Vị trí thị trấn Majdal Shams. Ảnh: Đồ họa của AFP |
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết không muốn nhìn thấy cảnh tượng leo thang căng thẳng ở biên giới phía bắc của đồng minh Israel sau khi Tel Aviv cáo buộc Hezbollah tấn công rốc két vào một sân bóng ở thị trấn Majdal Shams, làm chết 12 trẻ em và thanh thiếu niên ở Cao nguyên Golan hôm 27/7.
Thị trấn Majdal Shams nằm trên khu vực Cao nguyên Golan mà Israel sáp nhập sau cuộc chiến năm 1967. Majdal Shams có hơn 11.000 dân, nhiều người trong số này vẫn giữ quốc tịch Syria sau nhiều thập kỷ Israel kiểm soát.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố sẽ "đáp trả mạnh mẽ kẻ thù" sau sự việc. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng cắt ngắn chuyến công du đến Mỹ để về nước sớm và triệu tập cuộc họp của nội các an ninh sau vụ tập kích sân bóng.
Bộ Ngoại giao Israel khẳng định quả đạn rơi vào sân bóng "là rocket do Iran sản xuất", khẳng định Hezbollah là lực lượng duy nhất trong khu vực "có loại rocket này trong kho vũ khí". "Israel sẽ thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình để tự vệ và sẽ đáp trả", cơ quan này tuyên bố. Tuy nhiên, Hezbollah đã lên tiếng phủ nhận trách nhiệm trong vụ này.
Cũng trong ngày 28/7, quân đội Israel đã đưa xe tăng thọc sâu vào những khu vực ở miền nam Gaza, cụ thể là 3 thị trấn Al-Karara, Al-Zanna và Bani Suhaila, phía đông Khan Younis.
Theo Al Jazeera, nhiều tiếng nổ được nghe thấy ở thành phố ven biển Tyre và một số ngôi làng dọc biên giới Israel – Lebanon.
Động thái quân sự này diễn ra trong bối cảnh giao tranh giữa Israel và Hamas diễn ra ác liệt ở phía đông thành phố Khan Younis. Giới chức y tế Gaza cho biết trong vòng 24 giờ tính từ chủ nhật, đã có 66 người Palestine thiệt mạng trong các vụ tấn công của Israel trên khắp Dải Gaza.
Những đợt tấn công mới của Israel đã đẩy thêm hàng ngàn gia đình tháo chạy để đến những khu vực vốn đông đúc dân tị nạn là Al-Mawasi ở phía tây và Deir Al-Balah ở phía bắc.
Đáp lại, Nasser Kanani, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran, ngày 28/7 cảnh báo "bất cứ hành động phiêu lưu quân sự mới nào của Israel tại Lebanon đều sẽ dẫn tới hậu quả không thể lường trước được".
''Mọi hành vi thiếu hiểu biết của Israel đều có thể mở rộng phạm vi bất ổn, mất an ninh và leo thang chiến sự trong khu vực", ông Kanani nói. "Israel sẽ phải chịu trách nhiệm về hậu quả và phản ứng không lường trước được cho hành vi ngớ ngẩn này".
Ông Kanani cáo buộc Israel đổ lỗi cho Hezbollah về vụ rocket rơi trúng sân bóng "nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của thế giới khỏi những gì họ làm" ở Dải Gaza.
Là tổ chức Hồi giáo Shiite, Hezbollh kiểm soát lực lượng vũ trang hùng mạnh nhất tại Lebanon. Tổ chức này thành lập đầu những năm 1980 bởi thế lực lớn nhất trong vùng là Iran, nhằm chống lại Israel.
Giao tranh qua biên giới Israel - Lebanon giữa Hezbollah và Israel diễn ra gần như mỗi ngày từ tháng 10/2023. Xung đột tại khu vực khiến 527 người ở Lebanon thiệt mạng, trong đó phần lớn là thành viên Hezbollah và ít nhất 104 thường dân. Giới chức Israel cho biết 18 binh sĩ và 24 thường dân nước này thiệt mạng.
Trước năm 1967, Cao nguyên Golan là một phần của tỉnh Quneitra của Syria, nơi sinh sống chủ yếu của cộng đồng người Arab Druze. Tuy nhiên, 2/3 lãnh thổ chiến lược của cao nguyên này đã bị Israel chiếm giữ trong cuộc Chiến tranh Sáu ngày năm 1967 và Chiến tranh Arab - Israel lần thứ tư năm 1973. Tel Aviv đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với khu vực này vào năm 1981, nhưng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bác bỏ tuyên bố này.