

Huỳnh lờ mờ hiểu ra rằng chị tên Xuân, có anh hay em trai là Danh, mẹ chị vừa mới mất sau nhiều năm bị bệnh, ai đó đã báo tin nên chị bỏ bán chạy về. Sẽ đến thắp hương cho bác và chia buồn cùng chị, nghĩ thế, Huỳnh lặng lẽ quay về nhà. Ngày mai, Huỳnh mua một bó hoa huệ trắng, một bó hương, bỏ vào bì một ít tiền, đi viếng tang. Đến đầu con hẻm đã nghe trống chiêng vang lên. Huỳnh thầm nghĩ vậy là đám cũng chu đáo. Chị Xuân ngỡ ngàng rồi bật khóc khi thấy Huỳnh, chị khóc vì trân quý tình cảm của một khách hàng thỉnh thoảng mới ăn chén đậu của nhà chị. Thắp hương vái lạy lúng túng vụng về, lễ xong một bà cụ mời Huỳnh ra bàn ngồi uống nước. Huỳnh lại lúng túng, mình cứ tưởng nhà chỉ có chị Xuân nên mới dám đến, ai ngờ...

- Thưa cụ, cụ là gì của chị Xuân ạ!

- Tôi là bà ngoại con Xuân. Còn mấy đứa kia là dì con Xuân, thằng kia là cậu con Xuân.

Mắt Huỳnh sáng rực lên, những tia mắt lấp lánh niềm vui, mình đã bi đát hóa cuộc đời chị Xuân quá rồi, chị còn cả đại gia đình đây mà, nhìn ngoại vẫn còn khỏe và có vẻ minh mẫn nữa. Xuân nghe ngoại giới thiệu, chạy lại ôm ngoại rồi thút thít khóc.

- Con cảm ơn ngoại, không có gia đình nhà ngoại thì đời mẹ con và cả đời con nữa chẳng biết ra sao...

Xuân nói vội để Huỳnh hiểu chuyện.

- Mẹ chị không biết cha mẹ mình là ai, cũng không biết quê quán là đâu nữa, may mà nhờ có ngoại nhận nuôi...

Bà cụ rót nước vào cái ly nhựa đẩy lại chỗ Huỳnh.

- Thời chiến tranh, 1967 thì phải, địch xúc dân từ các vùng nông thôn miền núi dồn về đây, lập khu dồn khu định cư gì đó, con Mai lúc đó chưa được 10 tuổi bị xúc xuống không có ai thân thiết, nhà tôi thương hại nên nhận về nuôi, là vậy đó!

Bà cụ nhìn vào ảnh của bà Mai rồi thở dài.

- Đời con Mai khổ trăm bề, ưng chi cái thằng Ranh lừa đảo, ra ở riêng sinh được thằng Danh thì bỏ mẹ con con Mai lại theo người khác.

Bà con hàng xóm đến viếng, ngoại bỏ Huỳnh đi tiếp khách.

- Thằng Danh không về hả bà? Đúng là đồ con bất hiếu!

Tiếng ai đó, giọng khó chịu. Bà nghe xong thở hắt, cái quân hút chích thì biết gì tình thân.

3. Đã một tuần rồi vắng tiếng rao quen thuộc “Đậu hũ nóng đây!” khiến Huỳnh cảm thấy buồn buồn nhớ nhớ. Rồi sẽ không còn được thấy chị thường xuyên nữa bởi Huỳnh đã xin được việc làm ở Sở Văn hóa. Trời xui đất khiến, anh chàng ngày xưa dắt Huỳnh vào cái quán lụp xụp ăn đậu hũ nóng cũng làm việc ở đây. Anh hốt hoảng, nói đúng hơn anh bất ngờ khi nhìn thấy Huỳnh.

- Ô! Huỳnh!

Huỳnh vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ.

- Nghe nói Tú đi du học nước ngoài sao lại ở đây?

- Mình cũng mới về được mấy tháng nay...

Hành lang khu làm việc đầy nắng, bóng hai người bạn vô tình quấn quýt lấy nhau. Tú không dám nhìn thẳng Huỳnh, chắc lời chia tay của Huỳnh vẫn còn khiến Tú e ngại.

- Huỳnh đã có gia đình chưa?

Huỳnh giả vờ không nghe rõ. Tú cười vui vẻ không nói gì, chỉ có lời của bóng, sao cuộc đời cô nàng may mắn thế!

Trên đường từ sở về nhà Huỳnh cứ luôn mỉm cười, nắng trưa không còn gay gắt như những ngày trước. Một đám đông đang xúm lại vây quanh ai đó. Xe chạy đến gần, Huỳnh hốt hoảng, trong vòng vây của đám đông là chị Xuân, Huỳnh dựng xe bên đường tiến về phía chị.

- Chị Xuân, có chuyện gì vậy?

- Con nhỏ này là ai mà dám can thiệp chuyện nhà người ta chứ? Đây là em gái tao, chỉ xin vài trăm rồi đi thôi, chẳng có chuyện gì đâu!

Được Huỳnh can thiệp kịp thời chị mừng lắm mặc cho đám đông bàn tán.

- Thằng Danh hết tiền mua thuốc hút nên mò về, mẹ chết rồi nên cứ bám lấy con Xuân, tội!

- Mà có anh với em chi đâu, thằng Danh là con bà Mai với ông Ranh, con Xuân chỉ là con nuôi.

Những câu không đầu không đuôi nhưng Huỳnh đã nghe đã hiểu, chị là con nuôi của bà Mai. Chị Xuân móc túi lấy ra bốn tờ năm chục đưa cho Danh.

- Chỉ có chừng đó, nhưng là lần cuối, tôi sẽ không cho anh đồng nào nữa đâu!

Thằng Danh, cầm mấy tờ bạc trước khi đi còn hù dọa. Ai đó lớn tiếng:

- Nể mặt bà Mai mới mất, mày còn mò về báo đời con Xuân thì dân xóm này không tha đâu!

Đám đông tan dần, chị Xuân gánh gánh đậu lên vai.

- Về nhà em nghỉ một chút nhé!

Chị gạt nước mắt lăn dài trên má, gật đầu.

Cổng nhà không đóng, chắc mẹ đã về. Chị Xuân đặt gánh đậu xuống, không chịu theo Huỳnh vào nhà, ngồi khóc ngon lành. Huỳnh mang ly nước cam vắt cho chị, mẹ Huỳnh theo con bước ra. Nghe tiếng chân người, chị ngước mắt nhìn lên, mẹ Huỳnh nhìn chị rồi nhíu mày, rồi lại nhìn vào khoảng không nào đó, rồi lại nhìn chị, đôi mắt ẩn chứa bao nhiêu nghi hoặc, trông quen lắm, nhưng không nhớ nổi.

- Con quê ở đâu?

- Con không cha không mẹ không biết quê của mình ở đâu nữa!

 Câu này Huỳnh đã nghe và lại được nghe, sao lại thế!

- Nghe mẹ kể lại, khi ông Ranh, chồng của mẹ bỏ đi, mẹ đi tìm, khi về xóm chài ở biển Hạ, mẹ thấy con đang nằm tím lịm ở một kẽ đá, mẹ không nỡ bỏ...

Chị òa khóc, nghẹn lời không nói được. Như nhớ ra điều gì đó mẹ chạy vào nhà, mang ra quyển album ảnh. Mẹ lật vội lật vội rồi dừng lại, mẹ thảng thốt.

- Sao giống y bác gái vậy trời? Lẽ nào...

Mẹ giục Huỳnh đưa chị vào nhà, chị không dám, cứ ngồi dưới mái hiên mà khóc. Mẹ nhìn chị hồi lâu mới nhỏ nhẹ hỏi.

- Nghe nói con có một cháu nhỏ?

- Dạ, đứa nhỏ là con nuôi của con, ai đó đem bỏ trước nhà, mẹ con bảo cứ nhặt nuôi, làm ơn làm phước!

Chị sực nhớ đến con, vội vàng đứng dậy, quệt nước mắt, quảy gánh đậu lên vai. Mẹ vẫn đứng như trời trồng, Huỳnh tiễn chị ra cổng. Cái bóng của Huỳnh xuất hiện, tiếng thì thầm nhưng nghe rất rõ: Xuân là chị con bác của Huỳnh đó, hãy dang tay mở lòng đón nhận.

Theo NGUYỄN BÁ HÒA (QNO)

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.